Vàng tăng cao nhất 3 tuần, lúa gạo có thể lập kỷ lục giá mới, thép giảm lần thứ 14

Xuân Hoàng 16/07/2023 06:56

(Baonghean.vn) - Hôm nay 16/7, vàng tăng giá cao nhất 3 tuần qua; giá hồ tiêu giảm 500 đồng/kg/tuần; thép giảm lần thứ 14 trong năm; đáng chú ý, lúa gạo có thể lập kỷ lục giá mới vào cuối năm nay.

Giá vàng lên mức cao nhất 3 tuần

Giá vàng hôm nay 16/7 trên thị trường thế giới tăng lên mốc 1.950 USD/ounce, mức cao nhất trong 3 tuần. Chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng 10,5 triệu đồng/lượng.

Chốt phiên giao dịch 15/7, giá vàng miếng 9999 tại TP.HCM là 66,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,2 triệu đồng/lượng (bán ra). SJC Hà Nội niêm yết ở mức 66,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,22 triệu đồng/lượng (bán ra).

gia-vang-556.jpeg
Giá vàng thế giới tăng cuối tuần. Ảnh: Kitco

Doji Hà Nội niêm yết ở mức 66,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,35 triệu đồng/lượng (bán ra). Doji TP.HCM mua vàng SJC ở mức 66,7 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 67,2 triệu đồng/lượng.

Nhiều nhà đầu tư nhận định, khả năng cao Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp vào ngày 25-26/7 tới dù các dữ liệu cho thấy lạm phát đã hạ nhiệt

Ông Harshal Barot, chuyên gia tư vấn cấp cao tại công ty môi giới giao dịch Metals Focus, cho biết thị trường phần lớn đã đặt cược vào khả năng Fed tăng lãi suất tại cuộc họp tháng Bảy.

Theo Daniel Pavilonis, chiến lược gia về thị trường tại RJO Futures, lạm phát suy yếu và những đồn đoán về khả năng giảm lãi suất giảm khiến vàng tăng giá. Vàng có cơ hội tốt nếu có thể nhận được một chất xúc tác khác để đẩy lên mốc 2.000 USD/ounce.

Trong tuần, giá tiêu giảm 500 đồng/kg

Giá tiêu hôm nay ngày 16/7/2023 tại thị trường trong nước tiếp tục xu hướng đi ngang. Theo đó, tại khu vực Tây Nguyên, giá tiêu được thương lái thu mua quanh mốc 67.000 – 68.000 đồng/kg.

Như vậy, giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước tiếp tục xu hướng đi ngang. Nhưng trong tuần qua, giá tiêu trong nước giảm 500 đồng/kg.

9c43aaaac193ad70ebf926cce99a9a3b.jpg
Tuần qua giá tiêu giảm 500 đồng/kg.

Thời điểm này giá tiêu trong nước đã tăng hơn 10.000 đồng/kg so với đầu vụ. Tuy nhiên, theo phản ánh trên các diễn đàn nông dân trồng hồ tiêu hầu như không được hưởng lợi. Vì sau nhiều năm thua lỗ, nông dân đã cạn vốn, nên xong vụ thu hoạch năm nay họ bán hết cho thương lái chứ không trữ lại chờ giá cao như nhiều năm trước.

Trên thị trường thế giới, theo Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) cập nhật, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá tiêu đen Lampung (Indonesia) chốt tại 3.740 USD/tấn; giá tiêu trắng Muntok 6.474 USD/tấn. Giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 3.050 USD/tấn; giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA giữ mức 4.900 USD/tấn; giá tiêu trắng Malaysia ASTA vẫn ở 7.300 USD/tấn.

Giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở 3.500 USD/tấn với loại 500 g/l, loại 550 g/l mức 3.600 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 5.000 USD/tấn.

Giá gạo xuất khẩu có thể lập kỷ lục mới vào cuối năm 2023

Ngày 16/7, trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu duy trì ổn định so với phiên trước đó. Cụ thể, gạo 5% tấm giao dịch ở mức 513 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 493 USD/tấn và gạo Jasmine ổn định 578 USD/tấn.

Theo các doanh nghiệp, giá gạo xuất khẩu tăng vọt trong thời gian qua do nguồn cung bị ảnh hưởng. Các quốc gia lo sợ hạn hán nên mua gạo tích trữ.

gia-lua-gao20230607170626.jpg
Giá lúa gạo hôm nay tăng với gạo.

Năm ngoái, Ấn Độ cũng cấm xuất khẩu gạo để nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong nước; kéo giá gạo trên thế giới tăng mạnh, trong đó có giá gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Ngoài thị trường truyền thống Philippines mỗi năm mua từ 2,5-3,1 triệu tấn gạo Việt Nam, gần đây các doanh nghiệp cũng nhận được nhiều hợp đồng từ Trung Quốc, Indonesia. Một số quốc gia ở Nam Phi đang quay trở lại mua gạo Việt nên giá mặt hàng này vọt tăng.

Cuối năm 2023 đến đầu 2024, gạo Việt có thể lập kỷ lục mới về giá xuất khẩu. Tuy nhiên, việc tăng giá như thế nào còn phụ thuộc vào các quốc gia xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ, Thái Lan. Thế nên, các doanh nghiệp cần cân nhắc trước khi ký hợp đồng để có giá bán tốt nhất.

Thép trong nước giảm giá lần thứ 14

Sau 13 lần giảm, thị trường trong nước tiếp tục điều chỉnh hạ giá thép lần thứ 14.

Tính từ đầu năm đến nay, giá thép xây dựng đã có 14 đợt giảm liên tiếp, hiện thép CB240 ở mức 13,74 - 14,48 triệu đồng/tấn; còn D10 CB300 khoảng 14,06 - 15,1 triệu đồng/tấn.

Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng thép xây dựng sản xuất trong tháng 6 đạt 738.196 tấn, giảm 9% so với tháng trước và giảm 20% so với tháng 6/2022. Lượng bán hàng đạt 874.441 tấn giảm 6% so với tháng trước và giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, xuất khẩu thép xây dựng đạt 149.623 tấn, giảm 21,5%.

thep-hoa-phat-online20230628150542.jpg
Giá thép trong nước đã có 14 đợt giảm giá liên tiếp.

Giá thép tại thị trường miền Trung hôm nay 16/7, được bán với giá: Thép Hòa Phát, với dòng thép cuộn CB240 bình ổn ở mức 13.840 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 150 đồng, có giá 14.090 đồng/kg.

Thép Việt Đức đồng loạt điều chỉnh giảm, hiện dòng thép cuộn CB240 ở mức 14.140 đồng/kg - giảm 100 đồng; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.440 đồng/kg - giảm 330 đồng.

Thép VAS điều chỉnh giảm, hiện thép thanh vằn D10 CB300 có giá 13.910 đồng/kg; dòng thép cuộn CB240 ở mức 13.850 đồng/kg. Thép Pomina, với dòng thép cuộn CB240 giảm 200 đồng, xuống ở mức 14.590 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.790 đồng/kg./.


Xuân Hoàng