Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ bất tín và sai phạm

Thành Chung 15/09/2023 12:49

(Baonghean.vn) - Ở thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang có rất nhiều cơ sở thực hiện kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ. Đi liền với đó, cũng có rất nhiều ý kiến phản ánh, bức xúc của người dân liên quan đến những vi phạm, sự bất tín của các cơ sở này.

Tiền mất, tật mang

Ở cái tuổi 51, ông N.V.T (phường Hưng Dũng, thành phố Vinh) thấy tóc mình ngày càng rụng nhiều. Lo lắng việc rụng tóc sẽ ảnh hưởng nhiều về mặt thẩm mỹ nên ông đã tìm tới các cơ sở thẩm mỹ để được điều trị. Tin vào quảng cáo, ông T đã mua gói điều trị “siêu công nghệ kích thích tóc con mọc 3.500 - 4.500 sợi, nang tóc phát triển gấp 10 lần; an toàn, không đau, không cần nghỉ dưỡng” có giá trị hàng chục triệu đồng của một cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn thành phố Vinh.

Sau một thời gian điều trị, tình trạng rụng tóc của ông N.V.T vẫn không được cải thiện và có chiều hướng ngày một xấu đi. Ông T kể: Ông đã yêu cầu cơ sở thẩm mỹ bồi hoàn lại tiền theo đúng như cam kết. Tuy nhiên, cơ sở này đã viện cớ tóc ông rụng do bệnh lý, cần phải tiếp tục kiên trì điều trị, phải mua thêm gói dịch vụ có sử dụng thuốc dinh dưỡng tóc… và không đồng ý bồi hoàn. Bản thân ông rất bực mình vì đã mất tiền oan.

Tương tự như ông N.V.T, chị V.T.T (33 tuổi, ở huyện Quế Phong) cũng đã nghe theo lời quảng cáo, tìm xuống một cơ sở thẩm mỹ trên đường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Vinh để điều trị nám da mặt. Với gói dịch vụ trị giá trên 28 triệu đồng, cơ sở này cam kết tình trạng nám sẽ chấm dứt hoàn toàn sau 10 lần điều trị bằng công nghệ hiện đại.

Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ đang thực hiện những dịch vụ vượt quá phạm vi cho phép. Ảnh Thành Chung (1).jpg
Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ đang thực hiện những dịch vụ vượt quá phạm vi cho phép. Ảnh: Thành Chung

Chị V.T.T bức xúc kể: “Cứ 1-2 tuần, tôi lại xuống cơ sở để điều trị 1 lần theo lịch hẹn. Mỗi lần điều trị kéo dài khoảng 30 phút, lúc thì chiếu tia, lúc thì tiêm. Sau 10 lần điều trị, tình trạng nám da mặt không giảm mà còn tăng lên. Khi tôi yêu cầu hoàn lại tiền theo cam kết, tuy nhiên cơ sở giải thích tình trạng nám da của tôi do nhiều nguyên nhân như rối loạn nội tiết tố, ảnh hưởng ánh nắng mặt trời, sử dụng mỹ phẩm không phù hợp... Cơ sở này yêu cầu tôi tiếp tục điều trị cho đến khi khỏi và không thu tiền thêm. Bản thân tôi không có nhiều thời gian, tiền bạc, sức khoẻ để đi lại nên chấp nhận dừng điều trị và đành mất số tiền đã nộp”.

Nếu như ông N.V.T và chị V.T.T mới chỉ mất tiền thì đã có những trường hợp “tật mang”. Ngày 28/4/2023, chị H.T.T (35 tuổi, thành phố Vinh) có đơn tố cáo và đề nghị điều tra xử lý hành vi vi phạm pháp luật của một cơ sở thẩm mỹ có địa chỉ trên đường Trần Phú (thành phố Vinh) gửi các cơ quan chức năng. Theo đơn tố cáo của chị H.T.T: Ngày 19/4/2023, chị có đến cơ sở thẩm mỹ này để làm gói dịch vụ chăm sóc sắc đẹp có giá 5,833 triệu đồng. Tuy nhiên khi đến đây, chị đã được cơ sở “thuyết phục” mua thêm một số gói với tổng số tiền là 130 triệu đồng.

Dẫu đã cam đoan không tiêm thuốc hoặc phẫu thuật song nhân viên cơ sở này vẫn lấy máu ở tay và tiêm vào ngực chị. Sau khi ở cơ sở về, ngày 20/4, chị T bị tức ngực, khó thở, mặt và ngực dị ứng phù nề, 2 lần bị ngất xỉu. Chị T có đi khám tại bệnh viện. Qua xét nghiệm máu, thì chị H.T.T có nhiều chỉ số bất thường và được bác sĩ chẩn đoán bị “Tổn thương mạch máu không đặc hiệu của ngực”… Chị T đã yêu cầu cơ sở hoàn lại tiền và chịu trách nhiệm về sức khoẻ, tuy nhiên yêu cầu này đã không được phía cơ sở đáp ứng.

Thông tin từ Sở Y tế Nghệ An, trong năm 2022-2023, Thanh tra Sở Y tế đã đình chỉ hoạt động có thời hạn 03 tháng đối với cơ sở dịch vụ thẩm mỹ (Hộ kinh doanh thẩm mỹ 108, địa chỉ số 30 đại lộ Lê Nin, thành phố Vinh); đình chỉ hoạt động có thời hạn 4,5 tháng đối với cơ sở dịch vụ thẩm mỹ (hộ kinh doanh Nguyễn Thị Chi, địa chỉ số 26T, đường Nguyễn Thái Học, thành phố Vinh).

Phòng Y tế thành phố Vinh cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2023, UBND thành phố Vinh đã thực hiện xử phạt 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ với số tiền 32,7 triệu đồng, gồm: Hộ kinh doanh Thẩm mỹ viện quốc tế Bắc Mỹ (số 286, đường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Vinh); hộ kinh doanh Thẩm mỹ viện MEDIC SKIN chi nhánh Vinh (địa chỉ số 238A, đường Trần phú, thành phố Vinh)… 2 cơ sở này đã thực hiện hành vi vi phạm cung cấp dịch vụ thẩm mỹ cho khách hàng không đúng phạm vi theo giấy phép kinh doanh được cấp.

Ở thời điểm này, mới chỉ có 40/120 cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ ở thành phố Vinh thực hiện thông báo hoạt động lên cơ quan có chức năng.

Khó quản lý, xử lý vi phạm

Tìm hiểu thực tế thì được biết: Toàn tỉnh Nghệ An chỉ có 01 bệnh viện và 03 phòng khám thẩm mỹ được ngành Y tế cấp phép. Đây là những cơ sở được phép cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể; xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm.

BNA_1120.jpg
Uỷ ban nhân dân thành phố Vinh đã xử phạt vi phạm hành chính hộ kinh doanh Thẩm mỹ viện quốc tế Bắc Mỹ (số 286, đường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Vinh) với số tiền 10,5 triệu đồng. Ảnh: Thành Chung

Còn với tất cả những cơ sở còn lại đều là cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ bao gồm kinh doanh các dịch vụ tắm hơi, massage, tắm nắng, thẩm mỹ không dùng phẫu thuật, cắt tóc, gội đầu, làm móng, trang điểm. Các cơ sở này cung cấp dịch vụ không được gây chảy máu, không được thực hiện phẫu thuật trên cơ thể. Theo Nghị định 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018, các cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ không thuộc ngành Y tế quản lý.

Nếu điều kiện để thành lập các bệnh viện, phòng khám thẩm mỹ là rất khắt khe thì điều kiện để thành lập các cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ là rất dễ dàng. Theo quy định, các cơ sở chỉ cần thành lập hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp và đăng ký mã ngành nghề phù hợp. Không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động, các cơ sở chỉ cần có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu quy định gửi về phòng y tế huyện/thành phố/thị xã trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày.

Vi phạm phổ biến của các cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ hiện nay gồm: Sử dụng biển hiệu “viện thẩm mỹ”, “thẩm mỹ viện”, gây hiểu nhầm là phòng khám, bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ; không niêm yết giá dịch vụ; quảng cáo và thực hiện những dịch vụ vượt quá phạm vi cho phép; chưa được tập huấn phòng chống lây nhiễm qua đường máu, sinh học; không thông báo hoạt động lên cơ quan có chức năng; sử dụng các loại thuốc, hoá chất, máy móc không rõ nguồn gốc…

Những vi phạm này của các cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ đã, đang gây nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân. Tuy nhiên, việc quản lý và xử lý vi phạm các cơ sở này rất khó khăn. Theo bà Hồ Thị Hoa - Trưởng phòng Y tế thành phố Vinh: Việc đăng ký dễ dàng nên số lượng cơ sở mọc lên rất nhiều. Có nhiều cơ sở hoạt động chui, không thông báo. Việc xử lý rất khó khăn bởi cần phải bắt quả tang trực tiếp mới xử phạt được, trong khi các cơ sở cũng thường che giấu, phủ nhận các hành vi vi phạm của mình. Lấy lý do chủ cơ sở đi vắng để trì hoãn thời gian tiếp đón hoặc khi lực lượng chức năng xuất hiện, qua camera các cơ sở này đã ngừng thực hiện thủ thuật. Mặc khác, lực lượng quản lý ở các địa phương rất mỏng, mỗi lần kiểm tra xử lý phải thành lập đoàn liên ngành, chính vì vậy, số lượng cơ sở kiểm tra, xử lý chưa được nhiều.

Cần chế tài mạnh

Trong tháng 8/2023, Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh đã thực hiện giám sát hoạt động các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập trên địa bàn tỉnh. Qua giám sát và làm việc với huyện, thành phố, thị xã, Đoàn đã ghi nhận sự lúng túng của các địa phương trong công tác quản lý, xử lý vi phạm các cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ. Tuy chưa phát hiện được có trường hợp thẩm mỹ viện cho phép cả lao công phẫu thuật thẩm mỹ cho khách như ở Đà Nẵng, song cũng ghi nhận về những trường hợp không được đào tạo vẫn thực hiện các dịch vụ làm đẹp xâm lấn vào cơ thể khách hàng.

BNA_1122.jpg
Uỷ ban nhân dân thành phố Vinh đã xử phạt vi phạm hành chính hộ kinh doanh Thẩm mỹ viện MEDIC SKIN chi nhánh Vinh (địa chỉ số 238A, đường Trần Phú, thành phố Vinh) với số tiền 22,5 triệu đồng. Ảnh: Thành Chung

Với những thực trạng đang diễn ra, dược sĩ Trần Minh Tuệ - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An nêu rõ: Hiện nay, văn bản quy định về lĩnh vực thẩm mỹ như spa, phun xăm, làm đẹp, chưa có quy định rõ về điều kiện cấp phép, chưa có quy định phải được Sở Y tế thẩm định cấp phép trước khi hoạt động như các phòng khám, dịch vụ y tế khác. Các cơ sở này sau khi được UBND cấp huyện cấp giấy đăng ký kinh doanh thì tự công bố và hoạt động. Chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm về lĩnh vực spa, phun xăm, thẩm mỹ, mắt kính vẫn chưa rõ, chưa nghiêm gây khó khăn khi áp dụng.

Sở Y tế Nghệ An đã kiến nghị Bộ Y tế đưa lĩnh vực thẩm mỹ - spa, phun xăm, làm đẹp là một hình thức cấp giấy phép hoạt động. Vụ Pháp chế Bộ Y tế sửa đổi bổ sung Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực y tế, trong đó đề nghị nêu rõ hành vi vi phạm về spa, dịch vụ làm đẹp, phun xăm, thẩm mỹ, mắt kính…

Với người dân cần phải thông thái trong việc lựa chọn địa chỉ thẩm mỹ đảm bảo hiệu quả và an toàn cho sức khỏe theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Những cơ sở này phải đáp ứng được các tiêu chí: Hoạt động minh bạch, được Bộ Y tế cấp phép; sở hữu đội ngũ bác sĩ giỏi, có kinh nghiệm trong nghề; hệ thống phòng phẫu thuật đảm bảo tiêu chí vô trùng; chính sách bảo hành rõ ràng, uy tín; cập nhật các phương pháp và xu hướng thẩm mỹ hiện đại… Khi phát hiện vi phạm thì cần tố cáo đến các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nơi cơ sở dịch vụ thẩm mỹ hoạt động./.

Thành Chung