Pháp luật

Sớm lập lại trật tự ngành gỗ dăm

Nhật Lân 26/07/2024 07:05

UBND tỉnh vừa có những chỉ đạo cụ thể nhằm thiết lập lại trật tự hoạt động chế biến, băm dăm gỗ trên địa bàn. Cũng liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp, PV Báo Nghệ An nhận được thông tin, hiện có những quy hoạch “treo” đang là lực cản của sự phát triển…

godam-cover.png

Nhật Lân • 26/07/2024

godam-sapo.png
godam-tit1.png

Ngày 19/7/2024, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 6089/UBND-NN gửi các Sở, ngành, đơn vị liên quan cùng các huyện, thị có hoạt động băm dăm gỗ, gồm: Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Yên Thành, Thanh Chương, Con Cuông, Nghi Lộc, Tân Kỳ, Thái Hòa, Hoàng Mai.

Theo UBND tỉnh, hoạt động băm dăm gỗ trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã “Đem lại nhiều kết quả tích cực như tiêu thụ phần lớn gỗ rừng trồng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh, cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến gỗ; tạo thêm nhiều việc làm cho người dân tham gia vào quá trình khai thác, vận chuyển, chế biến gỗ rừng trồng; thúc đẩy phong trào trồng rừng nguyên liệu, từng bước nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân trồng rừng, góp phần ổn định kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng khu vực nông thôn và miền núi, đã tận dụng tối đa sản phẩm gỗ; tạo ra được nguồn lực kinh tế đáng kể góp phần vào sự phát triển kinh tế của tỉnh...”.

img_20240715_200953.jpg
Dây chuyền một cơ sở băm gỗ dăm. Ảnh: Nhật Lân

Dù vậy, đang tồn tại một số hạn chế, thiếu sót, sai phạm. Cụ thể, nhận thức pháp luật của một số chủ cơ sở, nhất là các hộ kinh doanh còn hạn chế, một số cơ sở xây dựng và hoạt động khi chưa có đầy đủ thủ tục theo quy định. Một số chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã thực hiện chưa nghiêm trách nhiệm quản lý nhà nước; không kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn các sai phạm khi mới phát sinh; quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm chưa dứt điểm, thiếu quyết liệt dẫn đến tình trạng chủ cơ sở được kiểm tra không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ quyết định xử phạt, gây dư luận không tốt. Vì vậy, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, tiếp tục chấn chỉnh hoạt động chế biến, băm dăm gỗ trên địa bàn toàn tỉnh.

Với UBND các huyện, thị xã nêu trên, UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam, thường xuyên chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tuyên truyền, đôn đốc, nhắc nhở các cơ sở có hoạt động chế biến, băm dăm gỗ trên địa bàn được giao quản lý chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, quản lý công nghiệp, quản lý lâm sản, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ... Chủ động tiến hành thanh tra, kiểm tra để phát hiện, ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý theo thẩm quyền hoặc tham mưu xử lý kịp thời, dứt điểm, theo đúng quy định pháp luật các vi phạm (nếu có) của các cơ sở chế biến, băm dăm gỗ; tuyệt đối không để cho các sai phạm kéo dài, gây khó khăn cho công tác xử lý. Riêng đối với các cơ sở đã bị xử phạt vi phạm hành chính, đề nghị theo dõi, đôn đốc việc chấp hành quyết định xử phạt của các chủ cơ sở; kiểm tra xác minh, cưỡng chế đối với các trường hợp đủ điều kiện cưỡng chế.

Văn bản số 6089/UBND-NN ngày 19/7/2024 của UBND tỉnh Nghệ An.
Văn bản số 6089/UBND-NN ngày 19/7/2024 của UBND tỉnh Nghệ An.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương xác minh, thực hiện xử lý các tồn tại, hạn chế của các cơ sở chế biến, băm dăm gỗ mà Đoàn liên ngành đã chỉ ra theo đúng quy định pháp luật; kết quả thực hiện báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 15/8/2024. UBND tỉnh nhấn mạnh: “Địa phương nào không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm túc, để tái diễn các hành vi vi phạm, Chủ tịch UBND huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh”.

Địa phương nào không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm túc, để tái diễn các hành vi vi phạm, Chủ tịch UBND huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh”.

Trích Văn bản số 6089/UBND-NN ngày 19/7/2024 của UBND tỉnh Nghệ An

Với các cơ sở có hoạt động chế biến, băm dăm gỗ, UBND tỉnh yêu cầu phải chấp hành đầy đủ, nghiêm túc các quy định của pháp luật trên các lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan khi tiến hành các hoạt động chế biến, băm dăm gỗ; rà soát lại hoạt động của cơ sở mình nhằm kịp thời bổ sung, hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục còn thiếu để hoạt động sản xuất, kinh doanh đúng quy định pháp luật; phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan có thẩm quyền xử lý và khắc phục hậu quả đối với các vi phạm đã được chỉ ra.

Hình ảnh đang hoạt động băm dăm tại Công ty PTP nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Đạo
Hình ảnh đang hoạt động băm dăm tại Công ty PTP nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Đạo

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cho các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh và Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam. Đáng lưu ý là Sở Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư thì được giao: “Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh chấp thuận/điều chỉnh chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư các dự án có liên quan đến hoạt động chế biến lâm sản thuộc thẩm quyền của UBND theo quy định của pháp luật về đầu tư; phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã quản lý, hướng dẫn nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định. Căn cứ phạm vi, chức năng, thẩm quyền được giao xử lý hoặc tham mưu xử lý các vi phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật”.

godam-tit2.png

Liên quan đến lĩnh vực chế biến gỗ dăm, băm, ngày 17/7/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã rà soát, làm rõ phản ánh của Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản với nội dung: “Sau khi Đoàn kiểm tra (Đoàn liên ngành được thành lập theo Quyết định 3967/QĐ-UBND ngày 1/12/2023 của UBND tỉnh) kết thúc thời gian kiểm tra, tại một số địa phương đã có thêm nhiều cơ sở chế biến dăm gỗ được thành lập mới mà không được cơ quan chức năng chấp thuận chủ trương đầu tư”.

Bìa một số bài viết về cơ sở băm dăm gỗ
Bìa những bài viết về những vấn đề liên quan hoạt động chế biến dăm gỗ trên địa bàn tỉnh trên Báo Nghệ An điện tử. Ảnh: Nhật Lân

Dõi theo công tác chấn chỉnh hoạt động chế biến, băm dăm gỗ của UBND tỉnh, ngày 18/7/2024, Báo Nghệ An cũng đã thông tin nội dung này tại bài viết “Sớm xác minh thông tin phản ánh có nhiều xưởng gỗ dăm mới xuất hiện”.

Trao đổi với lãnh đạo UBND một số huyện, họ khẳng định trên địa bàn không phát sinh cơ sở chế biến dăm gỗ thành lập mới trái pháp luật. Tuy nhiên, một số địa phương đã phản ánh về tình trạng quy hoạch vùng nguyên liệu cho dự án chế biến lâm sản đã bị “treo” nhiều năm. Tình trạng này là lực cản trong kêu gọi thu hút đầu tư các dự án chế biến lâm sản, ảnh hưởng tới nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Một trong những quy hoạch “treo” được nhắc đến là quy hoạch vùng nguyên liệu cho nhà máy sản xuất chất đốt sinh khối dạng viên nén, do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Tuấn Lộc làm chủ đầu tư. Lãnh đạo một UBND huyện cho biết: “Quy hoạch vùng nguyên liệu cho dự án do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc làm chủ đầu tư từ năm 2016, vậy nhưng huyện chưa một lần được đón nhà đầu tư. Trong khi đó, nhân dân trên địa bàn thì rất cần những dự án chế biến lâm sản để thuận lợi trong tiêu thụ nguyên liệu gỗ keo…”.

Một xưởng dăm gỗ hoạt động không đúng quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh thời điểm tháng 5/2024. Ảnh: Nhật Lân
Một xưởng dăm gỗ hoạt động không đúng quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh thời điểm tháng 5/2024. Ảnh: Nhật Lân

Tìm hiểu được biết, Quy hoạch vùng nguyên liệu cho nhà máy sản xuất chất đốt sinh khối dạng viên nén, do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc làm chủ đầu tư được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1413/QĐ-UBND ngày 5/4/2016. Quyết định số 1413/QĐ-UBND nêu rõ vùng quy hoạch được thực hiện trên địa bàn 67 xã thuộc 4 huyện Con Cuông, Thanh Chương, Đô Lương, Tân Kỳ với tổng diện tích 35.754 ha; và, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc có trách nhiệm cùng phối hợp chính quyền 4 huyện thực hiện quy hoạch có hiệu quả, đảm bảo các mục tiêu đề ra về kinh tế, xã hội và môi trường. Tuy nhiên, đã 8 năm 3 tháng trôi qua, trong phạm vi diện tích đã được quy hoạch chưa có bất kỳ một tác động gì từ Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc!

Nhật Lân