Nhiều địa phương khó khăn trong việc cung cấp nguồn nước sạch

Nguyễn Hải 17/06/2023 18:50

(Baonghean.vn) - Mùa nắng nóng, thiếu nước sạch là vấn đề nan giải của nhiều địa phương ở Nghệ An. Và vấn đề đầu tư để có hệ thống cung cấp nước sạch cũng đang là vấn đề khó. 

Những vùng quê “khát” nước sạch

Nước sạch là một trong những nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt và đời sống hàng ngày. Không những thế, những năm gần đây, tỷ lệ người dân được dùng nước sạch là tiêu chí để xem xét một địa phương đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) hoặc lớn hơn là miền quê đáng sống. Thế nhưng, tại nhiều vùng quê Nghệ An, mỗi năm, cứ đến mùa Hè, nắng nóng là nỗi ám ảnh thiếu nước sinh hoạt, nước sạch lại tái hiện.

Nhà máy nước mới được bổ sung vốn trên 7 tỷ đồng từ năm 2022 nên đã tu sửa lại, không lâu nữa sẽ vận hành đưa vào sử dụng sẽ cung cấp cho một số xóm ở xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Lưu). Ảnh: Nguyễn Hải

Cụ thể, thời điểm này tại một số xã thuộc vùng bãi dọc, bãi ngang ven biển Quỳnh Lưu hay Nghi Lộc cùng một số xã vùng nông giang hoặc chiêm trũng ở các huyện Yên Thành, Hưng Nguyên vẫn không có nước sạch để dùng. Điển hình là xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu), thiếu nước sạch đã trở thành nỗi lo thường niên mỗi mùa Hè. Hiện có khoảng 2.000/3.446 hộ dân tại 4/9 xóm của xã thiếu nước sinh hoạt. Thiếu nước sạch kèm bị cắt điện thì càng khó khăn hơn. Ông Hoàng Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hải cho hay: Hè năm nay, sau mỗi lần mất điện rồi có trở lại, người dân tất bật vừa mua nước sinh hoạt và đồng thời chạy đá, bơm nước cho tàu cá đi biển, vô cùng vất vả.

Người dân xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) tranh thủ điện lưới bơm nước ngọt cho tàu thuyền đi đánh bắt. Ảnh: Việt Hùng

Trên thực tế, vùng các xã ven biển như Sơn Hải, Quỳnh Long, Quỳnh Thọ hay Tiến Thủy (Quỳnh Lưu), người dân không chỉ cần nước sạch cho nhu cầu sinh hoạt mà còn để cung cấp cho tàu thuyền đi đánh bắt và chỉ khi có điện mới bơm tải được. Khó ở chỗ nhiều khu vực dù có khoan giếng, nhưng mạch nước chỉ được mấy hôm là hết hoặc nguồn nước nhiễm mặn không thể dùng.

Nếu gia đình chỉ mua nước để ăn uống thì mỗi tháng mất khoảng 200 ngàn đồng chở 1 xe nước ngọt khoảng 4m3, còn nếu tắm rửa, giặt giũ thì mỗi tuần phải 1 xe và mỗi tháng chi phí tiền nước sinh hoạt lên tới gần 1 triệu đồng.

Tại các vùng nông giang như: Xuân Lâm, Long Xá, Hưng Thành (Hưng Nguyên) hay Bảo Thành, Sơn Thành, Mỹ Thành (Yên Thành)… tuy là địa bàn bơm tưới của hệ thống Thủy lợi Bắc và Thủy lợi Nam, nhưng cũng thiếu nước sạch trầm trọng.

Về xóm 5, xã Bảo Thành, ông Dương Ngọc Toán ở gần sát Quốc lộ 7 cho biết: Gia đình làm hàng quán kinh doanh ăn uống. Trước đây lấy nước sạch từ Nhà máy nước xã Khánh Thành sang, nhưng từ khi Quốc lộ 7 nâng cấp, nguồn nước đã mất. Gia đình đã làm bể cạn 40m3 nhưng vẫn không đủ dùng. Năm 2022, gia đình bỏ 12 triệu đồng để khoan giếng và làm bộ lọc 4,5 triệu đồng, nhưng do nước bị nhiễm phèn, mùi tanh nên chỉ dùng để rửa và vệ sinh; để sinh hoạt, giặt phải mua nước từ khe Mây với giá 50 ngàn đồng/m3, đắt gấp 8 lần so với dùng nước máy tại xã Long Thành là chỉ 7.000 đồng/m3.

Khảo sát chất lượng nước giếng khoan tại xóm 5, xã Bảo Thành (Yên Thành). Ảnh: Nguyễn Hải

Trong khi đó, nhà ông Cao Văn Khai (74 tuổi), ở xóm 2, xã Xuân Lam (Hưng Nguyên), chỉ cách đê sông Lam 40m, nhưng hàng chục năm nay chỉ dùng nước mưa tắm giặt, nước uống hàng ngày phải lấy từ khe Kẹp (Nam Đàn) với giá 25 ngàn đồng/bình 20 lít. Ông Khai cho biết: Xã gần ngay sông Lam, cung cấp nước sạch cho cả TP. Vinh và đã đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng người dân dù ở ngay bờ sông Lam vẫn không có nước sạch để dùng!

Dàn trải trong đầu tư, bất cập về quản lý

Trên thực tế, các vùng mà chúng tôi khảo sát, trong khoảng cự ly từ 5-7 km đều có nhà máy nước, nhưng các nhà máy nước được đầu tư xây dựng trước đây chỉ đủ cung cấp cho địa bàn từng xã và nay không thể nâng công suất lên được. Đơn cử ở huyện Yên Thành, Nhà máy nước ở xã Long Thành nếu mở rộng chỉ đủ cung cấp cho xã Khánh Thành và không thể cung cấp cho các xã Bảo Thành, Sơn Thành. Tương tự ở huyện Hưng Nguyên, Nhà máy nước Hưng Tân chỉ cung cấp cho xã Hưng Tân và một phần xã Hưng Thắng, còn Nhà máy nước xã Hưng Thông với công suất 1.000 m3/ngày đêm, nếu vận hành chỉ đủ cho xã Hưng Thông.

Một bể chứa nước tự chảy tại xã Yên Tĩnh (Tương Dương) do mất nguồn nước đầu nguồn sau mưa lũ nên không sử dụng được. Ảnh tư liệu Báo Nghệ An

Tìm hiểu thêm, được biết, từ khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình thì nguồn vốn tài trợ cho các công trình nước sạch cũng đã không còn. Do ngân sách Nhà nước hạn hẹp và mỗi năm tỉnh Nghệ An chỉ bố trí khoảng 1 tỷ đồng để duy tu, bảo dưỡng, trong đó, 400 triệu đồng từ chương trình mục tiêu quốc gia nên không có nguồn đầu tư công trình mới.

Ông Lâm Quang Thưởng - Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Nghệ An cho biết: Nước sạch nông thôn là một trong những lĩnh vực được tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư nhưng do đây là lĩnh vực công ích nên các doanh nghiệp không mặn mà.

Trong vòng 5 năm lại đây, trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 doanh nghiệp tư nhân vào đầu tư, qua đó, tiếp quản dự án cấp nước sạch từ hồ Vực Mấu cấp cho thị xã Hoàng Mai; sau đó, đầu tư mở rộng hạ tầng qua đó cấp nước cho một số xã ở huyện Quỳnh Lưu. Năm 2022, nhờ nỗ lực vận động, nên nhà máy nước tại xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Lưu) và xã Minh Thành (Yên Thành) được thi công trở lại và nhà máy nước tại Minh Thành đã vận hành. Ngoài ra, nhà máy nước tại xã Diễn Hoa nâng công suất nên mới có thêm 2.000 hộ dân 2 xã Diễn Ngọc và Diễn Bích (Diễn Châu) được cấp nước sạch.

Đại diện UBND xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) cũng cho biết: Năm 2022, khi biết xã An Hòa bên cạnh được Nhà máy nước Hoàng Mai đầu tư hạ tầng cấp nước, xã đã liên hệ đặt vấn đề, đầu tư đường ống về nhưng không được vì không nằm trong quy hoạch. Xã đã kiến nghị huyện bổ sung quy hoạch nhưng chưa được.

Bên cạnh khó khăn bất cập trên, có một thực tế là các nhà máy nước nông thôn ở trong tình trạng vừa thiếu, vừa thừa. Thừa ở chỗ có những huyện gần như xã nào cũng có nhà máy nước, nhưng công suất hạn chế, không thể mở rộng, nâng công suất được. Cụ thể, huyện Yên Thành có 20 nhà máy nước/39 xã, thị; huyện Hưng Nguyên có 8 nhà máy/18 xã, thị, nhưng do công suất quá nhỏ hoặc thiếu vốn đầu tư, đầu tư dang dở nên dân không có nước dùng.

Trạm bơm lấy nước từ sông Đào cung cấp cho Nhà máy nước Hưng Tân (Hưng Nguyên). Ảnh: Nguyễn Hải

Toàn tỉnh có 561 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung với công suất gần 80 ngàn m3/ngày đêm, đảm bảo nước sinh hoạt cho khoảng 200 ngàn hộ dân tại 306 xã/tổng 411 xã. Trong số đó, chỉ có 8 công trình cấp nước có công suất trên 1.000m3/ngày đêm, còn lại dưới 1.000m3/ngày và thực tế hầu hết chỉ có công suất từ 100-200m3/ngày đêm. Trên thực tế, mới chỉ 45% dân nông thôn tỉnh ta được dùng nước sạch hợp quy chuẩn.

Giải pháp quản lý và vận hành bền vững?

Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An khóa XIX đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 60-65% dân số nông thôn được dùng nước sạch đạt quy chuẩn. Nay nước sạch theo quy chuẩn địa phương ban hành tại Quyết định số 12/2021/QĐ-UB của UBND tỉnh với 98 chỉ số nên để đạt chuẩn là không dễ.

Ông Lâm Quang Thưởng - Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh cho biết: Rút kinh nghiệm từ giai đoạn trước, theo Đề án cấp nước sạch nông thôn tỉnh giai đoạn 2022-2030, chỉ đầu tư nhà máy nước công suất lớn theo hướng cung cấp cho các cụm xã và liên vùng.

Cụ thể, Sở Nông nghiệp và PTNT đang tiếp cận với nguồn vốn vay ODA để triển khai đầu tư dự án nhà máy nước công suất 10.000m3/ngày đêm cung cấp nước sạch cho 6 - 9 xã phía Nam huyện Hưng Nguyên và 1 nhà máy công suất tương tự để cấp nước cho 8 xã/15.000 hộ phía Nam huyện Yên Thành. Bên cạnh đó, trung tâm cũng kiến nghị tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng đường ống nước thô ở xã Hưng Lĩnh đưa nước từ sông Lam về Nhà máy nước Hưng Tân để đảm bảo nguồn nước hợp vệ sinh cho khu vực này.

Ông Cao Văn Khai ở xóm 2, xã Xuân Lam giới thiệu hệ thống lọc nước ngầm của gia đình dùng. Dù đầu tư số tiền lớn nhưng chất lượng vẫn chưa đạt quy chuẩn. Ảnh: Nguyễn Hải

Thực tế khảo sát tại các huyện miền núi cho thấy, mấy năm lại đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên nhiều công trình nước tự chảy miền núi bị mất nước, không sử dụng được. Một số khác sau khi bàn giao, vận hành không được quản lý và bảo dưỡng nên cũng bị hư hỏng. Vì vậy, tỉnh tiến hành khảo sát để bố trí dự toán ngân sách hàng năm để duy tu, sửa chữa các công trình nước sạch; giao cho các địa phương giám sát, quản lý để phát huy hiệu quả các công trình này.

Cùng với đầu tư hệ thống xử lý, Nhà máy nước Quỳnh Thọ còn cải tạo lại hệ thống hồ lắng và ống dẫn nguồn nước. Nếu sớm hoàn thành đường ống dẫn nước thì ngay trong năm nay người dân sẽ có nước sạch để dùng. Ảnh: Nguyễn Hải

Bên cạnh đó, nên chăng tỉnh cần tham khảo kinh nghiệm đầu tư, quản lý và vận hành hệ thống nước sạch nông thôn các tỉnh bạn để quản lý hệ thống cấp nước sạch nông thôn cho thống nhất. Theo đó, cần kiểm tra, rà soát hiện trạng các nhà máy nước do xã làm chủ đầu tư trước đây để thống nhất đầu mối quản lý và hạ tầng để tránh chồng chéo, lãng phí.

Theo khảo sát mới đây, trong số 561 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, có 161 công trình hoạt động kém hiệu quả, 134 công trình ngừng hoạt động; địa bàn miền núi có 492 công trình tự chảy, hiện có 218 công trình hoạt động tốt, 155 công trình cần sửa chữa và 119 công trình không hoạt động.

Nguyễn Hải