Nhiều địa phương ở Nghệ An vẫn 'nóng' đầu vào lớp 10 công lập

Mỹ Hà 25/05/2023 16:53

(Baonghean.vn) - Bức tranh tuyển sinh vào lớp 10 năm nay không quá khác biệt như các năm trước, khi vẫn “nóng” ở thành phố Vinh, các vùng trung tâm và khá nhẹ nhàng ở một số huyện miền núi Nghệ An.

“Căng” chỉ tiêu vào trường công lập

Nhận được phương án thi tuyển, xét tuyển vào lớp 10 mà Sở Giáo dục và Đào tạo vừa công bố, anh Hải Anh (phường Trường Thi - thành phố Vinh) có con chuẩn bị thi vào lớp 10 không khỏi lo lắng. Trước đó, khi so lực học 4 năm của con ở Trường THCS Trường Thi anh thấy lực học của con chỉ ở mức khá, nên gia đình anh đã định hướng cho con nộp hồ sơ vào Trường THPT Lê Viết Thuật với hy vọng sẽ trúng tuyển vào trường công lập. Tuy nhiên, hiện tại dù trường này chỉ có 630 chỉ tiêu nhưng lại có đến 1.176 hồ sơ đăng ký dự thi, tỷ lệ chọi cao hơn các năm trước và tỷ lệ trúng tuyển chỉ khoảng 53% khiến gia đình anh rất băn khoăn.

Trước số lượng hồ sơ đăng ký dự thi cao hơn dự kiến, gia đình anh cũng đã tính tới thay đổi nguyện vọng cho con sang một trường thấp hơn. Mặc dù vậy, điều này gần như không thể bởi các trường ở Vinh và các trường lân cận thành phố số lượng hồ sơ đăng ký cũng khá đông và không trường nào tuyển sinh nguyện vọng 2.

Việc đăng ký vào các trường công lập luôn là một lựa chọn khó khăn với học sinh thành phố Vinh. Ảnh: Mỹ Hà

Phụ huynh này cũng cho rằng, hiện Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ có khoảng 75% chỉ tiêu vào công lập nhưng có "mở" ra nhiều cơ hội khác cho các thí sinh vào các lớp tiên tiến tại 3 Trường THPT Lê Viết Thuật, THPT Hà Huy Tập và THPT Huỳnh Thúc Kháng.

Tuy vậy, nguyện vọng của các gia đình đó là cho con vào các lớp công lập vì học phí thấp, chất lượng học sinh tốt hơn và đỡ gánh nặng kinh tế cho nhiều gia đình.


Trên thực tế, điều mà anh Hải Anh và nhiều phụ huynh khác ở thành phố Vinh lo lắng là có cơ sở. Nhìn từ số lượng thí sinh đăng ký vào Trường THPT Thái Lão - ngôi trường của huyện Hưng Nguyên nhưng chỉ cách thành phố vài cây số có thể thấy rõ điều đó. Theo tổng hợp của trường này, năm nay có 621 hồ sơ đăng ký dự thi. Tuy nhiên, trong số này chỉ có khoảng 450 hồ sơ là của học sinh trên địa bàn của huyện, còn lại là từ các trường ở TP Vinh về đăng ký, trong đó Trường THCS Đội Cung có 18 em, Trường THCS Cửa Nam có 38 em, trường THCS của các phường Vinh Tân, Lê Lợi, Hưng Dũng, Lê Mao, Quang Trung có từ 3 - 9 học sinh mỗi trường.

Việc học sinh ở thành phố Vinh đăng ký thi tại trường chúng tôi đã diễn ra nhiều năm qua. Tuy nhiên, năm nay số lượng tăng đột biến khiến tỷ lệ chọi vào lớp 10 ở trường rất cao, gần 2 thí sinh lấy 1. Về khách quan, việc các em đăng ký là quyền theo quy định. Nhưng điều đó, sẽ có những khó khăn cho học sinh trên địa bàn và có thể khiến cho điểm trúng tuyển đầu vào cao hơn các năm trước.

Cô giáo Lưu Thanh Trà - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thái Lão cho biết:

Việc “nóng” tuyển sinh vào lớp 10 ở thành phố Vinh là điều đã được dự báo trước. Tuy vậy, năm nay dường như “nóng” hơn khi tỷ lệ trúng tuyển của các trường trên địa bàn đều thấp hơn các năm trước từ 5 - 10%, dù trước đó Sở Giáo dục và Đào tạo đã tăng chỉ tiêu cho các trường công lập ở Vinh với hơn 300 chỉ tiêu và tăng sĩ số ở mỗi lớp lên tối đa từ 42 - 45 học sinh/lớp.

Về công tác tuyển sinh năm nay của Trường THPT Lê Viết Thuật, thầy giáo Hoàng Minh Lương - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2023 - 2024, số lượng học sinh đăng ký ban đầu là 1.176 em, tăng hơn so với năm trước 150 em. Tuy nhiên, trường chúng tôi lại được tăng chỉ tiêu với 17 lớp, trong đó ngoài 14 lớp tuyển sinh truyền thống, 1 lớp tuyển sinh theo chứng chỉ IELTS, trường có 2 lớp theo chương trình tiên tiến. Như vậy, so với năm trước, chỉ tiêu của nhà trường đã tăng 125 em nên thực tế tỷ lệ tuyển sinh sẽ đạt khoảng 70%, cao hơn so với năm trước.

Hiệu trưởng Trường THPT Lê Viết Thuật cũng nói thêm: Tùy vào tình hình thực tế có thể có thí sinh thi xong thay đổi nguyện vọng, nhưng sự biến động này là không nhiều vì trước khi thi các thí sinh đã tìm hiểu khá kỹ dựa trên năng lực của bản thân.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh: Mỹ Hà

Tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, thầy giáo Phan Xuân Phàn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nay số lượng hồ sơ đăng ký vào trường tăng 62 em. Chỉ tiêu của nhà trường được tăng 42 em so với năm trước nên tính cạnh tranh không có nhiều sự khác biệt.

Đáng lưu ý, nếu như căn cứ theo số lượng hồ sơ nạp, về lý thuyết, tỷ lệ trúng tuyển của trường sẽ từ 48 - 50% nhưng thực tế sẽ có thể thay đổi, phụ thuộc vào số lượng học sinh đăng ký thi vào trường nhưng lại học ở các trường chuyên. “Năm nay các thí sinh được thay đổi nguyện vọng sau khi thi và số lượng học sinh đăng ký vào trường chuyên có thể từ 400 - 500 em. Vì vậy, tôi cho rằng, tỷ lệ trúng tuyển của trường có thể từ 80 - 85%. Tuy nhiên, vì chất lượng thí sinh đăng ký thi vào trường khá cao nên điểm trúng tuyển sẽ cao hơn các trường khác trong tỉnh”, thầy giáo Phan Xuân Phàn nói.

Khoảng cách vùng miền

Theo các phương án tuyển sinh vào lớp 10 của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm nay 70 trường công lập trên địa bàn tỉnh đều sử dụng hình thức thi tuyển vào lớp 10 do số lượng học sinh đăng ký dự thi cao hơn chỉ tiêu tuyển sinh của các trường. Mặc dù vậy, tỷ lệ trúng tuyển giữa các trường tốp đầu, các trường ở thành phố có sự chênh lệch khá lớn so với nhiều trường ở các huyện.

Như Trường THPT Tương Dương 1, năm nay theo kế hoạch của nhà trường sẽ tuyển 450 học sinh. Nhưng số lượng hồ sơ dự thi là 473 em, tỷ lệ trúng tuyển trên 95%. Trường THPT Mường Quạ (Con Cuông) tuyển sinh 168 học sinh nhưng chỉ có 192 hồ sơ. Trường THPT Yên Thành 2 có 504 chỉ tiêu nhưng chỉ có 514 hồ sơ. Thực tế cũng cho thấy, không những số lượng hồ sơ đăng ký dự thi thấp mà thực tế sau khi có kết quả số lượng học sinh đăng ký theo học cũng không nhiều, dù học sinh đã trúng tuyển, nhất là ở các huyện miền núi.

Học sinh Trường PT DTNT THCS Lưu Kiền (Tương Dương) đăng ký tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh: NTCC

Hiệu trưởng của một trường THCS trên địa bàn huyện Con Cuông cũng chia sẻ câu chuyện bất cập khi có những năm có đến hơn 40% học sinh của trường không đăng ký thi vào lớp 10. Trong khi đó, huyện lại giao chỉ tiêu cho trường phải vận động học sinh đi học.

Để đạt chỉ tiêu đề ra, nhà trường yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm sát sao học sinh, đưa học sinh đi thi, động viên các em không bỏ học…Sau khi hoàn thành chương trình lớp 9, nhà trường phải giữ chân học sinh ở trường cho đến ngày các em đi thi.


Sự khác biệt giữa miền ngược và miền xuôi cũng cho thấy một số bất cập trong công tác tuyển sinh vào lớp 10 năm nay. Điều đó, cũng lý giải vì sao, ở kỳ thi trước, rất nhiều học sinh thành phố đã đăng ký NV2, NV3 vào các trường miền núi để tăng cơ hội trúng tuyển. Năm nay, tình trạng này không xảy ra nhiều nhưng dự kiến sau khi thí sinh hoàn thành bài thi vào lớp 10, một số trường sẽ có sự biến động.

Thẻ dự thi cho các thí sinh thi vào lớp 10 đã được nhiều hội đồng thi chuẩn bị. Ảnh: Mỹ Hà

Nói về điều này, thầy giáo Dương Sơn - Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên (Nam Đàn) cho biết: Thời điểm này tỷ lệ chọi là 527 hồ sơ đăng ký /462 chỉ tiêu được giao. Tuy nhiên, tôi cho rằng, đến khi đổi nguyện vọng tỷ lệ này sẽ căng vì một bộ phận học sinh đăng ký dự thi vào Trường THPT Thái Lão sẽ chuyển sang đăng ký vào Trường THPT Kim Liên để dễ trúng tuyển.

Những điều chỉnh

Với những thực tế trên, Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay đã có những điều chỉnh. Đó là thay vì học sinh được thay đổi nguyện vọng sau khi các trường công bố tỷ lệ trúng tuyển thì nay học sinh có 4 ngày được thay đổi nguyện vọng sau khi đã hoàn thành bài thi. Điều này sẽ giúp học sinh chủ động hơn trong việc đăng ký đầu vào và tăng cơ hội để trúng tuyển vào các trường công lập.

Đối với thành phố Vinh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã mở thêm 4 lớp tiên tiến ở hai Trường THPT Lê Viết Thuật, THPT Hà Huy Tập để tháo gỡ tình trạng ít lớp, ít trường. Ngoài ra, năm nay, học sinh đăng ký vào lớp tiên tiến cũng dễ thở hơn với hai phương án xét tuyển đầu vào, đó là chứng chỉ Ngoại ngữ và điểm tuyển sinh lớp 10 thay vì tiêu chí “phải đậu một trường công lập” khá phiền toái như các năm trước.

Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn chuẩn bị hồ sơ cho thí sinh thi vào lớp 10. Ảnh: Mỹ Hà

Để tạo điều kiện cho các trường, nhất là ở các huyện miền núi cao, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cho phép các trường không tuyển đủ chỉ tiêu được tuyển sinh bổ sung căn cứ theo học bạ, kết quả học tập. Ở một số trường ngoài công lập, để giữ chân các học sinh, nhiều trường cũng có chính sách học bổng, ưu tiên tuyển sinh sớm đối với những học sinh đăng ký NV1 vào trường theo điểm học bạ. Nhờ những thay đổi này, việc phân luồng thí sinh cũng đã rõ ràng hơn và cuộc đua còn lại và các trường công lập phụ thuộc vào năng lực và điểm số của các thí sinh.

Mỹ Hà