Trường học ở Nghệ An nói 'không' với sử dụng điện thoại
Việc sử dụng điện thoại trong trường học đã trở nên phổ biến trong nhiều học sinh và trong các nhà trường. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến việc học, việc tiếp thu bài giảng.
Trường học không có điện thoại
Từ ngày 30/9, Trường THPT Quỳ Hợp đã có thông báo chính thức cấm học sinh đưa điện thoại đến trường. Trên toàn tỉnh, ngoài một số trường đặc thù, đây dường như là ngôi trường đầu tiên đưa ra thông báo chính thức này.
Qua 2 ngày đi vào thực hiện, dù trên các diễn đàn vẫn có một số ý kiến trái chiều nhưng quy định này đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo phụ huynh.
Không còn điện thoại ở trường học, những giờ ra chơi của học sinh Trường THPT Quỳ Hợp đã có sự thay đổi tích cực. Thay vì học sinh chỉ chăm chăm nhìn vào điện thoại, hiện các em đã bắt đầu quay trở lại những trò chơi quen thuộc của tuổi học trò như đá cầu, nhảy dây, cầu lông...
Vì sao lại cấm điện thoại ở trường học? Theo thầy giáo Nguyễn Minh Đạt – Hiệu trưởng nhà trường, quyết định này được đưa ra khi trên thực tế nhà trường có hơn 80% học sinh có điện thoại di động thông minh và các em thường xuyên đưa đến trường.
Dù có nhiều biện pháp ngăn cấm học sinh sử dụng điện thoại trong các giờ học nhưng việc học sinh lén lút sử dụng vẫn thường xảy ra. Ngay cả khi ra chơi, học sinh cũng thường có thói quen chỉ quan tâm đến điện thoại, thay vì tham gia các hoạt động tập thể: Không thể phủ nhận điện thoại có nhiều ưu điểm và có rất nhiều kênh thông tin để học sinh tìm hiểu. Nhưng với học sinh, nhiệm vụ của các em đến trường là để tập trung vào bài học và một khi có điện thoại, các em sẽ sao nhãng bởi thường xuyên có rất nhiều tin nhắn, thông báo gửi đến - thầy giáo Nguyễn Minh Đạt nói thêm.
Trước khi đưa ra quyết định cấm học sinh đưa điện thoại đến trường, Ban Giám hiệu Trường THPT Quỳ Hợp đã lấy ý kiến trong đông đảo giáo viên và Hội cha mẹ học sinh. Qua đó cho thấy, tỷ lệ đồng tình trên 80%. Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết, có một số ý kiến phản đối như nếu học sinh đi học không mang điện thoại, người nhà sẽ không liên lạc được. Một số em lo ngại vì ở trọ, điện thoại để ở nhà sẽ dễ bị lấy cắp... Tuy nhiên, với mong muốn xây dựng một môi trường học đường không có điện thoại, nhà trường vẫn quyết tâm thực hiện.
Hàng ngày, Đội cờ đỏ của nhà trường sẽ ở cổng trường để kiểm tra và nhắc nhở các bạn. Nếu trường hợp nào vi phạm sẽ bị hạ điểm thi đua. Ngoài ra, nhà trường cũng cho phép mỗi lớp có một số học sinh (là ban cán sự lớp) được đưa điện thoại đến trường và công khai số điện thoại này với tất cả phụ huynh. Trong trường hợp khẩn cấp, phụ huynh có thể liên lạc qua số điện thoại này hoặc có thể liên lạc với thầy, cô giáo.
Thầy giáo Nguyễn Minh Đạt - Hiệu trưởng Trường THPT Quỳ Hợp
Cấm sử dụng điện thoại trong giờ học
Trước Trường THPT Quỳ Hợp, 2 trường THPT DTNT tỉnh và Trường PT DTNT THPT số 2 là những trường tiên phong không cho học sinh sử dụng điện thoại.
Tại Trường PT DTNT THPT số 2, thầy giáo Lô Thanh Bình cho biết: Trước đây, khi học sinh còn được đưa điện thoại vào trường, chúng tôi đã từng phải xử lý một số trường hợp mâu thuẫn giữa học sinh trong và ngoài nhà trường. Vì vậy, nhà trường đã lấy ý kiến của phụ huynh về việc cấm học sinh sử dụng điện thoại và được tất cả phụ huynh đồng tình. Qua nhiều năm triển khai, việc cấm sử dụng điện thoại đã được đưa vào nội quy và phụ huynh phải cam kết với nhà trường trong việc phối hợp cùng quản lý.
Trước khi việc cấm điện thoại được đưa vào nề nếp, Trường PT DTNT THPT số 2 cũng đã có rất nhiều biện pháp “cứng” để răn đe học sinh: Khi mới đưa vào thực hiện, nếu phát hiện một học sinh sử dụng điện thoại, chúng tôi yêu cầu phụ huynh phải xuống trường ký vào biên bản, nhận lại điện thoại của học sinh.
Nếu học sinh vi phạm nhiều lần, các em có thể sẽ bị nghỉ học một vài ngày và phải có sự đồng ý của chính quyền địa phương các em mới có thể trở lại học. Bằng những biện pháp cứng rắn, học sinh đã thực hiện rất nghiêm túc và điều này đem đến nhiều lợi ích cho các em khi theo học ở nhà trường. Nếu cần liên lạc với người nhà, các em có thể sử dụng điện thoại của giáo viên hoặc điện thoại chung của nhà trường để ở ký túc xá – thầy Bình kể thêm.
Dù chưa cấm triệt để nhưng hiện nay nhiều lớp học các trường học ở Nghệ An, nhà trường và phụ huynh đã chủ động sắm những chiếc hộp nhỏ, có khóa và yêu cầu học sinh phải bỏ điện thoại vào hộp trong các giờ học.
Ở Trường THPT Lê Lợi (Tân Kỳ), song song với việc nhà trường sắm cho mỗi lớp một hộp điện thoại, nhà trường cũng đưa ra nhiều quy định nếu học sinh vi phạm. Nói thêm về điều này, thầy giáo Nguyễn Văn Thịnh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường hợp học sinh vi phạm, nếu lỗi nặng chúng tôi sẽ lập biên bản tịch thu điện thoại và cuối năm mới trả lại cho phụ huynh. Còn lại, nếu có học sinh vi phạm lớp sẽ bị trừ điểm thi đua hoặc yêu cầu các em đi lao động để rèn luyện ý thức.
Tại Trường THPT Đô Lương 1, việc không sử dụng điện thoại trong giờ học được thực hiện bằng cách tạo ý thức cho học trò để các em không có thói quen dùng điện thoại trong giờ học. Song song với đó, nhà trường tiếp tục sử dụng các hộp cất giữ điện thoại, tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm nếu học sinh vi phạm.
Thầy giáo Lê Đức Hưng – Hiệu trưởng Trường THPT Đô Lương 1 nói thêm: Trong quy định trường chúng tôi, việc cấm không thực hiện hoàn toàn vì có một số tiết học học sinh có thể sử dụng điện thoại để tăng hiệu quả bài giảng. Tuy nhiên, nếu giáo viên muốn có những tiết học có sử dụng điện thoại thì giáo viên phải có kế hoạch cụ thể. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề nghị giáo viên không nên lạm dụng việc sử dụng điện thoại vào các tiết học mà có thể sử dụng các ứng dụng khác qua hệ thống ti vi có sử dụng internet được lắp đặt tại các lớp học.
Về vấn đề sử dụng điện thoại, ngày 15/9 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT trong đó quy định: “Học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.
Dự kiến trong tháng 10 này, Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An sẽ phát động cuộc vận động “Học sinh Nghệ An nói không với điện thoại trong buổi học” và hy vọng từ đó sẽ nêu cao ý thức của các em học sinh trong việc sử dụng điện thoại, góp phần nâng cao hiệu quả việc dạy học ở các nhà trường.