Sức khỏe

Phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ

Thành Chung 24/09/2024 14:30

Các địa phương đang chỉ đạo người dân vệ sinh môi trường, tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh; thực hiện giám sát dịch bệnh có thể phát sinh.

Nước rút đến đâu, vệ sinh đến đó

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, trên địa bàn Nghệ An từ ngày 17 đến 23/9 có mưa to, có nơi mưa rất to. Mưa lớn đã gây ngập trên diện rộng, làm 3 người chết, 01 người mất tích, 01 người bị thương; gây sạt lở, làm ách tắc nhiều tuyến đường và hư hại nhiều nhà dân... Ở thời điểm này, mưa lũ đã tạm ngưng, thế nhưng nguy cơ dịch bệnh sau mưa lũ sẽ xuất huyện.

Ảnh Bá Hậu
Nước lũ gây ngập nhà dân ở xã Yên Khê, huyện Con Cuông. Ảnh: Bá Hậu

Tại huyện Con Cuông, tổng lượng mưa đo được là 457mm. Thông tin từ Trung tâm Y tế huyện: Mưa lũ đã gây ngập cục bộ ở một số xã như: Môn Sơn, Lục Dạ, Thạch Ngàn, Mậu Đức, thị trấn Con Cuông... Nước lũ đã gây ngập 25 nhà; xâm nhập vào giếng khơi của hơn 40 hộ dân trên địa bàn, trong đó nhiều nhất là tại xã Yên Khê.

Phòng chống dịch, bệnh có thể xảy ra sau mưa lũ, Trung tâm Y tế Con Cuông đã và đang chỉ đạo các trạm y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương thực hiện tổng dọn vệ sinh môi trường, khơi thông kênh mương, cống rãnh, xử lý giếng nước.

Bác sĩ Vi Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Con Cuông cho biết: Trung tâm đã phân bổ đầy đủ hóa chất cho vùng bị ảnh hưởng; thực hiện phun phòng tiêu độc khử trùng theo phương châm nước rút đến đâu vệ sinh đến đó. Cử cán bộ y tế xuống hướng dẫn người dân xử lý nguồn nước bằng cách thau rửa bằng phèn chua, khử trùng bằng cloramin B; giám sát nguy cơ dịch bệnh, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết.

Tại huyện Anh Sơn, mưa lũ cũng đang gây nên những nguy cơ dịch bệnh tại đây. Ở xã Đỉnh Sơn lâu nay vẫn là một ổ dịch sốt xuất huyết. Mưa lũ chính là điều kiện thuận lợi để muỗi vằn - vector truyền bệnh nảy nở, sinh sôi. Trung tâm đã có công văn yêu cầu các xã chỉ đạo tất cả ban ngành, đoàn thể, hộ dân thực hiện dọn vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng bọ gậy, lật úp các phế thải chứa nước, nhất là các chậu cảnh chứa nước, tuyên truyền bà con nhân dân nằm màn kể cả ban ngày.

Phun hoá chất diệt muỗi trưởng thành ở thôn Đỉnh Thắng, xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn. Ảnh Thành Chung
Phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành ở thôn Đỉnh Thắng, xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn. Ảnh: Thành Chung

Bác sĩ Đào Văn Bình – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Anh Sơn cho hay: Trung tâm Y tế huyện đang phối hợp cùng Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Nghệ An thực hiện công tác giám sát bọ gậy sau mưa bão để có biện pháp tiếp theo; tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn cho các trạm y tế triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm trong và sau mưa, lũ.

Ở huyện Hưng Nguyên, mưa lũ đã gây ngập ở 2 xóm của xã Châu Nhân, 2 xóm của xã Hưng Lợi và 1 xóm thuộc khu vực ngoài đê của xã Xuân Lam. Sau khi nước rút, người dân ở các xóm này đã chủ động triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Các địa phương trong huyện tích cực chỉ đạo, hướng dẫn người dân phát quang bụi rậm, thu gom rác thải, phun thuốc, tháo ao tù nước đọng và đặc biệt là dọn sạch sẽ chuồng nuôi trâu, bò, lợn, gà.

Bác sĩ Hồ Thanh Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hưng Nguyên chia sẻ: Chủ động phòng chống dịch bệnh do mưa lũ, từ đầu năm huyện Hưng Nguyên đã có kế hoạch cụ thể để thực hiện. Quán triệt phương châm 4 tại chỗ, đảm bảo cơ số thuốc phòng chống dịch bệnh tại các trạm y tế. Công tác tuyên truyền các bệnh mùa mưa bão như đau mắt đỏ, cảm cúm, viêm da... đã được triển khai từ trước đó. Thời điểm này, hoạt động phòng, chống, giám sát dịch bệnh đang được thực hiện sát sao.

Không chủ quan với nguy cơ dịch bệnh

Sau mưa lũ, Nghệ An chưa xuất hiện một dịch bệnh nào. Tuy nhiên, không vì thế mà các cấp ngành, đặc biệt là các đơn vị y tế ở tuyến cơ sở, tuyến huyện được phép chủ quan.

Tiến sĩ, bác sĩ Chu Trọng Trang – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An nêu rõ: Tình trạng ngập úng cục bộ tại nhiều địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các bệnh do vector truyền bệnh như ruồi, muỗi, bọ gậy… sinh trưởng mạnh. Trong đó, muỗi là vector truyền bệnh phổ biến nhất gây bệnh sốt rét, sốt xuất huyết.

Trong các xô chậu chứa nước đọng này đều có lăng quăng, bọ gậy. Ảnh Thành Chung
Trong các xô chậu chứa nước đọng sau mưa lũ thường có lăng quăng, bọ gậy. Ảnh: Thành Chung

Tình trạng ngập úng cũng dẫn đến việc thiếu nước sạch sinh hoạt, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Nguồn nước nhiễm bẩn do mưa lũ, môi trường sống bị ô nhiễm làm gia tăng nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh như: Bệnh đường tiêu hóa (tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn…); các bệnh về da (nước ăn chân, viêm da, viêm nang lông…); các bệnh về mắt (đau mắt đỏ, mắt hột).

Để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương đặc biệt là các đơn vị y tế tuyến tỉnh, huyện cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền đến với tất cả mọi người dân về yếu tố nguy cơ. Các trung tâm y tế huyện cần chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ, vật tư, hóa chất cần thiết để đáp ứng kịp thời tình huống dịch bệnh xảy ra theo phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng” (chủ động phòng tránh; đối phó kịp thời; khắc phục khẩn trương).

Công tác phòng, chống dịch bệnh phải được đặt lên hàng đầu. Công tác y tế dự phòng và điều trị được phối kết hợp chặt chẽ, kịp thời phát hiện, chẩn đoán sớm các bệnh truyền nhiễm gây dịch tại các vùng bị ảnh hưởng lũ lụt. Cần thực hiện giải pháp tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, giám sát chặt chẽ ngộ độc thực phẩm; vận động nhân dân thực hiện tốt ăn chín uống sôi.

Với các hộ dân có giếng nước bị ngập cần phải xử lý làm trong nước, bằng cách dùng phèn chua với liều lượng 1g phèn chua (một miếng bằng khoảng nửa đốt ngón tay) cho 20 lít nước. Múc một gáo nước, hòa lượng phèn tương đương thể tích nước cần làm trong cho tan hết, cho vào chum, vại, lu, khay hay thùng nước và khuấy đều, chờ khoảng 30 phút cho lắng cặn hết xuống đáy rồi gạn lấy nước trong. Nếu không có phèn chua thì dùng vải sạch để lọc nước, giữ lại các cặn bẩn, làm vài lần cho đến khi nước trong. Sau khi làm trong cần khử trùng bằng hóa chất, cụ thể là khử trùng bằng Cloramin B hoặc khử muối Aquatabs. Một viên Cloramin B hàm lượng 0,25g có thể khử trùng được 25 lít nước và 1 viên Aquatabs 0,67g có thể khử trùng được 20 lít nước trong.

Tiến sĩ, bác sĩ Chu Trọng Trang

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An

Phun hóa chất phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ. Ảnh Thành Chung
Phun hóa chất phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ. Ảnh: Thành Chung

Phòng chống dịch bệnh người dân cần chú ý đến việc xử lý phân, rác. Việc xử lý môi trường theo phương châm nước rút đến đâu các gia đình làm vệ sinh nhà cửa và huy động cộng đồng làm vệ sinh môi trường đến đó; cần khơi thông cống rãnh, lấp vũng nước đọng, chôn lấp xác súc vật chết và tẩy uế... Khi phát hiện bệnh không tự ý điều trị tại nhà mà cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm, khám và điều trị kịp thời, tránh để bệnh lây lan ra cộng đồng./.

Thành Chung