Mở rộng trường lớp để giảm áp lực tuyển sinh lớp 10

Mỹ Hà 21/07/2023 16:16

(Baonghean.vn) - Áp lực của Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là điều đã diễn ra nhiều năm nay tại thành phố Vinh và một số địa phương trên toàn tỉnh. Trong bối cảnh đó, việc dự báo và có kế hoạch lâu dài về trường lớp là điều cần thiết để giảm tải tuyển sinh đầu vào.

Về vấn đề này, Báo Nghệ An đã có cuộc phỏng vấn với ông Phạm Huy Đức – nguyên Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo và hiện đang làm việc tại Hội Cựu giáo chức tỉnh Nghệ An.

bna_Ông Phạm Huy Đức - nguyên Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo.jpg
Ông Phạm Huy Đức - nguyên Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Mỹ Hà

PV:Thưa ông, đến thời điểm này, hầu hết các trường trên toàn tỉnh đã công bố điểm chuẩn và danh sách trúng tuyển vào lớp 10. Năm nay, điểm chuẩn ở các trường đều tăng, thậm chí có trường tăng 5 – 6 điểm, có trường phải hơn 8 điểm/môn mới trúng tuyển. Ông nghĩ thế nào về những con số trên?

Ông Phạm Huy Đức: Việc tuyển sinh vào lớp 10 nhiều năm nay ở Nghệ An, nhất là ở thành phố Vinh luôn nhận được sự quan tâm của nhiều phụ huynh, học sinh. Tuy nhiên, cũng như kỳ thi đại học, chúng ta không nên quá quan tâm đến điểm chuẩn mà cần quan tâm đến số lượng học sinh được trúng tuyển. Ví dụ, dù điểm chuẩn có thấp hay cao thì chúng ta cũng sẽ lấy học sinh cho đến khi đủ chỉ tiêu. Điều chúng ta quan tâm là tỷ lệ trúng tuyển, số lượng học sinh được tuyển sinh hàng năm và tỷ lệ được vào công lập là bao nhiêu.

Trước đây, để đảm bảo hài hòa cho học sinh công lập và ngoài công lập, Sở có khống chế rõ ràng đối với học sinh trúng tuyển vào công lập. Tuy nhiên, với các trường ngoài công lập, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường được “mở”, có nghĩa là các trường có thể tuyển sinh đến tối đa sĩ số lớp theo quy định.

IMG_0141.JPG
Điểm chuẩn đầu vào lớp 10 năm học 2023 - 2024 ở Nghệ An tăng hơn so với các năm trước. Ảnh: Mỹ Hà

PV: Nhiều năm nay, việc tuyển sinh vào lớp 10 được ví là căng như thi đại học. Có ý kiến cho rằng, điều này là dễ hiểu vì số lượng học sinh trên địa bàn tỉnh ngày một tăng nhưng số trường công lập lại không tăng. Là người đã có nhiều năm công tác trong ngành Giáo dục và thường xuyên quan tâm đến giáo dục tỉnh nhà, ông thấy ý kiến này có đúng không?

Ông Phạm Huy Đức: Theo tôi, dân số hiện nay có xu hướng ngày một tăng. Riêng ở Vinh còn có cả tăng cơ học khi ngày càng có nhiều người ở các huyện về Vinh công tác và đưa theo các con của mình. Vì vậy, trong duyệt kế hoạch, cần phải dựa theo số lượng học sinh tăng hàng năm để mở thêm lớp. Ngoài ra, căn cứ trên số liệu thống kê để có kế hoạch dài hơn dựa trên số lượng dự báo hàng năm, 5 năm, 10 năm. Cách đây 2 năm tôi cũng đã từng có bài viết dự kiến đến năm 2030 – 2035, Nghệ An sẽ có hàng loạt giáo viên về hưu. Vì vậy, nếu không có giải pháp từ bây giờ thì tình trạng thiếu giáo viên sẽ diễn ra rất trầm trọng.

Trong bối cảnh hiện nay, việc tăng trường sẽ có những khó khăn bởi mật độ trường THPT ở Nghệ An khá dày và nếu tăng trường có thể dẫn theo những khó khăn khác như cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và gánh nặng lên nguồn ngân sách. Tuy nhiên, chúng ta có thể tăng quy mô của trường, trường từ 1.500 học sinh có thể lên 1.700 học sinh, trường từ 1.200 học sinh có thể lên đến 1.400 học sinh. Nghĩa là chúng ta phải làm thêm phòng học, phải tuyển dụng thêm giáo viên. Chúng ta cũng cần phải tính lưu lượng học sinh, có bao nhiêu em vào công lập, bao nhiêu em ngoài công lập, bao nhiêu em vào GDTX… ở mỗi năm học để phát triển trường lớp.

IMG_0167.JPG
Thí sinh tham dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh: Mỹ Hà

Lâu nay chúng ta vẫn tính số học sinh không học lên lớp 10, các em có thể đi học nghề. Nhưng thực tế số lượng này không nhiều. Bởi lẽ tâm lý phụ huynh vẫn mong muốn con học xong THPT và các nhà tuyển dụng cũng ưu tiên tuyển dụng những lao động đủ 18 tuổi và tối thiểu đã tốt nghiệp cấp III. Việc phân luồng THCS khó là ở chỗ đó.

PV:Như tính toán hiện nay, nếu học sinh không đậu công lập, các em có thể sang các trường ngoài công lập. Tuy nhiên, nguyện vọng của phụ huynh vẫn là các em được học trường công lập với nhiều lợi thế về chất lượng giáo dục, về học phí và nhiều vấn đề ưu tiên khác. Đó cũng là lý do vì sao, cuộc đua vào các trường công lập thực sự khó khăn. Theo ông, vì sao mô hình trường ngoài công lập ở Nghệ An chưa thu hút được học sinh?

Ông Phạm Huy Đức: Đúng vậy, nếu học sinh không đậu công lập các em sẽ có nhiều con đường khác. Việc căng tuyển sinh hiện nay, có chăng chính là căng trong tuyển đầu vào công lập. Điều này cũng dễ hiểu vì học sinh vào công lập có nhiều quyền lợi. Trong khi vào ngoài công lập phụ huynh sẽ phải tốn kém nhiều hơn.

Thực tế ở Nghệ An, học sinh không vào được công lập mới phải vào ngoài công lập, vào tư thục. Do đó, chất lượng ở các trường này chưa tốt và điều này đã ăn sâu vào suy nghĩ của lớp học sinh này sang lớp học sinh khác. Đó là lý do vì các trường ngoài công lập, các trường tư thục vẫn chưa thu hút học sinh và phụ huynh hàng năm vẫn chạy đua để con vào được trường công lập.

IMG_0865.JPG
Học sinh phân luồng tham gia học nghề tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật số 1. Ảnh: Mỹ Hà

PV:Trở lại với vấn tuyển sinh đầu cấp. Có nhiều ý kiến băn khoăn khi hiện nay, thành phố Vinh là trung tâm của cả tỉnh nhưng chỉ có 3 trường THPT công lập. Trong khi đó, các huyện như Thanh Chương, Diễn Châu, Đô Lương, Yên Thành… mỗi huyện có từ 4 – 5 trường. Điều đó, dẫn đến tỷ lệ trúng tuyển ở Vinh thấp hơn các huyện khác. Theo ông, trong tình hình số lượng học sinh ở Vinh còn tiếp tục tăng trong những năm tới thì tỉnh có cần phải mở thêm trường để đáp ứng việc học tập của con em thành phố?

Ông Phạm Huy Đức: Ngày trước, thành phố Vinh chưa mở rộng đến các xã như Nghi Đức, Nghi Kim, Nghi Liên, Hưng Chính… nên toàn thành phố chỉ bố trí ba trường công lập là phù hợp. Hơn thế, địa bàn của Vinh cũng nhỏ nên học sinh có thể đi học giữa các trường trong thành phố dễ dàng.

Tuy nhiên, ở các địa phương khác, địa bàn rộng, từ đầu đến cuối huyện có thể kéo dài đến hàng chục cây số, nhiều nơi phải qua sông, qua đò. Do đó, việc bố trí nhiều trường cấp III trên một huyện là để thuận lợi cho học sinh, không để học sinh phải đi xa

Trong bối cảnh số học sinh ngày một tăng, địa bàn thành phố ngày một mở rộng thì việc cần phải mở thêm trường, hoặc mở thêm cơ sở 2 ở thành phố Vinh là hợp lý và cần thiết, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo nhân dân.

IMG_1561.JPG
Học sinh nhập học vào lớp 10 - Trường THPT Lê Viết Thuật. Ảnh: Mỹ Hà

PV:Ngoài các trường ngoài công lập, trong hai năm trở lại đây, Nghệ An đang thí điểm thực hiện mô hình lớp tiên tiến, trường tiên tiến. Học sinh lớp 10 có thêm một sự lựa chọn nếu không đậu vào các trường công lập. Tuy nhiên, ở loại hình này cũng đang có những ý kiến trái chiều. Cá nhân ông thấy mô hình này như thế nào?

Ông Phạm Huy Đức: Tôi đang quan tâm đến mô hình trường chất lượng cao và mô hình trường tiên tiến. Với mô hình trường trọng điểm chất lượng cao tôi có những băn khoăn về mục tiêu, về tính pháp lý, về quá trình thực hiện.

BNA_Đức Anh-4238.jpg
Thí sinh tham dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ảnh: Đức Anh

Ở mô hình trường tiên tiến, tôi thấy rõ được mục tiêu phát triển. Tuy nhiên, tôi cho rằng đã là trường tiên tiến thì cơ sở vật chất phải khác, giáo viên phải khác mới thực sự thuyết phục, mới có thể thu được tiền của phụ huynh. Nhưng, hiện nay, việc triển khai mô hình trường tiên tiến ở Nghệ An chưa thực sự đảm bảo. Chẳng hạn ở bậc THPT, lớp tiên tiến nhưng chất lượng đầu vào lại thấp nên việc phụ huynh băn khoăn là điều dễ hiểu.

Ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh mô hình trường tiên tiến, mô hình trường tư thục rất phát triển và được phụ huynh ủng hộ. Muốn vậy, các nhà trường phải thực sự đầu tư, quan tâm đến đội ngũ giáo viên, đến chương trình đào tạo, đầu vào tuyển sinh cao, thậm chí còn cao hơn trường công lập. Nếu Nghệ An thực hiện trường tiên tiến theo đúng mục tiêu đề ra, công khai trong quá trình thực hiện, tôi cho rằng sẽ thu hút được phụ huynh, học sinh, kể cả những em đạt điểm cao.

Các trường tư thục, ngoài công lập hiện nay cũng cần phải thay đổi. Muốn vậy, trường phải có thầy giỏi, phải quan tâm đến cơ sở vật chất, chú trọng chất lượng giáo dục.

PV: Trở lại với vấn đề tuyển sinh đầu cấp. Hiện nay, không chỉ lớp 10 mà tuyển sinh các bậc học khác ở Nghệ An và ở thành phố Vinh sẽ còn tiếp tục nóng trong những năm tới. Vậy, trong công tác quy hoạch chúng ta cần chú ý vấn đề gì thưa ông?

Ông Phạm Huy Đức: Như tôi đã nói việc quy hoạch, dự báo là điều cần thiết đối với tất cả các bậc học, cấp học, với tất cả các địa phương. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, các phường xã phải dự báo chính xác để mở rộng trường lớp để đảm bảo 100% học sinh được tới trường. Riêng với bậc mầm non, THPT, ngoài mở rộng mô hình trường công lập thì phải phát triển mô hình trường ngoài công lập, gắn với chất lượng để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của phụ huynh.

PV: Xin cảm ơn ông!

Mỹ Hà