Những người kiên nhẫn 'gõ cửa' trái tim trẻ bằng yêu thương

Diệp Thanh 15/11/2023 18:58

(Baonghean.vn) - Nếu như “trái ngọt” của hầu hết những giáo viên khác là sự thành công, đỗ đạt của học trò, thì với những giáo viên của giáo dục chuyên biệt, “trái ngọt” có khi chỉ là một nụ cười, một ánh mắt, một sự tiến bộ rất nhỏ... của trẻ.

Những trái tim kiên nhẫn

Với nhiều người, ấn tượng đầu tiên khi bước vào một lớp học chuyên biệt là cảm giác bất an. Sự bất an đó đến từ những tiếng khóc, những tiếng la hét, những ánh mắt sợ hãi, những sự lộn xộn, mất kiểm soát... của học sinh, nhất là những học sinh khiếm khuyết về thần kinh, trí tuệ. Ấy vậy mà những giáo viên của các lớp học này lại có thể dễ dàng kiểm soát tình hình và gắn bó lâu dài với công việc đó. "Phép màu" của họ chính là sự kiên nhẫn đáng ngưỡng mộ.

bna_54376157723_15112018.jpeg
Đối tượng học sinh là trẻ khuyết tật trí tuệ cần nhiều sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt. Ảnh: Đức Anh

Chia sẻ về hành trình đến với công việc này, Bùi Thúy Hằng (quê TP. Vinh) nói: “Tôi chủ động lựa chọn công việc hỗ trợ trẻ tự kỷ sau khi tiếp xúc với những đứa trẻ con của bạn mình. Đó là một cậu bé ngã chảy máu nhưng không biết bản thân đang bị đau, một cô bé vô cùng xinh xắn nhưng không nói, không cười, một cậu bé luôn chỉ nép trong góc nhà và lặp đi, lặp lại một hành động… Những giọt nước mắt đau đớn của những ông bố, bà mẹ ám ảnh tôi một thời gian dài, cho đến khi tôi quyết định phải làm gì đó”.

Từ những mối quan hệ của mình, Hằng tham gia hỗ trợ cho một khóa học đặc biệt của một chuyên gia hàng đầu Việt Nam về giáo dục cho trẻ tự kỷ. Sau khóa học, Hằng được nhận vào làm việc tại một trung tâm hỗ trợ trẻ tự kỷ tại TP. Hồ Chí Minh. “Không giống với những lớp học giáo dục chuyên biệt thông thường, có những khóa học chúng tôi nhận chăm sóc trẻ toàn thời gian nếu bố mẹ có nhu cầu. Ở đó, giáo viên đóng vai trò như một thành viên trong gia đình và định hướng phương pháp phù hợp cho từng trẻ”, Hằng chia sẻ.

bna_Các giáo viên hướng dẫn trẻ tự kỷ tập vẽ tranh.jpg
Giáo viên và người hỗ trợ cùng vẽ tranh với nhóm trẻ tự kỷ. Ảnh: CSCC

Cũng như tất cả những giáo viên dạy trẻ tự kỷ khác, tôi trải qua quãng thời gian làm quen với trẻ một cách chật vật. Tôi từng ngồi im cả ngày trời bên cạnh một bạn nhỏ, từng lắc lư theo một bạn nhỏ khác nhiều giờ đồng hồ, từng chạy lòng vòng theo một bạn nhỏ nhiều ngày liền… Mỗi bạn nhỏ là một thế giới với cánh cửa đang đóng kín. Chính sự kiên nhẫn “gõ cửa” và bình tĩnh quan sát đã giúp tôi từng bước kéo gần khoảng cách và bước vào thế giới đó - một thế giới vô cùng trong trẻo, hồn nhiên và tinh khiết. Càng hiểu, càng thương, tôi càng muốn ở bên chăm sóc các bạn ấy.

cô giáo Bùi Thúy Hằng

Cô giáo Đinh Thị Sa – giáo viên lớp Khuyết tật trí tuệ, Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề người khuyết tật tỉnh Nghệ An (TP. Vinh) chia sẻ: “Những học sinh tình trạng nặng thường đến lớp trong tình trạng mất kiểm soát hành vi, thiếu hợp tác, không những gây mất trật tự mà còn không tự chủ được vệ sinh. Có những tiết học dành phần lớn thời gian để giải quyết những vấn đề ngoài chương trình. Học sinh thì đông, mỗi em một kiểu, nên chúng tôi phải thật sự bao quát và linh hoạt trong chương trình. Thời gian đầu mới nhận, dạy mãi không thấy các em tiến bộ, tôi cũng nản lắm”.

bna_giáo dục chuyên biệt. Ảnh: Diệp Thanh1.JPG
Giáo viên dạy chữ cho lớp tiền tiểu học tại một trung tâm giáo dục chuyên biệt trên địa bàn TP. Vinh. Ảnh: Diệp Thanh

Bên cạnh công việc ở Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề người khuyết tật tỉnh Nghệ An, cô giáo Phan Thị Huyền còn hỗ trợ ngoài giờ cho trẻ khi phụ huynh có yêu cầu. Nhiều năm trong lĩnh vực này, cô Huyền có rất nhiều kỷ niệm buồn, vui với công việc. “Kiên nhẫn và thấu hiểu là 2 từ khóa quan trọng nhất của công việc này. Có như vậy giáo viên mới vượt qua được những áp lực không thể nào kể hết từ phía học sinh, phụ huynh, thậm chí cả gia đình của mình” – cô Huyền tâm sự.

Trong những câu chuyện nghề của các giáo viên giáo dục chuyên biệt, thỉnh thoảng sẽ xuất hiện tình huống giáo viên bị trẻ vô cớ tấn công khi bị mất kiểm soát hành vi... Chuyện xước da, chảy máu khi đi dạy của các cô là chuyện "bình thường". Kể chuyện bị đánh đau nhưng cô nào cũng vui vẻ như không.

“Trái ngọt” cô chờ đợi

Yêu cầu công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn đến vô cùng và sự bao dung vô điều kiện, những giáo viên của giáo dục chuyên biệt phần lớn là nữ. Thành quả sau bao ngày kiên nhẫn và yêu thương của các cô chính là những tiến bộ dù là rất nhỏ của học trò.

bna_giáo dục chuyên biệt. Ảnh: Diệp Thanh2.JPG
Để trẻ tiến bộ, giáo viên mảng giáo dục đặc biệt cần vô cùng kiên nhẫn và yêu thương. Ảnh: Diệp Thanh

Cô Thuý Hằng vẫn nhớ như in những thành tựu nhỏ mà những cô, cậu học trò dành tặng cho mình. “Tôi gắn bó với các em đủ lâu để tôi bật khóc khi lần đầu tiên nghe các bạn ấy bật ra tiếng, gọi tên mình, lần đầu tiên các bạn ấy biết vệ sinh đúng nơi, lần đầu tiên các bạn ấy nhìn vào mắt mình và mỉm cười… Để làm những điều tưởng chừng như vô cùng đơn giản đó, cô trò chúng tôi mất hàng tháng, thậm chí hàng năm trời. Những khoảnh khắc đó là những khoảnh khắc vỡ òa trong hạnh phúc, khiến tôi không thể nào quên” - Hằng nghẹn ngào chia sẻ.

Tương tự, cô Đinh Thị Sa thổ lộ: “Nếu hỏi điều gì khiến tôi tự hào nhất, suy nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu của tôi chính hình ảnh những em học sinh tiến bộ sau thời gian được dạy dỗ. Có những bạn đã có thể tự chăm sóc cho bản thân sau thời gian đồng hành cùng cô, thậm chí có bạn đã có thể tìm kiếm công việc phù hợp để nuôi sống bản thân. Quả thật, khi chứng kiến những thay đổi, dù rất nhỏ, của các em, tôi lại như được tiếp thêm động lực để ở lại với nghề”.

bna_giáo viên dạy trẻ tự kỷ.jpg
Đồng hành và theo sát trẻ, giáo viên có thể tìm và áp dụng những phương pháp phù hợp với từng em. Ảnh: Diệp Thanh

Cũng theo chia sẻ của rất nhiều giáo viên ở lĩnh vực này, ngoài giờ dạy, họ phải tìm cho mình một cách thức giải tỏa phù hợp để cân bằng lại cảm xúc. Cô Nguyễn Thị Uyên (Nghi Lộc) nói: “Tình trạng của trẻ có nặng, có nhẹ, nhưng ở mức độ nào cũng cần sự kiên trì, bền bỉ. Với những trường hợp nặng, đồng hành với con là một hành trình nhiều thử thách cho cả giáo viên và phụ huynh. Những lúc căng thẳng, mệt mỏi quá, tôi giải toả bằng cách trồng cây, cắm hoa, đọc sách. Một số đồng nghiệp của tôi cũng sử dụng phương pháp giải tỏa tương tự để cân bằng lại trạng thái tinh thần sau giờ lên lớp”.

Một 20/11 nữa lại đến, có lẽ không nhiều giáo viên giáo dục chuyên biệt nhận được những tấm thiệp kèm lời chúc từ học trò của mình. Một khi đã quyết định ở lại và gắn bó với vai trò giáo viên đặc biệt này, có lẽ họ cũng không trông đợi nhiều những niềm vui như thế. Với họ, một ngày đi dạy bình thường và những tiến bộ nhỏ của các con, có lẽ đã là một “điều kỳ diệu” rất lớn rồi.

Diệp Thanh