Xã hội

Bài 1: Thiếu về số lượng, yếu về chất lượng

Công Kiên 21/09/2024 15:27

Theo thống kê của Sở Du lịch Nghệ An, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 21 cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch, bao gồm cả trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề và trung tâm giáo dục nghề nghiệp cấp huyện. Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo vẫn chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp du lịch.

nhanlucchodulichna-b1-cover.png

Công Kiên • 21/09/2024

Theo thống kê của Sở Du lịch Nghệ An, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 21 cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch, bao gồm cả trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề và trung tâm giáo dục nghề nghiệp cấp huyện. Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo vẫn chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp du lịch.

nhanlucchodulichna-b1-tit1.png

Từng học chuyên ngành Du lịch ở Trường Đại học Vinh, sau khi ra trường, chị Lê Thị Mai đã thử sức ở nhiều môi trường công việc khác nhau để học hỏi kinh nghiệm. Chị Mai cho biết: “Học chuyên ngành Du lịch, tôi được cung cấp nền kiến thức cơ bản, được trang bị những kỹ năng cần thiết. Do vậy, khi đến làm việc tại các công ty, tôi nhanh chóng bắt nhịp và sớm đáp ứng yêu cầu công việc”.

Khi tích lũy được kinh nghiệm cho bản thân, chị Lê Thị Mai quyết định thành lập doanh nghiệp riêng. Hiện chị là Giám đốc Công ty Lữ hành Quốc tế TM, có trụ sở tại thành phố Vinh. Theo chị, những kiến thức, kỹ năng được học tập, đào tạo ở trường đại học, kinh nghiệm góp nhặt được trong quá trình làm việc cùng niềm đam mê nghề nghiệp đã giúp chị đứng vững trong những năm qua, giúp công ty hoạt động hiệu quả.

Sở Du lịch Nghệ An tổ chức lớp tập huấn quản lý điểm đến và kỹ năng giao tiếp, ứng xử với khách du lịch. Ảnh tư liệu: Công Kiên

Còn chị Phan Thị Huệ, quê ở huyện Đô Lương, tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị khách sạn, Trường Cao đẳng Du lịch - Thương mại Nghệ An đã gần 1 năm, hiện là nhân viên một khách sạn ở thị xã Cửa Lò. Theo chị Huệ, thời gian học nghề, chị vừa được trang bị những kiến thức cơ bản, vừa được áp dụng thực tế khi thực tập tại doanh nghiệp, sau khi tốt nghiệp chị không mất thời gian chờ đợi, được doanh nghiệp tuyển dụng và đi làm luôn.

Theo thống kê của Sở Du lịch, hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 21 cơ sở đào tạo nguồn nhân lực ngành Du lịch, tuy nhiên, mới chỉ đáp ứng 50% nhân lực cho ngành Du lịch. Nguyên nhân là những năm gần đây việc tuyển sinh đầu vào của các cơ sở đào tạo gặp nhiều khó khăn do số lượng thí sinh đăng ký dự thi giảm. Trước tình hình đó, một số trường đã thực hiện chính sách giảm học phí để thu hút sinh viên và học viên.

Giờ thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch - Thương mại Nghệ An. Ảnh: Công Kiên
Giờ thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch - Thương mại Nghệ An. Ảnh: Công Kiên

Trong số các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch của tỉnh, Trường Cao đẳng Du lịch - Thương mại Nghệ An nổi bật lên với mỗi năm đào tạo gần 1.000 sinh viên ở trình độ cao đẳng và trung cấp; các chuyên ngành đào tạo gồm: Hướng dẫn du lịch, Quản trị nhà hàng, Quản trị khách sạn, Quản trị lễ tân, Quản trị lữ hành, Kỹ thuật chế biến món ăn. Trong đó, chuyên ngành Kỹ thuật chế biến món ăn có số lượng sinh viên theo học đông nhất.

Thầy giáo Phan Đăng Trường - Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng Du lịch - Thương mại Nghệ An cho biết: Sau khi tốt nghiệp, khoảng 80% sinh viên được giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp du lịch, chủ yếu ở địa bàn Nghệ An và một số tỉnh, thành khác như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh… Số sinh viên còn lại tự liên hệ việc làm hoặc đi nước ngoài (Đức, Pháp, Hàn Quốc…) theo diện xuất khẩu lao động.

5. Giờ thực hành chế biến món ăn của sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch và Thương mại Nghệ An. Ảnh: Công Kiên
Giờ thực hành chế biến món ăn của sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch và Thương mại Nghệ An. Ảnh: Công Kiên

Cùng với Trường Cao đẳng Du lịch - Thương mại Nghệ An, Khoa Du lịch và Công tác xã hội của Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Trường Đại học Vinh cũng là địa chỉ được nhiều sinh viên lựa chọn. Hiện tại, khoa này có gần 200 sinh viên theo học ngành Du lịch, trong đó, khoảng 70% theo học chuyên ngành Khách sạn và 30% theo chuyên ngành Lữ hành.

Với chương trình đào tạo tiếp cận CDIO, không chỉ cung cấp kiến thức mà còn chú trọng rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng đào tạo đã được nâng cao, vừa đáp ứng chuẩn đầu ra của cử nhân du lịch, vừa đáp ứng yêu cầu của các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp tuyển dụng”.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Trung - Chủ nhiệm Khoa Du lịch và Công tác xã hội

Ướp trà sen ở xã Kim Liên (Nam Đàn). Ảnh: Lê Mạnh Thắng
Ướp trà sen ở xã Kim Liên (Nam Đàn). Ảnh: Lê Mạnh Thắng

Ngoài Khoa Du lịch và Công tác xã hội - Trường Đại học Vinh và Trường Cao đẳng Du lịch - Thương mại Nghệ An đủ chỉ tiêu tuyển sinh và đảm bảo chất lượng đào tạo, còn lại hầu hết các cơ sở khác đang hoạt động cầm chừng vì không có người học, nhất là các trung tâm giáo dục nghề nghiệp cấp huyện. Đơn cử như Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Anh Sơn, trong 10 năm qua chỉ mở được 1 khóa chuyên ngành Chế biến món ăn với hơn 10 học viên theo học. Lý giải tình trạng này, thầy giáo Bùi Đức Tuấn - Giám đốc Trung tâm cho rằng, đơn vị thiếu cơ sở vật chất và giáo viên nên phải liên kết với Trường Cao đẳng Du lịch -Thương mại Nghệ An để đào tạo. Khi đối tác không có nhu cầu liên kết thì đơn vị cũng dừng việc đào tạo.

Tương tự, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tương Dương những năm gần đây cũng không mở được khóa đào tạo các chuyên ngành Du lịch, vì không có người đăng ký học.

bna_ anh 3.jpg
Chế biến các món ăn đặc sản của người Thái ở điểm du lịch cộng đồng bản Yên Hòa (Kỳ Sơn). Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn

Với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Diễn Châu có phần khởi sắc hơn, khi mỗi năm tuyển sinh được một khóa sơ cấp chế biến món ăn với sự tham gia của khoảng 50 học viên. Các em học sinh vừa học chương trình văn hóa (phổ thông), vừa được đào tạo nghề.

Tuy nhiên, cô giáo Võ Thu Hằng - Giám đốc Trung tâm cho biết, đa số các em học xong đều đi xuất khẩu lao động hoặc tìm việc làm khác, số học viên theo nghề được đào tạo rất ít. Điều này một phần do chương trình đào tạo chưa phù hợp dẫn đến không đáp ứng được yêu cầu của các cơ sở kinh doanh, buộc người học phải chuyển hướng công việc.

nhanlucchodulichna-b1-tit2.png

Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 900 cơ sở lưu trú, với hơn 22.000 buồng, phòng, trong đó, có 4 khách sạn 5 sao, 10 khách sạn 4 sao, 40 khách sạn từ 1 - 3 sao; có gần 70 công ty lữ hành và chi nhánh, 29 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh. Cùng với đó là hệ thống nhà hàng ăn uống, vui chơi, giải trí tập trung tại các huyện, thị ven biển, thành phố Vinh.

Nhìn vào con số thống kê này để thấy nhu cầu nhân lực cho ngành Du lịch là rất lớn. Tuy nhiên, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, khoảng 50% cơ sở kinh doanh du lịch đang thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Du khách nghe thuyết minh tại Khu Di tích Kim Liên (Nam Đàn). Ảnh: Đình Tuyên
Du khách nghe thuyết minh tại Khu Di tích Kim Liên (Nam Đàn). Ảnh: Đình Tuyên

Được thành lập và đi vào hoạt động nhiều năm nay, Công ty Lữ hành Đông Dương Travel có lượng khách hàng khá ổn định và hoạt động hiệu quả trên địa bàn thành phố Vinh. Tuy nhiên, quá trình hoạt động của công ty đang gặp những khó khăn nhất định, khi phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện tại, công ty đang thiếu khoảng 40% nguồn lao động, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch.

Theo ông Nguyễn Huỳnh Sương - Giám đốc Công ty Lữ hành Đông Dương Travel, thì việc tuyển dụng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, nhất là những người có trình độ chuyên môn cao rất khó khăn, nan giải, ảnh hưởng đến việc kinh doanh và chất lượng phục vụ khách.

z5241378672777-ccb163ff10bf6789f5e6fc616937a8f7-2230.jpg
Hướng dẫn viên nhí Vi Thị My Du giới thiệu điểm đến đền Pu Nhạ Thầu. Ảnh tư liệu: Trường THCS thị trấn Mường Xén

Thiếu hụt nhân lực nhiều nhất là các cơ sở lưu trú, vì số lượng khách sạn tăng nhanh, trong khi số lượng người lao động đã qua đào tạo không đáp ứng được nhu cầu. Ngay như Mường Thanh Sông Lam là khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao trên địa bàn thành phố Vinh, cũng thường xuyên thiếu hụt khoảng 20% lao động. Giám đốc khách sạn, ông Nguyễn Đức cho biết: “Sau đại dịch Covid-19, nguồn nhân lực của Khách sạn Mường Thanh Sông Lam bị thiếu do nhiều lao động nghỉ việc, chuyển việc và gần đây là xuất khẩu lao động, làm ăn ở nước ngoài. Hiện nay, tình trạng thiếu hụt nguồn lao động có chất lượng cao vẫn tiếp tục diễn ra, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng phục vụ”.

Theo ông Lê Đức Hải - Giám đốc Công ty CP Khách sạn Giao tế (thành phố Vinh), hiện nay, đơn vị đang thiếu khoảng 40% so với nhu cầu ở tất cả các bộ phận như lễ tân, buồng, bàn, bếp. Công ty thường xuyên tuyển dụng lao động là các sinh viên, học viên tốt nghiệp ở các cơ sở đào tạo chuyên ngành Du lịch. Nhưng chương trình đào tạo hiện vẫn còn bất cập, học chưa gắn với hành, kiến thức được trang bị chưa gắn với thực tế.

Sau khi tiếp nhận và sử dụng, đơn vị phải đầu tư kinh phí tổ chức đào tạo lại bằng cách mời giảng viên các cơ sở đào tạo có uy tín về giảng dạy, tập huấn và chia sẻ kinh nghiệm, bổ sung chuyên môn, nghiệp vụ”.

Ông Lê Đức Hải - Giám đốc Công ty CP Khách sạn Giao tế

Khách sạn Giao tế (thành phố Vinh) đang thiếu khoảng 40% nguồn nhân lực so với nhu cầu. Ảnh: Công Kiên
Khách sạn Giao tế (thành phố Vinh) đang thiếu khoảng 40% nguồn nhân lực so với nhu cầu. Ảnh: Công Kiên

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An cho rằng: Chất lượng nguồn nhân lực sau khi tốt nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, sinh viên ra trường thiếu kiến thức thực tế, kỹ năng mềm, chuyên môn nghiệp vụ chuyên sâu, trình độ ngoại ngữ không đạt chuẩn, thiếu hiểu biết về kiến thức văn hóa - xã hội, lịch sử, địa lý để làm việc trong một ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng và hội nhập quốc tế cao. Nhân lực du lịch hiện nay không chỉ phải thông thạo ngoại ngữ mà còn phải sử dụng tốt công nghệ, các kỹ năng xây dựng sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng cao.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác du lịch ở phần lớn các địa phương cũng chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ, dẫn đến tình trạng gặp khó khăn trong công việc.

Như thế, hiện nguồn nhân lực ngành Du lịch ở Nghệ An vẫn còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Sự thiếu hụt này diễn ra trên tất cả các lĩnh vực, các khu, điểm du lịch đến cơ sở lưu trú, nhà hàng và cơ quan quản lý Nhà nước ở các địa phương.

(Còn nữa)

Điểm du lịch xã Mường Lống (Kỳ Sơn). Ảnh Sách Nguyễn
Điểm du lịch xã Mường Lống (Kỳ Sơn). Ảnh: Sách Nguyễn

>> Trang chủ
>> Bài 2: Doanh nghiệp, địa phương "tự bơi", “tự cứu”?!

Công Kiên