Xã hội

Chuyện chưa kể về nghĩa trang chôn cất hơn 30.000 thai nhi ở Nghệ An

Tiến Hùng 29/09/2024 09:54

Tại TP. Vinh, có một nhóm sinh viên miệt mài đi thu gom những thai nhi xấu số ở các cơ sở y tế rồi đưa tới nghĩa trang để an táng suốt hơn 10 năm qua. Nhóm bạn trẻ cũng thường xuyên tư vấn, thuyết phục những bà mẹ đang có ý định phá thai thay đổi quyết định, rồi cưu mang họ ở những mái ấm.

Nấm mồ chung của những thai nhi xấu số

Ngày cuối tháng 9, Nguyễn Văn Thân (22 tuổi), cùng một bạn trẻ lại tất bật xuống Nghĩa trang thai nhi ở xã Nghi Thạch (Nghi Lộc), để dọn dẹp, chuẩn bị cho lễ an táng gần 200 thai nhi xấu số. “Do lượng thai nhi quá nhiều, nhóm không thể an táng chôn cất từng em một. Vì thế, mỗi lần đi gom các thai nhi xấu số về, chúng em lại để các em trong tủ lạnh, khi nào đầy tủ lạnh thì sẽ đưa đi an táng”, Thân nói.

Các thành viên trong nhóm thắp nên cầu nguyện tại nấm mồ chung của các thai nhi.
Các thành viên trong nhóm thắp nên cầu nguyện tại nấm mồ chung của các thai nhi. Ảnh: Tiến Hùng

Thân hiện là Trưởng nhóm Bảo vệ sự sống Faustina Vinh, thuộc quản lý của Ban Bác ái xã hội Caritas Giáo phận Vinh. Thân quê ở huyện Hưng Nguyên, là sinh viên năm cuối của một trường đại học ở TP. Vinh. Cậu cho biết, nhóm hiện có hơn 100 thành viên, phần lớn là sinh viên người công giáo đang theo học các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố. Một trong những hoạt động chính của nhóm trong suốt nhiều năm qua đó là đi gom những thai nhi xấu số rồi đưa ra nghĩa trang làm lễ chôn cất.

“Cứ khoảng 3 tuần đến 1 tháng thì tủ lạnh sẽ đầy với khoảng 200 đến 300 thai nhi xấu số. Khi tủ lạnh đầy thì chúng em sẽ đi xin gỗ về, tự đóng quan tài luôn”, Thân nói thêm.

Nơi chôn cất các thai nhi nằm lọt thỏm trong một nghĩa trang nhân dân ở giáp ranh 2 xã Nghi Phong và Nghi Thạch. Khuôn viên rộng chừng 2.000m2, là nơi an nghỉ của hơn 30.000 thai nhi mà nhóm đã tiếp nhận trong suốt 10 năm qua. Lễ an táng diễn ra với đầy đủ nghi thức, như với đám tang của người lớn. “Ngoài những ngày diễn ra lễ an táng, hàng năm cứ vào dịp Quốc tế Thiếu nhi, Tết Trung thu và Tháng linh hồn, nhóm đều tập trung ở 2 nghĩa trang thai nhi để dọn dẹp, cầu nguyện, thắp hương cho các bé”, Thân kể.

Các thành viên trong nhóm hầu hết là sinh viên.
Các thành viên trong nhóm hầu hết là sinh viên. Ảnh: Thân Nguyễn

Nghĩa trang thứ 2 mà Thân nhắc đến nằm trên một ngọn đồi ở tận xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Đây là nơi chôn cất gần 50.000 thai nhi xấu số trong giai đoạn từ năm 2007-2014. Tiền thân của Nhóm Bảo vệ sự sống Faustina Vinh hiện nay là nhóm “Bảo vệ sự sống Gioan Phaolô II”. Nhóm này cũng do một số sinh viên người công giáo thành lập từ năm 2007 nhưng chỉ hoạt động tự phát, không thuộc quản lý của Giáo phận Vinh. Ý tưởng thành lập sau khi 1 nam sinh chứng kiến bào thai đã thành hình bị vứt bỏ bên đường. Họ sau đó thuyết phục được 1 hộ dân ở xã Xuân Hồng cho thửa đất trên đồi, rồi cùng nhau tự xây nghĩa trang với sự đóng góp xi măng, gạch, đá từ những tấm lòng thiện nguyện.

Đến năm 2014, sau khi đã chôn cất gần 50.000 thai nhi, vì nhiều lý do nên nhóm giải tán. Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau, Nhóm Bảo vệ sự sống Faustina được thành lập, tiếp nối những công việc tương tự của các tiền bối. Lần này, nhóm xin được thửa đất ở Nghĩa trang Cao Thạch để làm nơi an nghỉ cho các thai nhi. “Nếu tính cả 2 nhóm thì trong suốt 17 năm qua, đã chôn cất khoảng 80.000 thai nhi xấu số. Nếu chôn cất mỗi bé 1 nấm mồ, chắc 2 nghĩa trang như thế này không đủ diện tích”, Trưởng Nhóm Bảo vệ sự sống Faustina Vinh nói.

Thân bên cạnh tủ lạnh chứa các thai nhi xấu số chờ ngày chôn cất.
Nguyễn Văn Thân - Trưởng Nhóm Bảo vệ sự sống Faustina bên cạnh tủ lạnh chứa các thai nhi xấu số chờ ngày chôn cất. Ảnh: Tiến Hùng

Gian nan hành trình bảo vệ sự sống

Những năm đầu hoạt động, các thành viên trong nhóm phải mò mẫm tìm kiếm thai nhi bị vứt bỏ trong những thùng rác ở bệnh viện, phòng khám trên địa bàn TP. Vinh. Nhiều lần họ còn bị bảo vệ hiểu nhầm là trộm cắp hoặc bị xua đuổi. Thời gian gần đây, sau nhiều năm hoạt động, nhiều phòng khám, bệnh viện đã biết tới nhóm, mỗi lần có thai nhi bị vứt bỏ sẽ chủ động gọi điện thoại cho nhóm đến để tiếp nhận.

Hầu như ngày nào cũng có điện thoại gọi tới từ những phòng khám, bệnh viện. Thậm chí có nhiều cuộc gọi lúc nửa đêm, các thành viên nhóm cũng sẵn sàng lên đường. Nhiều khi chúng em bận đến trường, không tới lấy kịp thì họ để dưới gốc cây nào đó, rồi chỉ vị trí để nhóm đến lấy sau. Nhiều lần đi thu gom thai nhi, bắt gặp những ánh mắt hiếu kỳ từ những người xung quanh, có người còn nói bọn em gàn dở, nhưng bọn em mặc kệ, không quan tâm suy nghĩ của họ.

Nguyễn Văn Thân - Trưởng nhóm Bảo vệ sự sống Faustina Vinh

Ngoài chờ điện thoại từ những địa điểm quen thuộc, mỗi tuần 4 lần, cả nhóm sẽ đi đến các cơ sở y tế để chủ động tìm kiếm, thu gom. Mỗi lần như thế, các thành viên trong nhóm lại nói với nhau, chỉ hy vọng chuyến đi sẽ không có kết quả, không bắt gặp thai nhi nào bị vứt bỏ.

Lễ an táng các thai nhi với đầy đủ nghi thức tại nghĩa trang.
Lễ an táng các thai nhi với đầy đủ nghi thức tại nghĩa trang. Ảnh: Thân Nguyễn

Kể về những ngày đầu tham gia nhóm, Đặng Quang Hoàng (23 tuổi) cho biết, cậu cũng gặp không ít ngăn cản đến từ gia đình và bạn bè. “Thời gian đầu em đi theo các anh, chị thu gom các thai nhi cũng thấy rất sợ. Nhưng sau đó thì lại thấy thương các bé, tình thương đó đã khiến em vượt lên nỗi sợ hãi. Nhiều lần, các thai nhi bị vứt bỏ đã rất lớn, với đầy đủ bộ phận. Em sờ vào người vẫn còn thấy ấm. Lúc đó, chỉ thấy xót xa, không thấy sợ”, Hoàng kể và cho hay, đặc biệt cứ sau mỗi dịp lễ như ngày 8/3, ngày 20/10, ngày lễ tình nhân 14/2 và Tết Nguyên đán, các thành viên trong nhóm đều cảm thấy đau buồn và bất lực bởi vì số lượng các em thai nhi bị phá quá nhiều.

Sau khi tiếp nhận, những thai nhi đã lớn sẽ được nhóm tắm sạch, gói ghém cẩn thận trong những chiếc khăn rồi bọc ni lông bên ngoài, cho vào tủ lạnh chờ chôn cất. Cũng như các thành viên khác trong nhóm, Hoàng hy vọng rằng, mọi đứa trẻ đều được sinh ra trong tình yêu thương, tình trạng nạo phá thai sẽ được hạn chế, để công việc mà các em đang làm sẽ không còn trong tương lai.

Các thành viên trong nhóm thắp nến cầu nguyên trước những dãy mộ của hài nhi.
Các thành viên trong nhóm thắp nến cầu nguyện trước những dãy mộ của hài nhi. Ảnh: T.H

Không chỉ thu gom và chôn cất các thai nhi, trong những năm qua, Nhóm Bảo vệ sự sống Faustina còn là nơi cưu mang những người lầm lỡ. “Sau nhiều năm hoạt động, nhóm có mạng lưới cộng tác viên khá đông. Mỗi lần biết có ai lầm lỡ, có ý định phá thai, chúng em sẽ tìm tới để tư vấn, thuyết phục. Nếu người đó đồng ý, sẽ được nhóm đưa về các mái ấm để chăm sóc kể từ đó cho tới khi sinh con được 1 tháng. Sau khi bé đầy tháng, các bà mẹ sẽ có 2 lựa chọn, hoặc là mang bé trở về, hoặc nếu không đủ điều kiện nuôi con thì nhóm sẽ tìm bố mẹ nuôi cho bé, để bé có cuộc sống tốt đẹp hơn”, Thân kể thêm.

Các thai nhi được bỏ chung vào quan tài để mang đi chôn cất.
Các thai nhi được bỏ chung vào quan tài để mang đi chôn cất. Ảnh: Thân Nguyễn

Theo Thân, hành trình giành lại sự sống cho những đứa trẻ cũng gặp không ít gian nan. “Mỗi lần biết được ai đó đang có ý định phá thai, nhóm sẽ xin số điện thoại rồi xin hẹn gặp, thông thường là ở các bệnh viện, phòng khám. Tuy nhiên, để gặp những người này cũng rất khó. Vì các phòng khám không muốn bọn em thuyết phục khách hàng của họ không làm nữa. Chính vì vậy, thường bọn em phải lén lút vào gặp hoặc đóng giả người thân”, Thân nói và cho hay, trung bình mỗi năm, nhóm thuyết phục được khoảng 30 bà mẹ từ bỏ ý định phá thai, đưa về chăm sóc tại các mái ấm.

Ngoài ra, nhóm còn có nhiều hoạt động thiện nguyện khác, như mỗi tuần 3 buổi đi phát hàng trăm suất cơm miễn phí cho những bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang thuê trọ để chạy thận ở TP. Vinh.

Tiến Hùng