Xây dựng Đảng

Kỳ 2: Chiêu trò qua những lần 'trao giải'

Đức Dũng 02/10/2024 09:07

Như đã đề cập, những đối tượng được trao “Giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng” hầu hết là những kẻ đang phải chấp hành án phạt tù về tội chống phá Nhà nước Việt Nam, thế nhưng qua những lần "trao giải" lại được Việt Tân cổ súy là “nhà dân chủ”, “đấu tranh vì nhân quyền”...

vachtranammuu-cover-b2.png

Những đối tượng được trao “Giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng” hầu hết là những kẻ đang phải chấp hành án phạt tù về tội chống phá Nhà nước Việt Nam, thế nhưng qua những lần "trao giải" lại được Việt Tân cổ súy là “nhà dân chủ”, “đấu tranh vì nhân quyền”...

Nhóm PV • 02/10/2024
*****

vachtranammuu-cover-b2-tit1.png

Âm mưu lôi kéo, kích động và tạo ảo vọng cho những kẻ chống đối được Việt Tân thể hiện ngay ở lần trao “Giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng” đầu tiên vào năm 2018. Việt Tân đã trao giải cho Trần Thị Nga, một người đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam tuyên án 9 năm tù và 5 năm quản chế về tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Trước khi bị kết án, Nga đã sử dụng các tài khoản Blog, Facebook và YouTube cá nhân để đăng tải các video có nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam, phỉ báng chính quyền nhân dân và tuyên truyền tư tưởng phản động. Hành động của Việt Tân khi trao “giải nhân quyền” và gọi Trần Thị Nga là “nhà dân chủ”, không chỉ là sự xảo quyệt mà còn là kích động, vu khống tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

Trần Thị Nga và bản mặt thật của thị. Ảnh: Tư liệu
Trần Thị Nga và bản mặt thật của thị. Ảnh: Tư liệu
vachtranammuu-cover-b2-box1(1).png

Năm 2019, Việt Tân trao giải cho “Nhóm cứu giúp tù nhân lương tâm 50k”, do Nguyễn Thúy Hạnh cầm đầu. Theo tài liệu của các cơ quan chức năng, nhóm này thực chất là tổ chức nhỏ trong hệ thống các hội nhóm phản động do Việt Tân gây dựng nhằm tìm kiếm, thu hút tài chính cho các hoạt động chống phá. Việc Việt Tân trao giải cho nhóm này chẳng khác nào “mèo khen mèo dài đuôi”, nhằm khuếch trương thanh thế để mong nhận sự hỗ trợ tài chính từ các tổ chức và cá nhân có tư tưởng chống phá Việt Nam.

Năm 2020, “Giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng” được trao cho Phan Kim Khánh, kẻ đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên tuyên phạt 6 năm tù giam vì tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Tại phiên tòa, Khánh đã thừa nhận bản thân trẻ người, non dạ, kém hiểu biết về chính trị, pháp luật nên đã bị các đối tượng phản động lôi kéo, kích động dẫn đến vi phạm pháp luật; thế nhưng, Việt Tân lại đã tô vẽ Khánh như một hình tượng để “giáo dục thế hệ trẻ” và bao biện cho hành vi chống phá đất nước của anh ta.

Việt Tân tổ chức trao Giải thưởng Nhân quyền Lê Đình Lượng năm 2020 cho sinh viên Phan Kim Khánh
Việt Tân tổ chức trao Giải thưởng Lê Đình Lượng năm 2020 cho Phan Kim Khánh. Ảnh chụp màn hình

Năm 2021, khi Việt Nam đã vượt qua đại dịch Covid-19 và ổn định phát triển, Việt Tân lại kích động và rêu rao giải thưởng nhân quyền với chủ đề “nghĩa đồng bào trong mùa đại dịch” để “vinh danh” linh mục Đặng Hữu Nam vốn đã bị Tòa giám mục Giáo phận Vinh “treo chén” từ ngày 17/6/2020, không cho tham gia các hoạt động mục vụ. Trước đó, Đặng Hữu Nam đã có nhiều hành vi sai trái trong hoạt động mục vụ, kích động, xúi giục, lôi kéo người dân tham gia các hoạt động chống đối chính quyền nhân dân. Tuy nhiên, Việt Tân lại rêu rao rằng, giải thưởng này nhằm “đóng góp thêm vào phong trào dân giúp dân”.

Linh mục Đặng Hữu Nam đã có nhiều hành vi sai trái trong hoạt động mục vụ, kích động, xúi giục, lôi kéo người dân tham gia các hoạt động chống đối chính quyền. Ảnh tư liệu
Linh mục Đặng Hữu Nam đã có nhiều hành vi sai trái trong hoạt động mục vụ, kích động, xúi giục, lôi kéo người dân tham gia các hoạt động chống đối chính quyền. Ảnh tư liệu

Năm 2022, với mục đích kích động “bài Trung, thân Mỹ", thổi phồng các “nguy cơ Trung Quốc” hòng làm rối ren tình hình Việt Nam, Việt Tân đã lấy chủ đề của giải là “Bảo vệ chủ quyền trước nguy cơ Trung Quốc”. Kẻ được trao giải lần này là Nguyễn Năng Tĩnh đang phải chấp hành án phạt 11 năm tù về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Tĩnh nguyên là giáo viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nghệ An. Lợi dụng vỏ bọc là giáo viên dạy nhạc, thông qua trang Facebook cá nhân, Tĩnh thường tuyên truyền những ca khúc có nội dung kích động, chống chính quyền, phá hoại tư tưởng, xuyên tạc chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân; xuyên tạc lịch sử; bôi nhọ lãnh tụ… Nhưng tổ chức khủng bố Việt Tân lại “đổi trắng thay đen”, ca ngợi “Nguyễn Năng Tĩnh là nhà giáo yêu nước. Nhiều năm liên tục chống đối chính trị bằng cách ủng hộ các tù nhân chính trị, loan tải tin tức trên Facebook về thảm họa formosa, bày tỏ quan điểm phản đối Dự luật Đặc khu…”, để trao giải cho Tĩnh.

Đối tượng Nguyễn Năng Tĩnh. Ảnh tư liệu
Đối tượng Nguyễn Năng Tĩnh. Ảnh tư liệu
Các cơ quan chức năng lấy lời khai của bị can Nguyễn Năng Tĩnh sáng 30-5-2019 (ảnh trái); Hội đồng xét xử đọc cáo trạng xét xử Nguyễn Năng Tĩnh. Ảnh: PV
Các cơ quan chức năng lấy lời khai của bị can Nguyễn Năng Tĩnh sáng 30-5-2019 (ảnh trái); Hội đồng xét xử đọc cáo trạng xét xử Nguyễn Năng Tĩnh. Ảnh: PV

Năm 2023, Việt Tân lấy chủ đề “75 năm quốc tế nhân quyền - tự do, bình đẳng và công lý cho Việt Nam” để "trao giải" cho Trương Văn Dũng, người vừa bị Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội tuyên y án sơ thẩm 6 năm tù về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Tại buổi livestream "trao giải", Việt Tân cổ súy: “ông Trương Văn Dũng được công luận trong nước và quốc tế biết đến là một nhà hoạt động cho dân chủ nhân quyền quả cảm và đầy nhiệt huyết. Bản án 6 năm tù cũng không xói mòn được tinh thần của nhà hoạt động nhân quyền. Trong tù ông vẫn tiếp tục cùng các bạn tù nhân lương tâm lên tiếng phản đối những hành vi vi phạm quyền con người của quản giáo”.

Việt Tân trao “giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng” cho Trương Văn Dũng. Ảnh chụp màn hình
Việt Tân trao “giải thưởng nhân quyền Lê Đình Lượng” cho Trương Văn Dũng. Ảnh chụp màn hình
vachtranammuu-cover-b2-tit2.png

Qua các buổi "trao giải" được livestream trên các kênh mạng xã hội như Facebook, YouTube và các trang tin của các tổ chức phản động, có thể thấy rằng, Việt Tân không ngừng sử dụng các kênh truyền thông xã hội để phát tán những thông tin sai lệch về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Chúng biến các buổi "trao giải" thành diễn đàn kích động, vu khống tình hình nhân quyền ở Việt Nam, cố gắng tạo ra một làn sóng truyền thông nhằm chỉ trích Chính phủ Việt Nam. Với các chủ đề đặt ra cho mỗi lần "trao giải", cho thấy Việt Tân cũng không ngần ngại lợi dụng các vấn đề xã hội và kinh tế để kích động bạo loạn, gây mất ổn định tình hình.

Việt Tân biến các buổi trao giải thành diễn đàn xuyên tạc về tình hình nhân quyền ở Việt Nam và livestream trên các nền tảng mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình
Việt Tân biến các buổi trao giải thành diễn đàn xuyên tạc về tình hình nhân quyền ở Việt Nam và livestream trên các nền tảng mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình

Một thủ đoạn cơ bản của Việt Tân là xây dựng hình ảnh hoàn toàn trái ngược với thực tế về những kẻ phản động. Thay vì bị coi là những kẻ vi phạm pháp luật và đe dọa an ninh quốc gia, những đối tượng này lại được tôn vinh như những "nhà đấu tranh vì nhân quyền", "nạn nhân của sự đàn áp". Điều này nhằm mục đích làm thay đổi nhận thức của cộng đồng quốc tế về tình hình nhân quyền tại Việt Nam, qua đó thu hút sự ủng hộ từ bên ngoài và gây áp lực lên Chính phủ Việt Nam.

Một âm mưu nguy hiểm khác của Việt Tân là lôi kéo và kích động những người có tư tưởng bất mãn, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Bằng cách tạo ra hình ảnh “anh hùng” cho các phần tử phản động, Việt Tân hy vọng sẽ thu hút được những người có tư tưởng chống đối, từ đó tạo ra một lực lượng mới để tiếp tục các hoạt động chống phá. Đây cũng là một trong những chiêu bài để Việt Tân tuyên truyền, dụ dỗ, lôi kéo những người nhẹ dạ, hám tiền ở trong nước đi theo và trở thành tay sai cho tổ chức này.

vachtranammuu-cover-b2-box2.png
Trang web và facebook Việt Tân. Ảnh chụp màn hình
Trang web và facebook Việt Tân. Ảnh chụp màn hình

Những chiêu trò trao “Giải thưởng nhân quyền” của Việt Tân không chỉ là sự xuyên tạc, bóp méo sự thật mà còn là hành vi kích động, vu khống tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Qua đó, không ngừng tìm cách lôi kéo, kích động những kẻ chống đối, tạo ra một hình ảnh sai lệch về tình hình nhân quyền tại Việt Nam nhằm thu hút sự chú ý và hỗ trợ tài chính từ các tổ chức và cá nhân có tư tưởng chống phá. Chính vì vậy, cần phải cảnh giác và tỉnh táo trước những chiêu trò của Việt Tân, đồng thời kiên quyết đấu tranh chống lại những âm mưu và hành động chống phá của tổ chức này, bảo vệ sự ổn định và phát triển của đất nước.

(Còn nữa)


>> Trang chủ
>> Kỳ 1: Nhạo báng giá trị nhân quyền một cách trơ trẽn
>> Kỳ cuối: Chủ động đấu tranh, ngăn chặn từ sớm, từ xa

Đức Dũng