Các nhà khoa học hiến kế phát triển kinh tế vùng Tây Nam Nghệ An

Xuân Hoàng 30/10/2023 17:45

(Baonghean.vn) - Tại hội thảo khoa học luận cứ phát triển kinh tế vùng Tây Nam Nghệ An, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp để địa phương nghiên cứu áp dụng, khai thác tiềm năng phát triển vùng trong giai đoạn tới. 

Chiều 30/10, UBND tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học Luận cứ phát triển kinh tế vùng Tây Nam Nghệ An. Các đồng chí: PGS. TS Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; TS. Lê Văn Hùng – Phó Viện trưởng, phụ trách Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng; Nguyễn Quý Linh – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì hội thảo.

bna_hoi thao.jpg
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Xuân Hoàng

Vùng Tây Nam Nghệ An gồm 5 huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương và Kỳ Sơn, với đường biên giáp với tỉnh Xiêng Khoảng và Bôlikhămxay nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào. Diện tích vùng Tây Nam khoảng 8.377 km2, chiếm 50,7% diện tích của cả tỉnh. Dân số vùng 602.680 người chiếm khoảng 17,9% dân số tỉnh. Diện tích đất lâm nghiệp của vùng 693.411 ha chiếm 68% diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh.

Vùng Tây Nam nằm trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) chính thức công nhận vào ngày 18/9/2007 và là khu dự trữ sinh quyển lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

bna_thien 2.jpg
PGS. TS Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; TS Lê Văn Hùng – Phó Viện trưởng, phụ trách Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng; Nguyễn Quý Linh – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì hội thảo. Ảnh: Xuân Hoàng

Vùng Tây Nam Nghệ An có địa hình phong phú, đa dạng sinh học cao, có nhiều sản phẩm đặc sản cùng các loại dược liệu đặc hữu và có 4 cửa khẩu.

Với những tiềm năng đó, vùng có điều kiện phát triển kinh tế rừng, phát triển du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, khám phá cảnh quan gắn với trải nghiệm văn hóa cộng đồng các dân tộc; có lợi thế phát triển sản xuất sản phẩm đặc sản, các nguồn gen đặc hữu và phát triển kinh tế cửa khẩu.

bna_dai bieu 1.jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Xuân Hoàng

Tuy nhiên, phát triển vùng kinh tế trọng điểm/động lực và liên kết vùng hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập từ công tác quy hoạch; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hoàn thiện cơ chế chính sách và thực hiện liên kết nội vùng cũng như liên vùng.

Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định nhiệm vụ, giải pháp cho vùng miền Tây như tập trung nguồn lực đầu tư để hình thành và phát triển 4 hành lang kinh tế.

Trong đó, Hành lang kinh tế đường mòn Hồ Chí Minh với trọng tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng và du lịch sinh thái.

Hành lang kinh tế Quốc lộ 7 với trọng tâm phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến; phát triển các loại hình du lịch sinh thái, mạo hiểm, cộng đồng. Phát triển nhanh và bền vững vùng phía Tây trên cơ sở phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế, nhất là lợi thế về kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng, kinh tế cửa khẩu, tài nguyên lịch sử, văn hóa.

Tại hội thảo, các nhà khoa học đã cung cấp cơ sở lý luận về phát triển kinh tế vùng và liên kết phát triển vùng. Kinh nghiệm phát triển kinh tế vùng và gợi ý đối với vùng Tây Nam gắn với vùng lân cận và với nước bạn Lào.

bna_thanh.jpg
Ông Trần Quốc Thành - Nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu tham luận tại hội thảo. Ảnh: Xuân Hoàng

Nhận diện các tiềm năng, cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng; Những vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế, liên kết vùng trên các lĩnh vực: Phát triển kinh tế cửa khẩu - Phát triển dược liệu, các nguồn gen quý - Phát triển kinh tế rừng - Phát triển du lịch - Đa dạng sinh học - Khai thác phát triển các tri thức bản địa đồng bào dân tộc… Phát triển vùng, liên kết vùng với nước bạn Lào gắn với an ninh quốc phòng vùng biên giới.

Đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế vùng Tây Nam theo hướng bền vững như định hướng các lĩnh vực và ngành ưu tiên phát triển dựa trên lợi thế, tiềm năng và cơ hội liên kết phát triển vùng; thu hút đầu tư; cơ chế, chính sách và cơ chế phối hợp...

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Chu - Nguyên Chủ tịch HĐQT Đại học Công nghệ Đông Á, vùng Tây Nam Nghệ An cần phát triển mạnh về chăn nuôi và phát triển cây trồng làm thức ăn gia súc như ngô và đậu tương. Các sản phẩm xuất khẩu phải tuân thủ điều kiện môi trường.

1637732155840903070.jpeg
Vùng Tây Nam Nghệ An có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh tư liệu

Ông Trần Quốc Thành - Nguyên Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ cho rằng: Trong thời gian từ nay đến năm 2030, ưu tiên tập trung phát triển trên địa bàn 2 huyện Kỳ Sơn và Tương Dương nhằm tranh thủ nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó ưu tiên các giống cây dược liệu đã được khảo nghiệm trên địa bàn và đang có thị trường như: Đẳng sâm, đương quy, sâm khoai, tam thất Bắc, bảy lá một hoa, sâm Việt Nam, hoài sơn, giảo cổ lam, khôi tía, chè dây, gừng Kỳ Sơn, nghệ đỏ, ba kích tím, bo bo, sa nhân tím, mướp đắng rừng, hà thủ ô đỏ, trà hoa vàng...

Thông qua đó, đại diện một số địa phương và doanh nghiệp đã phản biện một số ý kiến xoay quanh các đề xuất của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu để chính quyền địa phương có cơ sở ban hành chủ trương phát triển vùng Tây Nam Nghệ An phù hợp./.

Xuân Hoàng