Nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, đứng tốp đầu cả nước là mục tiêu của giáo dục Nghệ An

Mỹ Hà 06/08/2023 09:02

(Baonghean.vn) - Năm 2023, tròn 10 năm Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được đi vào thực hiện.

Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với GS.TS.NGƯT Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An về quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết trên địa bàn tỉnh.

P.V:Thưa GS.TS Thái Văn Thành, Nghị quyết số 29 được ví như một luồng gió mới thổi vào nền giáo dục và đào tạo để mở ra một hướng đổi mới toàn diện cho hệ thống giáo dục và đào tạo nước nhà. Tại Nghệ An, ông đánh giá như thế nào về quá trình và kết quả thực hiện?

GS.TS Thái Văn Thành: Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.

Trước hết, chúng ta khẳng định đó là sự chỉ đạo sát sao có tính hệ thống, bài bản, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh bằng việc ban hành nhiều nghị quyết, chương trình hành động và UBND tỉnh đã ban hành nhiều đề án, kế hoạch gắn với thực tiễn của địa phương và tạo ra sự đồng bộ trong cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện.

IMG_8435.JPG
Một giờ học của học sinh Trường Tiểu học Nghi Hương - thị xã Cửa Lò. Ảnh: Mỹ Hà

Nhờ đó, cán bộ, nhà giáo, phụ huynh và nhân dân trên địa bàn tỉnh cơ bản đồng thuận, ủng hộ triển khai những chủ trương, chính sách về đổi mới giáo dục những năm qua, nhất là thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018, các mô hình trường học mới và hoạt động giáo dục của địa phương. Nhìn lại 10 năm thực hiện, thành quả đầu tiên mà chúng ta khẳng định đó là nguồn nhân lực toàn diện chất lượng cao của tỉnh đã có bước tiến bộ khởi sắc, đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh và khu vực Bắc Trung Bộ. Hệ thống cơ sở vật chất, mạng lưới trường lớp khang trang, đồng bộ, hiện đại, từng bước tiệm cận với khu vực và khẳng định được vị thế, thương hiệu của giáo dục Nghệ An trong hệ thống giáo dục quốc dân cả nước.

Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục mũi nhọn vẫn tiếp tục được giữ vững, số lượng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế luôn dẫn đầu cả nước. Liên tục trong những năm gần đây, năm nào Nghệ An cũng có Huy chương Vàng, Bạc, Đồng, khu vực và quốc tế. Đó là niềm tự hào của người Nghệ, khẳng định tinh thần hiếu học, sáng tạo của học sinh Nghệ An. Một kết quả đáng ghi nhận đó là chất lượng giáo dục đại trà từng bước được nâng lên và có sự phát triển, tiến bộ một cách rõ nét; từ đứng thứ 46/63 tỉnh, thành đã lên thứ 38, 36 và 2 năm gần đây Nghệ An đứng thứ 20, 22/63 tỉnh, thành. Với kết quả vững chắc này, chúng ta tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, phấn đấu đứng tốp đầu cả nước.

Đó cũng là mục tiêu lâu dài của giáo dục Nghệ An, thể hiện trách nhiệm với lãnh đạo, với nhân dân, với học trò tỉnh nhà và xứng đáng với truyền thống hiếu học của người dân xứ Nghệ.

z4285347846822_0d4c661a1acd06a06c40d498aad3a369.jpg
Đoàn học sinh của tỉnh Nghệ An tham dự Kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn Hoá học năm 2023. Ảnh: NTCC

Những năm qua, đội ngũ nhà giáo Nghệ An phát triển cả về số lượng và chất lượng, từng bước đồng bộ về cơ cấu. Chất lượng nhà giáo được thể hiện trong việc đào tạo trên chuẩn. Trong các hội nghị sinh hoạt chuyên môn khoa học do Bộ Giáo dục và Đào tạo, hội nghị quốc tế tổ chức, đội ngũ nhà giáo Nghệ An tham gia rất tích cực, khẳng định được vị thế và năng lực.

Đặc biệt, trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, Nghệ An đã xây dựng được một số mô hình và những phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đánh giá theo phát triển phẩm chất năng lực học sinh được Bộ Giáo dục và Đào tạo nhân rộng thành mô hình điểm trong cả nước.

Một vấn đề rất đáng ghi nhận đó là giáo dục toàn diện ngày càng tốt lên, môi trường sư phạm lành mạnh, học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tỉnh từng bước đầu tư tạo môi trường giáo dục bình đẳng. Từ đây, giúp học sinh Nghệ An đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

P.V:Để đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, đội ngũ giáo viên đóng vai trò rất quan trọng. Trong những năm qua, công tác phát triển đội ngũ nhà giáo, công chức, viên chức và cán bộ quản lý giáo dục của tỉnh nhà đã có những chuyển biến tích cực như thế nào, thưa ông?

GS.TS Thái Văn Thành: Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách và thực hiện rà soát, sắp xếp lại đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới. Đồng thời, hàng năm, chỉ đạo tham mưu phê duyệt kế hoạch phát triển giáo dục cho các đơn vị trên địa bàn, làm căn cứ để xây dựng và tham mưu phê duyệt số người làm việc, vị trí việc làm cho các đơn vị, cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ cho từng năm học.

Việc tiếp nhận, tuyển dụng, điều động, tinh giản biên chế được thực hiện theo đúng vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp, đảm bảo đội ngũ nhà giáo cơ bản đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường lớp của địa phương. Nhờ vậy, đến nay, trình độ giáo viên ngày càng được nâng lên; giữ vững tỷ lệ 100% giáo viên mầm non, phổ thông, chuyên nghiệp đứng lớp đạt chuẩn đào tạo; nâng dần tỷ lệ trên chuẩn đào tạo.

Chương trình mới giúp học sinh phát triển toàn diện.jpg
Trường THPT Diễn Châu 3 là ngôi trường đầu tiên được chọn xây dựng Trường học hạnh phúc. Ảnh: NTCC

Nếu như năm 2014 có 76,4% giáo viên mầm non, 88,6% giáo viên tiểu học, 82,3% giáo viên THCS, 20,3% giáo viên THPT trên chuẩn thì đến nay có 80,4% giáo viên mầm non, 89,6% giáo viên tiểu học, 84,3% giáo viên THCS, 21,3% giáo viên THPT trên chuẩn.

Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, Nghệ An là một trong những địa phương đi đầu trong việc đào tạo bồi dưỡng giáo viên đảm bảo lộ trình triển khai chương trình thay sách giáo khoa mới.

Tỉnh cũng chỉ đạo các cấp, các ngành tham mưu, triển khai thực hiện chế độ, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đầy đủ, kịp thời.

Ngoài các chế độ của Trung ương ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo tham mưu thực hiện có hiệu quả một số chính sách phù hợp với địa phương như: cơ chế, chính sách cho Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, chế độ tiền lương cho giáo viên không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, chế độ dạy học 2 buổi/ngày của giáo viên tiểu học và giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú, chế độ chi trả trong trường mầm non tổ chức dạy ngày nghỉ, hỗ trợ trường đạt chuẩn quốc gia, chế độ, chính sách cho cán bộ công tác tại phòng giáo dục và đào tạo...

Nhiều cấp ủy địa phương đã chỉ đạo, ban hành những cơ chế, chính sách tăng cường thu hút nhân tài, tuyển dụng, khen thưởng thúc đẩy hoạt động giáo dục trên địa bàn.

Đơn cử như huyện Diễn Châu xây dựng Quỹ “Tài năng sư phạm” để khen thưởng cho giáo viên đạt thành tích cao; huyện Quỳ Châu xây dựng Quỹ “Tài năng sư phạm” để khen thưởng cho cán bộ, giáo viên, nhân viên có thành tích xuất sắc hàng năm; huyện Hưng Nguyên khuyến khích các trường hỗ trợ công tác phí cho giáo viên biệt phái…

P.V:Nghệ An là tỉnh đầu tiên trên cả nước triển khai mô hình đảm bảo chất lượng tại cơ sở giáo dục phổ thông. Đây cũng được xem như giải pháp đột phá để thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Vậy những yếu tố cốt lõi của mô hình này là gì khi triển khai trong thực tế?

GS.TS Thái Văn Thành: Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai mô hình đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông từ năm 2020 và sau một quá trình thí điểm đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Mô hình này đi đầu cả nước trong việc thực hiện chất lượng giáo dục phổ thông.

IMG_9477.JPG
Một hoạt động ngoại khóa của học sinh thành phố Vinh. Ảnh: Mỹ Hà

Để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phát triển các năng lực và phẩm chất người học thì phải quản lý được chất lượng giáo dục phù hợp với mục tiêu giáo dục, thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý chất lượng của các nhà trường một cách đồng bộ, bao gồm từ đảm bảo yếu tố bối cảnh, đảm bảo yếu tố đầu vào, đảm bảo yếu tố quá trình dạy và học, đảm bảo yếu tố đầu ra...

Điểm mấu chốt trong mô hình là có sự kiểm tra đầu vào để rà soát đánh giá năng lực, phẩm chất, thói quen, vốn văn hóa của học sinh. Qua đó, có sự cụ thể hóa, phân hóa để tiến hành dạy học và có các biện pháp cụ thể để tác động đến từng học sinh để các em có sự tiến bộ, trưởng thành. Trong quá trình thực hiện, các nhà trường có ký cam kết chất lượng, trách nhiệm của từng học sinh, từng lớp gắn với từng chủ thể, không nói chất lượng chung chung. Việc cam kết thực hiện chuẩn đầu ra sẽ tạo áp lực nhất định, nhưng cũng là động lực cho mỗi giáo viên, hiệu trưởng, nhà trường nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện thực chất.

Thực tế sau gần 3 năm triển khai, mặc dù chưa thể đánh giá và có nhiều con số cụ thể, nhưng chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến rõ nét. Qua quá trình kiểm tra, chỉ đạo của sở, bước đầu nhận thấy các cơ sở giáo dục phổ thông đã có nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động.

Đặc biệt là việc đổi mới quản trị nhà trường của các hiệu trưởng, phấn đấu xây dựng văn hóa chất lượng, lấy người học làm trung tâm.

P.V:Việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới bên cạnh những thuận lợi, còn có những khó khăn, thách thức. Vậy, trong thời gian tới, ngành sẽ triển khai như thế nào để đạt được các mục tiêu đề ra?

GS.TS Thái Văn Thành: Dù đã có những nỗ lực, nhưng chúng ta phải thẳng thắn nhìn vào những tồn tại, hạn chế như chất lượng giáo dục và đào tạo chưa thực sự là động lực bứt phá, là nguồn lực cạnh tranh của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội; có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân và thị trường lao động. Chất lượng giáo dục đại trà có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm; có sự chênh lệch giữa các vùng, miền. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục vẫn còn bất cập về chất lượng, số lượng, cơ cấu, chính sách đãi ngộ. Tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên chưa được giải quyết dứt điểm…

SN107385.JPG
Chất lượng giáo dục miền núi được nâng cao. Trong ảnh: Học sinh Trường PT DTBT THCS Mường Lống - Kỳ Sơn. Ảnh: Mỹ Hà

Trong thời gian tới, ngành tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các đề án, chính sách để quán triệt các nghị quyết của Trung ương vào thực tiễn ở Nghệ An. Đồng thời, có chính sách quan tâm đặc thù của tỉnh dành cho giáo dục, nhất là với những huyện miền núi cao và học sinh là người dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, thực hiện một cách đồng bộ, bài bản, rà soát lại hệ thống trường lớp, dồn dịch các điểm trường để xây dựng trường đồng bộ, khang trang, hiện đại. Toàn ngành cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số để đổi mới công tác quản trị nhà trường gắn với cải cách hành chính. Từ đó, tạo đột phá để thực hiện Nghị quyết 29 và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.

Đồng thời, thực hiện tốt công tác đào tạo đội ngũ nhà giáo để được cập nhật thường xuyên những cái mới, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục. Tiếp tục thực hiện các mô hình mà chúng ta đã xây dựng, hoàn thiện và phát triển, lấy mô hình đảm bảo chất lượng làm nòng cốt và tích hợp với các mô hình trường trọng điểm, trường tiên tiến, trường học hạnh phúc, trường học thực hiện công tác xã hội để xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, phòng, chống bạo lực học đường, trường học tự quản về an ninh, trật tự.

P.V:Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Mỹ Hà