Đoàn Thanh tra Uỷ ban Dân tộc làm việc với tỉnh Nghệ An về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia vùng dân tộc- miền núi
(Baonghean.vn) -Sáng 22/12, UBND tỉnh tổ chức buổi làm việc với Đoàn Thanh tra Uỷ ban Dân tộc về kết luận thanh tra thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và một số chính sách thuộc lĩnh vực công tác dân tộc.
Đoàn Thanh tra Uỷ ban Dân tộc do đồng chí Y Thông - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc làm trưởng đoàn; cùng đi có đồng chí Võ Văn Bảy - Chánh Thanh tra Uỷ ban Dân tộc và đại diện các phòng, ban liên quan. Về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Bùi Đình Long - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Vi Văn Sơn - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, cùng đại diện một số sở, ngành và các địa phương: Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Thanh Chương.
Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 tại Nghệ An thực hiện trên địa bàn 12 huyện, thị xã, gồm 131 xã (76 xã khu vực III, 55 xã khu vực I), và 588 thôn đặc biệt khó khăn.
Thực hiện chương trình này, UBND tỉnh Nghệ An đã trình HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết, các văn bản quy định, hướng dẫn, thực hiện phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2025. UBND tỉnh cũng đã thành lập Ban chỉ đạo, bộ máy giúp việc, trong đó Ban Dân tộc là cơ quan chủ trì Chương trình, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện thực hiện.
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2022 và 2023, vốn ngân sách trung ương giao cho tỉnh Nghệ An là hơn 2.247 tỷ đồng và vốn đối ứng ngân sách địa phương là hơn 226 tỷ đồng.
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có 10 dự án được thực hiện, như: Dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Dự án Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết giai đoạn 2021-2025; Dự án Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị...
Bên cạnh đó, trên địa bàn các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi; chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ; chính sách đối với người có uy tín.
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Nghệ An có diện tích 13.745km2, chiếm 83% diện tích tự nhiên, với hơn 1,1 triệu dân, chiếm 36% dân số toàn tỉnh. Trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 491.267 người, gồm 47 dân tộc thiểu số, có 5 dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao là Thái, Mông, Khơ Mú, Thổ, Ơ Đu. Toàn tỉnh có 27 xã biên giới với 24 xã có liên quan đến việc thực hiện các chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo đánh giá của Đoàn Thanh tra, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, UBND tỉnh Nghệ An đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, thành lập Ban chỉ đạo, bộ máy giúp việc.
Tuy nhiên, việc xây dựng kế hoạch của một số cơ quan, đơn vị cấp huyện, xã còn chưa kịp thời; công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, giải quyết khó khăn, vướng mắc của các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì đối với một số dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình chưa kịp thời và thường xuyên.
Đến ngày 30/9/2023, kết quả giải ngân vốn kế hoạch năm 2022 và năm 2023 đạt tỷ lệ 22,37% so với kế hoạch vốn, dự toán giao; kế hoạch vốn ngân sách địa phương đối ứng năm 2022 đạt 1,8% và đến 10/12/2023 mới bố trí được vốn đối ứng đạt 0,6%.
Tiến độ triển khai một số dự án và tiểu dự án, nội dung thành phần còn chậm, giải ngân đạt tỷ lệ thấp hoặc chưa giải ngân...
Đồng chí Vi Văn Sơn - Trưởng ban Dân tộc tỉnh lý giải việc thực hiện giải ngân một số dự án chậm là do có một số văn bản quy định chưa kịp thời; chưa có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, cơ chế thanh quyết toán nguồn vốn... dẫn đến việc triển khai một số dự án còn chậm.
Đại diện một số sở, ngành trên địa bàn Nghệ An cũng nêu lên những khó khăn trong quá trình thực hiện Chương trình này và các chính sách đặc thù, trong đó một số địa phương nằm ở khu vực miền núi, nhưng lại không nằm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được phê duyệt giai đoạn 2021-2025 nên không được thụ hưởng các dự án, chính sách hỗ trợ.
Khó khăn trong việc thực hiện đào tạo nghề cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó việc các trường dân tộc nội trú không nằm trong vùng dân tộc sẽ không được thụ hưởng từ Chương trình hay như việc các trường dạy nghề thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc nhưng lại đóng ở các trung tâm huyện, thành, thị cũng không được thụ hưởng là điều còn bất cập...
Đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng kiến nghị Đoàn Thanh tra Uỷ ban Dân tộc xem xét những khó khăn, vướng mắc mà địa phương gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện các dự án của Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương sớm hoàn thành các hạng mục nhằm phát huy hiệu quả các dự án, đảm bảo mục đích đề ra.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Y Thông cũng ghi nhận những ý kiến, phản ánh từ đại diện các sở, ngành, địa phương trên địa bàn Nghệ An. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các cấp, ngành rà soát tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan về việc ban hành quy định, sửa đổi bổ sung, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án.
Chỉ đạo rà soát nguồn vốn đã phân bổ, giao dự toán cho các cơ quan, đơn vị để xác định đối tượng, điều kiện, nhu cầu kinh phí cần sử dụng để thực hiện đối với từng dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình.
Trường hợp vốn giao không đúng đối tượng thụ hưởng, không đủ điều kiện, không có nhu cầu vốn hoặc nhu cầu thấp hơn kế hoạch đối với từng dự án thì báo cáo với các bộ, ngành để có giải pháp tháo gỡ...