Xã hội

Cần khẩn trương tu bổ nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Duy Trinh

Minh Quân 26/09/2024 08:25

Là một trong các hạng mục chính của công trình khu tưởng niệm đồng chí Nguyễn Duy Trinh, nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Duy Trinh hiện đã hư hỏng nặng phần mái. Dù gia đình, dòng họ đồng chí đã có kiến nghị lên các cấp chính quyền nhưng đến nay công trình vẫn chưa được tu bổ kịp thời.

Công trình khu tưởng niệm đồng chí Nguyễn Duy Trinh tại xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc được UBND tỉnh đồng ý chủ trương đầu tư năm 2013, được khởi công vào tháng 10/2014, được khánh thành, đưa vào sử dụng vào tháng 8/2018, gồm các hạng mục chính: nhà lưu niệm, nhà khách và nhà tưởng niệm.

Khu tưởng niệm Nguyễn Duy Trinh_1
Công trình khu tưởng niệm đồng chí Nguyễn Duy Trinh tại xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc. Ảnh: Minh Quân

Trong đó, hạng mục nhà lưu niệm được phục dựng từ căn nhà thuở ấu thơ của đồng chí Nguyễn Duy Trinh, với kiến trúc kiểu nhà truyền thống khu vực Bắc Trung Bộ, có 5 gian. Kết cấu gồm hệ thống cột, xà, hoành, rui, mè bằng gỗ, các vách chắn xung quanh bằng gỗ săng lẻ, mái lợp cỏ tranh.

Khu tưởng niệm Nguyễn Duy Trinh_2
Căn nhà lưu niệm 5 gian trong khu tưởng niệm đồng chí Nguyễn Duy Trinh. Ảnh: Minh Quân

Tuy nhiên, sau một thời gian đưa vào sử dụng, hiện nay, phần mái tranh của nhà lưu niệm đã xuống cấp trầm trọng. Theo quan sát từ bên trong nhà lưu niệm, ở tất cả các gian đều thủng lỗ chỗ ở phần mái, nặng nhất là 2 gian phía đầu hồi với những mảng cỏ tranh lớn đã “bay” mất từ lúc nào. Còn nhìn từ phía ngoài, nhiều phần mái, đặc biệt là phần mái phía sau đã mục nát, khó có thể chống chịu với những trận mưa lớn hoặc gió bão.

nhà lưu niệm Nguyễn Duy Trinh
Mái tranh thủng lỗ chỗ ở tất cả các gian của nhà lưu niệm. Ảnh: Minh Quân

Theo ông Nguyễn Đình Tính (SN 1950), trú ở xóm 8, xã Phúc Thọ (Nghi Lộc) - thành viên dòng họ Nguyễn Đình, thuộc đời kế tiếp của đồng chí Nguyễn Duy Trinh, người được giao nhiệm vụ trông coi khu tưởng niệm, phần mái tranh có nguy cơ cháy cao trong mùa nắng nóng, lại mục nát, hư hỏng nặng, bị dột nhiều chỗ, làm ảnh hưởng đến hệ thống dầm, kèo và các hiện vật, vật dụng trưng bày trong ngôi nhà.

nhà cụ Nguyễn Duy Trinh
Những lỗ thủng của mái tranh nhìn từ bên ngoài phần mái phía sau. Ảnh: Minh Quân

Từ năm 2020 đến nay, gia đình và dòng họ đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã 3 lần đề nghị xin chuyển sang lợp ngói để đảm bảo an toàn, tính bền lâu của ngôi nhà cũng như phù hợp với kết cấu hiện có của ngôi nhà. Tuy nhiên, đến nay, việc thay thế mái tranh bằng mái ngói vẫn chưa được các cấp, ngành liên quan triển khai.

Nhà cụ Nguyễn Duy Trinh_1
Mái tranh nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã mục nát trầm trọng. Ảnh: Minh Quân

Còn ông Nguyễn Đình Tỵ (SN 1953), trú ở thị trấn Quán Hành, huyện Nghi Lộc - cháu gọi đồng chí Nguyễn Duy Trinh là bác ruột cho biết: “Ngày 23/5 vừa qua, tại kỳ họp thứ 12, HĐND huyện Nghi Lộc khóa XII đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư các công trình, dự án trên địa bàn huyện, trong đó có công trình “Thay thế mái tranh thành mái ngói và sửa chữa một số hạng mục của nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Duy Trinh tại xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc”. Theo đó, sẽ tiến hành gia cố lại phần rui mè của nhà lưu niệm, phá dỡ phần mái tranh và lợp bằng ngói âm dương; thay thế, sửa chữa một số rèm tre phía trước nhà và một số hạng mục bị hư hỏng. Tổng mức đầu tư của công trình là 700 triệu đồng từ nguồn ngân sách huyện và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Tuy nhiên, sau hơn 4 tháng kể từ khi Nghị quyết được ban hành, đến sáng qua (25/9), đại diện chủ đầu tư công trình là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Nghi Lộc mới liên hệ với gia đình, dòng họ đồng chí Nguyễn Duy Trinh để khảo sát việc thực hiện công trình. Nếu không được gấp rút thay thế phần mái, nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Duy Trinh sẽ đối diện với nguy cơ hư hỏng nặng trong điều kiện mưa bão được dự báo diễn biến phức tạp trong thời gian tới.

Phần mái nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Duy Trình xuống cấp trầm trọng. Video: Minh Quân

Báo Nghệ An tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vấn đề trên!

Đồng chí Nguyễn Duy Trinh sinh ngày 15/07/1910 tại xã Nghi Thọ, huyện Nghi Lộc, nay là xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc. Từ năm 17 tuổi, đồng chí đã tham gia phong trào học sinh chống áp bức của thực dân, phong kiến tại thành phố Vinh; tham gia nhiều hoạt động cách mạng và sau đó bị địch bắt, tù đày nhiều lần.

Trong gần 15 năm bị thực dân Pháp và tay sai cầm tù, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã trải qua các nhà lao Vinh, nhà đày Buôn Ma Thuột, các trại tập trung Đắk Tô, Kon Tum, Côn Đảo; bị liệt vào một trong những phần tử cộng sản nguy hiểm, bị địch tra tấn dã man. Trong nhà tù, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã cùng các đồng chí cách mạng tiền bối biến nhà tù của thực dân thành trường học cách mạng của những người cộng sản yêu nước và là một trong những người tích cực biên soạn, tổ chức những lớp học về chủ nghĩa Mác - Lê - nin, về đường lối chiến tranh du kích của Mặt trận Việt Minh.

Sau Cách mạng Tháng Tám, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đảm nhiệm nhiều cương vị, trọng trách của cách mạng như: Thường vụ Xứ ủy Trung Bộ, Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Trung Bộ, Bí thư Khu ủy Liên khu V kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính miền Nam Trung Bộ, Ủy viên Trung ương Đảng khóa II năm 1951, Bí thư Trung ương Đảng năm 1955, Ủy viên Bộ Chính trị năm 1956. Năm 1958, đồng chí được cử làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Tại Đại hội Đảng lần thứ III, năm 1960, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước; năm 1963 -1964, đồng chí kiêm nhiệm cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước. Tháng 4/1965, đồng chí được cử làm Bộ trưởng Ngoại giao và giữ cương vị này đến tháng 5/1980. Năm 1982, tại Đại hội Đảng lần thứ V, đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được phân công Thường trực Ban Nghiên cứu Chiến lược kinh tế - xã hội của Trung ương Đảng và Chính phủ. Đồng chí là đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII.

Nhờ công lao và phẩm chất cách mạng, đồng chí Nguyễn Duy Trinh được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân, huy chương cao quý khác. Tại phiên họp ngày 31/7/2015, Bộ Chính trị đồng ý bổ sung đồng chí Nguyễn Duy Trinh cùng các đồng chí Trần Quốc Hoàng, Lê Thanh Nghị vào danh sách lãnh đạo tiền bối tiêu biểu (là các đồng chí đã giữ những cương vị lãnh đạo quan trọng của Đảng, Nhà nước từ năm 1945 về trước, có công lao to lớn trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc).

Để tri ân công lao của đồng chí Nguyễn Duy Trinh, được sự chỉ đạo của các cơ quan Trung ương và cấp ủy, chính quyền các cấp, thể theo nguyện vọng Hội đồng Gia tộc và gia đình, ngày 8/10/2014, UBND huyện Nghi Lộc đã khởi công xây dựng công trình khu tưởng niệm đồng chí Nguyễn Duy Trinh. Công trình được khánh thành, đưa vào sử dụng vào ngày 18/8/2018; tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được xếp hạng di tích.

Minh Quân