Thuyên chuyển giáo viên ở Quỳ Châu: ‘Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?’…
(Baonghean.vn) - Nghe những tâm sự buồn của một số giáo viên bậc THCS, nhà quản lý giáo dục có khoảng thời gian dài cống hiến tại vùng sâu, vùng xa ở huyện miền núi Quỳ Châu, chạnh lòng nhớ lời bài hát Một đời người, một rừng cây: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai…?”
Nỗi niềm trong mỗi lá đơn xin thuyên chuyển
Qua một người làm quản lý giáo dục, trung tuần tháng 8/2023, phóng viên Báo Nghệ An được tiếp cận một số đơn xin thuyên chuyển của giáo viên bậc THCS huyện Quỳ Châu. Mong muốn của người làm quản lý giáo dục này là làm sao đó, công tác thuyên chuyển hàng năm ở địa phương của ông được thực hiện công bằng, nhất là trong đội ngũ giáo viên thuộc 8 trường THCS trên địa bàn huyện. “Nhiều năm qua ở Quỳ Châu đang tồn tại thực tế là có một bộ phận giáo viên đã và đang cống hiến toàn bộ sức lực, từ những ngày mới rời trường cho vùng sâu vùng xa đến bây giờ, nhưng lại có một bộ phận lại thiếu sự sẻ chia với đồng nghiệp...” – ông nói.
Xem hơn 20 lá đơn xin thuyên chuyển của giáo viên vùng khó khăn của huyện Quỳ Châu, chúng tôi thấy có những nhà giáo đã cao tuổi như thầy Hủn Vi Trung; có những cặp vợ chồng giáo viên như cô Trần Thị Tú Anh; cô Trịnh Thị Bích Vân; có giáo viên đã hơn 20 năm công tác vùng xa như thầy giáo Nguyễn Bá Sơn… Điểm chung của những thầy, cô giáo có đơn xin thuyên chuyển này là họ cùng cư trú tại thị trấn Tân Lạc, nhiều năm liên tục công tác tại vùng sâu, vùng xa. Lý do xin thuyên chuyển là bởi khoảng cách xa ngái giữa nơi ở của gia đình và nơi công tác đã tác động ảnh hưởng đến sức khỏe, gia đình, kinh tế, tâm lý… Vì vậy, đã từ nhiều năm qua, họ có đơn trình bày nguyện vọng xin được thuyên chuyển bố trí dạy học gần nhà.
Thầy giáo Hủn Vi Trung đã 58 tuổi, có gia đình tại thị trấn Tân Lạc đã viết trong đơn: “Ngày 5/8/2013, tôi có quyết định điều động luân chuyển từ Trường THCS Hạnh Thiết đến giảng dạy tại Trường PTDTBT THCS Hội Nga cho đến tháng 7/2019. Sau đó, lại được điều động lên công tác tại Trường THCS Tiến Thắng. Đến nay, đã tròn 10 năm công tác xa nơi cư trú. Nay tuổi đã khá cao, bản thân mang bệnh tiểu đường, sức khỏe giảm sút nên gặp nhiều khó khăn khi tham gia giao thông trên quãng đường dài. Vì vậy, kính đề nghị Phòng Giáo dục, Phòng Nội vụ xem xét tạo điều kiện để tôi được về công tác gần nơi cư trú, tiếp tục cống hiến cho ngành những năm còn lại trước khi nghỉ hưu…”.
Giáo viên môn Ngữ văn Trần Thị Tú Anh cùng chồng - thầy giáo Đậu Phi Dũng cùng công tác xa nơi cư trú, cô Tú Anh đã hơn 8 năm, còn chồng đã gần 20 năm. Trần Thị Tú Anh là một trong những giáo viên của huyện Quỳ Châu có bề dày thành tích, liên tục là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, 5 năm có sáng kiến kinh nghiệm cấp cơ sở, 5 năm có học sinh đạt thành tích học sinh giỏi cấp tỉnh, từng được UBND tỉnh tặng Bằng khen… Trần Thị Tú Anh đã tâm sự trong đơn: “Do hoàn cảnh cả hai vợ chồng cùng công tác xa nhà, con vào học năm cuối cấp nhưng không có người chăm sóc, kèm cặp. Hai vợ chồng nhiều năm lên kế hoạch sinh thêm cháu thứ hai nhưng vì sức khỏe không tốt, cùng dạy học xa nhà nên chưa thực hiện được. Mặt khác, nếu được công tác ở gần nơi cư trú, tôi sẽ có nhiều đóng góp hơn cho ngành trong công tác đào tạo học sinh mũi nhọn. Vì vậy, tôi viết đơn này xin được chuyển công tác để thuận tiện chăm sóc gia đình và tiếp tục cống hiến cho ngành…”.
Ngược lên Quỳ Châu với niềm mong được tận tai nghe tâm tư của những giáo viên có đơn. Ở trường THCS Tiến Thắng chúng tôi được gặp thầy giáo Đậu Phi Dũng, chồng cô Trần Thị Tú Anh. Thầy Dũng lộ vẻ buồn và rất kiệm lời khi thổ lộ chuyện riêng tư. Nhưng biểu lộ sự khát khao, hy vọng vợ mình sẽ được xem xét chuyển công tác như nguyện vọng. Hỏi thầy Dũng: Nếu năm nay vẫn chưa được xem xét luân chuyển thì vợ chồng thầy có suy nghĩ gì? Thầy Dũng trả lời: “Trong quãng thời gian công tác xa nơi cư trú, đây là lần thứ 3 vợ tôi viết đơn xin thuyên chuyển. Lý do thì như trong đơn. Điều tôi lo là vợ đã 41 tuổi, đã bị bệnh xương khớp đang phải đi điều trị, trong khi đã vài năm nay hai vợ chồng mong sinh thêm con vì mới có một cháu năm nay bước vào lớp 9…”.
Còn ở Trường PTDTBT THCS Bính Thuận, chúng tôi được thầy giáo Nguyễn Bá Sơn tiếp chuyện. Cũng như thầy giáo Đậu Phi Dũng, người giáo viên dạy môn Sử này rất dè dặt khi nêu lý do xin thuyên chuyển sau 21 năm gắn bó với ngôi trường ở vùng xa Châu Bính – Châu Thuận. Nhưng qua những tâm sự ít ỏi đó, biết hoàn cảnh gia đình thầy giáo Nguyễn Bá Sơn đang gặp những khó khăn, nguyện vọng thuyên chuyển là rất chính đáng, cần được xem xét…
Tâm tư của người quản lý
Trong thời gian đến Trường THCS Tiến Thắng và Trường PTDTBT THCS Bính Thuận, chúng tôi cũng được gặp những người làm quản lý tại đây. Qua trò chuyện, cho thấy họ nhìn nhận nguyện vọng xin thuyên chuyển của những giáo viên có đơn là chính đáng. Và họ hiểu trong công tác thuyên chuyển giáo viên hàng năm ở huyện, đối với bậc THCS, đang có nhiều khó khăn vì lý do khách quan nên luôn nỗ lực ổn định tư tưởng cho giáo viên để không ảnh hưởng đến công tác giảng dạy.
Như Hiệu trưởng Trường THCS Tiến Thắng, cô Nguyễn Thị Xuân nhìn nhận trong hơn 10 lá đơn xin thuyên chuyển của giáo viên trường mình thì không có lá đơn nào là không chính đáng. Vì những giáo viên này đều có gia đình tại thị trấn, phải công tác xa nhà đã nhiều năm, có giáo viên đã gần tuổi nghỉ hưu vẫn phải công tác xa nhà như thầy Hủn Vi Trung; hay cả hai vợ chồng cùng công tác xa nhà như thầy Đậu Phi Dũng và cô Trần Thị Tú Anh... Hiệu trưởng Nguyễn Thị Xuân cũng có gia đình ở thị trấn Tân Lạc, cô tâm sự rằng bản thân cũng đã có nhiều thời gian gắn bó với vùng sâu vùng xa. Với Trường THCS Tiến Thắng thì đây đã là lần thứ hai. Ở lần đầu tiên, khi cô sinh con đầu mới tròn 7 tháng tuổi, đến khi được điều chuyển về dạy gần nhà thì con đã gọi cô bằng chị. Vì vậy, cô rất hiểu và sẻ chia với đồng nghiệp…
Dẫn đến thực tế không mấy vui này, theo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Xuân thì hiện nay trong đội ngũ giáo viên của 8 trường THCS trên địa bàn còn có nhiều người thiếu sự chia sẻ với đồng nghiệp, chia sẻ với những người làm công tác quản lý giáo dục của huyện. “Đây là nguyên nhân chính dẫn đến công tác luân chuyển trong khu vực THCS của Quỳ Châu trong những năm qua gặp khó khăn” – cô Xuân nói.
Bên cạnh đó, theo cô Xuân, công tác tinh giản đội ngũ giáo viên đang có bất cập, dẫn đến có nơi có chỗ sắp xếp vị trí chuyên môn chưa phù hợp. Như tại Trường THCS Tiến Thắng, năm học mới này chỉ còn 28 giáo viên. Tỉ lệ giáo viên hiện trên 1,6, dạy 20 tiết/tuần; theo chương trình đổi mới, sẽ có những giáo viên phải dạy tới 26-27 tiết/tuần. Do vậy, có thể trong tương lai gần dễ xảy ra một thực tế là giáo viên Văn dạy Toán, Toán thì dạy Sinh, Sử.
“Với trách nhiệm của người làm quản lý, tôi mong cấp trên cân nhắc, xem xét công tác tinh giản trong đội ngũ giáo viên. Vì thực tế cho thấy cần phải đảm bảo tỷ lệ 1,8 thầy cô giáo mới được đặt đúng vị trí, đảm bảo công tác trao truyền kiến thức cho học sinh. Với công tác luân chuyển, tôi mong huyện và ngành trước tiên hãy làm công tác tư tưởng cho toàn thể đội ngũ giáo viên THCS trên địa bàn. Để mỗi bản thân giáo viên hiểu phải có tinh thần chia sẻ với đồng nghiệp, và phải có tinh thần trách nhiệm với ngành, với huyện, không nên khư khư tìm cơ hội cho riêng bản thân" - Hiệu trưởng Trường THCS Tiến Thắng Nguyễn Thị Xuân đề xuất.
Tôi mong huyện xây dựng quy chế rõ ràng, thực hiện luân phiên điều chuyển trên cơ sở đặc thù địa hình của địa phương, để đội ngũ giáo viên chủ động tạo được ý thức trách nhiệm của bản thân. Chỉ có như vậy, mới tạo được một dòng chảy mạnh mẽ, thuần khiết trong công tác luân chuyển mà không bị một mối quan hệ nào tạo ra lực cản…
Ở Trường PTDTBT THCS Bính Thuận hiện có 5 giáo viên đề đạt nguyện vọng được thuyên chuyển. Ngôi trường này có hơn 500 học sinh, nhưng chỉ có 152 em học sinh bán trú. Đội ngũ giáo viên của trường thiếu, phải bố trí với tỷ lệ 1,64 và 1,78, dạy đến 22 tiết/tuần. Theo quy định mới, những trường chưa đủ 50% học sinh bán trú sẽ phải chuyển đổi mô hình, vì vậy, tập thể giáo viên xác định trường sẽ tiếp tục thuộc diện khó khăn nhất của Quỳ Châu, trong cả dạy học và quản lý học sinh.
“Là trường bán trú nhưng chúng tôi phải quản lý học sinh như trường nội trú. Thứ Hai đón học sinh, thứ Bảy trả học sinh về với gia đình. Các giáo viên, từ cán bộ quản lý trở xuống đều phải tham gia quản lý học sinh, từ việc học đến việc ăn ở của các em. Học sinh cấp hai là lứa tuổi nhạy cảm, từng xảy ra nhiều trường hợp đang đêm trốn về, phải huy động giáo viên tìm xuyên đêm. Với thực tế này, lý ra phải xem xét tăng thêm sự hỗ trợ nhưng theo quy định thì huyện phải làm quy trình để cắt chế độ bán trú, chuyển đổi mô hình. Không còn chế độ bán trú, công việc vẫn vậy nhưng cán bộ, giáo viên sẽ bị cắt chế độ của trường bán trú. Với giáo viên, sẽ mất chế độ 0,3%, khoảng 447.000 đồng/tháng...” – Hiệu trưởng Đặng Thị Hoài Thanh nói về vấn đề của trường mình.
Đối với công tác thuyên chuyển, cô giáo Đặng Thị Hoài Thanh nhìn nhận huyện đang thực hiện tốt, minh bạch công khai. Cụ thể là đến cuối năm học, các giáo viên viết đơn đề xuất nguyện vọng, Hiệu trưởng ký gửi lên Phòng Giáo dục và Phòng Nội vụ để tổng hợp, tham mưu Hội đồng xét thuyên chuyển của huyện xem xét. Tuy nhiên, huyện và ngành rất đau đầu, vì không có con người cụ thể để điều chuyển. Cũng nhìn nhận trong đội ngũ giáo viên THCS trên địa bàn thiếu tinh thần sẻ chia với đồng nghiệp, nên theo Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Bính Thuận, cần xây dựng một cơ chế công bằng trong tất cả các trường THCS trên địa bàn.
Ở huyện Quỳ Châu có những khu vực vùng sâu vùng xa, để đảm bảo công bằng thì cần có một cơ chế để bất kỳ giáo viên nào cũng phải có trách nhiệm thực hiện. Khi có cơ chế tốt thì không kể già, trẻ, gái, trai, không kể người có quan hệ như thế nào, ai cũng phải thực hiện nghĩa vụ của mình…
Kỳ vọng một quy chế thuyên chuyển công bằng
Chúng tôi đã trao đổi với ông Lữ Văn Hoá - Chủ tịch LĐLĐ huyện Quỳ Châu về những điều được nghe. Từng có 17 năm công tác trong ngành Giáo dục nên vị Chủ tịch LĐLĐ huyện rất hiểu những khó khăn trong công tác thuyên chuyển, biệt phái. Ông nhận xét: “Công tác luân chuyển giáo viên của huyện rất rõ ràng. Từ việc xây dựng Kế hoạch, thành lập hội đồng xét duyệt. Về nhận nhiệm vụ làm Công đoàn chưa lâu, nhưng tôi được tham dự, làm việc với Hội đồng xét thuyên chuyển, thấy cũng rất công bằng. Tuy nhiên việc đáp ứng nguyện vọng của toàn thể giáo viên có đơn trong một thời điểm là rất khó…” – Chủ tịch LĐLĐ Quỳ Châu đánh giá.
Cái khó trong thuyên chuyển giáo viên cấp 2, cấp 3 như ông Lữ Văn Hóa phân tích là vì có đặc thù gắn bộ môn chuyên ngành. Bên cạnh đó, trong thuyên chuyển phải gắn với nguyện vọng của giáo viên, thông qua đơn thuyên chuyển của giáo viên có nguyện vọng. Trong khi đó, nguyện vọng thuyên chuyển ra khỏi vùng khó, vùng xa thì nhiều chứ không có đơn theo chiều ngược lại.
Chủ tịch LĐLĐ Quỳ Châu cũng hiểu mong muốn tạo công bằng trong 8 trường THCS trên địa bàn, là tâm tư của giáo viên, người làm quản lý mà chúng tôi được nghe, và trao đổi lại. Ông Hóa cho biết, có một thực tế là Trường PTDT Nội trú THCS Quỳ Châu đã chuyển về cấp huyện quản lý, hoà nhập với tất cả trường học trong hệ thống giáo dục của huyện nhưng nơi này như đang có một cơ chế riêng, đội ngũ giáo viên chưa được điều động biệt phái, hoặc đề xuất nguyện vọng thuyên chuyển. Vì vậy theo ông Hóa, huyện cần xây dựng một quy chế thuyên chuyển, điều động giáo viên với mốc thời gian 3 năm hoặc 5 năm một cách rõ ràng.
“Thực ra huyện Quỳ Châu đã tính đến giải pháp này, hiện đang giao cho Phòng Nội vụ và Phòng Giáo dục tham mưu xây dựng quy chế…” - Chủ tịch LĐLĐ huyện Quỳ Châu Lữ Văn Hoá thông tin.
Làm việc với Phòng Nội vụ huyện Quỳ Châu, chúng tôi được tiếp cận Văn bản số 773/UBND-NV ngày 18/8/2023 của UBND huyện về việc thực hiện công tác thuyên chuyển, biệt phái cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường học năm học 2023 – 2024. Văn bản này được gửi rộng rãi đến các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn, trong đó có nội dung UBND huyện giao Phòng Nội vụ chủ trì phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo “nghiên cứu tham mưu UBND huyện ban hành quy chế thuyên chuyển, biệt phái giáo viên trong các trường THCS, TH, MN thuộc huyện quản lý của UBND huyện, nội dung quy chế phải xin ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân các trường học, trình xin ý kiến UBND huyện, trình Ban Thường vụ Huyện ủy cho ý kiến và báo cáo Sở Nội vụ và Sở Giáo dục và Đào tạo theo quy định…”.
Theo Trưởng phòng Nội vụ Nguyễn Văn Dũng, trước đây ở Quỳ Châu đã có quy chế thuyên chuyển, biệt phái, điều động cán bộ quản lý, giáo viên. Nhưng khi Luật viên chức được sửa đổi và Nghị định 115 được ban hành, thì không còn phù hợp để áp dụng. Theo ông, với những huyện có tính chất đặc thù như Quỳ Châu, nếu thực hiện theo những quy định mới thì gặp nhiều khó khăn, dẫn đến như phần đông giáo viên đã có ý kiến là thiếu sự công bằng. Vì vậy, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, Phòng Nội vụ đang phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo xây dựng quy chế thuyên chuyển, biệt phái cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các trường học trên địa bàn.
Liên quan đến đội ngũ giáo viên, huyện Quỳ Châu rất thận trọng cân nhắc. Chúng tôi nghĩ rằng công tác thuyên chuyển, biệt phái trước hết cần căn cứ trên hoàn cảnh thực tế của con người, điều kiện địa hình, địa lý cụ thể của địa phương và phải thực hiện đảm bảo công tâm, khách quan. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng quy chế, để căn cứ vào đó để thực hiện. Quy chế đang được dự thảo, nhưng tin khi lấy ý kiến, các giáo viên, nhà trường và Ban Thường vụ Huyện ủy sẽ đồng tình…