Thông tin nổi bật tỉnh Nghệ An ngày 27/5

Quốc Sơn - Hữu Quân 27/05/2023 20:36

(Baonghean.vn) - Đại biểu Quốc hội Đoàn Nghệ An tham gia ý kiến vào dự thảo chuyên đề giám sát của Quốc hội và góp ý vào một số dự thảo luật sửa đổi, bổ sung; Chính phủ thống nhất không triển khai nhiệt điện tại xã Quỳnh Lập; Lái tàu, nhân viên đường sắt bị kiểm tra nồng độ cồn đột xuất…

* Sáng 27/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, dưới sự chủ trì của đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội.

Thảo luận về dự kiến các chuyên đề giám sát của Quốc hội trong năm 2024, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Minh Hiếu (Đoàn Nghệ An) bày tỏ đồng tình dự kiến 2 chuyên đề giám sát chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập; việc thực hiện các nghị quyết về chính sách phục hồi kinh tế - xã hội và một số dự án công trình quan trọng quốc gia.

Tuy nhiên, đối với chuyên đề giám sát về thị trường bất động sản, nhà ở xã hội và chuyên đề giám sát về trật tự, an toàn giao thông, vị đại biểu Đoàn Nghệ An cho rằng, cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động giám sát và hoạt động lập pháp.

Toàn cảnh phiên làm việc sáng 27/5 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh. Quang Khánh

* Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại các tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Phát biểu thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, ông Trần Nhật Minh - ĐBQH chuyên trách Đoàn Nghệ An đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình rõ hơn quy định tại dự thảo liên quan đến việc cấp trưởng phòng và tương đương ở các đơn vị thuộc cơ quan Bộ có chức năng, nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu, tham mưu, nghiên cứu, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ toàn lực lượng; Trưởng phòng tham mưu, nghiệp vụ, Trưởng Công an quận thuộc Công an Thành phố Hà Nội, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng Công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có cấp bậc hàm cao hơn một bậc quy định.

Cùng với đó, vị đại biểu Đoàn Nghệ An cũng đề nghị nên quy định tỷ lệ nhất định đối với kéo dài tuổi phục vụ của sĩ quan CAND, còn nếu quy định chung chung thì có thể xảy ra việc biên chế ở lại phục vụ nhiều, mặc dù đến tuổi nghỉ hưu.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 3 chiều 27/5. Ảnh: Phan Hậu

*Thủ tướng Chính phủ thống nhất không triển khai nhiệt điện than Quỳnh Lập I, II, Nghệ An. Đây là nội dung tại Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII).

Trước đó, cả 2 nhà máy đều được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thuộc Quy hoạch điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 tính đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII). Giai đoạn 1 được giao cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Tập đoàn TKV) làm chủ đầu tư, với tổng mức vốn đăng ký khoảng 2,2 tỷ USD, theo kế hoạch ban đầu, nhà máy đi vào vận hành năm 2020. Ngày 1/10/2015, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và UBND tỉnh tổ chức Lễ Động thổ Dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập I tại xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai. Tuy nhiên, từ đó đến nay dự án không được triển khai.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương dừng thực hiện Trung tâm Nhiệt điện Quỳnh Lập (bao gồm Nhiệt điện Quỳnh Lập I và Nhiệt điện Quỳnh Lập II) và đưa ra khỏi Quy hoạch điện VIII. Tỉnh đã có Văn bản số 975/UBND-CN ngày 8/12/2021 đề nghị Chính phủ cho phép chuyển 2 Dự án Nhiệt điện than Quỳnh Lập I, II thành Dự án điện khí LNG.

Vị trí Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 và Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 2 tại Khu Công nghiệp Đông Hồi, TX. Hoàng Mai (Nghệ An) trong Quy hoạch Điện VII. Ảnh tư liệu: P.V

* Với mục tiêu chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện, công nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu vi phạm nồng độ cồn, lực lượng Cảnh sát giao thông Nghệ An đã thường xuyên triển khai phương án kiểm tra đột xuất tại các ga, điểm gác chắn. Bởi vậy, nhiều lái tàu, nhân viên đường sắt ở Nghệ An bị kiểm tra nồng độ cồn đột xuất

Lực lượng cảnh sát giao thông tập trung kiểm tra việc chấp hành quy định về nồng độ cồn đối với đội ngũ nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu ở 9 vị trí chức danh được quy định theo Điều 35, Luật Giao thông đường sắt, gồm: Trưởng tàu; lái tàu, phụ lái tàu; nhân viên điều độ chạy tàu tuyến, tàu ga; trực ban chạy tàu ga; trưởng đồn; nhân viên gác ghi; nhân viên nối đầu máy, toa xe; nhân viên tuần đường; nhân viên gác đường ngang, cầu chung.

Việc kiểm tra nồng độ cồn trong giờ làm việc đối với nhân viên đường sắt là rất cần thiết. Ảnh: Đ.C

* Trước tình trạng một số cá nhân sử dụng xe ô tô từ 5 đến 7 chỗ ngồi (biển kiểm soát nền trắng) hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trái phép (xe dù), UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo tăng cường chấn chỉnh nhằm góp phần đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn.

Tại Công văn số 3465/UBND- CN ngày 8/5/2023 của UBND tỉnh về việc tăng cường chấn chỉnh công tác đảm bảo trật tự ATGT trong hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh gửi các sở, ngành, địa phương, nêu rõ: Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xuất hiện tình trạng một số cá nhân sử dụng xe ô tô từ 5 đến 7 chỗ ngồi (biển kiểm soát nền trắng) hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trái phép (xe dù), tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự an toàn giao thông, tránh nghĩa vụ nộp thuế, cạnh tranh không bình đẳng trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô.

UBND tỉnh giao các sở, ngành, địa phương triển khai một số nội dung nhằm chấn chỉnh tình trạng nêu trên.

Xe dù đón khách trước Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Ảnh tư liệu: T.H

* Theo yêu cầu của xã Đô Thành (Yên Thành), hàng nghìn hộ dân đã đóng 2,5 triệu đồng/hộ để được sử dụng nước sạch. Tuy nhiên, hơn 10 năm nay, một nửa số người dân trong xã vẫn dùng tạm nước mưa hoặc mua từng bình về dùng vì phần lớn nguồn nước từ giếng khoan đều bị ô nhiễm. Thực tế này đang xảy ra tại “xã giàu bậc nhất Nghệ An”.

Chị Thân bên những thau nước đã ố vàng sau thời gian đựng nước từ giếng khoan. Ảnh: Tiến Hùng

Quốc Sơn - Hữu Quân