Pháp luật

Phòng ngừa những hệ lụy từ việc 'nghiện game'

An Quỳnh 25/06/2024 17:01

Hiện nay, điện thoại và các thiết bị điện tử dần trở thành phương tiện học tập, giải trí. Tuy nhiên, việc quá lạm dụng các thiết bị điện tử hoặc nghiện game, cũng khiến các em, nhất là ở lứa tuổi học sinh dễ gặp vấn đề về tâm lý, thậm chí nhiều trường hợp còn vi phạm pháp luật và gây ra hậu quả khó lường.

Những câu chuyện đau lòng

Mới đầu tháng 6/2024, Công an quận Hà Đông (TP Hà Nội) đã tạm giữ nghi can Nguyễn Huy Hoàng (SN 1997), quê ở huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An) để điều tra mở rộng vụ án “trộm cắp tài sản”. Bước đầu, Hoàng khai nhận do “nghiện” game không có tiền ăn tiêu nên đã nảy sinh ý định trộm cắp tài sản.

Lợi dụng chủ nhà sơ hở, Hoàng đã lấy đi 8 chiếc điện thoại, 3 máy tính xách tay và nghi can bị bắt khi đang đi tiêu thụ.

bna_pl1.jpg
Các đối tượng nằm trong độ tuổi 14 - 20 tuổi bên cạnh tang vật nằm trong chuyên án trộm cắp tài sản mà Công an TP Vinh bắt được. Ảnh tư liệu

Trước đó, vào tháng 5/2024, Công an TP Vinh cũng phá thành công chuyên án, bắt giữ 14 đối tượng chuyên trộm cắp tài sản, thu giữ 10 xe máy và hơn 200 triệu đồng tiền mặt. Tất cả các đối tượng đều thuộc độ tuổi 14 - 20 tuổi và trú ở tại TP Vinh, Hưng Nguyên, Con Cuông. Qua mạng xã hội, các đối tượng liên hệ với nhau để trộm cắp tài sản. Bước đầu, các đối tượng khai nhận do chơi game nhưng không có tiền nên đã rủ nhau thực hiện hành vi trộm cắp để lấy tiền nộp vào các tài khoản game.

Không dừng lại ở đó, nhiều vụ án đau lòng liên quan đến nghiện game còn khiến cho nhiều người không khỏi ám ảnh.

Đơn cử, đầu tháng 3/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An tuyên phạt bị cáo Lang Kim Thế Vinh (trú tại Quế Phong) 18 năm tù với tội danh “Giết người”. Điều đáng nói, tại thời điểm xảy ra vụ án bị cáo này chỉ mới 17 tuổi, đang là học sinh lớp 11. Vinh được đánh giá là cậu học trò thông minh và có sức học tốt. Nạn nhân là N.A - bạn nữ học cùng lớp, trú cùng địa phương với Vinh.

bna_pl3.jpg
Lang Kim Thế Vinh bị rối loạn hoang tưởng dẫn đến hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Ảnh tư liệu

Trong quá trình điều tra, Vinh được trưng cầu giám định tâm thần. Kết quả cho thấy, tại thời điểm trước, trong, sau khi thực hiện hành vi phạm tội và tại thời điểm giám định, Vinh bị bệnh rối loạn hoang tưởng dẫn đến hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Được biết, thời điểm Covid-19, Vinh cách ly ở nhà lâu ngày nên đã làm “bạn” với điện tử, sinh ra nghiện game. Gia đình đã phát hiện ra Vinh có nhiều biểu hiện bất thường nhưng chưa kịp đi khám thì đã xảy ra vụ việc đau lòng trên.

Tương tự là vụ án gây bàng hoàng dư luận xảy ra cách đây 4 năm phía sau khu rừng sản xuất thuộc xã Lăng Thành, huyện Yên Thành.

Vào ngày trung tuần đầu tháng 6/2020, Đào Ngọc Hoàng (SN 2003), trú tại huyện Quỳnh Lưu đã rủ bé V.Đ (5 tuổi), trú cùng xóm đi chơi. Tại đây, Hoàng đã nảy sinh ý định bắt cóc cháu bé để tống tiền. Hoàng đã trói 2 tay, 2 chân của bé rồi bỏ mặc nạn nhân trong rừng cho đến chết.

Qua điều tra vụ việc, các điều tra viên cho biết Hoàng là học sinh cá biệt, có biểu hiện nghiện trò chơi điện tử. Hoàng khai nhận việc sử dụng băng dính để trói nạn nhân là do Hoàng học theo game cũng như một số bộ phim từng được xem. Với tội ác của mình, Hoàng đã phải trả giá đắt với bản án 15 năm tù khi mới 17 tuổi.

bna_pl4.jpg
Đào Ngọc Hoàng bị truy tố vì tội Giết người. Ảnh tư liệu

Những câu chuyện đau lòng trên chỉ là số ít trong rất nhiều vụ việc liên quan đến game online hiện nay.

Nhiều hệ lụy khó lường

Thực tế, vào thời điểm hè, học sinh được nghỉ học, bố mẹ bận đi làm, thiếu sự giám sát nên trẻ có xu hướng sử dụng các thiết bị điện tử nhiều hơn, cụ thể là nghiện game online. Chơi ở mức độ vừa phải có thể đưa lại nhiều lợi ích như giải trí, thư giãn… Tuy nhiên, khi việc chơi game quá mức, dẫn đến nghiện game, sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt đối với lứa tuổi học đường.

Ghé một quán game online trên địa bàn phường Bến Thủy (TP. Vinh) tại thời điểm buổi trưa, tuy thời tiết nắng nóng nhưng quán tấp nập người ngồi chơi gần kín các máy. Được biết, vào thời điểm hè, học sinh được nghỉ học nên số lượng khách vào đặt máy lúc nào cũng đông. Vào những giờ cao điểm từ 11 giờ trưa đến 21 giờ, thường không đủ máy để phục vụ các “thượng đế”. Chỉ với 8 - 10 nghìn đồng, mỗi người chơi sẽ có cho mình 1 máy sử dụng trong vòng một tiếng với đường truyền internet ổn định cùng hàng trăm trò chơi khác nhau. Bởi vậy, thu hút hầu hết khách hàng ở độ tuổi 11 - 16 tuổi.

Độ tuổi
Vào dịp nghỉ hè, các quán game tấp nập người chơi từ 11-16 tuổi (hình ảnh ghi lại vào buổi trưa tại quán game trên địa bàn phường Bến Thủy). Ảnh: An Quỳnh

Được biết, hiện nay xu hướng chơi esports hay còn gọi là thể thao điện tử đã và đang thu hút sự quan tâm của hàng triệu người bởi các giải đấu trực tuyến hoặc truyền hình trực tuyến cho khán giả. Các trò chơi phổ biến bao gồm: League of Legends, Dota 2, counter – strike,… Qua đó, buộc người chơi cạnh tranh nhau trong các trò chơi video trực tuyến theo hình thức thể thao chuyên nghiệp. Các trò chơi điện tử được thiết kế nhiều cấp độ, hình ảnh bắt mắt khiến người chơi luôn khao khát phải vượt qua và có thể ngồi nhiều giờ mà không thấy chán.

Theo bác sĩ Phan Bá Thu - Trưởng khoa Lão - nhi (Bệnh viện Tâm thần Nghệ An), thời gian gần đây, khoa tiếp nhận và điều trị cho nhiều thanh, thiếu niên bị rối loạn tâm thần do nghiện game. Độ tuổi các bệnh nhi nhập viện rơi vào 14 - 24 tuổi.

“Hầu hết, các cháu vào đây đều là những trường hợp đã ở giai đoạn nặng, có triệu chứng khá rõ nét như: rối loạn hành vi (la hét, hủy hoại bản thân...), hoang tưởng, ảo giác... thậm chí có ý định tự tử hoặc có xu hướng bạo lực lên người đối diện”, bác sĩ Thu chia sẻ.

bna_pl.jpg
Bác sĩ Phan Bá Thu - Trưởng khoa Lão - Nhi đang tư vấn cho bệnh nhân bị rối loạn tâm thần do game online. Ảnh: An Quỳnh

Được biết, ở lứa tuổi vị thành niên, do cấu trúc vỏ não chưa ổn định, dễ tổn thương nên gây ra nhiều rối loạn tâm thần khi quá sa đà, lạm dụng game online, nhất là những trò chơi có tính bạo lực. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất của người bị rối loạn tâm thần chính là mất ngủ, ngủ rất ít bởi thời gian phần lớn chìm đắm vào game. Bên cạnh đó, trẻ sẽ giảm hứng thú, quan tâm với cuộc sống xung quanh và có nhiều hoạt động không phù hợp với đời sống thực.

Qua đó, vị bác sĩ này cũng chia sẻ, nhiều gia đình khó chấp nhận việc con mình bị mắc các bệnh tâm thần nên còn tâm lý ngại, giấu giếm không đưa con đi thăm khám, cũng như chữa trị kịp thời dẫn sức khỏe, tâm trí của trẻ bị ảnh hưởng nặng nề, gây hậu quả lớn về sau này.

Từ thực tế hiện nay, trẻ vị thành niên nhập viện do rối loạn tâm thần liên quan đến trò chơi điện tử có xu hướng gia tăng vào hè, nhất là những trường hợp thiếu sự giám sát của bố mẹ. Không chỉ vậy, việc phát triển và được công nhận của các trò chơi thể thao điện tử càng khiến cho bản thân trẻ vị thành niên cũng như nhiều bố mẹ buông lỏng cảnh giác, nên càng gia tăng tình trạng “nghiện” game.

Bởi vậy, bác sĩ Phan Bá Thu khuyên các các gia đình cần xây dựng kế hoạch sinh hoạt điều độ cho trẻ, hạn chế trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử. Ưu tiên những hoạt động vận động thể chất hoặc tham gia các khóa học kỹ năng sống phù hợp với lứa tuổi. Không chỉ vậy, các bậc phụ huynh cần nhiều thời gian nói chuyện, tâm sự để hiểu hơn tâm lý cũng như mong muốn của con. Bên cạnh đó, khi con có dấu hiệu rối loạn tâm thần do nghiện game thì bố mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời, tránh để xảy ra những hệ lụy khó lường.

An Quỳnh