Kinh tế

Nhà chòi chống lũ của người dân Nghệ An

Quang An 18/09/2024 15:40

Quanh năm sống chung với mưa lũ nên nhiều người dân ở Nghệ An đã có nhiều kinh nghiệm ứng phó với thiên tai. Việc xây dựng nhà chòi là một trong những giải pháp tối ưu nhất để bà con yên tâm sinh sống vượt qua mùa bão lũ.

Chi phí thấp, hiệu quả cao

Xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên có khoảng 50% số hộ sống ngoài đê Tả Lam, là những hộ thuộc xã Hưng Nhân cũ trước khi sáp nhập. Đây là khu vực trũng thấp, đến mùa mưa bão, nước từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước lũ dâng cao.

Những năm đỉnh lụt như 1978, 1988, 2002, 2010… nước ngập cả mái nhà, bà con phải bồng bế nhau chạy lên đê tránh lũ; những tài sản như xe máy, lúa gạo, gia súc, gia cầm cứ tấp thành hàng dài trên đê nhiều ngày liền…

Mô hình nhà chòi chống lũ tại xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Quang An
Mô hình nhà chòi chống lũ tại xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Quang An

Tuy nhiên, đó là hình ảnh của hơn chục năm về trước. Còn những năm trở lại đây, nhờ xây dựng được nhà chòi tránh lũ nên bà con xã Châu Nhân đã không còn phải chạy đôn, chạy đáo mỗi mùa mưa lũ về. Thay vào đó là chủ động thực phẩm, đưa tài sản lên cao, tự túc, sinh hoạt tại nhà chòi cao ráo, an toàn chờ nước rút.

bna_7(1).jpg
Ông Phan Đình Hoàn - Phó Chủ tịch UBND xã Châu Nhân cho biết, mực nước các năm đỉnh lụt cao quá đầu người, buộc người dân vùng rốn lũ phải tìm cách thích ứng. Ảnh: Quang An

Gia đình bà Lê Thị Thỏa ở xóm 9, xã Châu Nhân là một trong những hộ nghèo tại địa phương được hỗ trợ xây nhà chòi tránh lũ theo Quyết định 716 của Chính phủ. Bà Thỏa cho biết: Năm 2013, gia đình được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng, vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách, cùng với số tiền tích góp được và vay thêm họ hàng, chúng tôi xây được căn nhà chòi để phòng mưa bão. Tổng kinh phí thời điểm đó khoảng 60 triệu đồng. Từ đó đến nay, gia đình chưa lần nào phải di chuyển lên đê tránh lũ như trước kia.

Nhà chòi có cầu thang bên thân nhà để người dân di chuyển lên trong mùa mưa bão . Ảnh: Quang An
Nhà chòi của gia đình bà Lê Thị Thỏa ở xóm 9, xã Châu Nhân. Nhà có độ cao từ 2 mét trở lên so với sàn, có cầu thang bên thân nhà để người dân di chuyển đồ đạc lên trong mùa mưa bão . Ảnh: Quang An

Theo quan sát, căn nhà chòi của bà Thỏa có diện tích sàn khoảng 15m2, chiều cao của gian tầng 2 cách sân khoảng 3 mét. Hiện đã được chất lúa gạo, các thiết bị điện… đảm bảo cao ráo, không ẩm mốc.

“Mấy ngày vừa qua, theo dõi tình hình mưa bão ở miền Bắc mà trong lòng thấy lo lắng, do đó, gia đình đã chủ động đưa lương thực, các thiết bị điện lên tầng 2 từ sớm, đặc biệt là trong thời điểm mưa gió cũng như nước thượng nguồn đổ về nhiều như hiện nay”, bà Thỏa chia sẻ.

kê cao
Người dân chủ động tích trữ lương thực, tài sản trên nhà chòi trong mùa mưa bão. Ảnh: Quang An

Gia đình ông Phạm Văn Hoan ở xóm Phú Xuân cũng là một trong những hộ dân có nhà chòi sớm nhất tại địa phương. Ông Hoan cho biết: Gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ để xây dựng nhà chòi chống lũ. Căn nhà gồm 2 gian trên và dưới, có cầu thang đi lên bên thân nhà. Nếu như bình thường mọi người sinh hoạt ở gian nhà dưới thì mùa mưa bão về, tất cả đồ đạc được vận chuyển lên gian trên, sinh sống ở đó đến khi nào bão tan, nước rút mới xuống. Nhờ vậy mà tính mạng, tài sản của gia đình vẫn được đảm bảo bao năm qua.

Căn nhà chòi của gia đình ông Phạm Văn Hoan, xã Châu Nhân. Ảnh: Quang An
Căn nhà chòi của gia đình ông Phạm Văn Hoan ở xã Châu Nhân (Hưng Nguyên). Ảnh: Quang An

Cần thiết được nhân rộng

Ngày 14/6/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 716/QĐ-TTg về việc triển khai thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ, lụt vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Trong đó nêu rõ việc triển khai thí điểm xây dựng chòi phòng tránh lũ, lụt cho 700 hộ nghèo tại 14 xã bị ảnh hưởng nặng bởi lũ, lụt thuộc 7 tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên (mỗi tỉnh 2 xã, mỗi xã 50 hộ nghèo do địa phương lựa chọn). Trường hợp xã được chọn để triển khai thí điểm có số hộ nghèo thuộc diện đối tượng nhiều hơn 50 hộ thì tiến hành lựa chọn số hộ theo thứ tự ưu tiên bao gồm: Hộ gia đình có công với cách mạng; Hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số; Hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật...).

Chương trình được thực hiện theo phương thức Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp để xây dựng được chòi phòng tránh lũ, lụt có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5 - 3,6m tại vị trí xây dựng, diện tích xây dựng sàn vượt lũ tối thiểu 10m2; các kết cấu chính như móng, khung, sàn tương đương kết cấu của gian nhà ở xây dựng kiên cố; giá thành xây dựng tối thiểu 30 triệu đồng/chòi phòng tránh lũ, lụt.

bna_2(1).jpg
Căn nhà chòi có kinh phí xây dựng phù hợp với người dân nông thôn. Ảnh: Quang An

Tại Nghệ An, có 2 địa phương được Nhà nước hỗ trợ theo quyết định này là xã Hưng Nhân (Hưng Nguyên) và xã Nam Cường (Nam Đàn), nay là xã Châu Nhân và xã Trung Phúc Cường sau khi sáp nhập, với trên 100 nhà chòi được xây dựng.

Ông Phan Đình Hoàn - Phó Chủ tịch UBND xã Châu Nhân cho biết: Chính sách hỗ trợ xây dựng nhà chòi chống lũ cho người dân vùng rốn lũ xã Châu Nhân đã chứng minh được hiệu quả trong nhiều năm qua. Nhà chòi có kinh phí xây dựng không quá cao, lại được hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước, vay vốn ưu đãi nên dễ dàng triển khai tại địa phương. Mỗi căn nhà chòi có kinh phí xây dựng chỉ từ 30 - 70 triệu đồng, phù hợp với đại đa số thu nhập của người dân nông thôn.

“Từ khi có nhà chòi tránh lũ, bà con yên tâm hơn trong mùa mưa bão, ổn định sinh sống, sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, đời sống nhân dân ngày càng nâng lên, số lượng con em đi lao động nước ngoài nhiều nên đã có điều kiện xây thêm các nhà cao tầng kiên cố, được đúc kết, lấy ý tưởng từ chương trình hỗ trợ thiết thực này. Ngoài hệ thống nhà chòi, trên địa bàn xã Châu Nhân còn được hỗ trợ xây dựng các nhà tránh lũ cộng đồng, đảm bảo di tản dân an toàn trong mùa mưa bão”.

Ông Phan Đình Hoàn - Phó Chủ tịch UBND xã Châu Nhân

bna_8(1).jpg
Nhà cộng đồng tránh lũ tại xã Châu Nhân, có thể đảm bảo an toàn cho hàng trăm người khi di tản mùa mưa bão. Ảnh: Quang An

Ông Nguyễn An Toàn - Chủ tịch UBND xã Trung Phúc Cường, Nam Đàn cho biết: Xã Nam Cường trước đây là địa phương được hỗ trợ xây dựng nhà chòi tránh lũ với 74 hộ dân. Dù kinh phí xây dựng thời điểm đó không quá cao nhưng đến nay, hơn 10 năm đưa vào sử dụng, các nhà chòi vẫn phát huy tác dụng đảm bảo tính mạng, tài sản của nhân dân trong mùa mưa bão. Người dân cũng đã chủ động sửa sang, tu bổ nếu có các hạng mục xuống cấp theo thời gian. Đây là chính sách rất thiết thực, đặc biệt đối với hộ dân có hoàn cảnh khó khăn ở những vùng tâm lũ và cần được nhân rộng trong thời gian tới.

mô hình
Mô hình nhà chòi chống lũ được áp dụng phổ biến tại Nghệ An. Ảnh: P.V

Thông tin từ Phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Nghệ An cho biết: Thực tế nhu cầu về nhà chống thiên tai cho các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh vẫn rất lớn.

Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh có 2.322 hộ khó khăn cần hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt. Trong đó có 936 hộ có nhu cầu xây mới nhà ở, 1.386 hộ có nhu cầu sửa chữa, cải tạo nhà ở. Đến nay, Bộ Xây dựng đã xây dựng chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nếu được thông qua sẽ có thêm những hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà phòng, chống lụt bão, thiên tai trong giai đoạn tới.

Quang An