Ba đột phá cho 'tăng trưởng xanh'

10/08/2016 15:58

(Baonghean) - Phát triển dịch vụ du lịch được xem là “tăng trưởng xanh” quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế. Xác định như vậy, các cấp ngành, địa phương ở Nghệ An có nhiều nỗ lực để khai thác tiềm năng du lịch trên địa bàn.

Cần thêm những kết nối tiềm năng

Thành phố Vinh đang phát triển hướng tới trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa của vùng Bắc Trung bộ. Nằm trên tuyến đường giao thông xuyên Việt và xuyên Á, Vinh có hệ thống giao thông thuận lợi bằng đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không.

Chính vì vậy, việc kết nối các điểm đến trong khai thác du lịch giữa Vinh với các vùng miền khác là yếu tố quan trọng để nâng cao giá trị của ngành kinh tế “không khói”. Ngay nội tại của thành Vinh có các di tích lịch sử, văn hóa tâm linh và rất nhiều khách sạn đạt chuẩn quốc tế 3 sao tới 5 sao cùng hệ thống nhà hàng, trung tâm giải trí, trung tâm thương mại hiện đại... có thể giữ chân du khách. Mỗi năm thành phố Vinh đón khoảng 1,5 - 1,7 triệu lượt khách, doanh thu đạt trên 600 tỷ đồng.

Đông đảo du khách về thăm Quê nội Bác Hồ.Ảnh: Sỹ Minh
Đông đảo du khách về thăm Quê nội Bác Hồ. Ảnh: Sỹ Minh

Tuy nhiên, du khách đến với Vinh hầu như đang phải tự khám phá, tự tìm tòi, ít có chỉ dẫn, có biển hiệu về đường dẫn tới danh thắng. Còn với Đền thờ Hoàng đế Quang Trung trên đỉnh Dũng Quyết, mỗi năm có hàng chục ngàn du khách nhưng cho đến nay, các công ty lữ hành, các tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch chưa phối hợp, tổ chức bài bản để thu hút du khách hơn nữa. Thành phố chưa xây dựng được những điểm, tuyến, sản phẩm du lịch hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao.

Với huyện Nam Đàn, cùng với di tích quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, du khách còn có thể đến thăm chùa Đại Tuệ, đền thờ Vua Mai Hắc Đế, chùa Viên Quang và thưởng thức du lịch sinh thái nổi tiếng, hấp dẫn với bến Sa Nam, hồ Tràng Đen, đập Đá Hàn, nhiều đặc sản như bánh đúc, thịt me Nam Nghĩa, thịt dê Cầu Đòn, hến sông Lam, tương Nam Đàn.

Nhưng huyện cũng chưa kết nối, khai thác được nhiều doanh thu từ các hoạt động du lịch. Lâu nay, du khách đến Nam Đàn khá “chóng vánh”, kéo theo đó, không có thu từ lưu trú, ít tiêu thụ được sản vật du lịch. Vấn đề đặt ra là cần tăng cường kết hợp tour tuyến, có chiến lược quảng bá mạnh mẽ về du lịch, dịch vụ...

Ở miền Tây, có rất nhiều điểm đến có thể kết hợp du lịch sinh thái, phượt trải nghiệm, hòa mình với thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa đồng bào các dân tộc ở các huyện: Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương...

Tuy nhiên, những tiềm năng đó, ngay cả người nội tỉnh, người ở thành phố Vinh cũng chưa được quảng bá mạnh để đến tham quan, trải nghiệm chứ chưa nói tới du khách các tỉnh bạn. Phần lớn các công ty lữ hành trong tỉnh chưa quan tâm xây dựng các chương trình tham quan ở Nghệ An cũng như chưa chủ động phối hợp khai thác lượng khách ngoại tỉnh đến Nghệ An mà chỉ tập trung khai thác lượng khách nội tỉnh đi tham quan các tỉnh khác hoặc đi nước ngoài.

Cũng tương tự, trên địa bàn tỉnh chưa kết nối được tour tuyến cho du khách tắm biển ở Cửa Lò với khám phá kỳ vỹ của miền Tây xứ Nghệ. Nếu tổ chức được tuyến du lịch này, chắc chắn sẽ thu hút được rất nhiều du khách mỗi năm đến Nghệ An có thể trải nghiệm “lên rừng - xuống biển”, đồng nghĩa với việc sẽ tăng thời gian lưu trú và giới thiệu được nhiều điểm đến, tiềm năng to lớn của du lịch Nghệ An.

Biểu đồ thống kê lượng kháchdu lịch đến Nghệ An tại 3 trọng điểm du lịch (TX.Cửa Lò, Di tích Kim Liên, TP. Vinh).Đồ họa: Tiến Viễn
Biểu đồ thống kê lượng khách du lịch đến Nghệ An tại 3 trọng điểm du lịch (TX.Cửa Lò, Di tích Kim Liên, TP. Vinh). Đồ họa: Tiến Viễn

Những mục tiêu mới

Để khai thác du lịch, thành phố Vinh mới ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch đến năm 2020, phấn đấu trở thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện và an toàn; là trung tâm lưu trú và phân phối khách du lịch của vùng Bắc Trung bộ. Dự kiến, lượt khách du lịch đạt 2,5 triệu lượt/năm, doanh thu ngành Du lịch tăng bình quân 15 - 17%/năm.

Huyện Nam Đàn cũng mới ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch đến năm 2020. Ở cấp tỉnh, các ban, ngành đang xây dựng “Đề án phát triển du lịch Nghệ An giai đoạn 2016 - 2020 theo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, giai đoạn 2016 -2020”.

Ông Nguyễn Hoài An - Chủ tịch UBND thành phố Vinh cho biết: Thành phố đã giao nhiệm vụ quy hoạch và phát triển các vùng du lịch trọng điểm như: các di tích cách mạng, du lịch ven sông Lam, rừng bần Hưng Hòa, khu lâm viên Núi Quyết, cụm du lịch Nam sông Vinh, hồ Cửa Nam, các làng nghề trồng hoa, cây cảnh... Tích cực thu hút đầu tư, phát triển các khu du lịch trọng điểm, phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, cơ sở vật chất du lịch. Nâng cao chất lượng điểm đến, phấn đấu tăng thời gian lưu trú khách nội địa, thu hút được khách du lịch nước ngoài, gắn kết du lịch Vinh - Cửa Lò với các điểm, tuyến du lịch trong tỉnh, trong vùng, trong nước và quốc tế.

Toàn cảnh đô thị Cửa Lò. Ảnh: Sỹ Minh
Toàn cảnh đô thị Cửa Lò. Ảnh: Sỹ Minh

Mặc dù còn “eo hẹp” về nguồn đầu tư, song mỗi năm, huyện Nam Đàn dành khoảng 1/4 kinh phí đầu tư du lịch (tương đương 5 tỷ đồng) để tu bổ, sửa chữa các công trình liên quan đến du lịch. Bên cạnh đó, huyện đang phát triển 2 sản phẩm quà tặng du lịch là tương và sắn dây để quảng bá tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân. Ông Trần Đình Lương - Phó phòng Tài chính huyện Nam Đàn cho biết: Các phòng ban và địa phương trên địa bàn huyện đang tích cực kết nối để khai thác tốt các sản phẩm du lịch, nhằm nâng cao giá trị, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Trước những yêu cầu đặt ra ngày càng cao về phát triển du lịch, gắn khai thác các giá trị riêng có, tỉnh đã tham gia ký kết hợp tác với 14 tỉnh Bắc - Nam Trung bộ; khai trương, giới thiệu thêm đường bay quốc tế, đường bay Vinh - Khánh Hòa; vận động các doanh nghiệp tham gia liên hoan ẩm thực quốc tế tại Thừa Thiên Huế, phối hợp với Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng quảng bá du lịch của 2 tỉnh, gửi văn bản đến Thanh Hóa, Hà Tĩnh phối hợp khai thác đường bay Vinh - Băng Cốc, ký thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch 4 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và tăng cường hội thảo, xây dựng sản phẩm du lịch 4 tỉnh Bắc miền Trung...

Cùng đó, tỉnh chỉ đạo ngành Du lịch tăng cường kết nối tuyến du lịch Nam Đàn - Vinh - Cửa Lò - Truông Bồn (Đô Lương); phát triển mạnh du lịch cộng đồng ở miền Tây... Tỉnh cũng quyết định tổ chức “Ngày hội Hoa hướng dương hàng năm” để thu hút du khách. Ở lĩnh vực hạ tầng du lịch cũng được quan tâm đầu tư đổi mới.

Bà Trương Thị Thu Huyền - Giám đốc Khách sạn Mường Thanh - Phương Đông cho hay: Hệ thống khách sạn Mường Thanh ở Nghệ An từ đầu năm đến nay thu hút 1.709 du khách đến từ các nước (Lào, Trung Quốc, Pháp, Thái Lan...) và 22.000 du khách nội địa, công suất phòng nghỉ đạt 42%. Nếu phát triển du lịch tốt hơn tin rằng các khách sạn sẽ là hoạt động hiệu quả hơn nữa.

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Sở đã tham mưu cho tỉnh nhiều văn bản để thu hút du khách về với Nghệ An trong dịp hè, khai thác thêm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám phá, khai thác các điểm du lịch Diễn Lâm (Diễn Châu), Nghĩa Đàn, Truông Bồn (Đô Lương). Nghệ An cũng đang chấn chỉnh các chất lượng dịch vụ du lịch trên địa bàn, nâng cao văn hóa ứng xử của người dân trong làm du lịch, góp phần nâng cao giá trị kinh tế của các điểm đến, nâng thu nhập cho các đơn vị lữ hành cũng như người dân tham gia làm du lịch.

Bên cạnh 3 trọng điểm du lịch gồm: Thành phố Vinh, TX.Cửa Lò, Khu Di tích Kim Liên thì việc mở rộng điểm đến, tăng cường kết nối tiềm năng du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, khám phá, trải nghiệm và nghỉ dưỡng là yếu tố quan trọng thu hút du khách.

Trân Châu

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Ba đột phá cho 'tăng trưởng xanh'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO