Công trình tri ân đồng chí Nguyễn Duy Trinh trên quê hương Nghi Lộc

Nguyễn Tiến Dũng 17/08/2018 14:45

(Baonghean) - Ngày 18/8, Khu tưởng niệm đồng chí Nguyễn Duy Trinh tại xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) sẽ đưa vào sử dụng.

Ngày 18/8, Khu tưởng niệm đồng chí Nguyễn Duy Trinh tại xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) sẽ đưa vào sử dụng. Đây là một hoạt động bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử văn hóa, là dịp để Đảng bộ nhân dân xã Phúc Thọ nói riêng, huyện Nghi Lộc nói chung tri ân, ghi nhớ công lao to lớn của đồng chí, và đây cũng là nơi giáo dục truyền thống yêu nước thương dân cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Bà con xã Phúc Thọ (Nghi Lộc) thường xuyên tới Khu tưởng niệm dâng hương đồng chí Nguyễn Duy Trinh.
Bà con xã Phúc Thọ (Nghi Lộc) thường xuyên tới Khu tưởng niệm dâng hương đồng chí Nguyễn Duy Trinh.

Đồng chí Nguyễn Duy Trinh sinh ngày 15/07/1910 tại xã Nghi Thọ, huyện Nghi Lộc, nay là xã Phúc Thọ, huyện Nghi lộc, Nghệ An. Đồng chí đã sớm đi theo con đường đấu tranh cách mạng, chống thực dân, giải phóng dân tộc. Từ năm 17 tuổi, đồng chí đã tham gia phong trào học sinh chống áp bức của thực dân, phong kiến tại thành phố Vinh; tham gia nhiều hoạt động cách mạng và sau đó bị địch bắt, tù đày nhiều lần.

Trong gần 15 năm bị thực dân Pháp và tay sai cầm tù, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã trải qua các nhà lao Vinh, nhà đày Buôn Ma Thuột, các trại tập trung Đák Tô, Kon Tum, Côn Đảo; bị liệt vào một trong những phần tử cộng sản nguy hiểm, bị địch tra tấn dã man. Trong nhà tù, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã cùng các đồng chí cách mạng tiền bối biến nhà tù của thực dân thành trường học cách mạng của những người cộng sản yêu nước và là một trong những người tích cực biên soạn, tổ chức những lớp học về chủ nghĩa Mác - Lê - nin, về đường lối chiến tranh du kích của Mặt trận Việt Minh.

Sau Cách mạng Tháng Tám, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đảm nhiệm nhiều cương vị, trọng trách của cách mạng như: Thường vụ Xứ ủy Trung Bộ, Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Trung Bộ, Bí thư Khu ủy Liên khu V kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính miền Nam Trung Bộ, Ủy viên Trung ương Đảng khóa II năm 1951, Bí thư Trung ương Đảng năm 1955, Ủy viên Bộ Chính trị năm 1956. Năm 1958, đồng chí được cử làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Tại Đại hội Đảng lần thứ III, năm 1960, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước; năm 1963 -1964, đồng chí kiêm nhiệm cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước. Tháng 4/1965, đồng chí được cử làm Bộ trưởng Ngoại giao và giữ cương vị này đến tháng 5/1980. Năm 1982, tại Đại hội Đảng lần thứ V, đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được phân công Thường trực Ban Nghiên cứu Chiến lược kinh tế - xã hội của Trung ương Đảng và Chính phủ. Đồng chí là đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII.

Tìm hiểu
Tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Duy Trinh. Ảnh: Thu Hương

Nhờ công lao và phẩm chất cách mạng, đồng chí Nguyễn Duy Trinh được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân - huy chương cao quý khác. Qua 60 năm lịch sử ngoại giao Việt Nam hiện đại, đồng chí Nguyễn Duy Trinh làm Bộ trưởng Ngoại giao lâu năm nhất (15 năm), trong đó có 10 năm chiến tranh chống Mỹ, cứu nước vô cùng khó khăn, gian khổ, nhưng cũng đầy vinh quang, hào hùng và oanh liệt của dân tộc. Ở bất kỳ cương vị nào, đồng chí Nguyễn Duy Trinh cũng chứng tỏ được vai trò, phẩm chất và bản lĩnh của một nhà lãnh đạo có tầm nhìn và tư duy sâu rộng, luôn sâu sát, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành. Tổ quốc và nhân dân mãi mãi ghi nhớ tài năng trí tuệ của đồng chí Nguyễn Duy Trinh, người đã đi qua nhiều chức vụ cao cấp của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là 20 năm giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao góp phần không nhỏ vào chiến công chung của toàn dân tộc. Kinh nghiệm và bài học mà đồng chí Nguyễn Duy Trinh để lại trên mặt trận ngoại giao vẫn còn nguyên giá trị đối với quá trình hội nhập quốc tế của chúng ta hôm nay và mai sau.

Tri ân công lao của đồng chí Nguyễn Duy Trinh - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam; được sự chỉ đạo của các cơ quan Trung ương và cấp ủy - chính quyền các cấp, thể theo nguyện vọng Hội đồng gia tộc và gia đình, UBND huyện Nghi Lộc đã triển khai phục dựng và tôn tạo các công trình nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Duy Trinh. Dự án được khởi công xây dựng vào ngày 08/10/2014 (trước thời điểm Bộ Chính trị bổ sung danh sách cán bộ tiền bối tiêu biểu 10 tháng); quá trình triển khai thực hiện, công trình gặp không ít khó khăn về nguồn vốn, về công tác giải phóng mặt bằng... Khắc phục khó khăn, với trách nhiệm, tình cảm, tấm lòng dành cho một người con ưu tú của quê hương, vị lãnh đạo tiền bối tiêu biểu, cấp ủy - chính quyền các cấp cùng với Hội đồng gia tộc và các nhà thầu đã nỗ lực triển khai thi công để hôm nay công trình được hoàn thành đảm bảo chất lượng các yêu cầu về kỹ thuật và mỹ thuật.

Nhà lưu niệm có kiến trúc kiểu nhà truyền thống khu vực Bắc Trung Bộ, 5 gian; bố trí gian giữa làm gian thờ, 4 gian 2 bên làm không gian trưng bày đồ lưu niệm. Mái nhà lợp cỏ tranh săng, nền nhà tôn cao 3 bậc, các vách chắn xung quanh nhà bằng ván gỗ săng lẻ. Hệ thống cột, xà, hoành, rui, mè bằng gỗ. Nhà khách kiến trúc theo kiểu nhà truyền thống 4 mái, 2 gian giữa tiếp dán mái ngói gồm mũi hài, cột ngoài hành lang tròn. Trần bằng gỗ giật cấp.

Dâng hương tưởng nhớ
Dâng hương tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Duy Trinh tại Khu lưu niệm. Ảnh: Thu Hương

Nhà thắp hương kiến trúc theo kiểu nhà truyền thống 4 mái; bố trí 1 gian chính diện đặt bàn thờ và 2 gian phụ 2 bên. Mái nhà lợp ngói gốm. Các công trình phụ trợ như: Cổng, hàng rào; mương thoát nước; bãi đậu xe; cấp điện; sân đường, cây xanh,…Tổng mức đầu tư của dự án là trên 9 tỷ đồng.

Huyện Nghi Lộc nói chung, xã Phúc Thọ nói riêng tự hào là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Là địa phương còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử, trên địa bàn huyện hiện có 28 di tích lịch sử (trong đó 12 di tích văn hóa cấp quốc gia, 16 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh), phần mộ chí sỹ yêu nước Nguyễn Phong Sắc, khu lưu niệm chí sỹ yêu nước Đặng Thái Thân. Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Duy Trinh có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục truyền thống và những nét đẹp văn hóa của dân tộc, quê hương cho các thế hệ hôm nay và mai sau, tạo nền tảng tinh thần vững chắc để chúng ta vững bước trên con đường đổi mới.

Theo Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc
Copy Link

Mới nhất

x
Công trình tri ân đồng chí Nguyễn Duy Trinh trên quê hương Nghi Lộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO