Những tuyên truyền viên đồng đẳng ở huyện vùng cao Nghệ An

Song Hoàng 12/11/2023 08:19

(Baonghean.vn) - Nghiện ngập, nhiễm HIV, khi cuộc sống rơi vào bế tắc họ từng nghĩ đến cái chết. Với mong muốn tái hòa nhập cộng đồng, họ đã trở thành những tư vấn viên tham gia các nhóm đồng đẳng, đồng hành với ngành Y tế trong việc giúp đỡ những người lầm lỡ làm lại cuộc đời.

Tìm cơ hội để được trở lại làm người bình thường

Lô Thị L. – một trong những thành viên mới tham gia vào nhóm đồng đẳng Sao Va, huyện Quế Phong đến gặp chúng tôi với một trạng thái rất vui vẻ. Người phụ nữ sinh năm 1995 ấy, dù chưa đến tuổi 30 nhưng trên gương mặt đã hằn lên sự già dặn, từng trải. Đó cũng là những vết tích còn sót lại của chị sau nhiều năm dài chìm trong nghiện ngập, ma túy và cả HIV/AIDS.

"Tôi mất mẹ năm 19 tuổi và sau đó bị trượt dài" – Lô Thị L. bắt đầu câu chuyện của mình như vậy. L. cũng nói rằng, hoàn cảnh của mình khi đó không đến nỗi bi đát vì dù mất mẹ, chị vẫn còn cậu, còn ông bà, nhưng do cơn lốc ma túy cuốn đến bản làng, bản thân lại là người ham chơi, đua đòi nên bị cuốn vào chất nghiện này lúc nào không biết.

Một buổi tư vấn hỗ trợ cho những người đang sử dụng Methadone trên địa bàn huyện Quế Phong.jpg
Một buổi tư vấn hỗ trợ cho những người đang sử dụng Methadone trên địa bàn huyện Quế Phong. Ảnh: ĐVCC

Trải qua hơn 4 năm “làm bạn với nàng tiên nâu”, trong đó, có hơn 3 năm vật vã vì bị nghiện nặng, L. thấm thía nỗi khổ của những người lỡ dính vào chất gây nghiện nguy hiểm này. Đó là loại độc dược mà mỗi khi lên cơn, dù nắng gắt hay mưa bão dầm dề, L. vẫn phải lao ra đường, tìm thuốc để thỏa mãn cơn nghiện.

Cuộc sống của L. mới bắt đầu trở lại vào năm 2018, khi L. được các thành viên trong nhóm đồng đẳng Sao Va tư vấn và hướng dẫn sử dụng thuốc Methadone. Nhờ uống thuốc ổn định nên L. đã dần cắt được cơn nghiện, xa dần với ma túy. L. cũng bảo mình may mắn bởi khi cuộc sống đã trở nên cùng cực, nghiện ngập rồi bị lây nhiễm HIV từ bạn tình, nhưng sau đó L. vẫn tìm được một người yêu thương để tiến tới xây dựng gia đình. Giờ đây, dù cả hai vẫn bị bệnh, đang uống Methadone và điều trị ARV nhưng sức khỏe cả hai hoàn toàn bình thường và sinh sống hòa nhập với mọi người.

Trong hành trình trở lại hòa nhập cộng đồng, L. cũng nói rằng, mình cảm ơn ông bà, cảm ơn gia đình và nhất là cảm ơn người mẹ chồng luôn thương yêu và sẵn sàng bỏ qua cho mọi sai lầm của mình. Điều đặc biệt hơn, mẹ chồng L. cũng là người đã động viên để L. trở thành thành viên của nhóm đồng đẳng viên Sao Va nhằm tư vấn và giúp đỡ cho những người nghiện, hoặc người HIV trên địa bàn.

Kể về điều này, Lô Thị L. nói thêm: "Tôi nhận được lời gợi ý tham gia nhóm đồng đẳng viên từ trưởng nhóm Sao Va vào cuối tháng 9/2022 và chính thức làm việc từ tháng 10/2022. Trong thời gian đưa ra quyết định, tôi đã từng lo ngại vì sợ mình không thể đảm nhận được. Nhưng mẹ chồng tôi đã động viên và bảo tôi hãy mạnh dạn vì nếu làm tốt có thể giúp đỡ được nhiều người. Nhiệm vụ hiện nay của tôi là phụ trách các đối tượng bị nghiện hoặc bị nhiễm trên địa bàn xã Tiền Phong".

bna_c2.jpg
Các tình nguyện viên của nhóm đồng đẳng thường đến tận nhà hỗ trợ người nhiễm HIV để tư vấn sử dụng thuốc điều trị. Ảnh tư liệu BNA

Ngoài tư vấn, tôi còn hướng dẫn cho họ đăng ký sử dụng Methadone để cải thiện sức khỏe, cuộc sống và giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Với tôi, điều này rất quan trọng, vì tôi nghĩ rằng, nếu mình đang mạnh khỏe, mình có cơ hội được quay lại với cuộc sống, có thể làm nhiều công việc khác để nuôi sống bản thân và gia đình.

Đứng dậy bằng những việc làm ý nghĩa

“Tôi là Lô Văn Nh., thành viên của nhóm đồng đẳng Sao Va. Đây là lần đầu tiên tôi được đứng trước đông người như thế này, với tư cách là một tiếp cận viên cộng đồng, để kể về câu chuyện của mình, nói lên những suy nghĩ của mình – một người nhiễm HIV” - Cách đây hơn 1 năm, tại một lễ phát động về phòng, chống HIV/AIDS, Lô Văn Nh., một trong những thành viên đầu tiên của nhóm đồng đẳng Sao Va đã không ngại khi kể về quãng thời gian tăm tối của mình.

Lô Văn Nh. chia sẻ: "Tôi biết đến ma túy từ năm 16 tuổi, một chiếc bơm được chuyền tay trong cả nhóm 7-8 người, đến lượt tôi thì nước pha thuốc trong đó đã chuyển sang màu đỏ quạch vì lẫn cả máu của những người khác. Tôi nghĩ mình đã phơi nhiễm HIV từ những lần chơi như thế. Khi biết kết quả xét nghiệm của mình, tôi rất bình thản, không phải vì mạnh mẽ hay tỉnh táo, mà vì tôi không có kiến thức về HIV, tôi ngang tàng và bất chấp. Tôi chưa đi điều trị ngay cho tới khi phát hiện ra sức khỏe của mình suy yếu. Bố mẹ tôi thì gần như không đứng vững khi nghe tin này".

bna_Nhóm đồng đẳng test nhanh cho các trường hợp bị nghi nhiễm HIV.jpg
Test nhanh cho các trường hợp bị nghi nhiễm HIV. Ảnh: ĐVCC

Nh. cũng kể rằng, thời điểm khi Nh. biết mình bị bệnh, thì HIV vẫn là một nỗi đau phải giấu kín. Bản thân Nh. chưa từng nghĩ mình bị kỳ thị cho đến một lần anh sang nhà người thân, một người đã biết anh bị nhiễm HIV. Sau khi vào ngồi uống nước và nói chuyện, anh ra về thì vô tình nhìn thấy cảnh người nhà dùng bao ni lông bọc cái cốc mà anh đã uống và quăng vào thùng rác. Cảnh tượng ấy khiến anh sụp đổ vì thấy mình bị kỳ thị.

"Lúc đó, tôi đã quyết định treo cổ tự vẫn, chấm dứt cuộc đời mình. Khi phát hiện được hành động của tôi, mẹ tôi khóc và nói cuộc sống là của mình. "Mình phải sống cho tốt. Có lỗi phải chuộc lỗi. Sao lại tìm đến cái chết". Lúc đó, tôi như bừng tỉnh, mong muốn được sống bình thường như những người khác, không bị ai soi mói, kỳ thị vì tôi nhiễm HIV", anh Lô Văn Nh. chia sẻ.

Cuộc sống đã trở lại với Nh. khi anh bắt đầu sử dụng Methadone, uống ARV đều đặn để duy trì sức khỏe. Sau đó, thấy được mong muốn tái hòa nhập của anh nên anh được các nhân viên y tế ở huyện giới thiệu và tham gia nhóm Sao Va, nhóm được hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật từ Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI).

bna_Anh Lang Chung Hiền - Trung tâm Y tế huyện Quế Phong (trưởng nhóm đồng đẳng Sao va) cùng các thành viên hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.jpg
Anh Lang Chung Hiền - cán bộ Trung tâm Y tế huyện Quế Phong, Trưởng nhóm đồng đẳng Sao Va (thứ hai từ trái sang) cùng thành viên của nhóm hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Ảnh: ĐVCC

Trong quá trình hoạt động, nhóm được chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi, được các cơ sở y tế phối, kết hợp để nhóm hoạt động. Hơn 3 năm gắn bó với nhóm, đến nay, anh Lô Văn Nh. trở thành thành viên trụ cột phụ trách 3 địa bàn khó khăn và nóng nhất của huyện Quế Phong là Đồng Văn, thị trấn Quế Phong và Châu Thôn.

Nhiệm vụ thường xuyên của Nh. và các anh, chị em trong nhóm là đi phát vật phẩm, truyền thông, tư vấn tác hại của ma túy, dự phòng HIV. Ngoài ra, anh còn hỗ trợ những người có nguy cơ xét nghiệm HIV, chuyển gửi các dịch vụ sức khỏe và giúp những người đã nhiễm HIV tuân thủ điều trị để ngăn ngừa lây truyền HIV, chấm dứt dịch bệnh AIDS.

Số người nghiện và người nhiễm HIV trên địa bàn huyện Quế Phong vẫn còn tiếp tục tăng và khá phức tạp. Có những trường hợp vì lỡ quan hệ không an toàn với người nhiễm HIV đã gọi điện trợ giúp, chúng tôi phải đi ngay, kể cả trong mưa gió. Lúc này, chúng tôi sẽ test nhanh, tư vấn và phát thuốc cho họ để tránh bị phơi nhiễm.

- Anh Lô Văn Nh., thành viên của nhóm đồng đẳng Sao Va, huyện Quế Phong

Anh Lang Chung Hiền - cán bộ Phòng Dân số (Trung tâm Y tế huyện Quế Phong), Trưởng nhóm đồng đẳng Sao Va cho biết: "Tuy nhóm mới thành lập nhưng đã giúp hàng trăm người nhiễm HIV trên địa bàn được tiếp cận với thuốc điều trị. Công việc này thực sự vất vả, nguy hiểm nhưng họ luôn cố gắng bởi hơn ai hết họ là người cùng cảnh ngộ, thấu hiểu được tâm tư những người nhiễm HIV và khát khao được trở lại với cuộc sống đời thường".

Còn với chị Lô Thị L. và anh Lô Văn Nh., họ cũng tâm sự rằng, họ cảm ơn công việc mà nhóm Sao Va mang lại. Điều đó không chỉ tạo cơ hội giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ mà để họ thấy được mình còn có ích, có cơ hội làm lại cuộc đời. Hơn nữa, họ đang nỗ lực để lan tỏa những thông điệp về phòng, chống lây truyền HIV, đồng thời, lên tiếng để giảm kỳ thị đối với bệnh AIDS trong cộng đồng.

Song Hoàng