Câu chuyện buồn dưới chân thành Kẻ Dền
(Baonghean.vn) - Là nơi thờ cúng 2 sĩ phu Cần Vương, 3 liệt sĩ hy sinh trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh cùng 2 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng... vậy nhưng, thửa đất này đang bị lấn chiếm một cách ngang nhiên. Chuyện buồn này xảy ra ở xã Văn Thành (Yên Thành) khiến cho nhiều người không khỏi chạnh lòng.
Gia đình giàu truyền thống ở vùng đất Kẻ Dền
Mới đây, khi tra cứu thông tin về dòng họ, đồng thời tìm về Khu Di tích Tràng Kè (xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành), nhìn danh sách 3 liệt sĩ trong gia đình hy sinh cùng một ngày (30/4/1931) và nghĩ về câu chuyện gia đình ông Nguyễn Văn Hoàng, trú tại xóm Văn Yên, xã Văn Thành (Yên Thành), đã gửi đơn kiến nghị nhiều nơi về việc bị lấn chiếm đất thờ tự các liệt sĩ hy sinh trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, khiến chúng tôi cũng cảm nhận được nỗi uẩn ức mà họ đang phải trải qua.
Lật mở hồ sơ Di tích nhà thờ Nguyễn Gia đại tôn (nhà thờ đại tôn của gia đình ông Nguyễn Văn Hoàng), tại xóm Văn Yên, xã Văn Thành, hiện đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, chúng tôi được biết, đây là một dòng họ khoa bảng, và những cá nhân được thờ tự tại nhà thờ đại tôn hay nhà thờ chi trong khuôn viên gia đình ông Nguyễn Văn Hoàng, đều là những người từng đỗ đạt cao trong thời phong kiến, hoặc có nhiều đóng góp cho phong trào cách mạng của dân tộc.
Theo đó, ông tổ của dòng họ tại xã Văn Thành là Nguyễn Gia Nghi, người gốc làng Hữu Ngạn, huyện Siêu Loại, phủ Thuận Thành (Bắc Ninh), sinh khoảng thập niên 90 của thế kỷ XVII. Ông là con trai của Thắng Lễ hầu Nguyễn Vỹ, người từng giữ chức Kim Ngô vệ Chỉ huy ty Đô chỉ huy sứ dưới thời nhà Lê. Lớn lên Nguyễn Gia Nghi thi đỗ và được bổ nhiệm làm quan dưới triều Lê Thuần Tông (1732-1735), phong tới chức Tán trị công thần, sau thăng lên chức Đô chỉ huy sứ.
Dưới thời Vua Lê - Chúa Trịnh, Nguyễn Gia Nghi đã xin cáo quan về hưu, sau đó đưa gia quyến vào mảnh đất Kẻ Dền (thuộc xã Văn Thành ngày nay) lập nghiệp. Kẻ Dền cũng là mảnh đất gắn với thành Kẻ Dền, từng 2 lần được chọn làm nơi đóng lỵ sở của Châu Diễn (triều Tiền Lê 980-1009 và triều Trần 1269-1400).
Di tích Tràng Kè (xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành), nơi từng chứng kiến 72 liệt sĩ trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh bị giặc Pháp sát hại, trong đó có 3 người thân trong gia đình ông Nguyễn Văn Hoàng. Ảnh: Tiến Đông |
Trong bộ hồ sơ di tích còn nhắc đến cụ Nguyễn Văn Tường (ông tổ đời thứ 5), hiện đang được thờ tự tại gia đình ông Nguyễn Văn Hoàng. Cụ Nguyễn Văn Tường vào năm 30 tuổi (1864) đã đậu Cử nhân kỳ thi hương khoa Giáp Tý vào năm Tự Đức thứ 17 tại trường thi Nghệ An vào loại Xuất sắc. Sau đó, cụ được bổ làm quan Huấn đạo ở Hà Đông. Khi thực dân Pháp đem quân xâm chiếm nước ta, trước tư tưởng của phái chủ hoà, cụ đã viết sớ tấu can ngăn nhà Vua, dù tức giận nhưng Vua Tự Đức phải kính nể và khâm phục trước tài năng nên đã triệu cụ Nguyễn Văn Tường về làm quan huấn đạo huyện Thủy Đường ở Huế để dễ bề kiểm soát. Trong suốt thời gian làm việc ở đây, cụ có quan hệ mật thiết với những chí sĩ yêu nước có cùng tư tưởng chống Pháp.
Tuy nhiên, biết Vua Tự Đức vẫn tìm cách theo dõi và khống chế các hoạt động của mình, cụ Tường đã cáo quan về quê và cùng với người em Nguyễn Sinh Dương của mình lên vùng núi Đạo Đồng (xã Quang Thành ngày nay) lập trại, khai hoang làm ruộng, tuyển mộ dân binh, tích trữ lương, chờ thời cơ khởi nghĩa. Khi Vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương và cụ Nguyễn Xuân Ôn được phong giữ chức “An Tĩnh hiệp đốc quân vụ đại thần”, cụ Tường cùng em trai đã kết nối với nghĩa quân của cụ Nguyễn Xuân Ôn ở đại đồn Đồng Thông (xã Đồng Thành ngày nay), tổ chức kháng chiến chống thực dân Pháp.
3 tấm bằng Tổ quốc ghi công hiện được đặt trong nhà thờ tại thửa đất của gia đình ông Nguyễn Văn Hoàng. Ảnh: Tiến Đông |
Tham gia phong trào Cần Vương được một thời gian thì nghĩa quân bị thực dân Pháp đàn áp, cụ Nguyễn Văn Tường lúc này giữ chức “Đốc vận binh lương” của nghĩa quân đã bị giặc bắt giải về tỉnh lỵ và bị sát hại vào cuối năm 1888. Một thời gian sau, cụ Nguyễn Sinh Dương cũng qua đời, cùng sự thất bại của phong trào Cần Vương.
Dù cụ Tường và cụ Dương thất bại trong phong trào Cần Vương nhưng những người cháu của các cụ là Nguyễn Quốc Linh (SN 1894), Nguyễn Quốc Lung (SN 1897) - là anh em ruột, cùng Nguyễn Quốc Hinh (SN 1900) - anh em con chú con bác với ông Linh và ông Lung, cũng đã trưởng thành và tiếp bước con đường cách mạng của ông, cha. Tháng 10/1930, ông Nguyễn Quốc Linh đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Đến cuối năm 1930, cả ông Lung và ông Hinh cũng lần lượt được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng.
Trong nhà thờ còn thờ tự 2 Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thại và Nguyễn Thị Kinh. Ảnh: Tiến Đông |
Trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931, trong lúc làm nhiệm vụ cả 3 ông không may bị địch bắt và đem về xử bắn tại khe Đập Làng (nay là Tràng Kè, xã Mỹ Thành). Đây cũng là nơi thực dân Pháp và tay sai tổ chức xử bắn 72 chiến sĩ cách mạng từ ngày 7/11/1930 đến tháng 9/1931, chủ yếu là những người con của vùng đất Nam Đàn, Đô Lương, Yên Thành, nhằm thị uy và dập tắt ý chí phản kháng của nhân dân.
Đến Khu Di tích Tràng Kè, nơi tưởng niệm 72 liệt sĩ đã bị giặc Pháp sát hại trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, một ngày gần đây, nhìn lên tấm bia ghi danh, chúng tôi không khỏi bồi hồi, xúc động trước sự hy sinh của các liệt sĩ cho phong trào cách mạng của dân tộc ở buổi đầu Đảng còn non trẻ. Càng xúc động hơn khi biết được cả 3 anh em trong một gia đình đi làm cách mạng đã bị xử bắn cùng ngày (30/4/1931). Tưởng tượng những người mẹ, người vợ, người thân trong gia đình ngày ấy khi biết tin chồng, con, anh em mình bị thực dân Pháp xử bắn công khai để thị uy, để đàn áp ngọn lửa cách mạng đang sục sôi thì sẽ như thế nào?
Ông Nguyễn Quốc Anh (bố của ông Nguyễn Văn Hoàng và là con trai của liệt sĩ Nguyễn Quốc Linh), cũng tham gia hoạt động cách mạng từ sớm. Sau này ông được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An công nhận thời gian hoạt động cách mạng trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Ảnh: Tiến Đông |
Về sau, bà Nguyễn Thị Kinh (mẹ của ông Hinh) và bà Nguyễn Thị Thại (mẹ của ông Linh và ông Lung), đều đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Ngoài ra, người con trai của liệt sĩ Nguyễn Quốc Linh là ông Nguyễn Quốc Anh (bố của ông Nguyễn Văn Hoàng), về sau cũng tích cực tham gia hoạt động cách mạng trước năm 1945. Ngày 1/4/2015 đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An ban hành Quyết định công nhận là người tham gia hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Trong đó, từ tháng 8 năm 1945 ông Nguyễn Quốc Anh giữ chức vụ Bí thư Việt Minh làng Trung, làng Thượng.
Trên tấm bia ghi danh các liệt sĩ tại Khu Di tích Tràng Kè có tên các ông Nguyễn Quốc Linh, Nguyễn Quốc Lung và Nguyễn Quốc Hinh. Ảnh: Tiến Đông |
Trên tấm bia ghi danh tại Tràng Kè, ngay trong ngày 30/4/1931 ngoài việc xử bắn 3 ông Nguyễn Quốc Linh, Nguyễn Quốc Lung và Nguyễn Quốc Hinh còn có cụ Phan Văn Thố cũng là người xã Văn Thành (trên tấm bia hiện ghi nhận có 5 người quê xã Văn Thành bị xử bắn tại Tràng Kè). Đây cũng là điều mà người dân xã Văn Thành lâu nay luôn tự hào về tinh thần cách mạng của quê hương mình.
Đến câu chuyện buồn vì bị lấn chiếm đất
Đáng buồn hơn khi thời điểm hiện tại, khuôn viên nhà thờ, nơi thờ tự 2 nghĩa sĩ Cần Vương, 3 liệt sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh và 2 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng mà ông Nguyễn Văn Hoàng (cháu nội của liệt sĩ Nguyễn Quốc Linh), quản lý đang bị lấn chiếm. Điều này cũng đã được Báo Nghệ An phản ánh trong những số báo gần đây.
Khu đất là nơi thờ tự các bậc tiền nhân trong gia đình ông Nguyễn Văn Hoàng đang bị lấn chiếm. Ảnh: Tiến Đông |
Cụ thể, Báo Nghệ An điện tử số ra ngày 1/4/2023 đăng bài “Vụ mất đất hương hỏa tại xã Văn Thành (Yên Thành): Lấn cả đất của gia đình người có công với cách mạng?” và bài “Vụ lấn chiếm đất ở Yên Thành: Chính quyền địa phương đã làm tròn trách nhiệm?”, đăng ngày 17/5/2023 phản ánh câu chuyện gia đình ông Nguyễn Văn Hoàng phải gửi đơn khắp nơi để “đòi” lại đất thờ tự các bậc tiền nhân của gia đình, dòng họ đang bị lấn chiếm.
Theo ông Hoàng, thửa đất nơi dựng nhà thờ của dòng họ đã có từ lâu đời, đến ông Hoàng là đời thứ 7. Năm 1995 khi Nhà nước có chủ trương cấp Giấy CNQSDĐ cho người dân, gia đình ông Hoàng đã được cấp quyền sử dụng đất, trong đó ghi là 200m2 đất ở và 680m2 đất vườn. Đến năm 2007 khi Nhà nước tổng kiểm tra tài nguyên đất đai trong cả nước đã đo đạc lại theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật thửa đất số 765 có diện tích 1.076m2. Năm 2013 khi Nhà nước cấp lại Giấy CNQSDĐ thì diện tích được thể hiện là 1.076m2.
Ban đầu thửa đất của gia đình ông Hoàng (có số hiệu 428), nằm cách thửa đất của gia đình ông Thản (số hiệu 436), ở giữa là thửa đất 437 (được bôi đỏ) của ông Xứng, bà Tiu. Tuy nhiên, hiện nay sau khi đã chiếm đất của ông Xứng, bà Tiu, gia đình ông Thản lại lấn tiếp sang đất của ông Hoàng. Ảnh: Tiến Đông |
“Nguyên gốc ban đầu, thửa đất của tổ tiên chúng tôi để lại, phía Tây giáp với đất của ông Nguyễn Văn Xứng và bà Nguyễn Thị Tiu (được thể hiện trong bản đồ 299), sau khi ông Xứng và bà Tiu mất, đã bị ông Nguyễn Văn Thản lấn chiếm, khiến cho thửa đất của gia đình chúng tôi trở thành giáp với đất của ông Nguyễn Văn Thản. Trong thời gian tôi đi công tác xa nhà, chủ yếu là đi làm nhiệm vụ tại các Đại sứ quán, ở nhà, gia đình ông Thản đã ngang nhiên chặt hàng cây duối cổ thụ có từ lâu đời, rồi lấn chiếm sang đất của gia đình tôi 72m2” - ông Hoàng cho biết.
Khi Tòa án nhân dân đã bác đơn thì chúng tôi biết trông cậy vào đâu...
Cũng theo ông Hoàng, căn cứ để xác định gia đình ông Thản lấn đất là tờ bản đồ 299. Theo bản đồ 299, thửa đất của ông Nguyễn Văn Thản có số hiệu 436 diện tích 260m2. Sau khi bao chiếm phần đất của gia đình ông Xứng, bà Tiu, thửa đất này đã tăng lên thành 501m2 (mang số hiệu 764 theo bản đồ địa chính số 19). Vào năm 2021, khi gia đình ông Hoàng mời Văn phòng ĐKQSDĐ chi nhánh Yên Thành về đo đạc lại thì thửa đất của gia đình ông Thản tiếp tục tăng lên 573,9m2, trong đó, có hơn 72m2 được cho là lấn sang đất của gia đình ông Hoàng. Vậy nhưng, vấn đề này lại không được chính quyền địa phương xử lý dứt điểm, mặc nhiên để cho tồn tại. Chính điều này đã khiến cho ranh giới thửa đất của gia đình ông Hoàng từ chỗ giáp với đất của ông Xứng, bà Tiu đã trở thành giáp với đất của gia đình ông Thản.
Ông Nguyễn Văn Hoàng trình bày những bức xúc của gia đình với phóng viên Báo Nghệ An. Ảnh: Tiến Đông |
Điều khiến gia đình ông Hoàng cảm thấy buồn chính là cách xử lý của chính quyền địa phương. Đặc biệt, chính quyền địa phương sau 1 lần hoà giải không thành đã hướng dẫn gia đình ông Hoàng làm đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân các cấp. Tuy nhiên, cả phiên sơ thẩm tại Tòa án nhân dân huyện Yên Thành và phiên phúc thẩm tại Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An, gia đình ông Hoàng đều bị bác đơn. “Khi Tòa án nhân dân đã bác đơn thì chúng tôi biết trông cậy vào đâu” - ông Hoàng thở dài.
Ngày mất của 3 liệt sĩ Nguyễn Quốc Linh, Nguyễn Quốc Lung và Nguyễn Quốc Hinh cũng đã qua (30/4). Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) cũng gần đến. Để ghi công và đền đáp công ơn các thế hệ cha, anh đã hy sinh quên mình vì Tổ quốc, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và lãnh đạo thực hiện đầy đủ, có hiệu quả những chủ trương, chính sách, chế độ ưu đãi đối với những người có công với đất nước và phát động phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, huy động sức mạnh tổng hợp của từng địa phương tổ chức nhiều việc làm hay, mô hình tốt chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng... Thế nên, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn, có những giải pháp để sớm giải quyết dứt điểm vấn đề này. Tránh việc để gia đình có công với cách mạng phải buồn lòng, gửi đơn “kêu cứu” khắp nơi như hiện nay.