Sức mua giảm mạnh, xuất khẩu đối mặt với nhiều khó khăn

Thu Huyền 11/07/2023 09:57

(Baonghean.vn) - Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 6 tháng đầu năm 2023 của Nghệ An dự ước đạt hơn 1 tỷ đô USD, giảm 2,11% so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài sự thiếu vắng các đơn hàng, một trong những yếu tố làm giảm kim ngạch xuất khẩu trong thời gian qua là sự đi xuống của giá hàng hoá…

Khó khăn chồng chất

Lâu nay, mặt hàng dăm gỗ của Công ty TNHH Liên doanh nguyên liệu giấy Nghệ An PP ở xã Khánh Hợp (Nghi Lộc) chủ yếu xuất sang các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc… Thế nhưng, hiện Công ty đang tồn kho trên 2.500 tấn dăm gỗ. Đại diện Công ty cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, các đối tác dừng thu mua, nhà máy phải hoạt động cầm chừng để giữ chân công nhân. Công ty có 70 lao động thì phải cắt giảm đến một nửa. 6 tháng đầu năm 2023, đơn vị mới chỉ đạt kim ngạch 604.000 USD, giảm 1,4 triệu USD so với cùng kỳ.

Tương tự, sản phẩm như ván gỗ MDF, ván ghép thanh gặp khó khăn trong xuất khẩu do Hoa Kỳ và các quốc gia Châu Âu đang trong thời gian thực hiện điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam. Một số doanh nghiệp như Tân Việt Trung, Thế Giới Gỗ phải ngừng hoạt động.

bna_gỗ nén BVN thanh chương.jpeg
Gỗ và sản phẩm gỗ,... đang đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại. Trong ảnh: Sản phẩm gỗ viên nén xuất hàng qua cảng Cửa Lò. Ảnh: TH

Tại Nhà máy Frescol Tuna (KCN Nam Cấm), sản xuất đình trệ, công nhân phải giảm giờ làm. Được biết, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino làm giảm sản lượng thủy sản, nguồn cá ngừ đánh bắt tự nhiên sụt giảm nghiêm trọng, nguồn cung ứng thiếu hụt và khan hiếm trên toàn cầu. Nhà cung ứng nguyên liệu không thế cung cấp đủ, nhà máy buộc phải đóng cửa, tạm ngừng sản xuất (trong thời gian 1 tháng) do thiếu nguồn nguyên liệu.

Theo các doanh nghiệp, một số ngành hàng như thuỷ sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, sản phẩm nhựa đang đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại. Vấn đề chi phí vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng cao cũng ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu.

Số liệu từ Sở Công thương cho thấy, 6 tháng, bên cạnh một số mặt hàng tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022, thì có nhiều mặt hàng có kim ngạch giảm so với cùng kỳ 2022. Đó là, hàng dệt may giảm 11,6%, linh kiện điện tử giảm 22,3%, tôn thép các loại giảm 19,1%, dăm gỗ giảm 28,2%, sắn và sản phẩm từ sắn giảm 26,7%; xơ sợi dệt các loại giảm 68,5%; nhóm nhựa thông, tùng hương giảm 28,6%, bột đá vôi trắng siêu mịn giảm 19%,...

Lý do giảm lớn nhất hiện nay chính là nhu cầu tiêu thụ giảm, xuất phát từ lạm phát tăng quá cao, khách hàng lại tập trung vào những mặt hàng thiết yếu nhiều hơn những mặt hàng tiêu dùng khác. Hoa Kỳ là thị trường có biến động mạnh. Các công ty dệt may có đơn hàng chủ yếu xuất sang Hoa Kỳ đã giảm mạnh như: May Minh Anh Đô Lương kim ngạch xuất khẩu giảm 57,4%, Minh Anh Kim Liên giảm 43,4%, May An Hưng giảm 80,6% so với cùng kỳ năm 2022 (ngoại trừ một số doanh nghiệp dệt may có đơn hàng từ công ty mẹ chỉ định ở châu Á thì kim ngạch vẫn khá ổn định như Kido Vinh, May An Nam Matsuoka,…).

bna_ảnh thu huyền.jpeg
Thời gian qua, sản xuất dệt may xuất khẩu gặp khó khăn do đầu ra giảm. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty may ở KCN VSIP Nghệ An. Ảnh: TH

Đối với riêng mặt hàng sợi, ngoài nhu cầu chung giảm, việc Trung Quốc mở cửa cũng mang lại những thách thức, khi doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nội địa của họ sau một thời gian dài họ phải đóng cửa vì đại dịch Covid-19.

Về thiết bị linh kiện điện tử, có 2 doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh trong quý I là Công ty Merry&Luxshare Việt Nam (giảm 51,4%) do đơn hàng giảm mạnh (sản phẩm tai nghe điện thoại là mặt hàng không thiết yếu, thị trường xuất khẩu là Hoa Kỳ biến động giảm mạnh) và Công ty Emtech (giảm 89,7% vì đóng cửa nhà máy sản xuất ở Vinh Tân, TP. Vinh).

Trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã nỗ lực xuất khẩu sang 126 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Một số thị trường truyền thống của doanh nghiệp Nghệ An có kim ngạch giảm như: Trung Quốc giảm 11,14%, Hoa Kỳ giảm 1,5%, Đài Loan giảm 38,6%, Thụy Sỹ giảm 10,6%, Philippines giảm 21,44%, Bangladesh giảm 45,8%...

bna_Biểu đồ - Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 6 tháng đầu năm 2023 (so với năm 2022).png
Đồ hoạ: Hữu Quân

Nhìn chung kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn đều giảm. Trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 28,64 tỷ USD, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái giảm tới 21,6%, qua đó đánh dấu sự sụt giảm lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây và chiếm gần một nửa trong mức giảm chung 15,24 tỷ USD của tổng xuất khẩu hàng hoá của nước ta. Thị trường Trung Quốc đứng thứ hai với 15,49 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, xuất khẩu hàng hóa thị trường EU đạt 14,22 tỷ USD, giảm 10,6%; thị trường ASEAN giảm 3,6%; Hàn Quốc giảm 9,6%...

Mở rộng thị trường, kìm đà giảm xuất khẩu

Ông Hoàng Minh Tuấn - Trưởng phòng Xuất nhập khẩu, Sở Công Thương cho biết: Thời gian qua, một số thị trường xuất khẩu truyền thống của doanh nghiệp Nghệ An gặp khó khăn như Trung Quốc mới mở cửa, chuỗi cung ứng chưa hồi phục, chính sách thắt chặt kiểm soát về hàng nông sản, thực phẩm. Hay thị trường Hoa Kỳ, do suy thoái kinh tế, nhu cầu tiêu dùng giảm. Đối với EU, do chính sách thắt chặt tiền tệ, lạm phát tăng, các tiêu chuẩn và quy định ngày càng khắt khe,…

Do yếu tố thị trường xuất khẩu, các ngành hàng đều gặp khó khăn do lạm phát cao, giảm tổng cầu trên phạm vi toàn thế giới, đặc biệt là hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu. Tuy nhiên, tác động đến từng ngành hàng có sự khác nhau. Những ngành hàng có thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU,.. như dệt may, da giày, gỗ, thuỷ sản có mức sụt giảm nhiều nhất; trong khi các ngành hàng có thị trường xuất khẩu chính là châu Á như cao su, gạo, rau quả, hạt điều... ít chịu tác động hơn.

Ông Hoàng Minh Tuấn - Trưởng phòng Xuất nhập khẩu, Sở Công thương

Như đã đề cập, việc thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại đã làm tăng sự cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Bởi đây cũng là thị trường có khả năng cung ứng hàng hóa lớn với các mặt hàng tương tự như hàng hóa của Việt Nam.

Theo dự báo, hoạt động xuất nhập khẩu trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh dự báo sẽ phục hồi tốt hơn vào nửa cuối năm nay do tồn kho hàng hoá tại các thị trường lớn, đặc biệt là tại Mỹ đã giảm đáng kể và các nhà nhập khẩu đang rục rịch đặt hàng trở lại. Chính phủ và các bộ ban ngành, UBND tỉnh cũng đã và đang triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp…

bna_sản xuất tại công ty TNHH Đức Phong ảnh thu huyền.jpeg
Đóng gói sản phẩm mây tre đan xuất khẩu tại Công ty TNHH Đức Phong. Ảnh: TH

Để tăng cường xuất nhập khẩu, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, Sở Công Thương cho biết sẽ phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan tập trung thực hiện một số giải pháp đã đề ra tại Đề án “Phát triển xuất khẩu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025”. Đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan như các nước ASEAN.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tăng cường nắm bắt thông tin thị trường và các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam như sự thay đổi chính sách của nước nhập khẩu, các rào cản kỹ thuật, rủi ro trong thanh toán, các hoạt động tuyên truyền thiếu thiện chí đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam để kịp thời thông tin để các đơn vị liên quan và doanh nghiệp của tỉnh có giải pháp ứng phó kịp thời.

bna_chính.doanh nghiệp hàn quốc tìm hiểu sản phẩm nông sản của Nghệ An ảnh thu huyền..JPG
Doanh nghiệp Hàn Quốc tìm hiểu sản phẩm nông sản của Nghệ An. Ảnh: TH

Cùng với đó là hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận mạng lưới phân phối nước ngoài, kết nối giao thương giữa doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu với các nhà phân phối nước ngoài. Hỗ trợ Doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm tại thị trường quốc tế và phối hợp với các tập đoàn phân phối quảng bá, nâng cao vị thế, hình ảnh sản phẩm Nghệ An. Tiếp tục phổ biến về quy tắc xuất xứ và cách đáp ứng quy tắc xuất xứ để giúp các doanh nghiệp nắm bắt được các cơ hội mở ra từ các FTA, nâng cao hơn nữa tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong các FTA…

Ngoài sự thiếu vắng các đơn hàng, một trong những yếu tố làm giảm kim ngạch xuất khẩu trong thời gian qua là sự đi xuống của giá hàng hoá. Số liệu ước tính cho thấy, giá xuất khẩu nhiều mặt hàng giảm ở mức hai con số trong 5 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái như: Chè (-11,9%), hạt tiêu (-34,9%), Sắn các loại (-12%), Sắt thép (-26,5%), xơ sợi dệt (- 26,5%),… Chỉ có một số ít mặt hàng có giá tăng như gạo (+5,8%), cà phê tăng (+2,4%), than đá (+38,5%)...

Mới nhất

x
Sức mua giảm mạnh, xuất khẩu đối mặt với nhiều khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO