Xây dựng Đảng

Tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc thời đại 4.0 - Kỳ 2: Tỏa sáng, nhân lên tình dân tộc, nghĩa đồng bào

Nhóm P.V Thời sự 18/07/2024 09:11

Nghệ An đặt mục tiêu đến hết năm 2025 cơ bản xóa nhà ở tạm bợ, nhà ở dột nát trên địa bàn tỉnh trong số 16.300 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở. Việc thực hiện chương trình an sinh xã hội giàu tính nhân văn, tỏa sáng tình dân tộc, nghĩa đồng bào này của Nghệ An đã trở thành một trong những điểm sáng, cách làm hay được Trung ương chọn nhân rộng, phát động Phong trào thi đua cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát.

xaydungkhoidaidoanket-b2-cover.png

KỲ 2:

Tỏa sáng, nhân lên tình dân tộc, nghĩa đồng bào

Nhóm PV Thời sự • 18/07/2024

Nghệ An đặt mục tiêu đến hết năm 2025 cơ bản xóa nhà ở tạm bợ, nhà ở dột nát trên địa bàn tỉnh trong số 16.300 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở. Việc thực hiện chương trình an sinh xã hội giàu tính nhân văn, tỏa sáng tình dân tộc, nghĩa đồng bào này của Nghệ An đã trở thành một trong những điểm sáng, cách làm hay được Trung ương chọn nhân rộng, phát động Phong trào thi đua cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát.

CHỦ TRƯƠNG LỚN, ĐÚNG ĐẮN

Chúng tôi (PV) vẫn còn nhớ không khí rộn rã tiếng nói cười và những con đường rợp bóng cờ hoa vừa đúng cách đây tròn một năm tại bản Châu Sơn, xã Châu Khê, huyện Con Cuông. Hôm đó, đoàn công tác gồm lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã vượt hàng trăm km đường bộ từ thành phố Vinh lên bản Châu Sơn bàn giao nhà cho các hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở. Sự kiện đó đánh dấu kết thúc chiến dịch làm 2.820 căn nhà lắp ghép, mỗi nhà 50 triệu đồng (chưa tính phần móng và nền bê tông vững chãi được cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội ở địa phương hỗ trợ) do Bộ Công an và Công an tỉnh Nghệ An hỗ trợ cho 6 huyện biên giới của tỉnh là Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương.

Người Đan Lai từ xưa cư trú giữa đại ngàn có độ cao 1.200 m so với mặt nước biển ở thượng nguồn khe Khặng - sông Giăng với những câu chuyện đậm chất huyền sử về một "tộc người ngủ ngồi"; nay về tái định cư ở Châu Sơn, đó là một dấu mốc trọng đại cho cuộc sống của bà con trên vùng đất mới khi là một trong các hộ được hỗ trợ nhà ở. Gia đình 4 người của anh La Văn Bình là trong số đó. “Có chỗ ở kiên cố cho gia đình, giờ chỉ tập trung làm ăn để thoát nghèo nữa thôi”, anh Bình chia sẻ.

Tục ngữ có câu “an cư lạc nghiệp”, để nói rằng trong đời sống của người Việt chúng ta, ngôi nhà chiếm vị trí đặc biệt quan trọng. Nhưng đó cũng là khao khát cháy bỏng của bao phận người còn khó khăn, vất vả; lo cái ăn, cái mặc hàng ngày đã chật vật, nói chi đến chuyện có căn nhà “kín trên, bền dưới”.

Thấu cảm niềm mong mỏi đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An xem việc hỗ trợ làm nhà cho các đối tượng khó khăn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, được ưu tiên hàng đầu của nhiệm kỳ.

Trên cơ sở đó, Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An đã tham mưu Tỉnh ủy tổ chức Lễ phát động Chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023 - 2025 vào đúng dịp Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2023) và ban hành Chỉ thị 21-CT/TU ngày 10/02/2023 “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023 - 2025”.

Chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở mà Tỉnh ủy Nghệ An phát động còn được gọi là Chương trình “1838”, thực sự là chủ trương lớn, đúng đắn và là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp bách của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An, nhằm đảm bảo cho người dân sớm “an cư lạc nghiệp”, ổn định cuộc sống, từng bước tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Từ chủ trương của Tỉnh ủy, cả hệ thống chính trị trong tỉnh đã vào cuộc, xem đây vừa là tình cảm, trách nhiệm; vừa cụ thể hóa triết lý phát triển của Đảng, Nhà nước, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “…mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là một yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Nhờ vậy, Chương trình “1838” ở Nghệ An đã tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ, có sự chung tay góp sức của cán bộ, đảng viên, nhân dân không chỉ trong tỉnh, mà còn ngoại tỉnh; của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc; của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến
Đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng tỉnh Nghệ An 40 nhà "Đại đoàn kết" và 200 suất quà.

LAN TỎA NGHĨA TÌNH,
“CHIẾN DỊCH” NHÂN VĂN

Đầu năm 2024, chị Nguyễn Thị Loan, ở thôn 10, xã Quỳnh Lộc (thị xã Hoàng Mai) được dọn vào nhà mới ở mà chị gọi là ngôi nhà “yêu thương”. Khỏi nói hết sự vui mừng, phấn khởi, chị Loan tâm sự rằng mình là mẹ đơn thân, con còn nhỏ, bản thân sức khỏe yếu, thuộc vào hộ cận nghèo ở địa phương; lâu nay hai mẹ con chị ở cùng nhà bố mẹ đẻ; để có ngôi nhà riêng của 2 mẹ con là điều mà chị chưa bao giờ nghĩ đến. Thế rồi, từ sự kết nối nguồn hỗ trợ từ Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An của Mặt trận xã cùng với nguồn quỹ “Vì người nghèo” và anh em họ tộc giúp sức, mẹ con chị Loan đã có ngôi nhà riêng để ở trị giá 200 triệu đồng.

Ngày khánh thành và dọn vào ngôi nhà mới, chị Loan được các đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An, lãnh đạo thị xã Hoàng Mai và xã Quỳnh Lộc đến chung vui, hỗ trợ thêm các vật dụng trong nhà, hướng dẫn cách bài trí nhà cửa, bếp núc gọn gàng, sạch - đẹp. Chị Loan xúc động nói: “Là một người dân rất bình thường và có thể nói yếu thế, nhưng được quan tâm cả về vật chất và tinh thần, tôi thật vô cùng cảm động và hạnh phúc; đây cũng là động lực để mẹ con tôi cố gắng vươn lên làm chủ cuộc sống”.

Cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc thị xã Hoàng Mai và xã Quỳnh Vinh làm lễ bàn giao nhà cho mẹ con chị Hoàng Thị Hải. Ảnh: CSCC
Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc thị xã Hoàng Mai và xã Quỳnh Vinh làm lễ bàn giao nhà cho mẹ con chị Hoàng Thị Hải. Ảnh: CSCC

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Quỳnh Lộc Trần Văn Kỳ cho biết: Qua rà soát và bình xét, trên địa bàn xã có 17 trường hợp được phê duyệt hỗ trợ làm nhà trong giai đoạn 2023 - 2025. Để có nguồn lực hỗ trợ các đối tượng làm nhà ở, ngoài tranh thủ nguồn phân bổ từ thị xã huy động từ nguồn xã hội hóa; địa phương cũng tổ chức lễ phát động, phát huy vai trò tiên phong của cán bộ, công chức, người hưởng lương trên địa bàn, tối thiểu 1 ngày lương/người, nhưng nhiều người đã đóng góp 3 - 4 ngày lương và huy động từ nhân dân. Đến thời điểm này, sau hơn 1 năm triển khai, địa phương đã huy động tổng cộng hơn 500 triệu đồng để hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng 10 nhà ở và hiện còn 5 nhà đang chuẩn bị xây dựng để hoàn thành trong năm 2024 này.

Sau hơn 1 năm, toàn thị xã Hoàng Mai đã tiếp nhận đăng ký hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân để làm nhà cho người nghèo với tổng hơn 6,8 tỷ đồng; trong đó đã có hơn 4 tỷ đồng được chuyển về tài khoản. Từ nguồn huy động được, thị xã đã hỗ trợ xây dựng, hoàn thành, đưa vào sử dụng 48 nhà và 14 nhà đang xây; số còn lại với tổng 61 nhà sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng hoàn thành vào năm 2025.

Một góc thị xã Hoàng Mai. Ảnh tư liệu: Nhật Thanh
Một góc thị xã Hoàng Mai. Ảnh:: Nhật Thanh

Ở huyện Yên Thành, sau khi tổng rà soát số hộ cần làm nhà ở trên địa bàn, huyện đã thành lập tổ công tác tiến hành khảo sát, kiểm tra, thẩm định thực tế và chốt danh sách có tổng 394 hộ cần được hỗ trợ làm nhà ở trong giai đoạn 2023 - 2025; trong đó có 302 hộ làm nhà mới và 92 hộ cần sửa chữa nhà. Với sự quyết tâm cao của Ban chỉ đạo từ huyện đến cơ sở và bằng mọi hình thức vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài huyện có tấm lòng thiện nguyện với quê hương Yên Thành, huy động con em xa quê, người dân trong cộng đồng dân cư, bà con họ tộc. Mặc dù mục tiêu huy động làm nhà đến năm 2025, song đến thời điểm này, huyện Yên Thành đã huy động đủ nguồn lực để hỗ trợ làm nhà ở cho người nghèo với tổng 17,2 tỷ đồng và trong năm 2024 này phấn đấu làm xong nhà cho người nghèo.

Còn tại huyện Kỳ Sơn, là địa phương có nhiều ngôi nhà tạm bợ, dột nát phải làm mới, sửa chữa nhất do các huyện, thành, thị của tỉnh trong giai đoạn 2023-2025. Trong năm 2023 với sự hỗ trợ của ngành Công an cùng các tổ chức, nhà hảo tâm, sự nỗ lực của hệ thống chính trị các cấp tại địa phương, huyện Kỳ Sơn đã hoàn thành và bàn giao gần 1.900 ngôi nhà cho các hộ dân.

Đồng chí Lỳ Bá Thái - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kỳ Sơn cho biết: Kỳ Sơn hiện không còn hộ nào phải ở nhà tranh tre như trước nữa. Để có kết quả này, ngoài nguồn kinh phí đóng góp và trực tiếp thi công làm nhà lắp ghép cho người dân của lực lượng Công an; cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, thôn, bản, cùng người dân vào cuộc, tạo thành một “chiến dịch” đóng góp kinh phí, ngày công san nền, làm móng, đưa vật liệu vào xây dựng...

xaydungkhoidaidoanket-b2-box1.png
Nhà lắp ghép được xây dựng cho hộ nghèo ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Ảnh: Thành Duy
Nhà lắp ghép được xây dựng cho hộ nghèo ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Ảnh: Thành Duy

XÂY DỰNG, ỨNG DỤNG PHẦN MỀM QUẢN LÝ CHƯƠNG TRÌNH “1838”

Đặc biệt, trong chiến lược số hóa cơ sở dữ liệu các lĩnh vực hoạt động của Mặt trận, nhằm giúp cho công tác tổng hợp, phân tích, đánh giá chất lượng các hoạt động Mặt trận thuận lợi, tiết kiệm, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Mặt trận trong tình hình mới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An triển khai xây dựng, ứng dụng phần mềm quản lý Chương trình “1838” để các địa phương cập nhật dữ liệu, tránh trùng lặp đối tượng và đôn đốc kịp thời tiến độ thực hiện trên toàn tỉnh, đảm bảo nguồn vốn được phân bổ công khai, minh bạch.

Đồng chí Lê Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An, Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo tỉnh, cho biết: Phần mềm quản lý Chương trình “1838” gồm có 24 “trường” thông tin dữ liệu, từ đơn của hộ có nhu cầu hỗ trợ làm nhà ở, căn cước công dân của chính chủ hộ... đến biên bản kiểm tra hiện trạng nhà ở, đất ở kèm hình ảnh chụp, tọa độ khu vực nhà ở trên bản đồ, hộ thuộc đối tượng chính sách ưu tiên nào do tổ công tác các khối, xóm, thôn, bản lập; chứng thực xét duyệt của ban chỉ đạo cấp xã và phê duyệt được làm nhà của ban chỉ đạo cấp huyện.

Đồng chí Lê Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An trao đổi công việc với cán bộ Mặt trận các cấp . Ảnh: Mai Hoa
Đồng chí Lê Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An trao đổi công việc với cán bộ Mặt trận các cấp. Ảnh: Mai Hoa

Tất cả các thông tin đều được chuyển tải, cập nhật vào hệ thống phần mềm để cung cấp công khai, chuyển tải đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm có cơ sở từ “người thật, việc thật” và tin tưởng vào cách làm của Mặt trận để hỗ trợ tích cực. Bên cạnh đó, phần mềm này cũng cập nhật đầy đủ tiến độ huy động nguồn lực và giải ngân làm nhà mang tính tổng hợp toàn tỉnh, từng đơn vị cấp huyện, từng đơn vị cấp xã, vừa mang tính cụ thể từng trường hợp được phê duyệt hỗ trợ làm nhà; đồng thời qua phần mềm để giám sát kết quả triển khai thực hiện chương trình của từng địa phương, từng hộ gia đình được phê duyệt làm nhà ở.

Bên cạnh đó, để lan tỏa chương trình, các kênh thông tin, đặc biệt là qua mạng xã hội Facebook của Mặt trận các cấp thường xuyên cập nhật thông tin các hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ làm nhà, hoặc hình ảnh các đoàn viên, hội viên, bà con khối xóm chung tay góp sức, qua đó lan tỏa thêm ý nghĩa của chương trình đối với xã hội. Cũng từ đó có nhiều con em xa quê, tổ chức thiện nguyện càng thêm tin tưởng và đóng góp công sức với chương trình.

facebook của MTTQ các cấp về hỗ trợ xây nhà cho người nghèo
Facebook của Mặt trận các cấp thường xuyên cập nhật thông tin về xây dựng nhà ở cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Ở xã Phúc Thành (Yên Thành), trước hoàn cảnh hai vợ chồng ông Đặng Xuân Dục (xóm Phúc Giang) ở trong ngôi nhà cấp 4 tềnh toàng, nứt nẻ và có thể đổ sập bất cứ lúc nào; đầu năm 2024 vừa qua, MTTQ xã Phúc Thành đã có lời kêu gọi kèm theo hình ảnh ngôi nhà và thông tin hoàn cảnh gia đình ông Dục lên Fanpage của MTTQ xã, được các nhóm Facebook, Zalo các hội đồng hương Phúc Thành tại các địa phương chia sẻ và chỉ sau một thời gian ngắn, con em xa quê đã đóng góp hỗ trợ cùng nguồn hỗ trợ từ anh em họ tộc, bà con xóm làng, tháng 6/2024 vừa qua, vợ chồng ông Dục đã vào ngôi nhà mới ở, trị giá 150 triệu đồng.

Cùng tại xã Phúc Thành, theo chia sẻ của Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hoàng Thị Hằng, ngoài hỗ trợ làm nhà cho vợ chồng ông Dục, còn có thêm 2 hộ cận nghèo cũng được hỗ trợ làm nhà ở mới thông qua kêu gọi của MTTQ xã trên mạng xã hội và được các trang Facebook, Zalo hội đồng hương ở các địa phương chia sẻ, lan tỏa tinh thần đoàn kết hướng về người nghèo, người có khó khăn tại quê nhà.

xaydungkhoidaidoanket-b2-box2.png

Cùng với 4.759 ngôi nhà “đại đoàn kết” thực hiện được trong giai đoạn 2019 - 2022 khi thực hiện chủ đề “Mặt trận Nghệ An làm theo lời Bác dặn” đã nâng tổng số hộ được hỗ trợ nhà trên địa bàn tỉnh lên con số 13.385, đạt 267,7% so với chỉ tiêu, trở thành 1 trong 10 dấu ấn nổi bật trong hoạt động của Mặt trận Nghệ An khóa XIV, nhiệm kỳ 2019 - 2024, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, từng bước thoát nghèo, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Mới đây, trong buổi tiếp xúc cử tri các xã Hùng Tiến, Kim Liên (Nam Đàn), đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã biểu dương, đánh giá cao cách làm, kết quả đạt được của Nghệ An trong thực hiện Chương trình vận động hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, hộ có khó khăn về nhà ở; góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện Phong trào thi đua cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước đến năm 2025 do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trao quà hỗ trợ cho 10 hộ trên địa bàn xã Thanh Long bị ảnh hưởng nặng do hoàn lưu cơn bão số 4. Ảnh: Thành Duy
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tặng quà cho người dân xã Thanh Long (Thanh Chương). Ảnh: Thành Duy

Hiện nay, cả hệ thống chính trị tỉnh Nghệ An đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu xóa nhà ở tạm bợ, nhà ở dột nát cho 16.300 hộ trong giai đoạn 2023 - 2025 trước tháng 10/2025 để chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Tại cuộc làm việc mới đây của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho ý kiến về Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An, nhiệm kỳ 2024 - 2029, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, đánh giá kết quả chương trình vận động hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở là điểm sáng của tỉnh Nghệ An, trên cơ sở tham mưu của Mặt trận Tổ quốc tỉnh là cơ quan Thường trực thực hiện triển khai Chương trình. Từ kết quả đạt được qua chương trình này, đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác vận động, huy động nguồn lực, vừa dấy lên tinh thần chia sẻ, trách nhiệm của cộng đồng.

(Còn nữa)


>> Trang chủ
>> Kỳ 1: Khai thác thế mạnh mạng xã hội
>> Kỳ 3: Nâng cao toàn diện chất lượng hoạt động

Nhóm P.V Thời sự