Giáo dục

Quy định 35 học sinh/lớp tiểu học: Khó sát với thực tiễn

Mỹ Hà 12/09/2024 14:47

Tại Điều 16, Điều lệ ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT quy định về lớp học, tổ chức lớp học, khối lớp học, điểm trường tiểu học như sau: Học sinh được tổ chức theo lớp học. Mỗi lớp học có "không quá 35 học sinh" do một giáo viên chủ nhiệm phụ trách. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương của Nghệ An điều này rất khó thực hiện.

Quá tải về sĩ số

Dãy phòng học với 12 phòng học mới được Trường Tiểu học Hưng Đông (thành phố Vinh) ưu tiên bố trí cho học sinh lớp 1. Dù phòng học mới, bàn ghế mới, cơ sở vật chất được đầu tư, nhưng đầu năm học để bố trí chỗ ngồi cho học sinh không dễ dàng.

Cô giáo Nguyễn Thị Diệu Linh - chủ nhiệm lớp 1D - Trường Tiểu học Hưng Đông cho biết: Lớp có 18 bàn học, chia thành 3 dãy, trung bình mỗi bàn có 2 học sinh. Hiện nay, sĩ số của lớp là 39 em nên sẽ có những bàn phải ngồi 3 em. Khi các em còn nhỏ, thì việc sắp xếp này có thể chấp nhận được. Nhưng khi các em lên lớp 3, lớp 4, cơ thể các em phát triển nhanh, thậm chí có những em cao trên 1,5m thì các em ngồi rất chật chội. Chưa kể, cả lớp đều thực hiện bán trú và nghỉ trưa tại lớp ngay trên bàn học nên khó đảm bảo được sự thoải mái.

dscf8876-1-.jpg
Với sĩ số đông, việc sắp xếp chỗ ngồi luôn là bài toán khó với giáo viên Trường Tiểu học Hưng Đông (TP. Vinh). Ảnh: Mỹ Hà

Được biết, Trường Tiểu học Hưng Đông là một trong những trường có số lượng học sinh đông của thành phố Vinh với 1.530 học sinh và 39 lớp. Tính trung bình chung của nhà trường, sĩ số mỗi lớp là 39 học sinh, trong đó có những lớp hơn 40 em, vượt quá quy định điều lệ của trường tiểu học 35 em/lớp.

Đối với những trường thành thị, việc thực hiện theo quy định 35 em/lớp rất khó khả thi. Thứ nhất, sẽ không đủ phòng học để tăng thêm lớp. Thứ hai, sẽ không đủ giáo viên đứng lớp. Như tại trường chúng tôi, các năm học trước, liên tục trong 3 năm nhà trường phải tổ chức học luân phiên vì thiếu phòng học. Năm nay, trường mới được xây thêm 12 phòng nhưng cũng chỉ vừa đủ chứ không có thêm phòng. Hơn nữa, trường đang thiếu 6 giáo viên, nếu xếp đúng sĩ số theo quy định, số lớp của trường sẽ tăng từ 39 - 43 lớp và sẽ không có đủ giáo viên văn hóa để đứng lớp.

Cô giáo Trần Thị Thu Hằng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Đông - thành phố Vinh

Tại Trường Tiểu học Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, do áp lực về giáo viên và sĩ số nên năm nay lứa học sinh lớp 2 lên lớp 3 với 174 học sinh sẽ giảm từ 5 lớp xuống còn 4 lớp, với trung bình hơn 43 học sinh/lớp. Sĩ số đông nhưng do lớp học được xây dựng đã nhiều năm nên phòng học không đủ để xếp bàn ghế. Một số bàn kê thêm, sát với mép bảng (chưa đến 1m). Dạy học trong điều kiện này, không chỉ giáo viên vất vả mà học sinh cũng khó tiếp thu, ảnh hưởng đến thị lực.

dscf9196-1-.jpg
Các phòng học ở Trường Tiểu học Phúc Thọ (Nghi Lộc) đều ưu tiên để kê thêm bàn ghế cho học sinh. Ảnh: Mỹ Hà

Không chỉ khối lớp 3, các khối còn lại ở Trường Tiểu học Phúc Thọ đều vượt quy định với trung bình 39 học sinh/lớp. Cô giáo Ngô Thùy Dương - giáo viên chủ nhiệm lớp 1 của trường này cho biết thêm: Gọi là quy định 35 học sinh/lớp nhưng chưa năm nào tôi được dạy đúng theo sĩ số, có năm nhiều hơn 5 - 6 em. Do sĩ số quá đông, phòng học chưa đảm bảo diện tích nên việc tổ chức dạy học rất khó khăn, đặc biệt là với Chương trình Giáo dục phổ thông mới đòi hỏi phải linh hoạt trong dạy học, tổ chức nhiều hoạt động, trò chơi hay sinh hoạt nhóm.

Theo kế hoạch năm học 2024 - 2025, Trường Tiểu học Phúc Thọ có 903 học sinh, với 24 lớp, tăng 1 lớp so với năm học trước. Do lớp tăng, nhưng cơ sở vật chất không tăng nên nhà trường phải chuyển 1 phòng học chức năng sang làm phòng học. Năm tới, khi số lớp tiếp tục tăng, nhà trường dự kiến có thể phải chuyển thêm 1 phòng tin học hoặc phòng thư viện mới đủ phòng học cho học sinh.

Các trường tiểu học hiện nay chịu nhiều áp lực về sĩ số, về cơ sở vật chất và về giáo viên. Trường chúng tôi dù học sinh nhiều, sĩ số đông nhưng số giáo viên chỉ mới đảm bảo đủ 1,2 giáo viên/lớp và phải hợp đồng thêm 3 giáo viên khác. Trong bối cảnh hiện nay, quy định 35 học sinh/lớp khó triển khai thực tế ở những vùng đông dân cư.

Thầy giáo Đặng Văn Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phúc Thọ - Nghi Lộc

Khó phù hợp với mọi vùng miền

Đầu năm học 2024 - 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi các sở giáo dục và đào tạo về việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2024 - 2025. Trong đó, yêu cầu với bậc tiểu học, các trường đảm bảo sĩ số không quá 35 em/lớp.

dscf9126.jpg
Do sĩ số đông nên các bàn học ở Trường Tiểu học Diễn Phúc (Diễn Châu) phải kê sát với bục giảng để tăng số bàn và chỗ ngồi cho học sinh. Ảnh: Mỹ Hà

Trên thực tế, đây không phải là quy định mới và đã được thực hiện tại các nhà trường nhiều năm nay. Tuy nhiên, do đặc thù riêng đối với từng địa phương, việc thực hiện khó có thể đồng nhất.

Tại thành phố Vinh, nhiều năm nay, hầu hết các lớp trên địa bàn đều vượt chỉ tiêu theo quy định. Như năm nay, toàn thành phố có 7.384 học sinh vào lớp 1 với 204 lớp. Như vậy, sĩ số trung bình mỗi lớp là trên 36 em/lớp và những trường đặc thù trung tâm như Lê Lợi, Hà Huy Tập, Quang Trung, Quán Bàu sĩ số sẽ cao hơn những trường vùng ven nhưng Hưng Hòa, Nghi Kim, Nghi Liên. Như tại Trường Tiểu học Lê Lợi, năm nay trường có 11 lớp 1 nhưng chỉ có 1 lớp là 39 học sinh/lớp, còn lại đều 40 học sinh/lớp.

Tại huyện Diễn Châu, với đặc thù của một huyện có số trẻ sinh ra hàng năm cao, quy mô học sinh nằm trong những địa phương có số lượng học sinh cao nhất tỉnh nên sĩ số các lớp vượt quy định khá cao.

Ở Trường Tiểu học Diễn Phúc, theo cô giáo Ngô Thị Loan chia sẻ: Gần 30 năm công tác, đã rất nhiều năm tôi phải chủ nhiệm lớp vượt 35 em, trong đó có những năm trên 41 học sinh. Nếu như sĩ số ít, giáo viên sẽ có thời gian quan tâm chỉ bảo, uốn nắn học sinh và cũng có điều kiện chăm sóc các em nhiều hơn.

z5766829712131_ce4a085f95b514391da918d0acd98de8-1-.jpg
Một điểm trường lẻ của Trường Tiểu học Tam Hợp (Tương Dương), số học sinh không đủ sĩ số theo quy định. Ảnh: Mỹ Hà

Theo quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc giảm sĩ số học sinh/lớp là giải pháp quan trọng, bền vững để vừa nâng cao chất lượng dạy học, vừa bảo đảm quyền lợi của từng học sinh. Ở các địa phương, đây còn là căn cứ để duyệt kế hoạch, phân bổ biên chế giáo viên cho từng năm học.

Bất cập tại Nghệ An hiện nay, đó là trong khi nhiều địa phương do số lượng học sinh đông nên nhiều trường phải dồn lớp, tăng sĩ số. Ngược lại ở các huyện miền núi cao, do còn nhiều điểm lẻ nên sĩ số lại không đạt như quy định. Việc 1 trường có nhiều điểm trường, nhiều lớp nhưng khi duyệt kế hoạch hoặc phân bố chỉ tiêu giáo viên lại quy chung về 35 học sinh/lớp là chưa phù hợp với thực tế.

Trên địa bàn chúng tôi chỉ có các trường ở vùng thị trấn, Tam Quang là có đủ 35 học sinh/lớp. Nhưng trên toàn huyện, tỷ lệ chung là 22 học sinh/lớp, thậm chí có nơi chỉ 5,7 học sinh chúng tôi cũng phải mở lớp, mở điểm trường lẻ để đảm bảo quyền lợi cho học sinh. Việc thực hiện theo cơ học 35 học sinh/lớp, buộc chúng tôi phải dồn nhiều điểm trường, gây áp lực về cơ sở vật chất cho nhà trường, khiến phụ huynh học sinh vất vả trong việc đi lại. Điều bất cập hiện nay đó là hiện huyện Tương Dương không thiếu giáo viên tiểu học, nếu giữ nguyên sĩ số vẫn bố trí đủ giáo viên đứng lớp. Nhưng năm học 2024 - 2025 do sáp nhập, giảm được 32 lớp nhưng lại dẫn đến toàn huyện thừa 25 giáo viên tiểu học. Điều này buộc huyện phải sắp xếp lại đội ngũ giáo viên ở các nhà trường, chuyển giáo viên từ nơi thừa nhiều sang thừa ít và phần nào sẽ gây xáo trộn.

Ông Thái Lương Thiện - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương

Với những đặc thù riêng mang tính vùng miền, rõ ràng việc quy định 35 học sinh/lớp được kỳ vọng sẽ giảm áp lực cho các nhà trường, tránh lãng phí cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, quy định này khi đi vào thực hiện lại đang có nhiều bất cập nảy sinh chưa phù hợp với thực tiễn, chưa phù hợp với nhiều địa bàn. Điều này cũng khiến các nhà trường, các địa phương khó khăn trong xây dựng kế hoạch, sắp xếp đội ngũ và quy định, vì thế có ý kiến cho rằng "chỉ có giá trị về mặt lý thuyết"./.

Mỹ Hà