Doanh nghiệp dệt may Nghệ An tìm giải pháp tận dụng Hiệp định thương mại tự do FTA

Nguyễn Hải 31/10/2023 17:39

(Baonghean.vn) - Chiều 31/10, tại TP Vinh, Sở Công Thương Nghệ An phối hợp với Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) tổ chức hội thảo trao đổi trực tiếp với lãnh đạo các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may về kế hoạch tận dụng các FTA thế hệ mới tại Nghệ An.

Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện các ban, sở ngành liên quan, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Nghệ An và gần 50 doanh nghiệp dệt may trên địa bàn Nghệ An.

bna_Cao Minh Tú.jpg
Ông Cao Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An phát biểu khai mạc chào mừng hội thảo. Ảnh: Nguyễn Hải

Phát biểu khai mạc hội thảo, đại diện lãnh đạo Sở Công Thương Nghệ An chào mừng và đánh giá cao ý nghĩa của việc Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương phối hợp với tỉnh tổ chức hội thảo để trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp dệt may Nghệ An để đề ra các giải pháp tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Tiếp đó, tham luận tại hội thảo, đại diện Phòng Xuất nhập khẩu, Sở Công Thương Nghệ An đánh giá tổng quan của dệt may Nghệ An. Hàng năm dệt may đóng góp trên dưới 20% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh với trên 40 doanh nghiệp dệt may, đã giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động nông thôn.

bna_Hoang Minh Tuấn.jpg
Ông Hoàng Minh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công Thương Nghệ An trình bày tham luận nêu giải pháp, đề xuất để dệt may Nghệ An tận dụng tốt các ưu đãi trong các FTA. Ảnh: Nguyễn Hải

Bên cạnh đó, trên cơ sở nêu lên một số mặt còn hạn chế, tồn tại, Nghệ An cũng nêu một số đề xuất giải pháp để các doanh nghiệp làm dệt may trên địa bàn khai thác, tận dụng hiệu quả các FTA…

Tại hội thảo, trên cơ sở đánh giá tổng quan về hoạt động của ngành dệt may những tháng đầu năm 2023; định hướng đối với ngành dệt may trong thời gian tới và xu hướng điều chỉnh chính sách một số thị trường, đối tác lớn, đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) và chuyên gia đến từ Bộ Lao động TB&XH cho biết, để ký được các FTA mất rất nhiều công sức đàm phán. Vì thế, các địa phương, doanh nghiệp dệt may cần nỗ lực, tận dụng tối đa cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do FTA.

bna_Vụ phó Ngô Chung Khanh phát biểu.jpg
Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) gợi ý các giải pháp để doanh nghiệp dệt may tận dụng hiệu quả các ưu đãi do FTA mang lại. Ảnh: Nguyễn Hải

Bên cạnh đó, trên cơ sở phân tích các mối quan hệ, lợi thế so sánh giữa các thị trường trong FTA thời gian qua và xu thế phát triển, tiêu chuẩn tăng trưởng xanhtại một số thị trường lớn của khu vực, các chuyên gia, nhà quản lý cũng khuyến cáo các doanh nghiệp trong sử dụng lao động, sử dụng nguyên liệu đầu vào cần đáp ứng phát triển bền vững khi xuất khẩu sang các thị trường FTA…

bna_Dệt kim Hoàng THị Loan.jpg
Đại diện Tổng Công ty dệt kim Hoàng Thị Loan nêu khó khăn và kế hoạch di dời cơ sở sản xuất ra khỏi nội đô nên rất cần sự hỗ trợ, chia sẻ của tỉnh. Ảnh: Nguyễn Hải

Hiện Việt Nam đã tham gia 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và 1 đối tác, trong đó 15 đã ký và có hiệu lực, 2 đã ký nhưng chưa có hiệu lực và đang đàm phán 3. Nhờ cơ chế FTA, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước và khu vực được cải thiện đáng kể, trong đó lớn nhất là quan hệ thương mại với Hoa Kỳ, Châu Âu và các nước Nam Mỹ năm 2022 có trị giá 140,8 tỷ USD; khu vực Đông Á khoảng 128,32 tỷ USD.

Theo các FTA đã ký và nhất là các FTA thế hệ mới có nhiều ưu đãi, nhất, thỏa thuận 42,5% dòng thuế về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, còn lại xóa bỏ trong vòng 7 năm.

bna_Đại diện dệt may Minh Anh.jpg
Đại diện Tổng Công ty CP Dệt may Minh Anh phát biểu nêu khó khăn do suy giảm đơn hàng năm 2023. Ảnh: Nguyễn Hải

Tuy nhiên, do phần lớn các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn vẫn hoạt động theo hình thức gia công, chưa có thương hiệu và giá trị gia tăng thu về còn hạn chế nên chưa tận dụng được cơ hội và dư địa do các FTA mang lại. Chính vì thế, hội thảo này là dịp để các doanh nghiệp dệt may Nghệ An cùng các nhà quản lý đánh giá tổng quát về ngành dệt may trên địa bàn tỉnh; đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tiến đến xây dựng thương hiệu riêng, đáp ứng tiêu chuẩn về phát triển bền vững.

Trên cơ sở tiếp thu các phát biểu tham luận và kiến nghị của đại diện các cơ quan, doanh nghiệp, đại diện Vụ Chính sách đa biên (Bộ Công Thương) đã trao đổi phúc đáp và thống nhất xây dựng Kế hoạch vận hành hệ sinh thái xuất khẩu ngành dệt may của tỉnh để triển khai thực hiện sau Hội thảo./.

Nguyễn Hải