Tìm hướng đi bền vững lan toả thương hiệu chè Gay Anh Sơn
(Baonghean.vn) - Xã Cao Sơn là “thủ phủ” của sản phẩm chè Gay Anh Sơn. Chè ở đây được khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến bởi hương thơm đặc trưng mà không loại chè nào có được. Tìm hướng đi bền vững cho cây chè Gay là điều mà địa phương đang trăn trở.
Chủ động đầu ra
Cách đây hơn 10 năm, tôi đã từng đến “thủ phủ” chè Gay Cao Sơn. Thuở đó, phần lớn sản phẩm chè Gay sau khi thu hoạch đều được bà con mang đến phiên chợ Cây Nhạn ngay trung tâm xã để bán cho thương lái. Còn nhớ, phiên chợ nhộn nhịp nhất vào cữ 4 - 5 giờ sáng, thương lái đánh cả chục xe ô tô vận tải đến thu mua chè cho bà con. Khi trời sáng rõ, những chuyến xe ắp đầy chè Gay hướng về xuôi tiêu thụ.
Hình ảnh thu mua chè vào buổi tinh mơ như vậy dần chấm dứt kể từ khi Hợp tác xã chè Gay Cao Sơn được thành lập vào năm 2018. Theo đó, hàng ngày, các thương lái liên hệ đặt hàng qua hợp tác xã, bà con thu hoạch chè theo số lượng cụ thể trong đơn, đảm bảo đủ cho thương lái thu mua trong ngày, tránh được tình trạng tranh mua, tranh bán trước đây.
Từ khi thay đổi hình thức nhập hàng cho thương lái, bà con rất phấn khởi vì vừa nắm bắt chính xác nhu cầu của bên mua, vừa tránh tình trạng mạnh ai nấy bán, thị trường thiếu tính ổn định. Bà Nguyễn Thị Hà ở xóm 4, xã Cao Sơn đang nhanh tay thu hoạch trên vườn chè Gay cho biết: Gia đình bà có hơn 1 ha chè trồng từ nhiều năm nay. Do được thu hoạch theo hình thức cuốn chiếu nên hầu như ngày nào cũng có chè bán, số lượng theo kế hoạch của hợp tác xã. Như ngày hôm nay, hợp tác xã đặt 30 bó chè phải có trước 5 giờ chiều, nên gia đình tất bật thu hoạch từ đầu giờ chiều để kịp hàng.
“Trước đây, bà con mang ra chợ bán, không có định hướng nên giá cả bấp bênh. Nay có hợp tác xã làm đầu mối liên hệ với các thương lái để đảm bảo đầu ra, giá cả ổn định hơn. Từ năm 2022 về trước, giá chè 10.000 đồng/bó, nay đã tăng lên 13.000 đồng/bó. Với giá bán như vậy, mỗi ngày gia đình thu về từ 300.000 - 400.000 đồng. Trồng chè chủ yếu đầu tư ban đầu về giống, công làm đất, phân bón; còn sau này, khi thu hoạch xong một lứa, chỉ cần bón ít lượng phân NPK là chè phát triển tốt”, bà Hà chia sẻ.
Anh Nguyễn Thọ Huệ - một thương lái thu mua chè ở TP. Vinh cho hay, hầu hết ngày nào anh cũng đánh xe ô tô trọng tải 2 tấn lên Cao Sơn thu mua chè Gay về bán cho lái buôn ở các chợ trong khu vực thành phố. Anh cho biết: “Chè Gay Cao Sơn có đặc điểm vị chát ngọt khác với chè các nơi, khách hàng rất ưa thích. Mỗi ngày, tôi tiêu thụ cả nghìn bó chè Gay. Trước khi lên thu mua chè, tôi đã liên hệ với hợp tác xã để đặt hàng, thuận lợi cho cả đôi bên, không còn phải mất công tìm hàng”.
Sản phẩm chè Gay Cao Sơn đã được khách nhiều nơi biết đến và tin dùng, không những thị trường trong tỉnh mà còn sang cả Hà Tĩnh, vào Quảng Bình, thậm chí có những thương lái vận chuyển ra Hà Nội tiêu thụ.
Ông Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho biết: Do thị trường ngày càng rộng, nhu cầu ngày càng cao, nên người dân xã Cao Sơn đã đầu tư mở rộng diện tích trồng chè. Trước đây, diện tích chè trên địa bàn xã thường dao động từ 450 - 500 ha, nhưng năm nay tăng lên 560 ha. Để trồng chè mới, người dân chỉ việc đào rãnh, bón phân NPK, sau đó gieo giống và phủ một lớp lá tràm khô lên trên, hoặc phủ ni lông, nhằm mục đích giữ độ ẩm cho đất và chống cỏ mọc. Sau 1 năm, chè phát triển cao tầm 60 - 70 cm là cho thu hoạch.
Việc thu hoạch chè khá đơn giản, chỉ dùng liềm cắt ngang cây, cách mặt đất khoảng 10 cm, sau đó, bón phân cho chè tiếp tục nảy mầm phát triển. Chè cắt xong, bán theo bó, mỗi bó trọng lượng khoảng 1,5 kg.
Nâng chất lượng, lan tỏa thương hiệu chè Gay
“Cao Sơn có 3 cây trồng cho thu nhập chính: keo lấy gỗ, lúa và chè Gay. Riêng sản phẩm chè Gay, 10 tháng đầu năm 2023, toàn xã ước thu nhập khoảng 14 tỷ đồng, dự kiến năm nay bà con thu về khoảng gần 20 tỷ đồng. Năm 2018, xã được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất chè Gay theo quy trình VietGAP; năm 2019, sản phẩm chè Gay Cao Sơn được công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao OCOP cấp tỉnh. Hiện nay, hơn 100ha chè Gay sản xuất theo quy trình VietGAP.
Chủ trương của địa phương là mở rộng diện tích chè Gay trên những vùng đất đồi kém hiệu quả; tiếp tục phát triển quy trình trồng chè theo hướng VietGAP, nhằm giữ vững và lan tỏa thương hiệu”, ông Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho hay.
Đứng trước vườn chè xanh tốt, ông Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ bí quyết để nhận biết chè Gay Cao Sơn, đó là đặc điểm lá hơi nhỏ, mép dày, giòn. Khi vò nhẹ lá chè trong lòng tay nghe tiếng gãy lách tách.
Ngoài yếu tố khí hậu, thổ nhưỡng, cây chè Gay có vị ngon khác biệt cũng một phần từ bí quyết thu hái. Đó là không được thu hoạch non quá hoặc già quá, mà thu hái ở độ vừa phải, lá có màu xanh vàng nhẹ.
Một ngày trở lại xã Cao Sơn, thăm thú qua nhiều vườn chè, tôi nghe được bao chuyện thú vị quanh cây chè Gay. Bà con đất chè cho hay, để có được bát nước chè ngon thì ngoài nguyên liệu lá chè tươi, còn cần phải nấu với nước giếng khơi thì mới có vị chát ngọt và hương thơm đặc biệt.
Chè hái từ vườn vào, rửa sạch bằng nước giếng, cành bẻ ra, lá để nguyên, rồi bỏ vào ấm sành. Nước múc từ giếng khơi, đun thật sôi bằng củi rồi rót vào ấm, om chè kín. Khi chè đã chín, nước có màu vàng sánh, hương thơm dịu ngọt, mát lành.
Ông Hoàng Văn Thái - Quyền phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Anh Sơn cho rằng, trên cơ sở sản phẩm chè Gay Cao Sơn đã được công nhận VietGAP và đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh, huyện tiếp tục hướng dẫn địa phương giữ vững, lan tỏa thương hiệu và định hướng tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.
“Chè Gay là sản phẩm nổi tiếng trên địa bàn tỉnh, được người tiêu dùng ưa chuộng lâu nay. Tuy nhiên, để người dân tiếp tục mở rộng diện tích chè và nâng cao giá trị sản phẩm thì cần quan tâm đầu tư chế biến và có định hướng tiêu thụ ổn định hơn”, ông Thái chia sẻ thêm.