Xã hội

Giấc mơ nơi “thủ phủ hồng”

Diệp Thanh 24/09/2024 10:13

Cây hồng ở xã Nam Anh, huyện Nam Đàn đã và đang "lột xác" từng ngày. Với những định hướng đúng đắn và sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của bà con, "thủ phủ hồng" hoàn toàn có thể trở thành điểm nhấn du lịch trên quê hương Bác Hồ.

cover hồng nam anh

Cây hồng ở xã Nam Anh, huyện Nam Đàn đã và đang "lột xác" từng ngày. Với những định hướng đúng đắn và sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của bà con, "thủ phủ hồng" hoàn toàn có thể trở thành điểm nhấn du lịch trên quê hương Bác Hồ.

Ký ức vườn hồng

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nam Anh, cả cuộc đời bà Nguyễn Thị Hòa (57 tuổi) gắn liền với cây hồng. Loại cây tán xòe với vỏ thân xù xì, nứt nẻ nhưng cho trái mọng ấy đã chứng kiến rất nhiều sự kiện lớn, nhỏ mà bà không bao giờ quên.

hồng Nam Anh chuẩn bị vào mùa thu hoạch. Ảnh Huy Thư
Mùa thu hoạch hồng ở Nam Anh thường bắt đầu vào dịp tháng 10 -11. Ảnh tư liệu: Huy Thư

Bà Hòa và những người bạn cùng thế hệ đều không rõ cây hồng Nam Anh có từ bao giờ, chỉ biết, những năm tháng tuổi thơ của họ vắt vẻo trên cành hồng. Hồi đó, cây hồng không được trồng nhiều như bây giờ, nhà nào trồng được hồng là quý lắm. Lũ trẻ con trong làng, phần vì đói ăn, phần vì nghịch ngợm nên đến mùa hồng, chỉ nhăm nhe nhà nào sơ hở là trèo lên hái trộm.

"Lần đó, khi đang cùng chúng bạn hái trộm hồng thì chúng tôi bị chủ nhà bắt quả tang. Cả đám nhanh chân tuột cây chạy trốn, tôi ở cành cao hơn, chỉ kịp thả hết quả hồng xuống đất rồi trèo sang cây vông bên cạnh để chối tội. Chủ nhà nói kiểu gì tôi cũng không chịu xuống, hỏi con nhà ai tôi cũng không trả lời, mãi đến khi họ hứa là sẽ không phạt và cho nhặt hồng mang về, tôi mới xuống. Và đúng là tôi không bị phạt, còn được nhặt hồng đem về” – bà Hòa cười, kể lại câu chuyện thuở ấu thơ.

hồng Nam Anh Ảnh Quốc Đàn00001
Hồng Nam Anh. Ảnh: Quốc Đàn

"Có lẽ vì biết ơn tấm lòng ông chủ cây hồng nên đến tuổi cập kê, bao nhiêu anh ngỏ ý, bà Hòa lại chỉ “chấm” mỗi anh con trai đi bộ đội về của ông chủ cây hồng năm nào đó” - một người bạn của bà Hòa nói thêm vào.

Và đúng là thế thật, duyên nợ thế nào mà bà Hòa lại chỉ “ưng bụng” cậu con trai của ông chủ vườn hồng năm nào. Tình yêu của vợ chồng bà Hòa đơm hoa kết trái, đứa con gái đầu lòng chào đời cách đây đúng 37 năm, cũng là năm ông bà trồng cây hồng trước cổng. Cây hồng nay đã được xếp vào hàng cổ thụ, đều đặn mỗi năm cho trái đỏ rực cành. Những đứa con của ông bà cũng đã dựng vợ, gả chồng, cuộc sống ấm êm, hạnh phúc.

bna_ba-hoa-voi-cay-hong-co-thu-gan-bo-bao-nam.-anh-diep-thanh.jpg
Bà Hòa bên cây hồng cổ thụ gắn bó với mình bao năm nay. Ảnh: Diệp Thanh

Dưới tán hồng, trong câu chuyện của những người phụ nữ Nam Anh, hồng không chỉ là kỷ niệm, là văn hóa, là đời sống, mà còn là một “di sản” thiêng liêng: "Hồi đó, nhà nào có hồng là khá lắm. Được mùa thì bán được cả tạ mỗi cây, đổi ra gạo, ra thịt, có tiền đóng học phí… Nhà tôi không có, nhưng tôi thu mua lại hồng xanh của các vườn về ngâm, đem ra chợ bán cũng được ít tiền chênh lệch. Nhờ vậy mới có thêm tiền mua sách vở, mấy anh em được học đến hết". "Sau khi lấy nhau, vợ chồng tôi được ông bà cho mảnh vườn nhỏ. Chồng tôi xin về mấy cành hồng chiết đem trồng – đó là những cây đầu tiên trong vườn, cây tiền, cây bạc nuôi sống cả gia đình. Giờ cuộc sống sung túc hơn, thu nhập không còn nhìn vào mấy cây hồng, mấy đứa còn bàn nhau chặt hồng xây thêm nhà nhưng vợ chồng tôi nhất quyết không đồng ý. Chúng tôi còn sống thì mấy cây hồng vẫn sẽ còn đấy". "Tôi chưa thấy cây hồng nào sai quả, đẹp và ngon như cây hồng trước sân nhà bà nội tôi. Có năm, một mình nó thu hoạch được 3 tạ. Bà quý cây hồng đó lắm, bà nói, tau mà chết tau mang theo cây hồng đi. Sau này, khi bà mất đi, cây hồng đang khỏe mạnh tự nhiên cũng lụi dần rồi chết khô thật. Ai cũng bảo, nó đi theo bà"...

Ở "thủ phủ hồng", chúng tôi đã được nghe những lời gan ruột về cây hồng như thế…

"Du lịch hồng"

Dưới góc nhìn kinh tế, nhiều hộ gia đình chọn gắn bó với vườn hồng bởi loài cây này ít phải chăm sóc, lại có tuổi thọ cao, thân cành dẻo, dễ dàng chống chọi được với gió bão, đem lại lợi nhuận hàng năm ổn định lên đến hàng trăm triệu đồng.

Nhưng đó chưa phải tất cả, nguồn lợi từ cây hồng còn đến từ vẻ đẹp của nó. Mấy năm trở lại đây, những vườn hồng ở Nam Anh trở thành một địa điểm check-in lý tưởng của du khách. Nương theo cây hồng, ngành du lịch và sản vật địa phương như được chắp thêm cánh.

Dưới góc nhìn nhiếp ảnh, sự hấp dẫn đặc biệt của vườn hồng ở Nam Anh đến từ sự mộc mạc, hoang sơ của những cây cổ thụ xù xì. Cuối Thu, khi những trái hồng ngả sang màu cam, cũng là khi cây hồng bắt đầu rụng lá. Khi lớp “áo lá” hoàn toàn trút bỏ khỏi cây, những quả hồng căng mọng treo lúc lỉu, đỏ rực rỡ trên những cành hồng khẳng khiu, phong sương, tạo nên sự tương phản thú vị. Cùng với vẻ đẹp của những cây hồng, những viên đá phủ rêu, những đám dương xỉ xanh mướt trên nền gạch, chủ vườn còn khéo léo bố trí thêm những tiểu cảnh như bàn ghế, đàn piano, xích đu… Trong nhiều bức ảnh, vườn hồng toát lên vẻ đẹp ma mị hệt như bối cảnh trong một câu chuyện cổ tích châu Âu. Vẻ đẹp đó đủ để thuyết phục rất nhiều du khách trong tỉnh tìm đến Nam Anh mùa hồng chín. Cao điểm nhất là vào giữa tháng 10 đến giữa tháng 11.

hồng Nam Anh Ảnh Quốc Đàn00000
Vẻ đẹp mùa hồng chín. Ảnh: Quốc Đàn

Bà Phan Thị Tuyết, nhân viên của một điểm du lịch có tiếng tại Nam Anh chia sẻ: “Trong tháng cao điểm, có những ngày cuối tuần, vườn chúng tôi đón đến 500-700 lượt khách. Những hôm đông quá, không đủ không gian phục vụ, chúng tôi còn phải nhờ các chủ vườn xung quanh mở cửa, thông vườn để du khách có thể có được những bức ảnh ưng ý nhất. Hàng xóm quanh đây cũng rất cởi mở hỗ trợ. Không chỉ chụp ảnh, du khách đến đây còn có thể ăn uống, mượn trang phục, lưu trú với phòng điều hòa khép kín… Du khách muốn làm quà, có thể mua hồng tại vườn hoặc mua rượu hồng do chính vườn ngâm”.

Nói đoạn, bà Tuyết dẫn chúng tôi đi xem những chum rượu hồng vừa ngâm. Rượu hồng được ngâm bởi những quả hồng xanh đã bắt đầu ngả màu vàng nâu, sóng sánh, thơm nồng. Sản phẩm rượu hồng ngâm đạt chuẩn OCOP 3 sao được đóng chai, dán nhãn và bày bán ngay tại vườn cùng nhiều sản vật khác của địa phương như rượu quýt, nước tương, bột sắn dây...

hồng Nam Anh Ảnh Quốc Đàn00002
Những quả hồng chín mọng lúc lỉu trên những cành khẳng khiu tạo nên sự tương phản thú vị. Ảnh: Quốc Đàn

Sức hút của những vườn hồng khiến nhiều nhà đầu tư mạnh dạn xây dựng điểm du lịch canh nông với nhiều dịch vụ, tiện ích đi kèm. “Cách đây 5 năm, ngay chỗ này là một vườn hồng gập ghềnh sỏi đá, hoang sơ, dốc dựng đứng. Chủ đầu tư đã phải bỏ ra rất nhiều tiền bạc, công sức để cải tạo mặt bằng, biến thành một quần thể nhà nghỉ, bể bơi, lán trại… đầy đủ tiện ích. Những vườn hồng Nam Anh ngày càng nổi tiếng cũng nhờ được truyền thông mạnh mẽ, khơi gợi cảm hứng trải nghiệm mời gọi du khách gần xa” – bà Nguyễn Thị Hòa nói.

“Chúng tôi đang chuẩn bị cho công tác tu sửa lại vườn hồng trước mùa cao điểm, từ việc đóng lại hàng rào, gia cố lại những cây cầu, sơn sửa lại các nhà nghỉ… Phải làm sao để đến khi khách đến, tất cả đã sẵn sàng cho một trải nghiệm tốt nhất. Sự chỉn chu đó cũng chính là lý do mà chúng tôi có thể đi đường dài, bền vững với mô hình du lịch vườn hồng” – anh Nguyễn Văn Tuyên, chủ một khu nghỉ dưỡng vườn hồng tại Nam Anh chia sẻ.

Vẻ đẹp rêu phong độc đáo của những vường hồng cổ. Ảnh Sách Nguyễn
Vẻ đẹp rêu phong độc đáo của những vườn hồng cổ. Ảnh: Sách Nguyễn

Một mùa hồng nữa đang đến. Nghe câu chuyện của bà con Nam Anh, tâm sự của người làm du lịch quanh quả hồng, tôi bất giác nhớ đến những quả hồng treo gió nổi tiếng của Đà Lạt. Biết đâu một ngày nào đó, “giấc mơ hồng” của Nam Anh cũng sẽ trở thành một thương hiệu nổi tiếng khắp trong Nam, ngoài Bắc như vậy…

Diệp Thanh