Nghệ An có 274 điểm sạt lở núi, nguy cơ ảnh hưởng trên 3.000 hộ dân

Văn Trường 14/09/2023 15:00

(Baonghean.vn) - Hiện nay đang bước vào mùa mưa bão, địa bàn Nghệ An có 274 điểm sạt lở núi, có gần 3.000 hộ dân đang phải sống thấp thỏm lo sợ trước tình trạng sạt lở núi gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản, nhà cửa.

Clip: Văn Trường

Chị Nguyễn Thị Hà ở xóm 3, xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn, có nhà sát núi, lo lắng nói: “Mới mấy trận mưa đầu mùa mà đã xuất hiện các điểm sạt lở mới, đất đá lăn từ trên cao xuống rất nguy hiểm. Gia đình tôi đã phải tự mua trên 45m3 đá để làm kè ngăn sạt lở. Tuy nhiên, cũng không an tâm, khi mưa lớn kéo dài là gia đình phải di tản, mang theo cả đồ đạc, lợn gà sang hàng xóm để lánh nạn”.

Theo ghi nhận của phóng viên, quả đồi tại khu vực xóm 3 sạt lở kéo dài khoảng trên 300m, làm ảnh hưởng khoảng trên 10 hộ dân, đặc biệt nguy hiểm là tình trạng sạt lở mới tiếp tục xảy ra tại một số vị trí, đất đá bị kéo tụt xuống lưng chừng đồi, có thể lăn xuống bất cứ lúc nào.

bna_van truong 3.JPG
Gia đình chị Nguyễn Thị Hà ở xóm 3, xã Tường Sơn phải tự làm kè chống sạt lở. Ảnh: Văn Trường

Ông Nguyễn Tài Quý- Chủ tịch UBND xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn cho biết: Địa bàn xã Tường Sơn hiện có 5 điểm sạt lở núi, tập trung ở các xóm 3,4,6,7, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 80 hộ dân. Khi mùa mưa đến, xã triển khai thông báo, cảnh báo nguy cơ sạt lở đến các hộ dân để bà con chủ động đề phòng. Đồng thời, huy động lực lượng dân quân tự vệ của xã tổ chức ứng trực xử lý tình huống kịp thời, hỗ trợ đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Được biết, địa bàn huyện Anh Sơn hiện có 35 điểm sạt lở núi, làm ảnh hưởng 334 hộ dân, các điểm sạt lở núi tập trung ở các xã Tường Sơn, Vĩnh Sơn, Phúc Sơn, thị trấn Anh Sơn …

bna_van truong 7.JPG
Những ngôi nhà nhỏ bé nằm phía dưới chân núi sạt lở ở xã Đỉnh Sơn, Anh Sơn. Ảnh: Văn Trường

Cùng chung nỗi lo, hiện nay địa bàn huyện Con Cuông đã xảy ra tình trạng một số vị trí sạt lở núi nhỏ sau mỗi trận mưa đầu mùa. Như thời điểm này dù chưa có mưa lớn, nhưng khu vực dốc Chó, xã Lạng Khê, huyện Con Cuông cũng đã xảy ra sạt lở tuy khối lượng không lớn.

Đại diện đơn vị quản lý giao thông cho biết: Riêng từ đầu tháng 9/2023 đến nay đã xảy ra 3 vụ sạt lở núi, mỗi đợt sạt lở từ 5-7 m3; khi xảy ra sự cố, đơn vị dùng máy xúc triển khai san gạt đảm bảo lưu thông.

Theo báo cáo của phòng kinh tế hạ tầng huyện Con Cuông, địa bàn huyện hiện có trên 10 điểm sạt lở núi, qua các đợt mưa từ đầu tháng 9 đến nay đã xảy ra sạt lở ở một số vị trí thuộc các xã Thạch Ngàn, Bồng Khê và Lạng Khê.

bna_van truong bnm.JPG
Nguy cơ sạt lở núi luôn rập rình với những ngôi nhà sống dưới chân núi ở huyện Con Cuông. Ảnh: Văn Trường

Theo báo cáo của Chi cục Thuỷ lợi, tính đến thời điểm này Nghệ An hiện có 274 điểm sạt lở núi, làm ảnh hưởng gần 3.000 hộ dân. Các điểm sạt lở núi chủ yếu tập trung ở các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Quỳ Hợp, Hưng Nguyên, Đô Lương…

Ông Nguyễn Quang Đông, Trưởng phòng Phòng chống thiên tai, Chi cục Thuỷ lợi tỉnh cho biết: Khó khăn nhất hiện nay là hầu hết các điểm sạt lở, sụt lún đều nằm ở khu vực vùng núi, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, nguồn kinh phí khắc phục hậu quả bão lụt hàng năm không nhiều nên hầu hết các hộ dân tự huy động nguồn lực để xử lý tạm thời khắc phục sạt lở như thuê máy bạt mái taluy, hoặc xây dựng các bờ kè đá nhỏ.

bna_van truong 2.JPG
Một điểm sạt lở núi ở xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông. Ảnh: Văn Trường

Trước mùa mưa bão một số huyện đã triển khai kè rọ đá, bạt mái taluy tại một số vị trí sạt lở núi như tại 2 huyện Tương Dương, Kỳ Sơn; Bạt mái taluy trên 20.000 m3 đất đá tại vị trí Km19+100 đoạn xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai, bị sạt lở núi trong năm 2022…

Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân, tại các vị trí bị sụt lún, sạt lở núi, chính quyền địa phương các huyện rà soát, sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lớn, sạt lở đất; kiểm tra rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra...

Văn Trường