Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện DCI
(Baonghean) - PCI là chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nên không chỉ nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh được xếp hạng mà còn đối với các nhà đầu tư, các tổ chức khi xem xét môi trường trước khi có quyết định đầu tư, làm ăn. Nghệ An có nhiều huyện miền núi, việc xếp hạng trong chỉ số PCI có thể ảnh hưởng từ chỉ số môi trường cạnh tranh ở cấp huyện (DCI). Bởi vậy quan tâm đến chỉ số DCI cũng là một giải pháp để PCI hấp dẫn hơn.
Liên tục trong 2 năm gần đây (2012, 2013) mặc dù có nhiều cố gắng nhưng chỉ số PCI của Nghệ An vẫn nằm ở mức 46/63 tỉnh, thành trong cả nước - mức trung bình. Vì sao vậy? Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chỉ số PCI Nghệ An chậm được cải thiện nhưng theo chúng tôi có nguyên nhân do Nghệ An là một tỉnh có diện tích lớn, đông dân với 21 huyện, thành, thị; địa bàn trải dài nên việc cảm nhận và đồng cảm trong việc đánh giá chỉ số PCI trong cộng đồng doanh nghiệp sẽ gặp không ít khó khăn. Vì vậy, bên cạnh quan tâm để cải thiện chỉ số PCI, nên chăng chúng ta cần đi từ việc quan tâm đẩy mạnh việc cải thiện chỉ số DCI.
Từ trước đến nay, nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh chủ yếu vẫn được phát triển theo chiều từ Trung ương - tỉnh - huyện. Tuy nhiên, thực tế khi xuống tới cấp huyện, tinh thần cải cách khó duy trì được như mong muốn, bởi vấp phải những rào cản về cơ chế, thủ tục, khoảng cách đi lại, tính đặc thù của từng vùng miền và đặc biệt là động lực thúc đẩy các cán bộ ở cấp này. Thực tế, nhiều dự án ở tầm vĩ mô và thỏa thuận mang tính nguyên tắc đầu tư thì được triển khai rất nhanh nhưng khi xuống cấp phòng, ban các sở, ngành hoặc xuống cập huyện thì gặp vô vàn vướng mắc, rào cản. Cũng có nguyên nhân mang tính chủ quan nhưng cũng có những nguyên nhân hết sức khách quan vì khoảng cách giữa huyện, nhất là các huyện miền núi xa trung tâm. Không ít doanh nghiệp, để gặp và làm việc chính thức với lãnh đạo huyện thị là không đơn giản. Để tạo sự chuyển biến đồng bộ, có sự cộng hưởng toàn diện trong tư duy, phương pháp và biện pháp tổ chức thực hiện nên quan tâm để có sự đánh giá chỉ số DCI.
Vì vậy rất cần tiến hành việc có tiêu chí đánh giá chỉ số môi trường cạnh tranh ở cấp huyện. Đây vừa tạo kênh thông tin phục vụ cho công tác quản lý, vừa tạo động lực phấn đấu cạnh tranh giữa các huyện, thành, thị với nhau vừa là môi trường để trao đổi kinh nghiệm trong quá trình cải thiện môi trường kinh doanh ở từng huyện trong tỉnh, vừa tạo sự đồng nhất trong tư quy, sự cộng hưởng trong quá trình thực hiện để phát triển chỉ số cạnh tranh chung của tỉnh.
Bên cạnh sự phân cấp trong thực hiện công tác quản lý, chỉ số DCI sẽ chỉ ra những mặt hạn chế và nhấn mạnh chính quyền cấp huyện cần làm gì để cải cách nhằm nâng cao chất lượng điều hành kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Đồng thời thông qua đó hệ thống cơ quan cấp huyện có thể nắm được công cụ để sử dụng và thực hiện công tác cải cách và cách thức cung cấp dịch vụ công cho các doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Đặc biệt chỉ số DCI sẽ là một công cụ hữu hiệu cho việc hoạch định chính sách vĩ mô, góp phần tăng thêm động lực cải cách và đổi mới cho đội ngũ lãnh đạo huyện, thành, thị nhằm đáp ứng kịp nhu cầu kinh doanh chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Trong mối quan hệ trên thì sự phát triển bền vững của tỉnh là điều kiện để các huyện, thị phát triển. Nếu chúng ta chỉ chuyên tâm cải thiện chỉ số PCI mà không quan tâm chú ý đầy đủ để thúc đẩy sự phát triển của chỉ số DCI thì chắc chắn sự phát triển của PCI sẽ không ổn định, lâu dài, bền vững. Khi đó, ngay cả khi có sự tăng trưởng nhưng sự lên xuống thất thường là điều không thể tránh khỏi.
Phan Cường
Văn phòng Tỉnh ủy