Nghệ An cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện

Nguyễn Hải 20/07/2023 07:15

(Baonghean.vn) - Năng lực cạnh tranh các sở, ngành và cấp huyện (gọi chung là DDCI) là một trong những chỉ số tạo nên cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Nếu năng lực cạnh tranh cấp huyện được cải thiện thì PCI được cải thiện; ngược lại, nếu có những rào cản, “giấy phép con”  thì PCI cũng bị ảnh hưởng.

“Thời điểm vàng” tạo đột phá về chỉ số PCI

Sau 4 năm tổ chức khảo sát đánh giá mang tính nghiên cứu, năm 2023, lần đầu tiên, bộ chỉ số DDCI và phương pháp luận đánh giá đầy đủ và hoàn thiện nhất về tính khoa học và cơ sở pháp lý được UBND tỉnh Nghệ An thông qua và áp dụng để đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện năm 2022. Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An, trong tổng số 3.000 mẫu phiếu thăm dò phát ra, gửi các doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh đầu tháng 6, bao gồm 1.500 phiếu đánh giá chỉ số cạnh tranh các sở, ngành và 1.500 phiếu đánh giá chỉ số cạnh tranh cấp huyện, đến đầu tháng 7, đơn vị tư vấn đã thu về hơn 2.100 mẫu phiếu.

bna_Toàn cảnh.jpg
Toàn cảnh hội thảo công bố Bộ chỉ số và phương pháp luận đánh giá chỉ số DDCI cho lãnh đạo các sở ngành và UBND các huyện, thành thị đầu tháng 6 của UBND tỉnh. Ảnh: Nguyễn Hải

Mặc dù số phiếu thu về chưa đủ, nhưng theo các chuyên gia đến từ VCCI, đây là điều bình thường đối với các cuộc khảo sát đánh giá lấy ý kiến doanh nghiệp, bởi việc trả lời phản hồi là quyền của doanh nghiệp. Năng lực cạnh tranh cấp huyện gồm 9 chỉ số thành phần, nhưng giữa các chỉ số có sự giao thoa với nhau và liên quan nhiều đến chỉ số cải cách hành chính… Vì thế, sắp tới công bố chỉ số DDCI, huyện nào cao đồng nghĩa với trước đó có xếp hạng cải cách hành chính cao và địa phương nào chưa đồng hành với doanh nghiệp thì xếp hạng DDCI sẽ khó cao. Hiện các mẫu phiếu đang được đơn vị tư vấn tổng hợp phân tích và dự kiến sẽ công bố vào cuối tháng 7 sau khi xin ý kiến UBND tỉnh.

bna_Ts Lê Duy Bình.jpg
Ts Lê Duy Bình đến từ Công ty CP Tư vấn về quản lý kinh tế phổ biến phương pháp đánh giá, tổng hợp các chỉ số DDCI. Ảnh: Nguyễn Hải

TS Lê Duy Bình - Công ty CP Tư vấn về quản lý kinh tế (Econimica) - đơn vị tổng hợp, đánh giá chỉ số DDCI năm 2022 tỉnh Nghệ An cho biết: Trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm các năm trước và có tiếp thu chọn lọc từ các tỉnh bạn, đợt đánh giá DDCI năm nay được triển khai bài bản và công phu. Cụ thể, tùy theo địa phương và số doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh hoạt động trên các lĩnh vực, dự kiến trong tổng số 1.500 phiếu phát ra, sẽ thu về 1.200 phiếu. Trong đó, TP. Vinh có 120 phiếu, các huyện đồng bằng như Quỳnh Lưu, Diễn Châu 90 phiếu; Yên Thành 85 phiếu; Thanh Chương và Đô Lương mỗi huyện 70 phiếu; các huyện, thị còn lại dao động từ 40- 60 phiếu. Các phiếu sẽ được phần mềm phân tích, đánh giá và xếp hạng.

Cũng theo các chuyên gia từ VCCI, đây là “thời điểm vàng” để Nghệ An quyết tâm tạo đột phá về chỉ số PCI, vì vài năm lại đây, tỉnh được cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI ghi nhận về nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư. Việc tỉnh khảo sát và công khai kết quả sẽ thể hiện quyết tâm cao của tỉnh, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc cải thiện chỉ số PCI. Kết quả công bố xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp huyện là dịp để các địa phương cấp huyện và các sở, ngành tự kiểm điểm, đánh giá để có giải pháp chấn chỉnh nhằm nâng cao chỉ số cạnh tranh trong thời gian tới.

bna_Đại diện các sở ngành dư.jpg
Thành phố Vinh là một trong số ít địa phương cấp huyện định kỳ tổ chức đối thoại, gặp mặt cà phê với doanh nhân để gỡ khó cho các doanh nghiệp. Ảnh: Nguyễn Hải

Ở góc độ khác, kết quả đánh giá, xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp huyện chỉ là bước đầu, phản ánh mối quan hệ của cộng đồng doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh với chính quyền địa phương. Tại Nghệ An, đến thời điểm này, ngoại trừ 2 huyện là Kỳ Sơn và Quỳ Châu chưa có chi hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cấp huyện, thì 18/21 huyện, thành, thị đã có chi hội doanh nghiệp, nên mối liên hệ giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp cũng khá chặt chẽ. Mẫu phiếu gửi trực tiếp tới các doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân và chi hội.

Theo Quyết định 1291/QĐ-UB ban hành ngày 12/5/2023 của UBND tỉnh, năng lực cạnh tranh cấp huyện gồm 9 chỉ số thành phần là: (1) Gia nhập thị trường, cấp phép và thủ tục hành chính; (2) Tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin; (3) Chi phí thực hiện thủ tục hành chính và khả năng tuân thủ pháp luật; (4) Chi phí không chính thức; (5) Cạnh tranh bình đẳng; (6) Tính tiên phong và năng động của chính quyền địa phương; (7) Hoạt động hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; (8) Hoạt động hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và hiệu lực thiết chế, an ninh, trật tự; (9) Tiếp cận đất đai.

Giải pháp nâng cao chỉ số DDCI

DDCI cấp huyện có 9 chỉ số thành phần, trong đó, ngoài 8 chỉ số thành phần chung với các sở, ngành, thì có thêm chỉ số là hiệu lực thiết chế và an ninh, trật tự. Cải thiện DDCI cấp huyện không có cách nào khác là phải bám theo các chỉ số thành phần, trong đó, nhóm các chỉ số 1, số 2, số 6, số 7 và số 9 là quan trọng nhất. Giải pháp đầu tiên là cải thiện chỉ số cấp phép, gia nhập thị trường và thực hiện thủ tục hành chính. Đây là một trong những khó khăn, hạn chế lớn nhất của các doanh nghiệp và các HTX, hộ kinh doanh cấp huyện. Phần lớn các doanh nghiệp, HTX này đều có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nên năng lực quản lý, gia nhập thị trường và thực hiện thủ tục hành chính rất hạn chế.

bna_ các nhà đầu tư thăm mô hình KCN VSIP.jpg
Các nhà đầu tư khảo sát tình hình và tiến độ đầu tư tại KCN VSip Nghệ An 1. Ảnh: Nguyễn Hải

Thực tế vận hành của các HTX quản lý làng nghề thời gian qua là ví dụ điển hình nhất. Do bộ máy quản lý lỏng lẻo, năng lực hạn chế nên sau khi thành lập hoạt động rất khó và luẩn quẩn, thậm chí có HTX được giao quản lý các nhãn hiệu, thương hiệu làng nghề sau công nhận, nhưng không biết cách nào để gia nhập thị trường cũng như quản lý, sử dụng hiệu quả nhãn hiệu. Vì vậy, để cải thiện chỉ số, UBND cấp huyện và xã phải đồng hành, hỗ trợ kinh phí và nhân lực để các doanh nghiệp, HTX xây dựng hồ sơ chất lượng sản phẩm để gia nhập thị trường. Bên cạnh đó, từng phòng, ban chức năng phụ trách, theo dõi cũng cần đồng hành với doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh trong tham gia các sự kiện kết nối cung - cầu, giới thiệu sản phẩm.

bna_Anh Nam tham quan.jpg
Một hội nghị kết nối cung cầu các sản phẩm công thương, nông thôn tiêu biểu ocop giữa Nghệ An và Quảng Trị do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An tổ chức. Ảnh: Nguyễn Hải

Ví dụ, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện, Phòng Nông nghiệp và PTNT hoặc Phòng Kinh tế (nếu là chính quyền đô thị) hỗ trợ làm hồ sơ công nhận sản phẩm OCOP, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ...; Trung tâm Y tế dự phòng, Phòng Y tế huyện hướng dẫn, hỗ trợ HTX, nhóm hộ xây dựng hồ sơ chất lượng sản phẩm tiêu dùng an toàn, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt…

Nhóm giải pháp thứ 2 mà các huyện phải tháo gỡ những khó khăn là về chỉ số minh bạch, khả năng tiếp cận thông tin về quy hoạch đất đai, mặt bằng... Tại cấp huyện hiện nay, các hộ khởi sự kinh doanh, thành lập doanh nghiệp thường khó khăn và lúng túng vì không biết ý tưởng, dự án kinh doanh của mình có nằm trong định hướng, kế hoạch của cấp ủy, chính quyền không? Vì thế, chính quyền huyện, xã trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, địa phương cần nắm chắc quy hoạch chi tiết, phân khu chức năng, qua đó, tạo điều kiện về thủ tục hành chính, hướng dẫn doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh tiếp cận, làm thủ tục xin chủ trương đầu tư, đỡ thời gian đi lại.

bna_Đối thoại trực tiếp về ghi xuất hóa đơn.jpg
Thường xuyên đối thoại về chính sách thuế mới cũng là hoạt động góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các sở ngành. Ảnh: Nguyễn Hải

Nhóm giải pháp tiếp theo cần cải thiện là tính năng động tiên phong và hoạt động hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của chính quyền địa phương. Vai trò hướng dẫn của các phòng, ban chuyên môn UBND cấp huyện rất quan trọng. Nếu người đứng đầu phòng, ban chuyên môn có năng lực sẽ hỗ trợ hướng dẫn, hồ sơ thủ tục rõ ràng, nhanh gọn; ngược lại, nếu phòng, ban chuyên môn yếu kém và người đứng đầu không sâu sát, quyết đoán thì doanh nghiệp, nhà đầu tư phải chờ đợi mất thời gian.

bna_Đông chí Bảo kết luận.jpg
Huyện Tân Kỳ đối thoại với các hộ dân về di dời chợ cũ thị trấn và vận động, giải thích việc bố trí các hộ tiểu thương sang kinh doanh ở Trung tâm thương mại và chợ mới. Ảnh: Nguyễn Hải

Nhóm giải pháp cuối cùng là cạnh tranh bình đẳng, hiệu lực thiết chế và an ninh, trật tự. Nếu như trước đây, chỉ số này chưa được coi trọng thì nay, trước tình hình an ninh, trật tự ngày càng phức tạp, các vi phạm pháp luật về đất đai, tài nguyên - môi trường càng dễ xảy ra, nên các địa phương phải quan tâm.

Địa phương nào tạo được môi trường cạnh tranh bình đẳng, duy trì đối thoại thường xuyên giữa chính quyền với doanh nghiệp thì tạo được sự đồng thuận trong thực hiện các quyết định hành chính sẽ cao và ngược lại, nếu các doanh nghiệp kinh doanh nhưng không quan tâm đến môi trường và trách nhiệm xã hội, chính quyền không làm tốt vai trò kiến tạo và phân xử sẽ rất khó để biến các quy định, thiết chế đề ra thành hiện thực.

Nguyễn Hải