Phụ nữ Nghệ An vượt nhiều chỉ tiêu trong xây dựng gia đình 'ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh'
(Baonghean.vn) - Hơn 8.000 gia đình hội viên đạt 8 tiêu chí "5 không, 3 sạch - 5 có, 3 sạch"; 355 phụ nữ là chủ doanh nghiệp, 814 phụ nữ là chủ hộ kinh doanh là những con số ấn tượng trong thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình “ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh”.
Vượt lên chính mình
Mỹ Giang là một xóm thuần nông của Hưng Mỹ (Hưng Nguyên). Thế nhưng, trong những năm gần đây, xóm nhỏ này đã có nhiều đổi thay tích cực. Phụ nữ nơi đây không chỉ làm tròn vai trong gia đình mà còn sôi nổi tham gia các phong trào, cuộc vận động tại địa phương.
Tiêu biểu có chị Ngô Thị Minh (sinh năm 1970) là một trong những hội viên tiêu biểu khi có một gia đình hạnh phúc và mang nhiều tư tưởng tiến bộ. Chị không chỉ vươn lên làm giàu cho mình mà còn hỗ trợ nhiều chị em trong chi hội thoát nghèo, khi mạnh dạn đứng ra thành lập Tổ liên kết dịch vụ nấu ăn.
Chia sẻ về bản thân, chị Minh cho biết, xuất thân của hai vợ chồng đều từ sản xuất nông nghiệp. Sau khi kết hôn, anh chị vừa bám đồng, bám ruộng tăng gia sản xuất, vừa gắn bó với nhiều công việc tự do khi thời điểm nông nhàn. Thấy chị nhanh nhẹn, nấu ăn ngon nên nhiều gia đình trong xã đã thuê chị nấu ăn, phục vụ các đám cưới, đám giỗ và tiệc tân gia.
Duy trì công việc này sau một thời gian dài, đến năm 2017, nhận thấy nhu cầu của khách hàng ngày càng cao, chị đã mạnh dạn đứng ra thành lập Tổ liên kết dịch vụ nấu ăn với 7 thành viên.
Nhờ sự chịu khó học hỏi, nâng cao tay nghề, tổ liên kết ngày càng được thị trường ưu ái. Nhờ vậy, sau hơn 6 năm đi vào hoạt động, giờ đây tổ đã có hơn 20 thành viên, với lượng khách hàng phân bố rộng rãi tại các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Yên Thành và thành phố Vinh...
Tính bình quân, thu nhập của mỗi thành viên từ 7 - 10 triệu đồng mỗi tháng. Họ còn là đầu mối tiêu thụ nông sản cho nhiều hộ gia đình trong xóm, trong xã mỗi khi có đơn hàng.
Có thu nhập ổn định, phụ nữ nơi đây có điều kiện đóng góp và tham gia vào các phong trào, cuộc vận động tại địa phương. Từ xây dựng đường nông thôn, nhà văn hóa cho tới các cơ sở hạ tầng khác để xóm Mỹ Giang có một diện mạo khang trang, quy củ.
Về phía xây dựng gia đình văn hóa, xóm Mỹ Giang cũng là điểm sáng của địa phương khi có nhiều gia đình đạt danh hiệu văn hóa tiêu biểu, dẫn đầu trong phong trào thi đua: “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam, thời đại mới” và cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”.
Bên cạnh xã Hưng Mỹ, tại các cơ sở hội khác như Hưng Nghĩa, Hưng Tân, Hưng Đạo, Hưng Yên Bắc, Long Xá… phụ nữ còn tiên phong xây dựng quỹ hội để làm giao thông nội đồng, san đất làm đường bê tông, tổng số tiền hơn 62 triệu đồng. Ngoài ra, các mô hình như: "Ống tiền tiết kiệm", "Giúp đỡ ngày công cho các hộ gia đình hội viên phụ nữ gặp khó khăn"... cũng đã huy động được số tiền hơn 600 triệu động.
Đối với địa bàn các huyện miền núi, vai trò của phụ nữ cũng ngày càng được phát huy rõ nét. Dù ở địa bàn xa xôi cách trở, nhưng với sự nhanh nhạy trong bắt nhịp với công cuộc chuyển đổi số, phụ nữ tại các huyện Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Anh Sơn... đã tận dụng được lợi thế của mạng xã hội để quảng bá, tiêu thụ nhiều đặc sản địa phương. Trong trồng trọt, chăn nuôi, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình gia trại, trang trại, tổ liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, tạo việc làm cho hàng nghìn phụ nữ địa phương.
Chỉ tính riêng năm 2023, Nghệ An đã có hơn 50 gia đình nữ hội viên tiêu biểu cấp tỉnh và hàng trăm gia đình tiêu biểu cấp huyện được tôn vinh, biểu dương. Toàn tỉnh có hơn 8.000 gia đình hội viên đạt 8 tiêu chí "5 không, 3 sạch - 5 có, 3 sạch".
Bên cạnh đảm bảo các tiêu chí “hạnh phúc” thì mục tiêu “ấm no”, “tiến bộ” cũng đã được phụ nữ đảm bảo song hành. Phụ nữ đã vượt qua cái bóng của các định kiến để vươn ra khẳng định mình trên thương trường.
Hiện Nghệ An có 355 phụ nữ là chủ doanh nghiệp, 814 phụ nữ là chủ hộ kinh doanh và 70 phụ nữ là quản lý hợp tác xã. Đó là những con số biết nói để thấy được nỗ lực của phụ nữ Nghệ An vượt lên chính mình trong tình hình mới.
Hỗ trợ thiết thực đến từ các cấp hội
Ngoài yếu tố nội lực, phụ nữ Nghệ An còn được các cấp hội liên hiệp phụ nữ trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, nhằm hỗ trợ, thúc đẩy việc thực hiện chủ trương xây dựng gia đình một cách toàn diện.
Tiêu biểu, tại thành phố Vinh, các cơ sở hội đã tổ chức thành công các hoạt động hỗ trợ vun đắp giá trị tốt đẹp của gia đình, xây dựng môi trường an toàn và nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ thông qua các hội thi “Gia đình điểm 10”; “Cha mẹ tuyệt vời”; “Hạnh phúc từ chiếc bánh ngọt ngào”; “Mâm cơm dinh dưỡng cho gia đình”...
Cùng đó, nhiều cơ sở hội trên địa bàn thành phố đã thành lập và duy trì hiệu quả Câu lạc bộ “Gia đình 3 thế hệ sống chung hòa thuận, hạnh phúc”; Câu lạc bộ Phòng, chống bạo lực gia đình; Câu lạc bộ Hỗ trợ phụ nữ và trẻ em khuyết tật; Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, ”Gia đình trẻ”, ”Bà nội - Bà ngoại”...
Những hoạt động này góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và trong mỗi gia đình về xây dựng, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam trong nhịp sống hiện đại.
Hay như tại các huyện Quỳ Hợp, Tương Dương, Nghĩa Đàn, Yên Thành... các cơ sở hội còn chú trọng tổ chức các hội thi gia đình hạnh phúc và tìm hiểu kiến thức về phòng, chống bạo lực gia đình, với sự tham gia của hàng trăm đơn vị trong các huyện. Đồng thời, tôn vinh, biểu dương các gia đình văn hóa tiêu biểu tại địa phương.
Để góp phần vun đắp giá trị của gia đình trong nhịp sống hiện đại, toàn tỉnh có hơn 560 Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc, thu hút trên hơn 12.000 thành viên tham gia hiệu quả.
Các hoạt động tư vấn, hỗ trợ hôn nhân, gia đình, xây dựng mô hình an toàn cho phụ nữ và trẻ em được chú trọng triển khai ở các đơn vị đã góp phần bảo vệ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, kịp thời động viên về tinh thần, hướng dẫn chị em kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình… giúp giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, ổn định an ninh, trật tự xã hội.
Từ những kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp hội phụ nữ đặt ra mục tiêu tiếp tục hỗ trợ và đồng hành hiệu quả với các hội viên trong thực hiện Đề án 938 “Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ” và Hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ.
Việc xây dựng gia đình cần gắn với triển khai thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động, đề án trọng tâm của hội, của tỉnh. Triển khai sâu rộng, đồng bộ và tạo chuyển biến về chất trong thực hiện các tiêu chí cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch - 5 có, 3 sạch” gắn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới.
Quan trọng hơn, cần nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, vận động phụ nữ phát huy nội lực, hỗ trợ, giúp nhau giảm nghèo bền vững. Tích cực phát triển kinh tế hộ, kinh tế số và chủ động tham gia các nhiệm vụ phát triển kinh tế. Tiếp tục quan tâm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh để phụ nữ từng bước phát huy tối đa vai trò, vị thế của mình trong xây dựng gia đình toàn diện./.