Xây dựng Đảng

Kiến tạo nền móng vững chắc cho giai đoạn phát triển mới - Kỳ 3: Quyết ‘Nhổ đinh dưới thảm’

Đức Chuyên - Thành Duy 04/10/2024 08:27

Trước đây, môi trường đầu tư ở Nghệ An từng bị dư luận ví von “trên rải thảm, dưới rải đinh” để chỉ sự bất nhất giữa chính sách và thực tiễn. Nhận thức rõ những trở ngại này, bước vào nhiệm kỳ 2020-2025, Nghệ An quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo dựng môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.

nghiquyetdaihoi-b3-cover.png
nqdaihoi-b3-tit.png

Đức Chuyên - Thành Duy • 4/10/2024

Trước đây, môi trường đầu tư ở Nghệ An từng bị dư luận ví von “trên rải thảm, dưới rải đinh” để chỉ sự bất nhất giữa chính sách và thực tiễn. Nhận thức rõ những trở ngại này, bước vào nhiệm kỳ 2020-2025, Nghệ An quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo dựng môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.

nqdaihoi-b3-titphu1.png

Phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Thủ tướng Chính phủ đã “bắt mạch” nền công vụ Nghệ An: “Xã thì hiền, huyện không có quyền, tỉnh thì mở nhưng sở thì thắt lại”, nên môi trường đầu tư kinh doanh, cơ hội cho nhà đầu tư nhiều khi bị bỏ lỡ.

Các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh trao đổi với cán bộ làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Thành Duy
Các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh trao đổi với cán bộ làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Thành Duy

Nhận thức rõ, đầu tư cho cải cách hành chính (CCHC) là đầu tư cho sự phát triển, “đã nói phải làm”, thực chất, không hình thức, lấy sản phẩm, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của các cơ quan làm thước đo, nên bước vào nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghệ An quyết tâm thay đổi hình ảnh bộ máy công vụ của tỉnh, xem đây là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị. Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh xác định 1 trong 3 đột phá phát triển là: “Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh gắn với CCHC, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành”.

Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy đã ban hành 2 nghị quyết liên quan đến công tác CCHC, gồm Nghị quyết số 05, ngày 14/12/2021 về đẩy mạnh công tác CCHC chính trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2030 và Nghị quyết số 09, ngày 5/8/2022 về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, có tính đến năm 2030.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh. Ảnh: Thành Duy
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh. Ảnh: Thành Duy

Đặc biệt, lần đầu tiên tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo CCHC từ cấp tỉnh đến cấp sở, ban, ngành và cấp huyện được lập do người đứng đầu cấp ủy đứng đầu, thay vì chủ tịch UBND các cấp như các tỉnh, thành khác. Động thái này là thể hiện quan điểm rất quyết liệt của lãnh đạo tỉnh đối với công tác CCHC, đưa cả hệ thống chính trị vào cuộc, chứ không phải là nhiệm vụ riêng của UBND các cấp. Bộ Nội vụ đánh giá: Nghệ An là địa phương duy nhất cả nước thực hiện mô hình bí thư cấp ủy làm trưởng Ban Chỉ đạo CCHC.

Ở cấp tỉnh, trực tiếp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, các đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Phó Trưởng ban, thành viên là các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh và một số sở, ngành. Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh họp định kỳ mỗi năm 2 lần (6 tháng đầu năm và cuối năm) và họp đột xuất khi cần thiết. Mỗi thành viên Ban Chỉ đạo đều được giao phụ trách ngành, lĩnh vực, địa phương cụ thể và phải có báo cáo hoạt động, kết quả chỉ đạo cho Thường trực Ban Chỉ đạo. Ngay trong phiên họp đầu tiên, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý - Trưởng ban Chỉ đạo CCHC tỉnh chỉ rõ: Ban Chỉ đạo phải vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ thực sự; “không phải quyết tâm trên giấy” mà phải bằng hành động, công việc cụ thể. Các thành viên Ban Chỉ đạo cần nêu gương, coi việc này là việc quan trọng, gắn với trách nhiệm người đứng đầu.

bttuthaithanhquyquotes.png

Kể từ khi được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành quyết định thành lập vào tháng 3/2023 đến nay, Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh đều cho ý kiến về chủ đề từng năm. Chủ đề năm 2023 là “Thực thi công vụ, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức - Kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm và hiệu quả”; năm 2024 là “Đẩy mạnh chuyển đổi số, tập trung nâng cao tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình, tỷ lệ số hóa hồ sơ, tỷ lệ thanh toán trực tuyến”. Mỗi năm tỉnh đều lựa chọn 7 đơn vị chỉ đạo điểm (4 huyện, 3 sở, ngành). Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành 3 chỉ thị về đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và bắt đầu từ năm 2023, công bố kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành và UBND các huyện (DDCI).

Thường trực Tỉnh ủy đối thoại với lãnh đạo quản lý cấp phòng và chuyên viên Khối Các cơ quan tỉnh - Ảnh Thành Cường
nqdaihoi-b3-titphu2.png

Cốt lõi của công tác CCHC là cải cách về tinh thần trách nhiệm, ý thức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cho nên, ngay từ khi thành lập, bên cạnh chỉ đạo thực hiện các nội dung chung, ưu tiên hàng đầu của Ban Chỉ đạo tỉnh là quyết liệt thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; kiên quyết không thỏa hiệp với nhũng nhiễu, tiêu cực.

Một mặt, Nghệ An tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ CCHC, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ tại các đơn vị, địa phương. Qua đó, phát hiện và xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức các cấp vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ không chỉ thông qua xử phạt hành chính của Nhà nước và về mặt Đảng, mà còn tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Năm 2023, đã có 3 lãnh đạo cấp sở, ngành và UBND cấp huyện; 5 lãnh đạo cấp phòng thuộc sở, ngành và UBND và 67 người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước tại các đơn vị sự nghiệp công lập bị xử lý kỷ luật. 6 tháng đầu năm 2024, 27 người bị kỷ luật, trong đó, có 9 cán bộ và 18 công chức.

Đoàn kiểm tra Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ kiểm tra công tác CCHC tại huyện Nam Đàn; Đoàn công tác tỉnh kiểm tra Đoàn kiểm tra việc triển khai tiếp nhận và xử lý hồ sơ cho công dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND huyện Đô Lương; Các thủ tục hành chính được công khai có mã QR ở các phường, xã của thị xã Thái Hòa. Ảnh tư liệu: Phạm Bằng - Thanh Lê - Tô Thìn
Đoàn kiểm tra Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ kiểm tra công tác CCHC tại huyện Nam Đàn; Đoàn công tác tỉnh kiểm tra tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND huyện Đô Lương; Các thủ tục hành chính được công khai có mã QR ở các phường, xã của thị xã Thái Hòa. Ảnh tư liệu: Phạm Bằng - Thanh Lê - Tô Thìn

Mặt khác, Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh có cách làm rất mới, đó là tăng cường nắm bắt thông tin, dư luận từ nhiều phía, đặc biệt, từ người dân, doanh nghiệp, nếu có dư luận không tốt sẽ tiến hành thuyên chuyển vị trí công tác nếu xác minh phản ánh đúng.

Trên nhiều diễn đàn, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh nhìn nhận công tác CCHC của tỉnh từ khi thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, đã có chuyển biến rõ, nhất là đã thực hiện được việc nơi nào “Cải cách hành chính chưa chuyển biến thì chuyển người”.

Các văn bản chỉ đạo, báo cáo tình hình cải cách hành chính hàng tháng, hàng quý của UBND tỉnh Nghệ An
Các văn bản chỉ đạo, báo cáo tình hình cải cách hành chính hàng tháng, hàng quý của UBND tỉnh Nghệ An.

Liên tiếp trong các năm 2023, 2024, qua các kênh thông tin, Thường trực Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh đã nắm bắt được một số dư luận không tốt về lãnh đạo, cán bộ cấp phòng một số sở, ngành và trực tiếp “điểm mặt, chỉ tên” trong các cuộc họp của Ban Chỉ đạo; qua đó yêu cầu xác minh, điều chuyển vị trí công tác.

Ví dụ, ngay tại phiên họp thứ 2 vào ngày 27/7/2023, Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh đã chỉ rõ: “Một số cán bộ thuộc phòng chuyên môn của Sở Xây dựng, Sở Tài Nguyên và Môi trường có dư luận phản ánh còn gây phiền hà, sách nhiễu trong thực thi công vụ”. Trên cơ sở đó, các cơ quan liên quan đã tiến hành xác minh và điều chuyển vị trí công tác các cán bộ liên quan như tại Sở Tài nguyên và Môi trường...

Tại phiên họp thứ 4, ngày 2/8/2024, Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh tiếp tục nêu tên “một số cán bộ, công chức của Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam, Cục Thuế Nghệ An còn có phản ánh trong thực thi công vụ có một số biểu hiện như nhũng nhiễu, gây phiền hà, phương pháp làm việc cứng nhắc, chưa khoa học, thiếu tính thuyết phục”; qua đó, yêu cầu, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh (Sở Nội vụ) theo dõi, nắm tình hình việc xử lý, báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh tại phiên họp cuối năm 2024.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nghệ An hướng dẫn người dân lấy phiếu thứ tự. Ảnh: Thanh Lê
Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nghệ An hướng dẫn người dân lấy phiếu thứ tự. Ảnh: Thanh Lê

Với phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau” hoạt động của Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh đã lan tỏa đến các cấp, ngành. Cuối năm 2023, báo cáo tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Tân Kỳ Bùi Thanh Bảo cho biết: Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy, từ đầu năm 2024, Chủ tịch UBND huyện ký cam kết với các trưởng phòng, ngành và chủ tịch UBND cấp xã thực hiện các chỉ số CCHC. “Nếu như cuối năm, các chỉ số này không đạt theo yêu cầu thì phải tự nguyện viết đơn xin chuyển công tác khác”, Bí thư Huyện ủy Tân Kỳ nói.

Với 62 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc và hơn 5.200 đảng viên đang làm việc trong các cơ quan đầu não của tỉnh, Đảng ủy Khối đã ban hành Chỉ thị số 03 -CT/ĐUK ngày 2/7/2024 nhấn mạnh chuẩn mực “4 cần, 4 không”. Đó là 4 điều cần làm: “Dám nghĩ, dám nói, dám làm; nói đi đôi với làm; làm sáng tạo, hiệu quả; làm hết trách nhiệm vì lợi ích chung” và 4 điều không được làm: “Không làm sai, làm trái, tư lợi cá nhân; không đùn đẩy, né tránh công việc; không làm việc qua loa, đại khái; không lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi thực hiện nhiệm vụ”.

Đồng chí Phạm Tuấn Vinh - Bí thư Đảng ủy Khối cho biết: Đảng ủy tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng, nhất là tăng cường công tác giám sát thường xuyên góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các sai phạm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và giữ gìn kỷ luật, kỷ cương trong Đảng.

Cán bộ trực tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: Thanh Lê
Cán bộ trực tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: Thanh Lê

Hiện nay, Nghệ An đang tập trung mạnh thực hiện “5 rõ” trong CCHC: “Rõ nội dung công việc; rõ bộ phận tham mưu; rõ cá nhân lãnh đạo, chỉ đạo; rõ thời gian hoàn thành; rõ sản phẩm công việc” khi xây dựng, ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch CCHC; đồng thời, triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác CCHC với khẩu hiệu hành động “3 tăng”: “Tăng tính công khai, minh bạch, trách nhiệm trong thực thi công vụ; tăng cường giải quyết thủ tục hành chính qua môi trường mạng; tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp” và “2 giảm”: “Giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính; giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính”; cùng “2 không”: “Không gây phiền hà, sách nhiễu; không trễ hẹn”.

UBND tỉnh yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ chuyển từ “giải thích, giải trình” sang “giải pháp, giải quyết” theo chuẩn mực “5 có, 3 không”: “Có trách nhiệm cao với công việc được giao; có kiến thức, kỹ năng trong thực hiện nhiệm vụ; có tính sáng tạo, làm việc khoa học, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; có ý thức tổ chức kỷ luật tốt; có tư tưởng và đạo đức nghề nghiệp trong sáng; không quan liêu; không có hành vi, thái độ tiêu cực trong thi hành công vụ; không chủ nghĩa cá nhân, thực dụng”.

fsf.jpg
Chỉ số CCHC (PAR INDEX) năm 2023 tỉnh Nghệ An xếp thứ 15 toàn quốc và dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ. Nguồn: Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ công bố ngày 17/4/2024.

Với những nỗ lực đó, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng cho biết: Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) của Nghệ An tăng hàng năm; năm 2023 (được công bố vào năm 2024) nằm trong tốp 15 của cả nước. Cụ thể, Chỉ số PAR INDEX xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 1 bậc so với năm 2022, đứng đầu trong 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ). Chỉ số SIPAS xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 2 bậc so với năm 2022, đứng thứ 2 trong 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ.

d.jpg
Chỉ số SIPAS Nghệ An năm 2023 xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 2 bậc so với năm 2022. Nguồn: Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ công bố ngày 17/4/2024.

Từ sự chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của tỉnh, cùng với quyết tâm nỗ lực, trách nhiệm của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và địa phương, so với đầu nhiệm kỳ đến nay bức tranh nền công vụ của Nghệ An đã có nhiều gam sáng hơn, chuyển biến toàn diện hơn, tác động trực tiếp vào hiệu quả công việc.

Trên lĩnh vực thu hút đầu tư, có những dự án đầu tư lập kỷ lục được cấp phép chỉ trong vài ngày đã minh chứng cho những thay đổi. Ông Jiang Hong Zhai - Phó Chủ tịch cao cấp Tập đoàn Goertek, Tổng Giám đốc Công ty Goertek Vina từng lý giải lý do tập đoàn quyết định tăng vốn đầu tư thêm 400 triệu USD vào Nghệ An sau khi đã đầu tư 100 triệu USD trước đó xuất phát từ ấn tượng đặc biệt với hiệu quả, thời gian giải quyết thủ tục hành chính, cũng như môi trường đầu tư. “Chúng tôi đã hoàn thành các thủ tục xin cấp phép Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chỉ trong vòng 10 ngày làm việc. Điều này tạo niềm tin cho chúng tôi tiếp tục mở rộng đầu tư vào tỉnh Nghệ An”, Phó Chủ tịch cao cấp Tập đoàn Goertek nói.

Jiang Hong Zhai quotes

Hay như Dự án 165 triệu USD của Tập đoàn Shandong Innovation Metal Technology, từ khi tập đoàn nộp hồ sơ đề xuất đầu tư dự án đến khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chỉ trong 5 ngày làm việc. Thông qua dự án này, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung chuyển tải thông điệp: "Đây cũng là tinh thần chỉ đạo của tỉnh Nghệ An trong việc đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư kể từ lúc bắt đầu vào khảo sát đến khi dự án đi vào hoạt động”.

Cải cách hành chính là việc làm khó, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực; đặc biệt là liên quan trực tiếp đến yếu tố con người nên còn nhiều việc phải làm, cần phải có thời gian và phải thực hiện kiên trì mới tạo ra sự thay đổi tổng thể. Tuy vậy, kết quả đạt được là cơ sở để tin tưởng trong thời gian tới, nền công vụ của Nghệ An sẽ tiếp tục có những chuyển biến tích cực, hiệu quả hơn, thực sự đáp ứng được yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Một góc trung tâm thành phố Vinh. Ảnh: Thành Duy
Một góc trung tâm thành phố Vinh. Ảnh: Thành Duy

Sau hơn 2,5 năm triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về chuyển đổi số, nhiều tiện ích từ dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh điện tử trên địa bàn tỉnh đã được cung cấp, người dân và xã hội được thụ hưởng ngày càng tốt hơn. Nghệ An là một trong những tỉnh đứng đầu về thực hiện Đề án số 06/CP được Thủ tướng Chính phủ biểu dương. Đến nay, 25 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06 được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, người dân có thể thao tác trực tuyến tại nhà, tiết kiệm cho Nhà nước và xã hội hàng tỷ đồng.

(Còn nữa)


>> Trang chủ
>> Kỳ 1: Nhìn thẳng vào sự thật
>> Kỳ 2: Chìa khóa “trọng tâm, trọng điểm”
>> Kỳ 4: Chủ động đón sóng đầu tư, vươn tầm thu hút FDI
>>
Kỳ cuối: Sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới

Đức Chuyên - Thành Duy