Các cơ sở gò hàn thuyền tôn ở Nghệ An vào mùa 'gõ ra tiền'
(Baonghean.vn) - Với đặc thù thời tiết thường mưa nhiều, ngập úng xảy ra quanh năm, nhu cầu sử dụng thuyền đi lại ở các địa phương vùng trũng trên địa bàn Nghệ An tăng lên. Các cơ sở làm thuyền tôn hiện nay đều huy động thêm nhân lực để sản xuất phục vụ người dân.
Những ngày này, đi qua địa bàn xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên không khó để nhìn thấy các xưởng cơ khí, gò hàn luôn trong tình trạng tấp nập công nhân. Tiếng máy cắt, gõ tôn, tiếng người mua, người bán vang lên râm ran cả vùng quê. Sau những trận mưa lớn gây ngập úng vào cuối tháng 9 vừa qua, mặt hàng này lại càng được người dân tìm đến để chủ động ứng phó với ngập lụt.
Vừa nghỉ tay sau khi hoàn thành 2 chiếc thuyền tôn, ông Trương Công Thức, xã Hưng Thịnh cho biết: Gia đình tôi làm nghề gò hàn hàng chục năm nay rồi, tôn thì làm được đa dạng các mặt hàng, phục vụ sinh hoạt hàng ngày như gáo múc nước, hòm đựng quần áo, lò đun, thùng gánh nước, ống máng hứng nước mưa, thùng đựng lúa, ống hút khói… Mặc dù vậy, những tháng cuối năm thế này, mặt hàng chính vẫn là thuyền tôn để phục vụ chủ yếu cho bà con vùng ngập lụt.
Người làm nghề cho biết, làm thuyền tôn không khó, tuy nhiên, yêu cầu thợ làm phải có tính tỉ mỉ, chịu khó, có sức khoẻ và phải chịu được môi trường làm việc nhiều tiếng ồn. Tiếng gõ tôn kéo dài cả ngày. Đối với mỗi chiếc thuyền, đều trải qua các công đoạn như cắt tôn, tạo hình, ghép tôn, hàn các thanh ngồi trên thuyền… Nếu thợ lành nghề có thể làm được 4 – 5 chiếc thuyền mỗi ngày.
Bà Ngô Thị Hải, xã Hưng Thịnh chia sẻ: Thực tế thuyền tôn vẫn được người dân mua quanh năm để sử dụng trong các việc như đi câu, đánh cá, hái hoa sen, gặt lúa nước... Tuy nhiên, sức tiêu thụ không nhiều, chỉ tăng đột biến ở khoảng thời gian này thôi. Sản xuất bao nhiêu đều được tiêu thụ cơ bản hết, thậm chí trước mùa mưa bão cũng đã có người dân, chính quyền các địa phương, đơn vị đặt hàng số lượng lớn để chủ động phòng chống. Gia đình đều thuê thêm thợ để đáp ứng được số hàng.
Hiện nay, khi đến các xã thường xuyên bị ngập úng trên địa bàn tỉnh như Châu Nhân, Hưng Lợi… (Hưng Nguyên), vùng Năm Nam (Nam Đàn)… mỗi gia đình đều có riêng một chiếc thuyền, trong đó đến 60% là thuyền tôn, số còn lại là các thuyền gỗ tự chế hoặc bè mảng từ các thân tre, nứa.
Ông Phan Đình Hoàn – Phó Chủ tịch UBND xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên cho biết: Bà con trong xã quanh năm đối mặt với lũ lụt, đặc biệt là địa phận xã Hưng Nhân cũ vì nằm ngoài đê Tả Lam, do đó, thuyền là vật bất ly thân của người dân trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, trên địa bàn không có cơ sở sản xuất thuyền, hàng năm bà con đều xuống xã Hưng Thịnh để chủ động sắm thuyền tôn. Nếu nước dâng lên, thuyền là phương tiện cứu nạn, cứu hộ thiết thực, giúp bà con di chuyển an toàn trong mùa mưa bão.
Sở dĩ thuyền tôn được người dân tin tưởng và chọn lựa do có nhiều ưu điểm. Kích thước có thể lựa chọn theo yêu cầu của khách hàng, to hay nhỏ đều có thể cắt được. Thuyền tôn cũng dễ dàng vận chuyển, sử dụng vì trọng lượng nhẹ, đặc biệt, về tuổi thọ cao hơn so với các loại thuyền gỗ, không bị mục nát hay mối mọt như các loại thuyền truyền thống. Hơn nữa, giá thành thuyền tôn phù hợp với thu nhập của người dân nông thôn. Trung bình, mỗi thuyền tôn loại nhỏ có giá từ 400.000 - 700.000 đồng, loại lớn từ 1,5 - 2 triệu đồng, nếu thuyền to hơn nữa mức giá có thể cao hơn tùy theo yêu cầu của khách.
Mặc dù vậy, nghề sản xuất thuyền tôn hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn. Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao trong khi giá thuyền bán ra vẫn ổn định theo các năm dẫn đến lợi nhuận không cao. Ngoài ra, số lượng lao động gắn bó với nghề ngày càng ít đi do công việc vất vả và thu nhập không đều, chỉ khá hơn vào những dịp cuối năm. Do đó, hiện nay lao động tại các cơ sở gò hàn, sản xuất thuyền tôn trên địa bàn xã Hưng Thịnh chủ yếu là các bậc trung niên, người già. Việc lưu giữ nghề truyền thống này vẫn còn nhiều thách thức.