Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023: Thầy, trò Nghệ An tổ chức học, ôn thi thực chất sát đối tượng

Mỹ Hà 13/06/2023 10:47

(Baonghean.vn) - Kỳ thi tốt nghiệp THPT được thực hiện với mục đích kép là xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Với bất cứ mục đích nào thì tạo nền tảng kiến thức vững chắc cho học sinh vẫn là nhiệm vụ hàng đầu được các nhà trường chú trọng, quan tâm.

Học sinh trường nghề tự tin “vượt khó”

Những ngày này, gần 300 học sinh lớp 12 của Trường Cao đẳng nghề số 4 – Bộ Quốc Phòng đang trong thời điểm nước rút để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 năm 2023. Ngoài tập trung ôn thi để xét tốt nghiệp, hàng chục học sinh cũng đang nỗ lực ôn tập để chuẩn bị tâm thế xét tuyển vào các trường đại học.

Với chương trình học được rút ngắn xuống còn 7 môn, lợi thế của học văn hóa ở các trường nghề đó là hoàn thành sớm chương trình trước 1 học kỳ. Vì lẽ đó, những tháng cuối cùng của năm học, học sinh khối 12 có toàn bộ thời gian để ôn tập một cách kỹ lưỡng.

Học sinh Nghệ An tham dự Kỳ thi thử tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Mỹ Hà

Nguyễn Thị Ngọc Quyên – lớp 12E từng là cựu học sinh ở một trường công lập ở thành phố Vinh. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, em từng nghỉ học đi làm một thời gian và sau đó quyết tâm đi học lại để có tấm bằng tốt nghiệp THPT. Quyết định đăng ký vào học tại Trường Cao đẳng nghề số 4 – Bộ Quốc phòng, Quyên vừa học văn hóa và đăng ký học nghề thiết kế đồ họa.

Nữ sinh này cũng bộc lộ nhiều năng khiếu về văn hóa, văn nghệ và tham gia tích cực các phong trào của nhà trường. Em cũng là học sinh thuộc hệ phân luồng đầu tiên được bầu vào Ban chấp hành đoàn trường. Ở tuổi ngoài 20, dù muộn, nhưng Quyên vẫn đang nuôi ước mơ để thi đậu vào Trường Đại học văn hóa nghệ thuật Quân đội. Ở những kỳ thi thử gần đây, Quyên là một trong những học sinh có điểm thi cao nhất trường.

Nói về dự định của mình, Quyên chia sẻ: Trước mắt, mục tiêu của em là thi tốt nghiệp thật tốt và sau đó lấy kết quả để xét tuyển vào trường đại học. Em nghĩ, với thí sinh dự thi khối C, ngoài kiến thức ở trường, mình cần chăm chỉ, đọc kỹ các kiến thức trong sách giáo khoa và luyện kỹ tất cả các đề mà cô giáo đã ra sẽ có nhiều cơ hội đạt điểm cao.

Giờ ôn tập của học sinh Trường Cao đẳng nghề số 4 - Bộ Quốc phòng. Ảnh: Mỹ Hà

Gần 300 học sinh đang theo học thuộc hệ phân luồng ở Trường Cao đẳng nghề số 4 – Bộ Quốc phòng, mỗi em có một hoàn cảnh. Trong số này, có trường hợp vì học lực kém, trung bình nên được định hướng sang học nghề. Nhưng cũng có những trường hợp như Quyên, sau một thời gian học văn hóa lại có quyết định sẽ đăng ký thi vào trường đại học.

Gần 10 năm tham gia công tác giảng dạy môn Ngữ văn và ôn thi lớp 12 với học sinh nhà trường, cô giáo Trần Thị Hồng Sương cho rằng: Môi trường dạy học ở trường nghề khác nhiều với các trường phổ thông và đối tượng học sinh theo học cũng có khác biệt, nhất là về năng lực. Chính vì lẽ đó, trong quá trình dạy học, điều đầu tiên của giáo viên đó là phải rèn luyện cho các em ý thức, tính kỷ luật. Song song với đó, các giáo viên cũng phải quan tâm đến dạy văn hóa, dạy nghề, động viên khuyến khích những học sinh có năng lực để các em tiếp tục thi tuyển vào đại học.

Buổi học Tiếng Anh của học sinh Trường THPT Ngô Trí Hòa. Ảnh: Mỹ Hà

Để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, cô giáo Trần Thị Hồng Sương nói thêm: Hầu như năm nào chúng tôi cũng có những học sinh thuộc đối tượng đặc biệt, nhiều em thuộc diện trí tuệ kém phát triển. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi không thể tách riêng từng lớp mà phải tổ chức học chung với các bạn. Vì vậy ở trường chúng tôi, không thể sử dụng một giáo án với tất cả học sinh mà tùy theo từng đối tượng lại sử dụng phương án và giáo án khác nhau.

Ví dụ, trong lớp vừa có học sinh khá, vừa có học sinh trung bình, vừa có học sinh yếu, có thể các em cùng luyện một đề nhưng phương pháp lại khác biệt. Nhóm khá các em sẽ làm đề hoàn thiện, nhóm trung bình tập trung những kiến thức cơ bản nhất. Trong khi đó, nhóm còn lại, có những em không nói được, rối loạn về ngôn ngữ thì mục tiêu của các em này chỉ đạt điểm tốt nghiệp.

"Đối với nhóm này, tôi phải bám vào ma trận đề, cho các em giải ở những phần dễ nhất, ở mức thông hiểu và nhận biết. Ngoài dạy các giờ chính khóa trên lớp, ngoài giờ chúng tôi sẽ ở lại để bổ túc kiến thức cho các học sinh yếu kém. Riêng với khoảng 35% học sinh đăng ký thi đại học, chúng tôi tổ chức nhiều kỳ thi thử, tăng cường luyện đề để các em hoàn thiện các kỹ năng làm bài tốt nhất trước kỳ thi chính thức diễn ra", cô giáo Trần Thị Hồng Sương nói.

Ôn tập sát đối tượng

Chỉ còn hơn 2 tuần nữa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ chính thức được diễn ra. Trong giai đoạn nước rút này, ngoài việc luyện tập trung ôn tập thì việc phân loại thí sinh để ôn thi theo từng đối tượng đang được nhiều trường thực hiện với mục tiêu 100% học sinh đều đậu tốt nghiệp.

Tiết học ôn của học sinh lớp 12 - Trường THPT Ngô Trí Hòa. Ảnh: Mỹ Hà

Tại ngôi trường ngoài công lập - Trường THPT Ngô Trí Hòa (huyện Diễn Châu), hiện có hơn 300 học sinh lớp 12 và đa phần đều đăng ký thi theo tổ hợp môn Khoa học xã hội. Qua trao đổi với thầy giáo Võ Thanh Bình – Phó Hiệu trưởng nhà trường, được biết: Không phải đến thời điểm này, chúng tôi mới phân hóa thí sinh mà chúng tôi đã rà soát từ đầu năm học và tổ chức ôn thi theo các tổ hợp mà các em đã đăng ký từ trước, dạy học thêm vào các buổi chiều. Riêng từ đầu tháng 5 đến nay, chúng tôi tổ chức luyện đề cho học sinh và sẽ kéo dài đến sát ngày thi để các em không bị gián đoạn việc học và ôn tập. Tất cả các lớp đều có nhóm zalo để giáo viên hàng ngày chuyển đề vào nhóm để học sinh luyện thêm ở nhà và hỗ trợ học sinh ngoài thời gian lên lớp.

Đến thời điểm này, Trường THPT Ngô Trí Hòa cũng đã 3 lần tổ chức thi thử cho học sinh. Qua thực tế điểm số đã được công bố, Tiếng Anh vẫn là môn có chất lượng kém nhất với điểm trung bình toàn trường đang dưới 3 điểm. Để đảm bảo học sinh không có điểm chết, nâng cao mức điểm trung bình, Tiếng Anh đang là môn học được quan tâm nhiều nhất.

Thời điểm này các trường học đang tập trung ôn luyện đề cho học sinh. Ảnh: Mỹ Hà

Qua trao đổi, cô giáo Lê Thị Lan Anh – giáo viên Tiếng Anh cho biết: Trường chúng tôi đầu vào rất thấp, thậm chí nhiều em không tham gia thi tuyển vào lớp 10, các em bị mất gốc từ lớp dưới. Vì vậy, để đặt mục tiêu điểm Tiếng Anh đạt 5 điểm là rất khó khăn vì các em chủ yếu chỉ học ở trường, không tham gia học thêm và nhiều em ý thức tự giác chưa cao. Trong những tuần qua, ngoài củng cố kiến thức trong sách giáo khoa, giúp các em nắm vững ngữ pháp cơ bản, chúng tôi vẫn đang cố gắng luyện đề thường xuyên để các em có thể làm thông thạo phần nhận biết, thông hiểu. Trong khi đó, với các mức độ từ vận dụng, nâng cao trở lên các em đa phần đều không làm được.

Ở môn Toán, thầy giáo Lê Đình Cúc cho biết: Dù đã tổ chức ôn thi cho học sinh từ rất sớm, nhưng chúng tôi chủ yếu ôn lại cho các em các kiến thức cũ, làm sao các em nắm chắc những kiến thức cơ bản, làm được các dạng bài ở mức độ nhận biết thông hiểu. Một số học sinh khá hơn, chúng tôi có các dạng bài ở mức vận dụng nhưng không nhiều. Mục đích chúng tôi đặt ra là các em sẽ làm tốt 40/50 câu của đề thi và làm đến đâu chắc đến đó, không để mất điểm ở những câu đơn giản.

Không chỉ ở những trường đặc thù như trường dạy nghề, trường ngoài công lập, ở các huyện miền núi cao, nhiều nhà trường cũng đang khắc phục khó khăn về thời tiết, về điều kiện học tập, về thiếu điện để giúp học sinh lớp 12 sớm về đích, trong đó mục tiêu đầu tiên là đậu tốt nghiệp.

Tại Trường THPT Quỳ Châu, năm nay trường có 446 thí sinh đăng ký dự thi. Do đặc thù của trường là học sinh ở xa, hoàn cảnh khó khăn nên khoảng 80% học sinh ở lại phòng trọ để ôn thi. Để hỗ trợ cho học sinh, nhà trường tổ chức ôn tập theo chương trình cho các em vào buổi sáng, buổi chiều các em tự học. Buổi tối, các tổ bộ môn cử giáo viên đến phụ đạo miễn phí thêm cho các em ở lớp vào tất cả các ngày trong tuần. Trong thời gian này, dù nhiều buổi tối mất điện, lớp học không có đèn, có quạt nhưng thầy và trò vẫn nán lại để ôn luyện đề, chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng sắp tới.

Dù khó khăn, vất vả nhưng chúng tôi luôn động viên giáo viên, học sinh cùng cố gắng. Nhà trường cũng sẽ duy trì việc tổ chức dạy học đến sát ngày thi. Thứ nhất là để giữ chân học sinh ở lại nhà trường, duy trì nề nếp học tập; thứ hai là để các em được bổ sung kiến thức một cách tối đa và tạo tâm thế tốt nhất để các em bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT bình tĩnh, tự tin và làm bài hiệu quả.

Thầy giáo Cao Thanh Lưu – Hiệu trưởng trường THPT Quỳ Châu

Mỹ Hà