Đường băng cản lửa rừng ở nhiều xã trên địa bàn Nghệ An còn thiếu và yếu

Văn Trường 15/06/2023 07:27

(Baonghean.vn) - Đường băng cản lửa là phương pháp hữu hiệu nhất được sử dụng để khống chế và kiểm soát cháy rừng. Nhưng lâu nay, có nhiều xã trên địa bàn Nghệ An chưa duy tu đường băng cản lửa, khiến công tác cứu chữa khi xảy ra cháy rừng rất khó khăn.

Clip: Văn Trường

Đường băng cản lửa là khoảng "trống/trắng" ngăn cách các khu rừng với nhau. Khoảng trống này có tác dụng ngăn ngọn lửa cháy lan khi rừng bị cháy. Có hai loại đường băng cản lửa là băng trắng và băng xanh. Đường băng trắng là những khoảng trống đã được thu dọn hết cây cỏ, thảm mục và được cuốc hay cày lật đất nhằm ngăn cản lửa rừng khi xảy ra cháy. Đường băng xanh được trồng cây hỗn giao, chọn những loài cây có khả năng chịu lửa tốt, phân chia rừng thành các lô nhằm ngăn cản cháy lớn, cháy lan.

Đối với địa bàn Nghệ An, hiện nay chỉ mới có các đơn vị chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng hàng năm thực hiện công tác duy tu, sửa chữa đường băng trắng cản lửa. Cụ thể, duy tu các đường băng phụ có chiều rộng từ 10-12 mét, đường băng chính 15-17 mét. Còn lại hầu hết các xã trên địa bàn còn thiếu đường băng cản lửa do chưa được duy tu, hoặc xây dựng đường băng mới.

Một số diện tích đường băng cản lửa ở huyện Diễn Châu chưa được duy tu, thực bì mọc tốt um tùm. Ảnh: Văn Trường

Tại địa bàn huyện Diễn Châu có diện tích rừng thông lớn nhưng chỉ một số ít có đường băng cản lửa, còn lại hầu hết các xã trên địa bàn chưa thực hiện tu sửa. Có mặt tại các cánh rừng xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu những ngày này, thấy hầu hết thực bì dưới tán rừng thông chưa được xử lý, đặc biệt là hệ thống đường băng cản lửa nơi đây lâu nay bị thực bì mọc um tùm che lấp.

Đại diện UBND xã Diễn Phú chia sẻ: Chúng tôi cũng biết đường băng cản lửa có tác dụng rất lớn trong việc khoanh vùng và dập tắt đám cháy, chống cháy lan ra các khu vực xung quanh, tuy nhiên do khó khăn về kinh phí nên đến nay xã chưa có điều kiện để tu sửa đường băng cản lửa. Những năm qua, xã thực hiện công tác phòng là chính, như cử các lực lượng canh gác, kiểm soát ở các cửa rừng nhằm phát hiện xử lý kịp thời khi xảy ra sự cố.

Đại diện Hạt Kiểm lâm huyện Diễn Châu cho biết: Địa bàn huyện Diễn Châu có trên 6.000 ha rừng thông, từ năm 2008, dự án nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng đã hỗ trợ kinh phí cho huyện Diễn Châu làm được khoảng trên 40 km đường băng cản lửa. Tuy nhiên từ đó đến nay, do khó khăn về kinh phí nên hệ thống đường băng cản lửa do các xã quản lý hầu như chưa có điều kiện được tu sửa.

Bổi khô dưới tán rừng thông ở xã Diễn Phú (Diễn Châu) nguy cơ cháy rừng cao. Ảnh: Văn Trường

Thực tế cho thấy, nhiều xã trên địa bàn huyện Diễn Châu chưa có các đường băng ở các tiểu khu, đường băng nội vùng, liền vùng liền khoảnh.

Những năm 2020, 2021, địa bàn huyện Diễn Châu xảy ra các vụ cháy rừng lớn tại các xã Diễn Lợi, Diễn An, Diễn Phú… Mặc dù huyện huy động lực lượng chữa cháy rừng khá lớn, nhưng do không có hệ thống đường băng cản lửa, nên lửa rừng lan nhanh, công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn, cháy rừng gây hậu quả nghiêm trọng.

Cũng nằm trong tình trạng trên, địa bàn huyện Yên Thành có khá nhiều xã chưa duy tu được đường băng cản lửa. Như tại xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành giáp ranh với xã Hoà Sơn, huyện Đô Lương là điểm nóng thường xảy ra cháy rừng, do chưa duy tu làm được đường băng nên khi xảy ra cháy rừng, lửa cháy lan từ huyện này sang huyện khác rất khó cứu chữa.

Ông Phạm Công Hùng - Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành cho biết: Xã có trên 200 ha rừng thông (do xã quản lý), từ đầu mùa khô năm 2023, huyện Yên Thành hỗ trợ 25 triệu đồng, xã đã giao cho lực lượng dân quân làm được khoảng trên 500 mét đường băng cản lửa có chiều rộng 10 mét, hiện còn trên 2,5 km đường băng chưa được xử lý.

Do chưa được duy tu đường băng cản lửa nên vụ cháy rừng đầu tháng 5/2023 ở xã Thượng Sơn (Đô Lương) công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Văn Trường

Đại diện Hạt Kiểm lâm huyện Yên Thành cho biết thêm: Địa bàn huyện Yên Thành có trên 1.000 ha diện tích rừng thông, ngay từ đầu mùa nắng nóng, chỉ mới Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Yên Thành duy tu sửa chữa được trên 15 km đường băng cản lửa do đơn vị này quản lý. Hiện nay, huyện chưa duy tu sửa chữa được trên 30 km hệ thống đường băng cản lửa đã có trước đây ở các xã Tân Thành giáp ranh với xã Diễn Đoài (Diễn Châu), xã Công Thành giáp với xã Hoà Sơn (Đô Lương)…

Ngoài ra, địa bàn Nghệ An còn khá nhiều huyện thiếu đường băng cản lửa như Nam Đàn, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Quỳnh Lưu…

Hiện nay, địa bàn Nghệ An chỉ mới các các BQL rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, Công ty Lâm nghiệp triển khai duy tu sửa chữa đường băng cản lửa. Còn lại đường băng cản lửa do các xã quản lý chưa có. (Trong ảnh: Đường băng cản lửa do BQL rừng phòng hộ Nghi Lộc quản lý). Ảnh: Văn Trường

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm, được biết, theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT, các khu rừng thông tập trung trên 2.000 ha trở lên phải xây dựng đường băng trắng để kết hợp phân chia rừng thành các tiểu khu và kết hợp đường băng với đường vận chuyển, chiều rộng quy định từ 8 đến 12m.

Các khu rừng có diện tích từ 100 ha trở lên phải xây dựng các đường băng phụ chia cắt thành các khoảnh, lô. Đường băng phụ được nối với các đường băng chính, chiều rộng của đường băng từ 6 đến 10m.

Hiện nay, địa bàn Nghệ An chỉ mới có các BQL rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, Công ty Lâm nghiệp triển khai làm được 186 km đường băng cản lửa đạt tiêu chuẩn. Còn lại hầu hết các đường băng cản lửa do các xã quản lý hiện nay chưa được tu sửa.

Khu vực rừng thông xã Nghi Yên (Nghi Lộc), giáp ranh với xã Diễn Phú (Diễn Châu) chưa được duy tu đường băng cản lửa. Ảnh: Văn Trường

Theo ước tính, toàn tỉnh đang còn thiếu khoảng trên 150 km đường băng cản lửa làm mới. Muốn làm mới được đường băng cản lửa, đơn vị chủ rừng phải lập hồ sơ thiết kế, trình Chi cục Kiểm lâm thẩm định và xin ý kiến cấp trên. Nhưng lâu nay rất ít có đơn vị chủ rừng cấp xã lập hồ sơ xin làm đường băng cản lửa.

Cũng theo đại diện Chi cục Kiểm lâm: Kinh phí để thực hiện phương án PCCCR của các chủ rừng là tổ chức và chính quyền địa phương hàng năm đã được tỉnh quan tâm bố trí. Tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, đặc biệt là công tác xử lý thực bì, làm đường băng cản lửa. Vì vậy, các địa phương cần lồng ghép các nguồn vốn, cũng như năng động thực hiện xã hội hoá để duy tu sửa chữa đường băng cản lửa, góp phần phòng chống cháy rừng hiệu quả.

Nghệ An lập chốt canh lửa rừng những ngày đỉnh nắng

20/05/2023

Nghệ An: Nhiều chòi canh lửa rừng bị xuống cấp nghiêm trọng

21/06/2022

Văn Trường