Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

Mỹ Hà 15/04/2024 17:03

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.

Hành trình gian nan

Chỉ mới 28 tuổi nhưng chị Ngân Thị Hương ở bản Xẻn 1, xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu nhìn ốm yếu, da vàng vọt. Gặp chị ở chương trình trao quà cho học sinh nghèo, người mẹ ấy không giấu được nỗi buồn khi cả chị và đứa con gái 3 tuổi đều mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Căn bệnh khó chữa và dai dẳng từ năm này sang năm khác khiến sức khỏe chị và con bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hơn thế, kinh tế gia đình cũng cạn kiệt vì cứ 2 tháng/lần, chị và con lại phải xuống Trung tâm Huyết học và Truyền máu tỉnh để điều trị.

Bệnh Thalassemia không phải là bệnh lạ. Nhưng trường hợp cả hai mẹ con cùng bị như chị Hương không nhiều. Chị Hương cho biết, 25 tuổi chị mới lấy chồng và khi đó trong người chị đã mang căn bệnh này. Tuy nhiên, vì thiếu hiểu biết và chủ quan nên hai vợ chồng lấy nhau mà không đi khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Khám và điều trị cho bệnh nhận bị bệnh Tan máu bẩm sinh ở Trung tâm Huyết học và truyền máu.jpg
Khám và điều trị cho bệnh nhân bị bệnh tan máu bẩm sinh ở Trung tâm Huyết học và Truyền máu tỉnh. Ảnh: Mỹ Hà

Quá trình mang thai, cả hai cũng không đi thăm khám, không sàng lọc nên không nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ đội ngũ y, bác sĩ. “Tôi sức khỏe yếu nên không đi làm được việc gì nặng nhọc. Chồng công việc cũng bấp bênh, ai thuê gì làm nấy, thu nhập chẳng có là bao. Gia đình chúng tôi thuộc diện hộ nghèo. Bây giờ cũng không dám sinh thêm con vì sợ lại thêm một người nữa mắc bệnh”, chị Ngân Thị Hương chia sẻ.

Nhiều năm nay, em Lương Việt Anh ở bản Tổng Chai, xã Chi Khê, huyện Con Cuông cũng đã trở thành bệnh nhân quen thuộc ở Trung tâm Huyết học và Truyền máu tỉnh.

Mẹ của em, chị Lương thị Diệp kể lại rằng, phải đến 5 tuổi con chị mới bắt đầu được đi khám bệnh khi thấy nhiều triệu chứng bất thường so với các bạn cùng tuổi như chậm phát triển chiều cao, cân nặng, da thường xuyên bị xanh xao, môi tái, tròng mắt bị vàng… Khi đưa con xuống Trung tâm Huyết học và Truyền máu tỉnh để kiểm tra thì mới biết các chỉ số xét nghiệm đều thấp hơn mức bình thường.

Tư vấn về sàng lọc cho các cặp vợ chồng trẻ ở Bệnh viện Sản nhi Nghệ An.jpg
Tư vấn về sàng lọc cho các cặp vợ chồng trẻ ở Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Ảnh: Mỹ Hà

Lương Việt Anh là con thứ 2 của gia đình chị Diệp. Do sức khỏe bố mẹ bình thường, sinh cháu đầu khỏe mạnh nên khi mang thai lần 2, chị Diệp chỉ đi khám và siêu âm. Việc sàng lọc với gia đình chị là điều khá lạ lẫm vì chị bảo ở quê chị không mấy ai biết đến việc kiểm tra sức khỏe thai nhi hay làm các xét nghiệm, thăm dò để xác định các dị tật ở trẻ.

Sau này, khi con bị bệnh, đến bác sĩ kiểm tra chị mới biết, việc bị bệnh tan máu bẩm sinh đôi khi không phải là do hôn nhân cùng huyết thống mà còn nhiều nguyên nhân khác. Trường hợp gia đình chị được bác sĩ xác định là do bố hoặc mẹ mang gen Thalassemia và người mang gen cũng có thể di truyền gen bệnh cho thế hệ con hoặc thậm chí là sinh ra những đứa con mắc bệnh Thalassemia.

Hiện do mang căn bệnh đã nhiều năm nên dù tiếp thu bài khá nhưng con của chị Diệp khó có thể học tập bình thường bởi 2 tháng/ lần cháu phải xuống Trung tâm Huyết học và Truyền máu tỉnh điều trị từ 7 – 10 ngày. Kinh phí mỗi lần điều trị cũng lên đến gần 10 triệu đồng. May mắn cháu có bảo hiểm chi trả nên cũng đỡ một phần nào.

Không chủ quan với công tác sàng lọc

Thalassemia là một bệnh di truyền phổ biến và trên thế giới có khoảng 7% số người mang gen Thalassemia. Điều đáng nói, những hậu quả nặng nề mà căn bệnh mang lại không chỉ ảnh hưởng riêng đến người bệnh mà với cả gia đình và xã hội. Nguy hiểm hơn, làm suy giảm sự phát triển giống nòi.

Tại Trung tâm Huyết học và Truyền máu Nghệ An, hiện đang quản lý khoảng 600 bệnh nhân, trong đó, điều trị cho bệnh nhân nhi bị tan máu bẩm sinh có thời điểm lên đến hơn 100 em. Số bệnh nhân này hầu hết là người dân tộc thiểu số đến từ các huyện miền núi như: Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳ Hợp.

bna_image_5721656_652022.jpeg
Tiểu phẩm tuyên truyền về bệnh tan máu bẩm sinh do Câu lạc bộ Dân ca xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương) thể hiện. Ản: Mỹ Hà

Bác sĩ Nguyễn Như Thịnh – Phó Khoa Bệnh máu tổng hợp (Trung tâm Huyết học và Truyền máu Nghệ An) cho biết: Một trong những ca bệnh chúng tôi phát hiện bị bệnh tan máu bẩm sinh sớm nhất là khi đó các em chừng 6 tháng tuổi. Nếu tuổi phát bệnh sớm, mức độ thiếu máu nặng thì bệnh của các em sẽ nặng hơn.

Ngoài gây thiếu máu, bệnh tan máu bẩm sinh nặng còn gây thiếu máu và lắng đọng sắt trong cơ thể. Vì thế, trẻ có bệnh nếu không được điều trị hoặc điều trị không đầy đủ trẻ thường có thể trạng yếu, còi cọc, da xanh, hình thái đầu, mặt biến dạng, gan lách to. Thông thường, bệnh nhân cần được điều trị truyền máu, 2 - 4 tuần/lần. Sau các đợt truyền máu, bệnh nhân cần dùng thuốc điều trị thải sắt. Hiện chưa có phương pháp điều trị khỏi bệnh, chủ yếu là điều trị triệu chứng suốt đời.

Bệnh tan máu bẩm sinh để lại những hệ lụy lâu dài. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Như Thịnh, việc chữa khỏi bệnh chỉ có phương pháp duy nhất là ghép tế bào gốc, tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi rất nhiều điều kiện khắt khe nên rất ít bệnh nhân có thể được ghép tế bào gốc.

bna_Ảnh Thành Chung (6).JPG
Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình tỉnh tặng quà cho trẻ em bị bệnh tan máu bẩm sinh trên địa bàn huyện Quỳ Châu. Ảnh: Thành Chung

Bác sĩ Nguyễn Như Thịnh chia sẻ thêm: Theo quy định của Bộ Y tế, phụ nữ mang thai phải được sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh. Việc sàng lọc có thể được thực hiện theo các bước, gồm xét nghiệm chậm để xem khả năng của vợ và chồng có thể có bệnh hay không. Ngoài ra, nếu cha mẹ sinh con đầu lòng mắc bệnh này, nên xét nghiệm trước sinh trong lần mang thai tiếp theo. Người mẹ sẽ được chọc hút lấy nước ối khi thai được 16 tuần đến 29 tuần tuổi để làm xét nghiệm gen, xác định thai nhi có mang gen bệnh từ bố mẹ hay không để có lời khuyên, tư vấn kịp thời.

Trong trường hợp có nguy cơ cao, đình chỉ thai có thể là một lựa chọn để tránh sinh các trường hợp mắc bệnh lý này.

Theo các nghiên cứu cho thấy, thông thường khi cả cha và mẹ cùng mang gen Thalassemia thì xác suất sinh con bị bệnh thực sự là 25-50%. Vì thế, bằng cách phân tích gen của cha mẹ, các bác sĩ có thể phán đoán khả năng sinh ra em bé tiếp theo sẽ mang gen bệnh thể nặng hay nhẹ.

Hiện tại, thông qua khám sàng lọc tiền hôn nhân với những phương pháp hiện đại, bệnh di truyền từ cha mẹ sang con có thể phòng bệnh hiệu quả tới 80-95% bằng các biện pháp như: Khám sức khỏe trước khi kết hôn, sàng lọc trước sinh.

Cùng với gây áp lực về chi phí điều trị, bệnh tan máu bẩm sinh đã và đang gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng đến giống nòi, gây hệ lụy lâu dài cho đời sống của người bệnh, cộng đồng.

Để nâng cao nhận thức về căn bệnh này, hàng năm ngành Dân số Nghệ An tổ chức Chương trình truyền thông ngày Thalassemia thế giới. Thông qua đó giúp người dân hiểu biết hơn về bệnh tan máu bẩm sinh. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế hiểu rõ và có trách nhiệm hơn trong việc đẩy lùi căn bệnh này.

“Hiện số người mắc bệnh Thalassemia rất nhiều, số lượng bệnh nhân chưa được phát hiện khá lớn. Trong khi đó, chưa có đánh giá cụ thể thực trạng bệnh nhân mắc bệnh tan máu bẩm sinh và nhiều người dân chưa hiểu rõ về bệnh này.

Chính vì thế, việc đẩy mạnh công tác truyền thông, giúp người dân xác định được nguyên nhân, phát hiện sớm, phòng bệnh được đặt ra như một giải pháp có ý nghĩa lớn trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe trẻ em, nâng cao chất lượng dân số”.

Ông Nguyễn Bá Tân - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh

Mỹ Hà