Những cánh chim non vượt 'bão'

Hoàng Yến 18/11/2023 14:52

(Baonghean.vn) - Những em bé sinh non, sinh mệnh mong manh như "chỉ mành treo chuông". Đồng hành cùng cha mẹ bé, các thầy thuốc Khoa Hồi sức Sơ sinh, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An bằng tình yêu thương vô bờ bến đã nỗ lực níu giữ sự sống và đồng hành cùng những “cánh chim non” vững vàng vượt bão.

Nặng nỗi âu lo

"Nỗi lòng của người mẹ khi mang thai luôn mong muốn con mình được nuôi dưỡng trọn vẹn trong bào thai đủ tháng đủ ngày. Thế nhưng, quá trình sống trong lòng mẹ của con phải sớm dừng lại. Ngày 18/9, ở tuần thai 26, con muốn ra sớm hơn kế hoạch đã định. Con nặng 800g sau khi chào đời, chỉ bằng chai nước… Con đã phải bắt đầu một cuộc chiến mới, cuộc chiến rất khốc liệt để giành lấy sự sống cho mình" – Chị V.T.T.H (ở phường Hưng Dũng, thành phố Vinh) đã bắt đầu câu chuyện cuộc chiến của con mình như vậy.

bna-anh-hoang-yen-1-3882.jpg
Những em bé sinh non, sinh mệnh mong manh như "chỉ mành treo chuông". Ảnh: Hoàng Yến

Chị V.T.T.H kể: Ngày con chào đời non yếu, gia đình nội ngoại đều rất lo âu. Biết nhiều nguy cơ luôn rình rập đe doạ sự sống của con, nên cả gia đình dồn cả tình yêu thương và sự quan tâm. Ngày ngày, mọi người đều vào thăm và tự động viên nhau rằng "con/cháu mình được sinh tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Ngay sau khi chào đời con đã được chuyển cấp cứu hồi sức sơ sinh ngay, nên chắc chắn con sẽ được cứu chữa tốt, sớm khoẻ mạnh vì đã tận dụng được thời gian vàng".

bna-anh-hoang-yen-7-620.jpg
Những em bé sinh non thì cần phải được điều trị, chăm sóc y tế đặc biệt 24/7 với lồng ấp, máy thở. Ảnh: Hoàng Yến

Đến nay, em bé con chị V.T.T.H đã điều trị ở Khoa Hồi sức Sơ sinh, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An được 2 tháng. Với chị V.T.T.H, đây là một khoảng thời gian dài đằng đẵng âu lo: "Mỗi ngày được vào thăm con 15 phút. Tôi luôn bị ám ảnh bởi tiếng kêu tít tít từ máy hỗ trợ sinh tồn cho con. Tôi rất sợ khi điện thoại đổ chuông hiện lên tên Bệnh viện… Nỗi lo, niềm thương con cứ mãi dâng tràn tâm trí. Cứ nghĩ con mình đang phải nằm chiến đấu với bệnh tật mà mẹ không thể bên cạnh khiến tôi muốn ngừng thở”.

bna-anh-hoang-yen-4-3251.jpg
Ở Khoa Hồi sức Sơ sinh, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, các bác sĩ, điều dưỡng luôn yêu thương, hết sức hết lòng, chiến đấu cùng các em bé. Ảnh: Hoàng Yến

Ở phòng 306, Khoa Hồi sức Sơ sinh, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, bên cạnh con chị V.T.T.H thì hãy còn khá nhiều em bé sinh non khác cũng đang được điều trị. Xét về một góc độ nào đó, những em bé ở đây đã là những chiến binh dũng cảm. Bởi nếu như những em bé sinh đủ tháng thì sẽ được ở trong vòng tay mẹ ngay và sớm được về nhà. Còn những em bé sinh non thì cần phải được điều trị, chăm sóc y tế đặc biệt với lồng ấp, máy thở. Phải tạm xa cha mẹ nhưng những em bé này không đơn độc - Ở đây, đã có những bác sĩ, điều dưỡng luôn yêu thương, hết sức hết lòng, chiến đấu cùng các em.

Với các y, bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, những em bé sinh non chính là những cánh chim non nớt. Giúp đỡ các em sớm “vượt bão”, khoẻ mạnh là mục tiêu và cũng là động lực để họ không ngừng cố gắng…

Tận tâm của các "mẹ" y, bác sĩ

bna_Ảnh Hoàng Yến (5).jpg
Chào mừng ngày “Thế giới vì trẻ sinh non – 17/11” năm 2023, mới đây, Khoa Hồi sức Sơ sinh đã tặng món quà vô cùng ý nghĩa dành cho các gia đình các em bé sinh non, đó là món quà "Cái ôm đầu tiên". Ảnh: Hoàng Yến

Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 15 triệu trẻ em sinh non. Việt Nam nằm trong 42 nước có tỷ lệ trẻ em tử vong cao nhất thế giới, cứ 63.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong thì có đến 50% là trẻ sinh non. Theo thống kê tại các bệnh viện phụ sản trên cả nước, tỷ lệ trẻ sinh non chiếm khoảng 10% tỷ lệ trẻ sơ sinh và con số này ngày càng gia tăng.

Những đứa trẻ được sinh ra vào thời điểm thai nhi nhỏ hơn 37 tuần tuổi được coi là sinh non. Trẻ sinh non phải đối diện với nhiều nguy cơ bệnh tật và tỷ lệ tử vong cao hơn trẻ sinh thường. Trẻ sinh non thường gặp nhiều nguy cơ mắc các bệnh mãn tính do chưa hấp thụ đầy đủ dưỡng chất và chưa hoàn thiện các chức năng trong cơ thể.

bna-anh-hoang-yen-12-5686.jpg
Với sự hỗ trợ, đảm bảo an toàn và vô khuẩn của các y, bác sĩ, 13 em bé sinh non tại khoa đã được rời lồng ấp, được trao vào vòng tay mẹ cha. Ảnh: Hoàng Yến

Hầu hết trẻ sinh non có nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, thị giác và hệ miễn dịch kém. Nếu không được sự chăm sóc đặc biệt, triển khai những kỹ thuật chăm sóc hồi sức sơ sinh hiện đại như hạ thân nhiệt, thở máy cao tần, phối hợp tốt giữa bác sĩ sản khoa và nhi khoa, thì trẻ sinh non sẽ dễ tử vong, mắc bệnh tật cũng như kém phát triển thể chất và trí tuệ.

Tại khoa Hồi sức sơ sinh, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, mỗi năm chào đón và chăm sóc hàng trăm bé sinh non. Cứ mỗi em bé cai máy thành công, khỏe dần lên từng ngày và xuất viện về với gia đình là một hành trình dài, có khi tính bằng tháng. Trong hành trình đó không thể thiếu được sự tận tâm, kinh nghiệm của các y, bác sĩ tuyến đầu về Sản và Nhi khoa của tỉnh. Họ chính là “đôi cánh lớn” chở che những cánh chim non.

bna_Ảnh Hoàng Yến (2).jpg
Khoảnh khắc thiêng liêng, lần đầu tiên được ôm ấp hình hài bé nhỏ con mình đó, người mẹ đã bật khóc. Ảnh: Hoàng Yến

"Sinh non là thử thách vô cùng lớn của em bé và gia đình. Biết bao nhiêu vất vả phải trải qua nhưng rồi các bé và gia đình đều vượt qua những khó khăn. Sức khỏe bé tốt lên từng ngày, ăn giỏi, tăng cân và được về nhà, đó là niềm hạnh phúc to lớn của cả gia đình và cả những nhân viên y tế như chúng tôi... Chỉ cần con lớn hơn, khỏe hơn ngày hôm qua, bao khó nhọc của chúng tôi đều trở nên xứng đáng" – Bác sĩ Chuyên khoa 2 Trương Lệ Thi – Trưởng khoa Hồi sức Sơ sinh, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An chia sẻ./.

Hoàng Yến