Xây dựng Đảng

Tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc thời đại 4.0 - Kỳ 1: Khai thác thế mạnh mạng xã hội

Nhóm P.V Thời sự 18/07/2024 09:09

Quá trình xây dựng và sử dụng các trang mạng xã hội một cách hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc các cấp tại Nghệ An đã chứng tỏ đây là một nền tảng quan trọng trong công tác tuyên truyền và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thực sự mang lại nhiều lợi ích to lớn, tạo nên một cuộc cách mạng trong cách thức truyền đạt thông tin và kết nối cộng đồng.

xaydungkhoidaidoanket-b1-cover.png

KỲ 1:

Khai thác thế mạnh mạng xã hội

Nhóm PV Thời sự • 18/07/2024

Quá trình xây dựng và sử dụng các trang mạng xã hội một cách hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc các cấp tại Nghệ An đã chứng tỏ đây là một nền tảng quan trọng trong công tác tuyên truyền và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thực sự mang lại nhiều lợi ích to lớn, tạo nên một cuộc cách mạng trong cách thức truyền đạt thông tin và kết nối cộng đồng.

NHANH CHÓNG, HIỆU QUẢ

Ở miền Tây Bắc Nghệ An, dãy Phà Cà Tủn cao hơn 2.400m, được coi là một mái nhà chung của cộng đồng các dân tộc anh em: Thái, Mông, Kinh trên tuyến biên giới Việt - Lào. Trên diện tích trải dài đến hơn 20 ngàn ha, địa hình lại đồi núi cao, hiểm trở, chia cắt đã đặt ra không ít thách thức cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, trong đó có cán bộ làm công tác Mặt trận. Các bản làng phân bố rải rác, gần như cách biệt nhau, có những bản cách trung tâm xã 23 km, chưa kể từ trung tâm xã về đến trung tâm huyện vùng cao biên giới Quế Phong cũng phải vượt qua 30km đường núi cheo leo, hiểm trở. Nhưng từ khi biết ứng dụng Facebook, Zalo, những trở ngại đó gần như được giải quyết.

Con đường duy nhất để chinh phục đỉnh Phà Cà Tủn chỉ có thể bắt đầu từ trung tâm xã Tri Lễ ngược lên bản Huồi Mới, rồi tiếp tục đi sâu vào vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Ảnh: Thành Cường
Đường đi lên đỉnh Phà Cà Tủn (xã Tri Lễ, huyện Quế Phong). Ảnh : Thành Cường

Trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An, ông Lô Văn Thuận - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tri Lễ (Quế Phong) phấn khởi cho biết: việc lập và sử dụng các nhóm Zalo, Facebook để chuyển tải thông tin chỉ đạo tuyên truyền “hai chiều” trên xuống, dưới lên đầy đủ, chính xác, kịp thời hơn; khắc phục được tình trạng chậm trễ khi gửi bằng “con đường công văn” như trước đây; khi đăng tải vào nhóm Zalo, Facebook, ai đã xem và bình luận đều được thể hiện công khai.

Bên cạnh đó, nhờ “chuyển đổi số” mà văn bản nhận chỉ đạo từ trên xuống và báo cáo, thông tin từ cơ sở lên thông qua hệ thống phần mềm quản lý văn bản I-Office, qua nhóm Zalo, các nhóm Facebook của Mặt trận các cấp đảm bảo nhanh, kịp thời hơn, góp phần thúc đẩy hoạt động của Mặt trận ở các cấp cụ thể, sâu sát, chất lượng, hiệu quả. “Xét về hiệu quả kinh tế, mỗi năm tiết kiệm kinh phí văn phòng phẩm: giấy và mực in, tiền phong bì, tiền tem… khoảng 3 - 4 triệu đồng”, ông Thuận nói và khẳng định đây là khoản tiết kiệm rất quý với một địa phương còn khó khăn như xã biên giới Tri Lễ.

Đó chỉ là một trong nhiều ví dụ mà chúng tôi được nghe những cán bộ Mặt trận các cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An chia sẻ về những hiệu quả mang lại từ khi biết khai thác tiện ích do Internet nói chung, mạng xã hội nói riêng trong công tác hàng ngày. “Cán bộ thời công nghệ 4.0, mạng xã hội lên ngôi, không thể tổ chức các hoạt động, phong trào theo kiểu truyền thống mà luôn phải vận động, thay đổi tư duy tận dụng tối đa sức mạnh công nghệ, bắt kịp xu hướng để phục vụ công tác chuyên môn”, ông Nguyễn Bá Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Thanh Chương, quản trị viên phụ trách các ứng dụng mạng xã hội của Mặt trận huyện Thanh Chương chia sẻ và cho biết thêm rằng: Mấy năm lại nay, để đa dạng phương tiện và hình thức chuyển tải thông tin đến với người dân, MTTQ huyện Thanh Chương đã quan tâm phát triển mạng lưới mạng xã hội từ huyện đến cơ sở.

Ủy ban MTTQ huyện Thanh Chương đã phối hợp với Viễn thông Viettel để cung cấp cho Mặt trận huyện và 38 xã, thị trấn, mỗi đơn vị 1 đầu số thuê bao có đuôi chung 456 làm “tài sản” của tập thể để lập tài khoản Fanpage Facebook, Zalo, để khi cán bộ Mặt trận nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác, thì các trang này vẫn tồn tại, trở thành trang của cộng đồng.

Cán bộ MTTQ huyện Thanh Chương thiết kế giao diện trang fanpage Mặt trận Thanh Chương trong dịp kỷ niệm 555 năm danh xưng Thanh Chương.
Cán bộ MTTQ huyện Thanh Chương thiết kế giao diện trang Fanpage Mặt trận Thanh Chương trong dịp kỷ niệm 555 năm danh xưng Thanh Chương.

Hiện tại, MTTQ huyện Thanh Chương và 38/38 xã, thị trấn cùng 234/234 ban công tác Mặt trận khối, xóm, thôn, bản đều lập Fanpage trên Facebook theo nhận diện logo biểu trưng của Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An cùng với nhóm Zalo và đang tiếp tục triển khai xây dựng trang Facebook theo tổ tự quản có từ 20 - 30 hộ dân. Ngoài Facebook, Zalo, MTTQ huyện Thanh Chương xây dựng được Trang thông tin điện tử MTTQ Việt Nam huyện Thanh Chương, với 1.300 - 1.500 người truy cập/ngày, và kênh YouTube Mặt trận Thanh Chương có hơn 2.000 người đăng ký.

Trang Fanpage Mặt trận Thanh Chương đã có gần 1 vạn người theo dõi. Ngoài chuyển tải các thông tin tuyên truyền mà người dân cần, MTTQ huyện đã sáng tạo mở chuyên mục: “Dân hỏi - Mặt trận trả lời”. Người dân có thể đặt câu hỏi bằng các bình luận hoặc tin nhắn riêng tư trên trang, MTTQ huyện có trách nhiệm chuyển đến các cơ quan chức năng trả lời và nội dung trả lời sẽ được trả lời trực tiếp dưới các bình luận hỏi hoặc đăng công khai lên Fanpage. Đây cũng là diễn đàn đăng tải trả lời của các cấp, các ngành về các kiến nghị, phản ánh, đề xuất của cử tri sau mỗi cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp; góp phần khắc phục tình trạng kiến nghị, phản ánh của cử tri được cơ quan chức năng trả lời, giải quyết mà không đến được cử tri, dẫn đến cử tri, nhân dân phản ánh, kiến nghị nhiều lần.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến – Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gặp gỡ, trao đổi với cử tri xã Ngọc Lâm (Thanh Chương). Ảnh: Mai Hoa
Đồng chí Đỗ Văn Chiến – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gặp gỡ, trao đổi với cử tri xã Ngọc Lâm (Thanh Chương). Ảnh: Mai Hoa

Ông Nguyễn Bá Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Thanh Chương cho hay: “Chúng tôi xây dựng đội ngũ quản trị viên, cộng tác viên có kỹ năng quản trị, viết tin, bài, chụp ảnh và đam mê, nhiệt huyết, có "lửa" sáng tạo nội dung số; gắn tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ Mặt trận và cộng tác viên từ huyện đến cơ sở để định hướng về nội dung tuyên truyền cùng với các kỹ năng khác. Nhờ xây dựng được đội ngũ này mà thông tin trên các nền tảng số của Mặt trận các cấp ở huyện Thanh Chương được nhanh, kịp thời, thường xuyên, liên tục, đa dạng, cô đọng, súc tích, dễ nhìn, dễ tiếp cận, hướng đến phục vụ người dân”.

Ông Nguyễn Anh Định, nông dân ở xã Thanh Đức (Thanh Chương) chia sẻ: “Người dân quê chúng tôi bây giờ ai cũng có Facebook, Zalo nên bất kể thời gian nào cũng cập nhật được thông tin, kể cả ra khỏi địa bàn thôn, xã; khác với trước đây chỉ phụ thuộc vào hệ thống truyền thanh nên phải cố định thời gian, không gian, địa điểm nên có người không nắm được. Bản thân tôi thấy cách làm này hữu ích”.

Cán bộ MTTQ huyện Quỳnh Lưu tìm hiểu nhu cầu người dân để thoát nghèo bền vững.
Cán bộ MTTQ huyện Quỳnh Lưu tìm hiểu nhu cầu của người dân về thoát nghèo bền vững.

Cũng xác định công tác thông tin, tuyên truyền qua mạng xã hội là cách chuyển tải nhanh nhất, lan tỏa nhất, Ủy ban MTTQ huyện Quỳnh Lưu đã lập Fanpage trên Facebook với định danh “Mặt trận huyện Quỳnh Lưu”, đến nay đã có 1,1 vạn người theo dõi; đồng thời chỉ đạo 33 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, mỗi đơn vị lập 1 Fanpage trên mạng xã hội được đông đảo người dân tham gia sử dụng. Ngoài trang Facebook, Fanpage, MTTQ từ huyện đến các khối, xóm ở Quỳnh Lưu cũng thành lập nhóm Zalo để chỉ đạo hoặc đăng tải các hoạt động của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị, người tốt, việc tốt ở địa phương, tạo sự thi đua sôi nổi ngay trong hệ thống Mặt trận các cơ sở.

xaydungkhoidaidoanket-b1-box1(1).png

ĐA DẠNG HÓA HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN

Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, dân số đứng thứ 4, trải rộng trên 21 huyện, thành, thị; 460 xã, phường, thị trấn, 3.804 khu dân cư; đa dạng về thành phần dân tộc, có sự chênh lệch về trình độ kinh tế - xã hội giữa các vùng miền, nhất là giữa miền núi và đồng bằng. Tính đặc thù cao đó đặt ra câu hỏi cấp thiết cho Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An là phải có giải pháp hiệu quả để nâng cao hiệu quả tập hợp, vận động các tầng lớp nhân dân, khẳng định vai trò “cầu nối” tin cậy, gắn kết mối quan hệ “máu thịt” giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân; góp phần vun đắp thêm sự lớn mạnh không ngừng của Mặt trận - “Mái nhà chung” của các tầng lớp nhân dân.

Trong bối cảnh nguồn lực và con người của hệ thống Mặt trận các cấp có hạn, bài toán đó càng thôi thúc những người làm công tác Mặt trận Nghệ An tìm ra lời giải thông qua chuyển đổi số. Cụ thể hóa Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An đã ban hành nghị quyết về chuyển đổi số với quan điểm: “Chuyển đổi số là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt, toàn diện và mang tính đột phá chiến lược; đòi hỏi quyết tâm cao và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống Mặt trận các cấp trên địa bàn tỉnh, sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân và phải được triển khai liên tục, kiên trì, thực chất và hiệu quả”; đồng thời, ban hành Chương trình hành động chuyển đổi số với 8 nội dung chính; xây dựng và thực hiện kế hoạch chuyển đổi số, đánh giá tiến độ, gắn chấm điểm tiêu chí thi đua, khen thưởng hàng năm.

Đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An cho biết: “Trên cơ sở xác định người dân và đội ngũ cán bộ Mặt trận là trung tâm của chuyển đổi số, với thiết bị di động thông minh là phương tiện chính trong thế giới số; Ban Thường trực đã xây dựng lộ trình và thống nhất lựa chọn những nội dung có thể triển khai ngay, không áp lực về kinh phí và tác động rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân để làm trước và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ”.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An còn triển khai chuyển đổi số trong nhiều hoạt động như: ứng dụng hệ thống phần mềm quản lý văn bản (I-Office) và thực hiện chữ ký số điện tử từ tỉnh đến cấp xã, đảm bảo liên thông 3 cấp cho 1.603 tài khoản; tích hợp chữ ký số theo số điện thoại cá nhân; văn bản được xử lý mọi lúc, mọi nơi dành nhiều thời gian đi cơ sở hơn; đồng thời tiết kiệm được chi phí photo, in ấn và gửi văn bản; thực hiện hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến từ cơ quan Ủy ban MTTQ tỉnh đến 21 đơn vị cấp huyện và 460 đơn vị cấp xã; triển khai phần mềm báo cáo đồng bộ từ cấp xã đến cấp tỉnh với hơn 680 tài khoản, giúp người dùng thực hiện các kỹ năng báo cáo nhanh, chính xác, thống nhất, đồng bộ, hạn chế các sai sót.

Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An đã xây dựng và ứng dụng các phần mềm chuyên môn, như: Phần mềm quản lý an sinh xã hội về nhà ở; phần mềm lấy ý kiến hài lòng của người dân về nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; phần mềm quản lý các loại quỹ... Số hóa cơ sở dữ liệu các lĩnh vực hoạt động của Mặt trận, nhằm giúp cho công tác tổng hợp, phân tích, đánh giá chất lượng các hoạt động Mặt trận thuận lợi, tiết kiệm qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Mặt trận trong tình hình mới; phối hợp thí điểm xây dựng hệ thống quản lý phản ánh tương tác giữa người dân và chính quyền, có sự tham gia của Mặt trận tại 3 đơn vị: Thị xã Hoàng Mai, Nghi Lộc và Con Cuông.

Đồng thời, thiết lập hệ thống hộp thư công vụ cho cán bộ Mặt trận cấp tỉnh và cấp huyện; thiết lập và vận hành có hiệu quả các trang, nhóm trên mạng xã hội, góp phần tăng cường hiệu quả thông tin, tuyên truyền, tạo môi trường tương tác hai chiều giữa cán bộ Mặt trận các cấp và giữa cán bộ Mặt trận với người dân để chuyển tải thông tin, tuyên truyền, vận động, tập hợp, nắm bắt tình hình nhân dân, định hướng dư luận xã hội. Ví dụ như với ứng dụng Zalo, Mặt trận tỉnh lập nhóm Ban Thường trực MTTQ tỉnh, nhóm cơ quan Ủy ban MTTQ tỉnh; nhóm lãnh đạo MTTQ tỉnh; nhóm các ban của cơ quan MTTQ kết nối đến tận cấp huyện khi cần trao đổi chuyên môn đảm bảo kịp thời và hiệu quả. Tương tự, các nhóm Zalo huyện kết nối với cơ sở, cơ sở kết nối với khối, xóm, thôn, bản. Thông qua hệ thống Zalo được thiết lập, về cơ bản, thông tin trong hệ thống Mặt trận từ tỉnh về đến ban công tác Mặt trận đã được thiết lập khá đồng bộ. Đây cũng là một phương thức, hình thức chỉ đạo không qua các cuộc họp, chỉ đạo bằng thông tin, bằng các văn bản trên nền tảng số.

bna_lanh-dao-uy-ban-mttq-tinh-va-huyen-nghi-loc-nam-bat-tinh-hinh-nhan-dan-va-tiep-thu-y-kien-cu-tri-huyen-nghi-loc.-anh-mai-hoa.jpg
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An và huyện Nghi Lộc nắm bắt tình hình nhân dân và tiếp thu ý kiến cử tri huyện Nghi Lộc. Ảnh: Mai Hoa

“Những “đột phá” trong thực hiện chuyển đổi số của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An đã làm thay đổi nhận thức, tư duy, thay đổi nội dung, phương thức hoạt động của hệ thống và nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, làm việc trên môi trường mạng của cán bộ Mặt trận, giúp tiết kiệm thời gian, kinh phí, nhân lực”, đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An khẳng định./.

xaydungkhoidaidoanket-b1-box2(1).png

(Còn nữa)


>> Trang chủ
>> Kỳ 2: Tỏa sáng, nhân lên tình dân tộc, nghĩa đồng bào

Tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc thời đại 4.0 - Kỳ 1: Khai thác thế mạnh mạng xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO