Trưởng bản ở Kỳ Sơn 'đi từng nhà, rà từng người', khuyến cáo nhân dân di dời khi mưa lớn

Quang An - Xuân Hoàng 12/08/2023 10:46

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi lần dự báo thời tiết có mưa lớn, trưởng bản tại tâm lũ của huyện Kỳ Sơn lại đến từng ngôi nhà tạm nhắc nhở, khuyến cáo người dân thu dọn đồ đạc, sẵn sàng rời đi để đảm bảo an toàn trước nguy cơ sạt lở.

Clip: Quang An - Xuân Hoàng

Đi từng nhà, rà từng người

Từ đầu tháng 8, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn liên tiếp xuất hiện các cơn mưa khá lớn, những ngôi nhà tạm được bà con vùng lũ dựng lên lại có nguy cơ bị đất đá tiếp tục đổ sập xuống bất cứ lúc nào.

Gia đình bà Nguyễn Thị Hường - ông Vi Văn Khuyên ở bản Hoà Sơn, xã Tà Cạ những ngày này như ngồi trên đống lửa, bởi căn nhà của họ đã bị vùi lấp hoàn toàn sau trận lũ lịch sử của năm trước, không có nơi ở mới, bà Hường đành phải dựng tạm chỗ nương thân ngay tại điểm sạt lở để sinh sống.

bna_1.jpg
Căn nhà tạm của bà Hường nằm ngay điểm sạt lở. Ảnh: Quang An

Bà Hường lo lắng, khi ngay sau hồi nhà là điểm sạt lở núi chưa được khắc phục, nếu trời mưa rất dễ tiếp tục sạt lở, đe doạ đến tính mạng và tài sản của gia đình. Do vậy, trước những đợt mưa to vừa rồi, cả gia đình phải chủ động sơ tán đến nhà người thân. Sau khi hết mưa, họ mới dám trở về, sắp xếp lại đồ đạc trong nhà để sinh hoạt.

"Trưởng bản thường xuyên theo dõi thời tiết, nhắc nhở bà con di tản, nên gia đình có phần yên tâm. Mùa mưa lũ đang đến, do vậy cảnh di tản này sẽ còn diễn ra nhiều lần. Mong muốn của gia đình là Nhà nước sớm có khu tái định cư để người dân ổn định cuộc sống", bà Hường giãi bày.

Mỗi khi trời đổ mưa, anh Vi Văn Truyền - trưởng bản Hoà Sơn, xã Tà Cạ không thể nào yên lòng khi hàng chục hộ dân tại bản vẫn nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao. Với phương châm "đi từng nhà, rà từng người", khi nghe tin mưa về, người trưởng bản trẻ tuổi lại tất tả đến những ngôi nhà tạm, khuyên nhủ bà con sẵn sàng thu dọn đồ đạc để di dời, đề phòng nguy hiểm vì các khối đất đá có thể đổ sập bất cứ lúc nào...

bna_sạt 2.jpg
Căn nhà tạm của gia đình ông Lương May Panh, xã Tà Cạ có thể bị vùi lấp bất cứ thời điểm nào khi mưa lớn. Ảnh: Xuân Hoàng

Anh Truyền chia sẻ: Tuần trước, trời mưa như trút, anh em cán bộ bản phải chạy đến từng hộ dân sinh sống trong khu vực nguy cơ sạt lở cao và nhà tạm, khẩn trương ra khỏi nhà, di tản đến những hộ dân trong bản để trú ngụ tạm thời trong những ngày mưa. Đây là công việc thường xuyên và trách nhiệm của ban mặt trận thôn bản, sau khi đã được chính quyền cấp trên chỉ đạo.

"Nhớ lại trận lũ lịch sử của năm ngoái, khi hàng chục người mắc kẹt trong ngôi nhà, xung quanh là nước lũ ngập sâu, chảy xiết... tôi và nhiều thanh niên trong bản tìm mọi cách tiếp cận, sơ tán họ thoát được "lưỡi hái tử thần". Do vậy, giờ mình phải chủ động sơ tán trước, nếu không sẽ trở tay không kịp", anh Truyền cho hay.

Sự nhiệt tình, năng nổ của trưởng bản Vi Văn Truyền đã giúp bà con chủ động hơn trong công tác phòng chống thiên tai, sạt lở... anh Truyền cũng là người hùng trong trận lũ lịch sử năm ngoái khi cứu giúp được người dân thoát chết trong gang tấc.

bna_động viên.jpg
Trưởng bản Hoà Sơn, anh Vi Văn Truyền đến từng ngôi nhà tạm để khuyến cáo bà con sẵn sàng rời đi khi mưa lớn. Ảnh: Quang An

Ngoài bản Hoà Sơn, còn có bản Sơn Hà của xã Tà Cạ cũng có nhiều hộ dân đang sinh sống trong khu vực nguy cơ sạt lở cao. Trưởng bản Sơn Hà, ông Mùa Bá Vừ, cho hay, trong bản có nhiều căn nhà chênh vênh bên sườn núi, bờ suối, đặc biệt tại các điểm đã từng sạt lở của trận lũ lịch sử năm trước, do đó bản thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở bà con chủ động ra khỏi khu vực nguy cơ rủi ro cao, nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, tài sản. Mưa ở vùng cao thường xuất hiện bất ngờ, cùng đó nước sông suối dâng nhanh, chảy xiết... nếu không sơ tán trước thì hậu quả khôn lường.

bna_thu dọn.jpg
Việc thu dọn đồ đạc, sẵn sàng di dời đến nơi an toàn được người dân vùng lũ Kỳ Sơn chủ động thực hiện. Ảnh: Quang An

Đặt an toàn của người dân lên hàng đầu

Phó Chủ tịch UBND xã Tà Cạ, bà La Thị Hồng Văn, băn khoăn: Ngoài một số hộ đã tự tìm nơi ở mới, xây nhà kiên cố, còn hàng chục hộ dân đang sinh sống trong khu vực nguy hiểm. Thực hiện sự chỉ đạo của huyện, cùng với cắt cử lực lượng thường trực ứng phó mưa bão, chính quyền địa phương thường xuyên nhắc nhở các thôn bản, tuyệt đối không để người dân bám trụ trong những ngôi nhà nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao.

bna_nhà tạm.jpg
Người dân vùng lũ Kỳ Sơn đang ở thế tiến thoái lưỡng nan khi rời đi thì chưa có điểm tái định cư, ở lại thì đối mặt với tử thần. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: Đặc thù của Kỳ Sơn là địa hình núi cao, độ dốc lớn, nhiều khe suối, vào mùa mưa lũ, dễ xảy ra lũ ống, lũ quét, do vậy việc đảm bảo an toàn cho người dân trên địa bàn huyện luôn được đặt lên hàng đầu. Theo đó, UBND huyện đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo các địa phương tập trung mọi phương án ứng phó với thiên tai.

Đặc biệt đáng lưu ý là tại các địa phương nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, trong đó 2 bản Sơn Hà và Hoà Sơn của xã Tà Cạ, nơi xảy ra trận lũ lịch sử của năm ngoái, nay chưa bố trí được khu tái định cư mới, nên hàng chục hộ dân đang phải sinh sống trong khu vực nguy hiểm.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thuỷ văn Quốc gia, mùa mưa lũ năm nay sẽ xuất hiện nhiều ở khu vực Bắc Trung bộ từ tháng 8 đến tháng 10.

Quang An - Xuân Hoàng