Nghiện "game" và những hệ lụy nghiêm trọng
(Baonghean.vn)- Mặc dù đang ngồi trên ghế nhà trường song nhiều HSSV đã sa đà vào các trò chơi ảo trên mạng internet (game trực tuyến) dẫn đến những hậu quả đau lòng cho gia đình và xã hội. Thậm chí, nhiều trường hợp do bị ám ảnh từ game đã trở thành sát nhân hoặc tử vong không rõ nguyên nhân.
Từ “Game thủ” đến tội phạm
Những ngày vừa qua, câu chuyện về nam sinh Phạm Đức Chuẩn (16 tuổi) trú tại xóm 7, xã Thanh Long, hiện đang là học sinh lớp 10E, trường THPT Đặng Thúc Hứa, huyện Thanh Chương tử vong bất thường sau nhiều ngày bỏ nhà đi chơi game đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm, lo lắng, nhất là đối với các bậc phụ huynh.
Ông Trần Trí Tuệ, Chủ tịch UBND xã Thanh Long cho biết: Nam sinh này là con thứ 2 trong gia đình có 4 anh chị em, bố mẹ làm nông nghiệp, từ trước đến nay ngoan ngoãn, thường tham gia các hoạt động văn nghệ của xã nhưng gần đây có biểu hiện nghiện game online, thường xuyên bỏ nhà đi chơi game qua đêm mới về. Thầy giáo Nguyễn Duy Long, Hiệu trưởng trường THPT Đặng Thúc Hứa, nơi Chuẩn đang theo học cũng cho biết, Chuẩn có biểu hiện nghiện game online, chểnh mảng chuyện học hành, giáo viên chủ nhiệm đã kiểm điểm, báo cáo lên Ban giám hiệu nhà trường để phối hợp giáo dục, giúp đỡ. Không ngờ đã xảy ra sự việc đau lòng nói trên.
Quán game đầy chặt học sinh ở thị trấn Tân Kỳ. |
Cũng không phải đến bây giờ, khi câu chuyện đau lòng của nam sinh Phạm Đức Chuẩn xảy ra, những ẩn họa lẫn hậu quả đau lòng liên quan đến học sinh nghiện game mới được cảnh báo. Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra các vụ việc liên quan đến học sinh, sinh viên nghiện game online. Đầu tháng 11/2015, một số trường học ở thị trấn Tân Kỳ và các xã Giang Sơn Đông, Giang Sơn Tây, huyện Đô Lương liên tiếp xảy ra các vụ đột nhập để cuỗm tài sản, gây hoang mang, lo lắng cho nhà trường và người dân. Sau một thời gian dài theo dõi, thủ phạm của các vụ trộm trên đã sa lưới pháp luật.
Điều đáng nói, 3 kẻ trộm trong vụ án này đều đang ngồi trên ghế nhà trường,ở độ tuổi 15,16. Do nghiện game, các đối tượng này đã lợi dụng sơ hở của bảo vệ các trường học trên địa bàn, trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 11-2015, thực hiện trót lọt 7 vụ đột nhập trường học, lấy đi 14 màn hình máy tính, 8PCU cùng nhiều vật dụng khác, với tổng giá trị tài sản khoảng 60 triệu đồng.
Nghiêm trọng hơn là do ảnh hưởng tử những cảnh bạo lực, đâm chém nhau trên thế giới ảo, nhiều “game thủ” đã trở thành sát nhân, ra tay tước đi mạng sống của cả người thân để lấy tiền tiêu xài.Đó là câu chuyện đau lòng về nam sinh viên Vương Đình Khánh (21 tuổi), trú tại xóm 17 xã Nghi Phong, ( Nghi Lộc), cựu sinh viên một trường Cao đẳng trên địa bàn TP Vinh.
Vì bị ám ảnh từ những trò chơi trên mạng internet, vào ngày 12-7-2015, do mâu thuẫn với mẹ đẻ là bà Nguyễn Thị V. (49 tuổi), Vương Đình Khánh đã dùng sợi dây dù siết cổ mẹ đến chết. Sau đó tạo hiện trường giả của một vụ đột tử để qua mặt cơ quan chức năng. Một điều tra viên thụ lý vụ án cho biết thêm, quá trình lấy lời khai đối với Khánh sau đó rất khó khăn, bởi đối tượng bị nghiện game nặng nên có biểu hiện tinh thần hoảng loạn, đờ đẫn và nhiều lúc không làm chủ được bản thân do bị ám ảnh bởi các trò chém giết trên “thế giới ảo”. Tìm hiểu thêm, được biết Vương Đình Khánh đã từng phải điều trị tại Bệnh viện tâm thần Nghệ An trong suốt thời gian dài do chứng hoang tưởng vì game.
Trước đó, vào tháng 10-2013, Trần Ngọc Quân (16 tuổi), học sinh lớp 10 của một trường THPT trên địa bàn TX.Thái Hòa, cũng vì nghiện game đã ra tay sát hại bác dâu của mình là bà Tô Thị L. (55 tuổi) chỉ để cướp đôi bông tai bằng vàng.
Đâu là nguyên nhân?
Hiện, chưa có thống kê về số người nghiện game, nhưng tỷ lệ thanh thiếu niên, học sinh nghiện game online phải đến các trung tâm, bệnh viện điều trị là không hề nhỏ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo đánh giá của Tiến sĩ tâm lý Lê Thục Anh, Giảng viên Khoa Giáo dục (Trường ĐH Vinh) là do sự buông lỏng, thiếu giám sát của gia đình, nhiều bậc phụ huynh vì mải mê kiếm tiền mà chểnh mảng việc quản lý con cái. Trong khi hiện nay, trên mạng xã hội tràn lan các trò chơi bạo lực, HSSV không khó để tiếp cận và từ tò mò đến nghiện game trực tuyến là con đường rất ngắn vì trên thực tế kinh doanh game trực tuyến vẫn chưa thực sự được siết chặt.
Thống kê mới đây nhất trên địa bàn TP Vinh cho thấy, trong số 225 cơ sở kinh doanh Inernet đang hoạt động chỉ có 75 cơ sở được cấp phép, phần lớn trong số này vẫn lén lút mở cửa hoạt động thâu đêm suốt sáng. |
Ngoài ra, hiện nay nhiều học sinh THPT và sinh viên xa gia đình, ở trọ không có người giám sát cũng là điều kiện dễ sa đà vào cuộc sống ảo trên Internet. Điển hình là trường hợp của sinh viên đại học Vinh Phạm Xuân Q. (20 tuổi), quê ở huyện Thanh Chương. Từ một học sinh khá sau khi “bập” vào game online Q đã trượt dốc không phanh, học lực sa sút nghiêm trọng, thường xuyên nghỉ học không có lý do và kỳ đầu tiên của năm thứ nhất sinh viên, Q. đã phải thi lại 5 môn. Nghiêm trọng hơn vốn là một người hoạt náo, Q. dần trở nên khó tính, lầm lỳ, cộc cằn, thích nói lảm nhảm một mình, đi lang thang rồi gây sự vô cớ để đánh người khiến gia đình buộc phải đưa đi điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Quán game oline mọc lên nhan nhản ở thành phố Vinh. |
Theo Bác sĩ Phan Kim Thìn, Giám đốc Bệnh viện tâm thần Nghệ An trong thời gian vừa qua, tại bệnh viện cũng đã tiếp nhận một số trường hợp học sinh nhập viện vì ảo giác do chơi game quá nhiều dẫn đến không kiểm soát được hành vi. Số phụ huynh đến tư vấn để chăm sóc sức khỏe cho con em có dấu hiệu bất bình thường tại bệnh viện cũng ngày một tăng.
Dưới góc nhìn tâm thần học, Bác sĩ Chuyên khoa II Phan Kim Thìn cho rằng, hành vi nghiện ngập game online là con đường ngắn nhất dẫn đến nhiều hành vi khác, trong đó có cả loạn thần, thậm chí tử tự. Thế giới ảo của game online sẽ khiến giới trẻ lệch trí tưởng tượng, bởi bất cứ game nào cũng có những cấp độ (lever) ngày càng cao, đòi hỏi người chơi phải tập trung và mất nhiều thời gian để đạt được các lever này. Lúc đó, tâm lý sẽ cực kỳ căng thẳng, khiến chức năng não bị tổn thương dẫn đến có những hành vi lệch chuẩn. |
Có thể nói, bản thân game trực tuyến không có gì xấu nếu người chơi biết kiềm chế bản thân và xem đó như một kênh để giải trí, giảm stress. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ giới trẻ ngày nay đang lạm dụng vào những trò chơi trực tuyến để giết thời gian, chểnh mảng học hành, ảnh hưởng đến tương lai phía trước. Nhiều trường hợp thậm chí còn vi phạm pháp luật, trở thành tội đồ cho gia đình và xã hội thì đây thực sự là hồi chuông cảnh báo đến không chỉ với bản thân các em mà còn với gia đình và toàn xã hội./.
HÀ THƯ
TIN LIÊN QUAN