Các trường học Nghệ An tăng tốc hoàn thiện cơ sở vật chất trước năm học mới
(Baonghean.vn) - Đảm bảo đủ trường, lớp là nhiệm vụ quan trọng của các địa phương và các nhà trường trước mỗi năm học mới. Tại Nghệ An, trong bối cảnh quy mô trường lớp lớn, địa bàn trải rộng, số học sinh tăng nhanh theo từng năm, việc xây dựng trường lớp càng phải được đầu tư, quan tâm.
Trường mới cho năm học mới
Những ngày này, các hạng mục cuối cùng của dãy nhà tầng với 20 phòng học của Trường THCS Mã Thành (Yên Thành) đang đi vào hoàn thiện. Ngôi trường khang trang, hiện đại với tổng giá trị hơn 10 tỷ đồng là nỗ lực của chính quyền địa phương, sự ủng hộ của người dân trong xã và kêu gọi xã hội hóa. Trường mới, lớp mới, Trường THCS Mã Thành cũng đang từng bước về đích để sớm được công nhận trường chuẩn quốc gia trong năm học này.
Có thêm dãy nhà cao tầng, bài toán khó về thiếu lớp, thiếu trường của nhà trường cũng cơ bản được giải quyết khi năm nay trường tăng 1 lớp so với năm học trước. Ngay sau khi trường mới hoàn thành và đi vào sử dụng, nhà trường cũng đã có kế hoạch kêu gọi xã hội hóa, mua sắm thêm trang thiết bị để phục vụ việc dạy học để đáp ứng được yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Thầy giáo Nguyễn Hữu Đức – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường THCS Mã Thành là một trong những trường có số lượng học sinh đông nhất của huyện Yên Thành và nhu cầu về trường lớp rất lớn, không chỉ trong năm nay mà còn các năm tới. Vì vậy, ngay từ bây giờ chúng tôi đã tham mưu cho chính quyền đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để đáp ứng đủ phòng học cho học sinh.
Toàn huyện Yên Thành có 118 trường học ở cả 4 cấp học với hơn 74.000 học sinh. Bước sang năm học 2023 – 2024, số học sinh trên địa bàn tăng nhanh với 38 lớp và hơn 1.700 học sinh. Điều này gây áp lực không nhỏ đến việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho các nhà trường.
Nói thêm về điều này, ông Lê Đình Cẩn – Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Thành cho biết: Trước thềm năm học mới, ngành Giáo dục đã chỉ đạo các nhà trường rà soát bổ sung cơ sở vật chất, đặc biệt là các phòng học và phòng chức năng. Hiện đang có 19 trường đang xây dựng và dự kiến có 222 phòng học mới sẽ đưa vào sử dụng.
Năm học mới niềm vui đã đến với giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Thanh Liên (Thanh Chương) khi nhà trường vừa hoàn thành công tác thẩm định để công nhận trường chuẩn quốc gia mức độ 2 và đạt kiểm định chất lượng mức độ 3. Ngôi trường mới tổng giá trị gần 17 tỷ đồng với 3 dãy nhà cao tầng, đủ phòng học, phòng chức năng là một trong những trường mới, khang trang của huyện Thanh Chương hiện nay.
Cách đây 4 năm, Trường Tiểu học Thanh Liên vẫn là ngôi trường cấp 4, cũ kỹ, xuống cấp và tạm bợ. Trong khi đó, dự án xây dựng trường mới dù đã được phê duyệt từ năm 2012 nhưng đã treo trong nhiều năm. Do điều kiện dạy và học gặp nhiều khó khăn, nên trong thời gian qua, dù ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn nhưng huyện Thanh Chương vẫn ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho nhà trường.
Với lợi thế khuôn viên rộng hơn 11.000m2, thời gian tới, nhà trường đang tiếp tục xin các nguồn vốn để đầu tư xây dựng sân cỏ nhân tạo, hoàn thiện toàn bộ cảnh quan. Thầy Nguyễn Xuân Quảng – Hiệu trưởng nói thêm: Ngôi trường khang trang, đẹp đẽ là mơ ước nhiều năm nay của chính quyền và nhân dân địa phương. Vì vậy, việc được công nhận trường chuẩn là cơ sở và động lực để nhà trường phấn đấu thi đua dạy tốt, học tốt, nâng cao chất lượng giáo dục.
Chỉ trong năm học này, huyện Thanh Chương đã huy động gần 125 tỷ đồng để xây dựng mới 59 phòng học văn hóa, 84 khối phòng học tập khác, 15 công trình vệ sinh và các công trình phụ trợ cho các nhà trường. Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa, vận động tài trợ được triển khai linh hoạt, hiệu quả. Qua đó, các trường đã kêu gọi được hơn 20 tỷ đồng, trong đó bố trí trên 8 tỷ để xây dựng công trình mới, sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm thiết bị dạy học.
Đặc thù huyện Thanh Chương là địa bàn rộng, có nhiều xã miền núi nên việc xây dựng cơ sở vật chất trường lớp gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của chính quyền địa phương, đến nay cơ sở vật chất trường lớp cơ bản được đảm bảo, 78% trường học đã được công nhận chuẩn hoặc được thẩm định lại trường chuẩn. So với kế hoạch đại hội Đảng bộ huyện, chúng tôi đã về đích hơn 90%.
Áp lực về cơ sở vật chất cho năm học mới
Bước vào năm học mới, ngành Giáo dục Nghệ An gặp nhiều khó khăn khi số lượng học sinh tăng đột biến với hơn 26.000 em, tương đương với 540 lớp học. Điều này còn có nghĩa, nhu cầu trường lớp tăng hơn nhiều so với năm học trước.
Thành phố Vinh là địa phương chịu nhiều áp lực về trường lớp khi tăng 3.100 học sinh với 73 lớp. Vì số học sinh tăng đột biến, quy mô lớp tăng nên có 5 trường thay đổi hạng từ hạng 2 lên hạng 1, đó là Trường THCS Quán Bàu, THCS Hưng Bình, THCS Trung Đô, THCS Nguyễn Trường Tộ và THCS Nghi Phú. Tại Trường THCS Hưng Bình, năm học này trường tăng đến 6 lớp, trong khi đó, cơ sở vật chất không được xây mới.
Áp lực trường, lớp quá cao buộc nhà trường phải chuyển đổi các phòng chức năng sang phòng học mới có đủ phòng học cho năm học mới. Cô giáo Lê Thị Thu Yến – Hiệu trưởng nhà trường nói thêm: Ngoài việc bỏ phòng truyền thống, phòng Mỹ thuật để ưu tiên làm phòng học, chúng tôi cũng sẽ dồn các phòng làm việc như phòng thủ quỹ, phòng y tế để ưu tiên phòng học cho học sinh.
Trên địa bàn thành phố Vinh, hiện Trường Tiểu học Hưng Lộc là trường duy nhất có 2 cơ sở, trong đó cơ sở 2 mới xây và đi vào hoạt động 2 năm trở lại đây. Được xem là trường có quy mô cơ sở vật chất hiện đại, nhưng năm học này trường đã thiếu lớp và dự kiến sẽ thiếu nhiều hơn nữa trong các năm tới.
Cô giáo Nguyễn Thị Hiền - Hiệu trưởng cho biết: Năm học này ở cơ sở 2 thiếu 1 lớp và chúng tôi buộc phải chuyển phòng khoa học - công nghệ sang phòng học. Nếu năm tới, giai đoạn 2 của dự án không kịp triển khai thì số phòng học thiếu còn nhiều hơn.
Trước tình trạng học sinh tăng nhanh, trước thềm năm học mới, nhiều trường trên địa bàn thành phố Vinh đã tiếp tục xây dựng thêm trường lớp. Tuy nhiên, con số này chỉ đáp ứng được trong thời gian ngắn và nhu cầu trong những năm tới sẽ tiếp tục tăng thêm.
Như tại Trường Tiểu học Trường Thi, hiện dự án xây dựng trường mới giai đoạn 1 đã hoàn thành với 18 phòng mới. Tuy nhiên, để đáp ứng đủ nhu cầu của học sinh, nhà trường vẫn phải sử dụng 20 phòng học ở cơ sở cũ. Vài tháng tới, khi trường tiếp tục thực hiện giai đoạn 2, nhà trường có thể sẽ phải trở lại tình trạng đi mượn hoặc thuê phòng học, học sinh sẽ phải học bù vào thứ Bảy như các năm trước.
Từ năm 2020, huyện Quỳnh Lưu cũng đã xây dựng đề án tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học để đáp ứng điều kiện triển khai chương trình dạy học theo chương trình mới. Trong hai năm qua, toàn huyện đã xây dựng 419 phòng học nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Trong khi đó, hiện nay nguồn thu của các xã trên địa bàn ngày càng khó khăn nên tiến độ xây dựng cơ sở vật chất ở một số trường học còn chậm, công tác tư vấn thiết kế quy hoạch xây dựng trường lớp còn thiếu đồng bộ, một số trường còn vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng.
Trên toàn tỉnh, cho đến thời điểm này, dù các nhà trường đều cố gắng bố trí đủ phòng học cho học sinh nhưng điều kiện dạy học vẫn chưa đảm bảo. Hiện, ở bậc mầm non, số phòng học kiên cố chỉ đạt 78,3%; cấp tiểu học đạt 97,2%, cấp THCS đạt 92,7%, cấp THPT đạt 96% và cấp GDTX chỉ mới đạt 89,2%. Toàn tỉnh vẫn đang còn 996 điểm trường lẻ. Vì vậy, thời gian tới, việc đảm bảo nguồn lực tài chính để đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học là điều hết sức quan trọng.
Ngành sẽ triển khai quyết liệt các cơ chế, chính sách đảm bảo nguồn lực cho giáo dục trên địa bàn, tranh thủ tối đa nguồn kinh phí đảm bảo thực hiện các kế hoạch, đề án đã được UBND ban hành. Tranh thủ tối đa các nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu Quốc gia được phân bổ cho địa phương trong ưu tiên phát triển giáo dục.
Bên cạnh đó, ngành sẽ phối hợp với chính quyền địa phương các cấp chuẩn bị bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu, đảm bảo yêu cầu năm học mới với quy mô học sinh các cấp học tăng và nhiệm vụ xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Huy động sức mạnh hệ thống chính trị và sự đồng hành của cha mẹ học sinh trong công tác vận động xã hội hóa giáo dục đảm bảo quy trình, thủ tục công khai, minh bạch, tự nguyện và quản lý, sử dụng hiệu quả, đúng mục đích…