Xây dựng Đảng

Tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc thời đại 4.0 - Kỳ 3: Nâng cao toàn diện chất lượng hoạt động

Nhóm P.V Thời sự 18/07/2024 09:11

Nghệ An đặt mục tiêu đến hết năm 2025 cơ bản xóa nhà ở tạm bợ, nhà ở dột nát trên địa bàn tỉnh trong số 16.300 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở. Việc thực hiện chương trình an sinh xã hội giàu tính nhân văn, tỏa sáng tình dân tộc, nghĩa đồng bào này của Nghệ An đã trở thành một trong những điểm sáng, cách làm hay được Trung ương chọn nhân rộng, phát động Phong trào thi đua cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát.

xaydungkhoidaidoanket-b3-cover.png

KỲ 3:

Nâng cao toàn diện chất lượng hoạt động

Nhóm PV Thời sự • 18/07/2024

Nhiệm kỳ 2019 - 2024, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Nghệ An đã tích cực, chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện các cuộc vận động, trở thành "nơi gửi gắm niềm tin", tiếp nhận hơn 5.625 tỷ đồng nguồn lực xã hội hóa, cao nhất từ trước tới nay...

LINH HOẠT, SÁNG TẠO TRONG CÁCH LÀM

Về Thanh Long - xã vùng “rốn lũ” Bích Hào của huyện Thanh Chương thường được nhắc đến là “chưa nắng đã khô, chưa mưa đã lụt”, chúng tôi được nghe bà Trần Thị Hằng - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ủy viên Ủy ban MTTQ xã chia sẻ về hoàn cảnh của gia đình anh Lê Văn Ngọ, ở xóm Long Giang: Vợ anh là chị Nguyễn Thị Hữu bị bệnh đường máu, liệt toàn thân nằm điều trị tại bệnh viện, cùng lúc con gái anh bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não.

Trong cơn bĩ cực của gia đình anh Ngọ, thông qua trang Facebook Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Thanh Long, ngày 22/5/2024, bà Hằng đã đăng tải thông tin, kêu gọi cộng đồng xã hội chung tay hỗ trợ. Chỉ 1 ngày sau, kết quả có gần 900 tấm lòng hảo tâm, không chỉ trong xã, trong huyện mà còn ở khắp nơi trong cả nước chuyển khoản hoặc trực tiếp bằng tiền mặt, hỗ trợ hơn 160 triệu đồng giúp gia đình anh Ngọ.

Trao quà của các nhà hảo tâm cho gia đình anh Lê Văn Ngọ, ở xóm Long Giang, Thanh Long (Thanh Chương).
Trao quà của các nhà hảo tâm cho gia đình anh Lê Văn Ngọ, ở xóm Long Giang, Thanh Long (Thanh Chương). Ảnh: CSCC

“Trong số hàng trăm người gửi hỗ trợ, có những người dù hoàn cảnh khó khăn vẫn san sẻ hỗ trợ 20 - 30 nghìn đồng. Việc khai thác, sử dụng mạng xã hội, nếu mình làm tốt, đúng lúc, đúng đối tượng, công khai minh bạch sẽ tập hợp khối đoàn kết, sức mạnh toàn xã hội chung tay”, vị nữ cán bộ Phụ nữ kiêm Mặt trận xã Thanh Long và cũng là người đứng chủ tài khoản tiếp nhận nguồn hỗ trợ gia đình anh Ngọ, chia sẻ.

Có thể nói, nhiều hoạt động hỗ trợ mang tính an sinh, như hỗ trợ khám chữa bệnh; hỗ trợ học tập; hỗ trợ khắc phục thiên tai, dịch bệnh, hoả hoạn; hỗ trợ khi giáp hạt… là những hoạt động rất nổi bật của Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên ở tỉnh Nghệ An trong những năm qua. Ở đó, không chỉ có trách nhiệm, mà còn thể hiện sự năng động, linh hoạt trong phương thức, cách làm. Bởi nếu chỉ bó hẹp trong cộng đồng làng, xã thì nguồn lực huy động được sẽ chỉ mang tính chất thăm hỏi, động viên. Cái hay ở đây là những người làm công tác Mặt trận đã biết lan tỏa thông tin trong cộng đồng thông qua các ứng dụng mạng xã hội, và chính bằng uy tín của tổ chức Mặt trận và cá nhân để trở thành "cầu nối" tiếp nhận hỗ trợ.

Thông qua MTTQ huyện Yên Thành, một doanh nghiệp đã trao tặng 200 căn nhà tình nghĩa cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở
Thông qua MTTQ huyện Yên Thành, một doanh nghiệp đã trao tặng 200 căn nhà tình nghĩa cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở.

Để có nguồn lực thực hiện chính sách an sinh xã hội cho người nghèo, cận nghèo, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An đã đổi mới cách huy động các nguồn lực xã hội, tạo sức mạnh tổng hợp để có nhiều nguồn lực nhất thực hiện các hoạt động, đặc biệt là công tác an sinh xã hội. Ngoài tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp Quỹ Vì người nghèo, chương trình “Tết Vì người nghèo” hàng năm; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An đổi mới công tác tập hợp như: kết nối với 182 nhóm thiện nguyện (hơn 78.000 thành viên); định kỳ 2 năm/lần tổ chức gặp mặt, tri ân, vinh danh các nhóm từ thiện, các nhà hảo tâm, nhằm lan tỏa lòng nhân ái, sẻ chia trong cộng đồng.

Mặt trận các cấp ở Nghệ An còn đổi mới trong phương thức tổ chức thực hiện, từ việc khảo sát cơ sở dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và nhu cầu cần hỗ trợ (nhà ở hoặc mô hình sinh kế, hoặc đào tạo nghề, giải quyết việc làm…) sát thực tiễn, trên cơ sở đó số hóa các tài liệu từ thông tin đến hình ảnh để cung cấp cho các nhà tài trợ và huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc.

MTTQ xã Phúc Thành huy động ngày công lao động của người dân làm nhà cho hộ nghèo.
MTTQ xã Phúc Thành (Yên Thành) huy động ngày công lao động của người dân làm nhà cho hộ nghèo.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An Lê Văn Ngọc chia sẻ: Mọi chương trình, nội dung vận động đều xây dựng kế hoạch, chương trình, khảo sát rõ ràng, cần bao nhiêu kinh phí, làm nội dung gì, để có cơ sở kêu gọi, vận động. Quan điểm kêu gọi, vận động phải trên cơ sở phát huy tối đa nội lực, tranh thủ triệt để ngoại lực.

Từ các nguồn lực huy động được, hàng loạt “ngân hàng” được Mặt trận các cấp lập ra như: “ngân hàng vốn”, “ngân hàng bò”, “ngân hàng giống chăn nuôi”, “ngân hàng nông cụ”… để hỗ trợ sinh kế, phát triển sinh kế cho các hộ nghèo, cận nghèo, hoặc chăm lo công tác an sinh xã hội vào các dịp lễ, Tết… Việc hỗ trợ nguồn kinh phí huy động được sử dụng công khai, minh bạch, rõ ràng và đặc biệt là rất chú trọng đến hiệu quả sử dụng, càng tạo niềm tin cho các tổ chức, cá nhân ủng hộ. Ở làng Bãi Sở, xã Tam Quang (Tương Dương), gia đình ông Hoàng Văn Ân đã tự tin đi lên từ cách làm này của Mặt trận.

Cán bộ Mặt trận xã Tam Quang (huyện Tương Dương) thường xuyên kiểm tra, giám sát chăm sóc bò của hộ ông Hoàng Văn Ân
Cán bộ Mặt trận xã Tam Quang (Tương Dương) thường xuyên kiểm tra, giám sát chăm sóc bò của hộ ông Hoàng Văn Ân.

Đầu năm 2022, gia đình ông Ân được hỗ trợ 20 triệu đồng mua 2 con bê theo chương trình “ngân hàng bò” của Mặt trận Tổ quốc huyện Tương Dương. Tiếp đó, ông được cán bộ Mặt trận xã Tam Quang hướng dẫn làm chuồng, trồng cỏ chăn nuôi và theo sát, nhắc nhở việc chăm sóc hàng tháng, hàng quý. Từ nuôi 2 con bê ban đầu, khi bò đạt một khối lượng nhất định và được giá, ông Ân bán đi và mua lại bê để nuôi tiếp; đến nay qua 3 lần bán, ông thu lãi hơn 18 triệu đồng và hiện vẫn đang duy trì nuôi 2 con bò. Khi có đồng vốn, có kiến thức chăn nuôi, vợ chồng ông thêm tự tin, chủ động tiếp thu các kiến thức sản xuất, đưa giống ngô, lạc, lúa mới vào trồng, tích cực làm vườn trồng rau, nuôi thêm gia cầm để cải thiện cuộc sống. “Gia đình tôi hiện đã thoát khỏi hộ nghèo và cố gắng thoát khỏi hộ cận nghèo trong năm 2024 này”, ông Hoàng Văn Ân phấn khởi chia sẻ.

Ở xã Tam Quang, ngoài gia đình ông Hoàng Văn Ân còn có 24 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ vốn vay nuôi bò hàng hóa thuộc chương trình “ngân hàng bò”của Mặt trận huyện. Cách làm của Mặt trận, theo chia sẻ của bà Vi Thị Ngọc - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Tam Quang: "Mỗi hộ được vay 20 triệu đồng không lấy lãi, sau 3 năm được thu hồi để chuyển cho hộ khác vay. Nhờ vậy, trong số 25 hộ được hỗ trợ mô hình sinh kế, sau hơn 2 năm đã có 8 hộ thoát khỏi diện hộ nghèo và có 3 hộ từ hộ nghèo vươn lên cận nghèo".

Đồng chí Kha Thị Hiền - Chủ tịch UBND xã Tam Quang, Tương Dương tham quan mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn xã-Thanh lê
Cán bộ xã Tam Quang (Tương Dương) tham quan mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn xã. Ảnh tư liệu: Thanh lê

Trong quá trình rà soát, đánh giá và bình xét hộ nghèo, cận nghèo, thông qua nhiều hình thức, trong đó có mạng xã hội, Mặt trận xã Tam Quang cũng tuyên truyền, chuyển tải thông điệp rõ ràng đến người dân: Mọi sự hỗ trợ đều được gia hạn và có cam kết cụ thể, nếu hộ nào không nỗ lực, tự giác vươn lên, “tự làm, tự ăn” thì sẽ bị cắt tất cả các nguồn hỗ trợ sau đó và không bình xét đưa vào hộ nghèo, cận nghèo. Cách làm công khai này, theo Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Tam Quang là “để khắc phục tình trạng người có điều kiện về đất đai, có sức lao động, nhưng không chịu làm ăn để thoát nghèo, cận nghèo, mà trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng xã hội”. Từ kết quả hoạt động đó, ở xã biên giới vùng cao này mỗi năm giảm được 30 - 35 hộ nghèo và 20 - 25 hộ cận nghèo.

Tại huyện Quỳnh Lưu, thông qua chương trình “Người nghèo dũng cảm” do Mặt trận huyện phát động, đã chuyển người nghèo từ đối tượng sang chủ thể thoát nghèo; nghĩa là người nghèo phải thực sự vào cuộc, chủ động, hăng hái vươn lên làm cho mình thoát nghèo, chứ không phải là đối tượng để các cấp, ngành và xã hội chăm lo với chính sách cho không, tạo sự thụ động, tâm lý trông chờ, ỷ lại. Ở cấp huyện đã tổ chức hội nghị “Giải pháp giảm nghèo bền vững”, để các hộ nghèo trình bày phương án, kế hoạch thoát nghèo và đăng ký, cam kết thoát nghèo với sự đồng hành, hỗ trợ của Mặt trận Tổ quốc. Căn cứ đơn đăng ký phương án sản xuất, nhu cầu hỗ trợ và cam kết thoát nghèo của hộ nghèo, Mặt trận huyện cùng với xã tiến hành hỗ trợ, như: giới thiệu học nghề gắn với hỗ trợ vốn để mở cơ sở sản xuất; hỗ trợ vốn vay không lấy lãi để chăn nuôi hay đầu tư buôn bán; hỗ trợ con giống;…

Cán bộ MTTQ xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) luôn sâu sát động viên, hướng dẫn bà Hồ Thị Châu chăm sóc bò phát triển tốt
Cán bộ MTTQ xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) luôn sâu sát động viên, hướng dẫn bà Hồ Thị Châu chăm sóc bò phát triển tốt.

Cùng với sự sáng tạo chuyển hướng trong hỗ trợ người nghèo, đưa người nghèo thành chủ thể thoát nghèo ở các địa phương, Ủy ban MTTQ tỉnh đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ sinh kế cho người nghèo thông qua “ngân hàng bò” theo hình thức hỗ trợ người nghèo, cận nghèo kinh phí mua con giống, bình quân mỗi hộ 15 triệu đồng, kết hợp với phần đối ứng cấp huyện, cấp xã hỗ trợ thêm và chính người dân cũng có đối ứng bằng việc đầu tư xây dựng chuồng, bỏ công sức chăm nuôi để đảm bảo vật nuôi phát triển. Sau 3 năm, người nghèo, cận nghèo nhận hỗ trợ có trách nhiệm hoàn trả lại 50% giá trị đã được hỗ trợ đó để có nguồn hỗ trợ cho các hộ khác.

Cách làm đó là thay đổi việc hỗ trợ người nghèo từ "cho không" sang "hỗ trợ có điều kiện, từ đó sẽ khắc phục dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong người nghèo, cận nghèo hoặc mong muốn mình thuộc diện hộ nghèo để hưởng chính sách của Nhà nước.

xaydungkhoidaidoanket-b3-box1.png

KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ TRUNG TÂM ĐOÀN KẾT, TẬP HỢP LỰC LƯỢNG

Những kết quả đạt được trong huy động xã hội hóa được xuất phát từ niềm tin của cộng đồng, các tổ chức, cá nhân vào mỗi cán bộ, tổ chức Mặt trận các cấp vào các hoạt động thực chất, gắn với cuộc sống cộng đồng của Mặt trận.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2019 - 2024, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An nhận thấy rằng, mỗi cá nhân và tổ chức Mặt trận các cấp phải nhận thức đúng về sự cần thiết, tính cấp bách thay đổi phương thức tiếp cận, tư duy và cách làm việc hoàn toàn mới dựa trên nền tảng công nghệ số, gắn với chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận với khẩu hiệu hành động là “Bản lĩnh, tinh thông, đồng lòng, đổi mới”.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An cũng xác định, nếu không xây dựng được đội ngũ đủ mạnh, ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ, luôn đi cùng và bắt kịp xu hướng phát triển của thời đại; nếu không khắc phục triệt để tình trạng phô trương, hình thức, “bệnh” hành chính hóa thì rất dễ đánh mất vai trò trung tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội. Tức là Mặt trận phải định vị được mình trong hệ thống chính trị, bản thân mỗi cán bộ Mặt trận cũng phải thay đổi và nâng cao nhận thức để tạo ra được những “sản phẩm” có ích cho cộng đồng, gắn với hình ảnh người cán bộ Mặt trận được xây dựng toàn diện, đồng bộ cả về chất và nhận diện trong kỷ nguyên số.

Một loạt các giải pháp được đưa ra nhằm thay đổi cách nghĩ, cách làm của 16.808 vị là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và 3.804 Trưởng Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư, như lựa chọn màu vàng lúa chín (một trong các màu chủ đạo của lô gô Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) làm màu áo đồng phục của hệ thống Mặt trận tỉnh, đây cũng là màu nhận diện hình ảnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An trên tất cả các tài liệu và nền tảng trực tuyến. Đến nay, Nghệ An cũng là đơn vị duy nhất xây dựng được hình ảnh người cán bộ Mặt trận thông qua bộ nhận diện này.

bna_ MH60.jpg
Các đại biểu nghe thuyết minh chuyên đề ảnh "93 năm ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc". Ảnh: M.H

Đặc biệt, lần đầu tiên trong cả nước, Mặt trận Nghệ An đã tổ chức thành công Diễn đàn “Lắng nghe tiếng nói Mặt trận cơ sở” giữa đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp của tỉnh bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham gia của gần 14.000 đại biểu vào tháng 10/2023.

Đây là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với những người làm công tác Mặt trận; là dịp để người đứng đầu hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gặp gỡ, tiếp xúc và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của đội ngũ những người làm công tác Mặt trận ở cơ sở; trao đổi, quán triệt những quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác Mặt trận và dự báo tình hình liên quan đến công tác tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân; đồng thời, tiếp tục truyền cảm hứng, động lực, khơi dậy tư duy đổi mới, sáng tạo xây dựng hình ảnh người cán bộ Mặt trận tận tụy trong lòng nhân dân, góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Diễn đàn cũng là cơ hội để đội ngũ làm công tác Mặt trận cơ sở được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc và băn khoăn, trăn trở trong công tác Mặt trận; là nơi để trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động, nâng cao nhận thức cho đội ngũ làm công tác Mặt trận về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác Mặt trận trong giai đoạn mới. Qua đó, tiếp tục củng cố và tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần vun đắp thêm sự lớn mạnh không ngừng của Mặt trận - “Mái nhà chung” của các tầng lớp nhân dân.

Đánh giá cao ý nghĩa của diễn đàn nói trên, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nêu rõ quan điểm, xây dựng được đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp “gắn bó chặt chẽ, máu thịt với Nhân dân; tận tụy để dân mến; trách nhiệm để dân thương; kỷ cương để dân trọng; năng động để dân được nhờ”.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tại diễn đàn.

Quán triệt tinh thần đó, bước vào nhiệm kỳ mới 2024-2029, đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An cho biết: Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An xác định, chuyển đổi số tiếp tục là giải pháp “đột phá” để đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao toàn diện chất lượng hoạt động của Mặt trận theo hướng hiệu quả, thiết thực; hình thành rõ nét kênh thông tin “hai chiều” trong công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp và tiếp thu, lắng nghe, phản hồi ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân; tập trung xây dựng khu dân cư “Tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc” gắn với Tổ công nghệ số cộng đồng do chính quyền xây dựng; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; phát huy dân chủ, thực hiện giám sát và phản biện xã hội, phòng chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, góp phần để đến năm 2030 Nghệ An trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ.

xaydungkhoidaidoanket-b3-box2.png

(Còn nữa)


>> Trang chủ
>> Kỳ 2: Tỏa sáng, nhân lên tình dân tộc, nghĩa đồng bào
>> Kỳ cuối: Hoàn thiện hình ảnh người cán bộ Mặt trận trong kỷ nguyên số

Nhóm P.V Thời sự