'Cầu nối' đưa chính sách, pháp luật đến với phụ nữ

Thanh Quỳnh 09/12/2022 10:00

(Baonghean.vn) - Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được coi là cầu nối để đưa các chủ trương, chính sách, pháp luật đến với phụ nữ. Nhận thức được điều đó, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật một cách đồng bộ, hiệu quả.

Việc thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã tạo tiền đề quan trọng trong xây dựng nhiều mô hình hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật và thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ, trẻ em gái trong cuộc sống hiện đại.

Thay đổi nhận thức từ những mô hình thiết thực

Theo chân chị Hoàng Thị Tình - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghi Thạch (huyện Nghi Lộc) chúng tôi về với xóm 2, cảm nhận đầu tiên đó là sự bình yên, nề nếp và sạch sẽ trong từng con ngõ, nếp nhà. Hiện xóm có 236 hộ dân với 865 nhân khẩu. Trong đó có 250 phụ nữ trên 18 tuổi thường xuyên có mặt trên địa bàn và 204 trẻ em.

Kể từ tháng 5 năm 2020, khi xóm 2 tập trung xây dựng mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em” thì phụ nữ nơi đây đã được tham gia đầy đủ các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Hội Luật gia tỉnh phối hợp với Hội Phụ nữ xã tổ chức. Từ đây, mọi thắc mắc, khó khăn liên quan đến pháp luật của chị em đều được hóa giải một cách đầy đủ.

Biến nhận thức thành hành động, mỗi phụ nữ của xóm đều trở thành một tuyên truyền viên tích cực để bảo vệ mình và vận động gia đình thực hiện mục tiêu “5 có” gồm: có ngôi nhà an toàn; có sinh kế bền vững; có sức khỏe; có kiến thức; có nếp sống văn hóa và “3 sạch”: gồm sạch nhà; sạch bếp; sạch ngõ. Việc thực hiện tốt các mô hình này đã tạo nên nếp sống lành mạnh, văn minh và đảm bảo an ninh trật tự cho cộng đồng dân cư nơi đây.

Dưới sự đồng hành của các cấp Hội Phụ nữ, chị Lê Thị Thủy (giữa ảnh) đã vượt qua được tâm lý e ngại của bản thân để trở thành nhân tố tiêu biểu trong xây dựng mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em” tại xóm 2, xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc. Ảnh: Thanh Quỳnh

“Có những cá nhân dưới sự đồng hành của hội phụ nữ các cấp đã hoàn toàn thay đổi. Ví như chị Lê Thị Thủy (sinh năm 1970), nhìn chị ở hiện tại với một tinh thần nhiệt huyết và mạnh dạn tham gia các phong trào địa phương không ai nghĩ đó đã từng là một người nhút nhát, kiệm lời và hầu như nói không với các hoạt động xã hội.

Vậy nhưng, dưới sự vào cuộc của các cấp hội phụ nữ, từ khéo léo trong công tác tuyên truyền đến mạnh dạn thúc đẩy chị trực tiếp thể hiện khả năng của mình thông qua các hoạt động văn nghệ, thể thao, xây dựng nông thôn mới thì quan niệm về vai trò, giá trị của bản thân trong chị đã từng bước đổi thay. Sự tự tin của chị cũng đã giúp cho chồng thay đổi nhận thức để yêu thương và đồng hành cùng với vợ trong nhiều phong trào địa phương.

Thực tế trong hơn 2 năm qua, không chỉ riêng chị Lê Thị Thủy, mà rất nhiều phụ nữ, trẻ em trên địa bàn xóm đã được quan tâm, đồng hành để ngày càng tiến bộ”, chị Tình cho biết. Với ý nghĩa và hiệu quả thiết thực mang lại, mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em” đã trở thành điểm tựa giúp phụ nữ và trẻ em vươn lên, có được cuộc sống bình đẳng, ấm no và hạnh phúc.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã tự tin khẳng định mình trong hoạt động xã hội và phát triển các mô hình kinh tế. Ảnh: Cơ sở cung cấp

Nhìn ra địa bàn toàn tỉnh, nhiều mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật được các cấp Hội hướng dẫn, chỉ đạo xây dựng thành lập đã hoạt động thường xuyên, có hiệu quả hơn 500 mô hình tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, bình đẳng giới. Công tác tuyên truyền được thực hiện tốt là tiền đề để xây dựng nhiều mô hình hiệu quả như mô hình “Hỗ trợ cộng đồng phòng, chống mua bán người”; “Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh tại cộng đồng” tại các huyện Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Kỳ Sơn. Mô hình "Gia đình hạnh phúc bền vững” và tổ tư vấn hôn nhân - gia đình tại Vĩnh Sơn, Anh Sơn; Mô hình “Phòng chống mua bán người và di cư không an toàn” tại huyện Quỳ Hợp.

Đặc biệt, hai “đội phản ứng nhanh” hỗ trợ các trường hợp bị bạo lực gia đình, xâm hại tình dục và mua bán người tại hai xã Quỳnh Lương, Quỳnh Thắng của huyện Quỳnh Lưu và hai nhóm “Hỗ trợ phụ nữ di cư lao động an toàn” tại xã Sơn Thành và Bảo Thành, huyện Yên Thành đã đạt được những thành quả vô cùng quan trọng. Trong đó, các cấp Hội đã quan tâm đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho phụ nữ vùng giáo, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của Chi hội Phụ nữ Mường Piệt (xã Thông Thụ, huyện Quế Phong). Ảnh: Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quế Phong

Đến nay, có 25/27 xã biên giới được hỗ trợ các mô hình sinh kế, trang bị các phương tiện làm việc, vật dụng, đồ dùng thiết yếu, xây dựng mái ấm tình thương… để góp phần giúp đỡ phụ nữ vùng biên giới vượt qua khó khăn, từng bước vươn lên làm chủ cuộc sống.

Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền

Là địa phương có dân số đông, địa bàn rộng, Nghệ An là một trong những tỉnh có số hội viên phụ nữ đông của cả nước. Vì vậy, cùng với thực hiện các phong trào, cuộc vận động lớn của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thì trong những năm qua, các cấp hội trên địa bàn tỉnh đã chú trọng, chăm lo đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho hội viên.

Thống kê trong 10 năm qua các cấp Hội đã tổ chức triển khai, tuyên truyền cho 991.347 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ. Trong đó, tập trung nhiều ở các huyện vùng cao, miền núi, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số.

Đề cập đến công tác này, chị Hoàng Thị Thanh Minh - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết: Sau gần 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật thì công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật của tổ chức Hội được chú trọng. Đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật được củng cố, chất lượng được nâng lên rõ nét.

Việc thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã góp phần nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật và thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ, trẻ em gái trong tình hình mới. Ảnh: Vương Giang

Nhiều hình thức, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật mới, phù hợp được triển khai thực hiện góp phần nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ chấp hành pháp luật của cán bộ, hội viên, phụ nữ và Nhân dân. Từ đó, từng bước hạn chế vi phạm, tội phạm, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Hội Phụ nữ sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng cơ chế chính sách để khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động này. Đặc biệt, chú trọng xây dựng đội ngũ báo cáo viên pháp luật chuyên biệt hướng tới những nhóm đối tượng đặc thù cho người khuyết tật và cho người dân tộc thiểu số.

Đối với các địa phương điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn cần thiết huy động sự vào cuộc của các tổ chức, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở. Đồng thời, tổ chức tập huấn, hỗ trợ kịp thời đội ngũ báo cáo viên để địa phương triển khai các nội dung mới trong công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trước những yêu cầu mới nảy sinh từ thực tiễn./.

Mới nhất

x
'Cầu nối' đưa chính sách, pháp luật đến với phụ nữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO