Dấu ấn của phụ nữ Nghệ An trong xây dựng gia đình 'No ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh'
(Baonghean.vn) - Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế với nhiều biến động, phụ nữ Nghệ An luôn coi việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh là một chủ trương quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Phát huy tối đa vai trò của phụ nữ
Trong căn nhà nhỏ bình dị tại khối Tân Đồng, thị trấn Nghĩa Đàn, huyện Nghĩa Đàn, 4 thế hệ trong gia đình chị Nguyễn Thị Mai (sinh năm 1973), luôn chung sống hòa thuận, hạnh phúc. Theo lời chia sẻ của chị Ngô Thị Nghĩa – Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Nghĩa Đàn thì đây là số ít gia đình “tứ đại đồng cư” của địa phương. Đặc biệt, người dân trong khối đều khâm phục tấm lòng hiếu thảo của chị Mai đối với bố mẹ chồng. Hàng chục năm qua, chị vừa là cánh tay đắc lực giúp chồng gây dựng mô hình kinh tế, vừa chăm sóc bố chồng ốm nặng.
Cho tới thời điểm hơn 10 năm về trước, bố chồng của chị mất thì mẹ chồng chị là bà Phạm Thị Niêm (sinh năm 1933) cũng bắt đầu đổ bệnh. Giờ đây, bước sang tuổi 90, sức khỏe của mẹ chồng đã rất yếu nhưng chị luôn chăm sóc đủ đầy để tư tưởng của bà được thoải mái mà quên đi bệnh tật. Vào năm 2015, con trai của chị lập gia đình và có hai con nhỏ thì các con và các cháu đều mong muốn ở cùng nhà để chăm sóc cho mẹ và bà.
Về mặt kinh tế, chị cùng chồng phát triển mô hình mộc dân dụng, với nguồn thu trên 35 triệu đồng mỗi tháng, tạo việc làm cho 5 lao động địa phương. Cùng đó, chị thường xuyên vận động con dâu tham gia các phong trào văn nghệ, thể thao do địa phương tổ chức. Nhờ vậy, nhiều năm qua, gia đình chị đón nhận nhiều Giấy khen của Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp cũng như được bình chọn gia đình văn hóa tiêu biểu cấp tỉnh năm 2023, là tấm gương sáng trong phong trào xây dựng gia đình “No ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh” của huyện Nghĩa Đàn.
Ngược núi lên với huyện Kỳ Sơn, gia đình chị Vi Thị Ba (sinh năm 1983), cũng là một trong những điểm sáng được tuyên dương là gia đình văn hóa tiêu biểu cấp tỉnh năm nay. Sinh sống tại bản Na Lượng 1, xã Hữu Kiệm, chị Vi Thị Ba mang trong mình sự chăm chỉ, cần cù, khéo léo đặc trưng của một cô gái Thái. Chị không chỉ đảm đang việc nhà, chăm sóc chu đáo cho bố mẹ mà còn vượt khó xây dựng thành công mô hình chăn nuôi lợn giống.
Chị Ba cho biết, trong nhiều năm chị luôn duy trì mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ. Cho đến năm 2020, được các chị em trong Chi hội Phụ nữ bản động viên, chị mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách để mở rộng chuồng trại, phát triển mô hình chăn nuôi lợn giống. Giờ đây, mô hình phát triển tốt, mỗi lứa cho thu nhập trên dưới 40 triệu đồng.
Năm nay, niềm vui còn nhân đôi khi gia đình không chỉ thắng lớn từ chăn nuôi mà các con của chị còn mang về nhiều giải thưởng ý nghĩa trong học tập. Vừa qua, con trai của chị là cháu Lương Gia Bảo (sinh năm 2009) - học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở huyện Kỳ Sơn đã giành giải Nhì cấp tỉnh Cuộc thi “Bác Hồ trong trái tim thanh thiếu nhi Nghệ An”.
Cùng với đó là thành tích học tập của cháu luôn đạt loại giỏi. Không giấu được niềm vui, chị Ba chia sẻ: “Gia đình luôn cố gắng bồi đắp tinh thần hiếu học, tin yêu vào Đảng để các cháu có được động lực đúng đắn trong cuộc sống. Bên cạnh “đạo học” thì vẫn luôn dặn dò các con coi trọng “đạo hiếu”. Nhờ vậy, nhiều năm qua, dù sống nhiều thế hệ trong một gia đình, nhưng các cháu luôn sống hiếu thuận với ông bà, lễ phép với bố mẹ”.
Nhìn ra địa bàn toàn tỉnh, vai trò của người phụ nữ ngày càng được khẳng định. Phụ nữ “vừa là người lao động, người công dân, là người mẹ, người thầy đầu tiên của các con”, đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Năm 2023, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã tổ chức biểu dương, tôn vinh 50 gia đình tiêu biểu đến từ các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh. Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm tôn vinh, lan tỏa những giá trị văn hóa gia đình, góp phần tạo lập sức mạnh nội sinh cho gia đình - “tế bào của xã hội”.
Tiếp tục vun đắp giá trị gia đình trong xã hội hiện đại
Xác định vai trò quan trọng của gia đình, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm ban hành và thực thi nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi về xây dựng gia đình, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Cùng đó, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động đa dạng, thiết thực như: tuyên truyền, giáo dục truyền thống, nâng cao nhận thức của người dân về các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
Các mô hình xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch - 5 có 3 sạch", mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Trong đó, Câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc được triển khai hiệu quả ở nhiều địa phương, là cầu nối truyền tải thông tin, giao lưu, chia sẻ các vấn đề về giáo dục gia đình, chăm sóc, nuôi dạy con, kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Các hoạt động tư vấn, hỗ trợ hôn nhân, gia đình, xây dựng mô hình an toàn cho phụ nữ và trẻ em được chú trọng triển khai ở các đơn vị đã giúp bảo vệ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, kịp thời động viên về tinh thần, hướng dẫn chị em kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình… góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, ổn định an ninh, trật tự xã hội.
Đến nay, toàn tỉnh có 7.926 gia đình hội viên đạt 8 tiêu chí "5 không 3 sạch -5 có, 3 sạch"; 560 Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, thu hút trên hơn 12.000 thành viên tham gia.
Tuy nhiên, trước xu thế phát triển chung của toàn xã hội với những mặt tích cực, bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cũng chỉ ra những thách thức, những vấn đề tồn tại cần phải giải quyết. Đó là sự khủng hoảng về chức năng của gia đình, sự lỏng lẻo trong mối quan hệ giữa các thành viên gia đình, tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em. Việc bảo tồn các giá trị đạo đức, lối sống, thuần phong, mỹ tục tốt đẹp của gia đình, dân tộc với việc tiếp thu các yếu tố mới mang tính hiện đại cũng gặp một số khó khăn.
Để giữ vững và phát huy được những thành quả đạt được trong những năm qua, đồng thời, khắc phục những hạn chế, tồn tại, trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình gắn với triển khai thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động, đề án trọng tâm của hội, của tỉnh. Triển khai sâu rộng, đồng bộ và tạo chuyển biến về chất trong thực hiện các tiêu chí cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch - 5 có 3 sạch” gắn thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Quan trọng hơn, cần nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, vận động phụ nữ phát huy nội lực, hỗ trợ, giúp nhau giảm nghèo bền vững. Tích cực phát triển kinh tế hộ, kinh tế số và chủ động tham gia các nhiệm vụ phát triển kinh tế. Phối hợp, mở rộng liên kết đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm theo nhu cầu của thị trường lao động. Tiếp tục quan tâm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh để phụ nữ từng bước phát huy tối đa vai trò, vị thế của mình trong xây dựng gia đình toàn diện./.