Xây dựng Đảng

Kiến tạo nền móng vững chắc cho giai đoạn phát triển mới - Kỳ cuối: Sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới

Đức Chuyên - Thành Duy 06/10/2024 06:53

Trong nhiệm kỳ 2020-2025, dù phải đối mặt với muôn vàn thách thức, đặc biệt là giai đoạn đầu chống chọi đại dịch Covid-19 và thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” nhưng Nghệ An đã cho thấy sức mạnh đoàn kết và quyết tâm không ngừng nghỉ; đã tạo ra những bước tiến vượt bậc, ghi dấu nhiều thành tựu phát triển bền vững, hình thành nền tảng vững chắc để sẵn sàng bước vào nhiệm kỳ 2025-2030 với khát vọng mới.

nghiquyetdaihoi-b5-cover.png
nqdaihoi-b5-tit.png

Đức Chuyên - Thành Duy • 6/10/2024

Trong nhiệm kỳ 2020-2025, dù phải đối mặt với muôn vàn thách thức, đặc biệt là giai đoạn đầu chống chọi đại dịch Covid-19 và thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” nhưng Nghệ An đã cho thấy sức mạnh đoàn kết và quyết tâm không ngừng nghỉ; đã tạo ra những bước tiến vượt bậc, ghi dấu nhiều thành tựu phát triển bền vững, hình thành nền tảng vững chắc để sẵn sàng bước vào nhiệm kỳ 2025-2030 với khát vọng mới.

nqdaihoi-b5-titphu1.png

Còn nhớ một sáng tháng 3/2023, trời hãy còn tinh sương, trong ngôi nhà mới trên ngọn đồi cao ở bản Hồng Tiến, xã Chiêu Lưu, vợ chồng ông Kha Văn Thắng chộn rộn vào ra. Chọn cho mình bộ áo quần tinh tươm nhất, hai ông bà đã ngoài ngũ tuần tất bật dọn dẹp để chuyển vào nhà mới được lực lượng Công an tỉnh hỗ trợ dựng bên triền đồi phía sau con dốc ngoằn nghèo, cao chót vót. Cạnh bên vẫn còn ngôi nhà cũ cột kèo tạm bợ, vách tường chỗ có chỗ không, mái lợp fibro xi măng. Đây là nơi ở của gia đình 8 người suốt bao năm qua. Có đứng trong ngôi nhà cũ trống huơ, trống hoác, gió lùa tứ phía này mới thấu cảm nỗi khát khao cháy bỏng về một ngôi nhà kiên cố, vững chãi của ông và gia đình.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý và đoàn công tác trong ngôi nhà cũ của ông Kha Văn Thắng ở bản Hồng Tiến, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Thành Duy
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý và đoàn công tác trong ngôi nhà cũ của ông Kha Văn Thắng ở bản Hồng Tiến, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Thành Duy

Đón Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý và các đồng chí lãnh đạo tỉnh đến thăm, động viên, trao nhà mới, ông Thắng không cầm được xúc động, ánh mắt sáng lên niềm vui khôn tả. Nắm chặt tay từng người trong đoàn công tác, ông nói: Gia đình rất phấn khởi, hồ hởi. Giờ có nhà mới khang trang rồi, chỉ còn động viên con cháu tập trung làm ăn, thoát nghèo.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý và đoàn công tác chia vui cùng ông Kha Văn Thắng khi được hỗ trợ ngôi nhà mới. Ảnh: Thành Duy
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý và đoàn công tác chia vui cùng ông Kha Văn Thắng khi được hỗ trợ ngôi nhà mới. Ảnh: Thành Duy

Mé dưới sườn đồi, phía trước nhà ông Thắng, là ngôi nhà mới của vợ chồng cụ ông Vi Văn Thơm (93 tuổi) và kế bên là ngôi nhà của vợ chồng anh Vi Văn Nam (43 tuổi). Hai gia đình, hai thế hệ, nhưng có một điểm chung là họ đều rất nghèo. Nếu không có sự giúp đỡ, hỗ trợ, có lẽ giấc mơ có một ngôi nhà kiên cố, vững chãi, để không còn bận lòng lo lắng trên mảnh đất “nắng khét cháy da, gió Lào rát mặt”, “bão lũ triền miên” của những hộ nghèo này sẽ còn rất rất lâu nữa mới thành hiện thực.

Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng cụ Vi Văn Thơm, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, hộ nghèo đặc biệt khó khăn, mất sức lao động, trong ngôi nhà mới
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý chúc mừng cụ Vi Văn Thơm, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, hộ nghèo đặc biệt khó khăn, mất sức lao động, trong ngôi nhà mới

Đến thăm trực tiếp từng hộ gia đình, các thành viên đoàn công tác đều cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc khôn tả không chỉ của các gia đình hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở, mà cả của xóm giềng qua từng cử chỉ, ánh mắt, nụ cười, giọng nói chân chất, thật thà của họ, như lời thốt lên “mừng run cả người” của mẹ anh Bùi Văn Nam khi trò chuyện cùng Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý trước ngôi nhà mới được trao tặng.

Gia đình ông Thắng, cụ Thơm, anh Nam là 3 trong số 65 hộ nghèo đầu tiên của xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn và cũng là đầu tiên của tỉnh Nghệ An được nhận nhà mới chỉ sau hơn một tháng khởi động “Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 – 2025”.

Nhân dân xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn vui mừng đón Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý và đoàn công tác
Nhân dân xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn vui mừng đón Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý và đoàn công tác đến trao những căn nhà đầu tiên vào tháng 3/2023, được hoàn thành hỗ trợ hộ nghèo thực hiện theo Chỉ thị 21 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ảnh: Thành Duy

Cha ông có câu “an cư lạc nghiệp”, để nói rằng trong đời sống của người Việt chúng ta, ngôi nhà chiếm vị trí đặc biệt quan trọng. Nhưng đó cũng là khao khát cháy bỏng của bao phận đời, phận người cuộc sống còn phải chạy ăn từng bữa, thì đâu dám nghĩ có trong tay vài chục triệu đồng để có một căn nhà vững chãi. Đó cũng là đau đáu, trăn trở của lãnh đạo tỉnh suốt thời gian qua. Chính vì vậy, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghệ An vừa song song thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế, vừa rất coi trọng công tác an sinh xã hội.

Kết thúc năm 2022, lần đầu tiên, thu ngân sách của tỉnh vượt mốc 20.000 tỷ đồng, đạt 21.817 tỷ đồng; năm 2023 dù nền kinh tế có nhiều khó khăn do “ngấm” hậu quả của đại dịch Covid - 19, song dấu mốc này tiếp tục được giữ vững với 21.279 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu cũng là điểm sáng nổi trội trong nhiệm kỳ, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh ngay năm đầu tiên của nhiệm kỳ. Theo đó, mục tiêu đặt ra đến năm 2025 là 1,765 tỷ USD, song năm 2021, Nghệ An đã đạt 2,428 tỷ USD, năm 2022 đạt 2,539 tỷ USD và năm 2023 lần đầu tiên vượt 3 tỷ USD, đạt 3,11 tỷ USD.

Tàu container cập cảng Cửa Lò. Ảnh: Thu Huyền
Tàu container cập cảng Cửa Lò. Ảnh: Thu Huyền

Với những lần đầu tiên đó tạo nền tảng cho tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) luôn đạt khá và cao hơn so với bình quân chung của cả nước; năm 2021 tăng 6,13%; năm 2022 tăng 8,78%, năm 2023 đạt 7,14%, 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt từ 7,5 - 8%. Quy mô nền kinh tế theo đó ngày càng mở rộng; năm 2020 mới chỉ đạt hơn 144.523 tỷ đồng, năm 2021 đạt 155.441 tỷ đồng, thì năm 2022 đạt gần 176.000 tỷ đồng, chính thức đứng vào 10 địa phương có GRDP cao nhất cả nước. Tiếp đà tăng trưởng, năm 2023, quy mô nền kinh tế tỉnh đạt 193.374 tỷ đồng, giữ vững vị trí thứ 10 cả nước và sẽ sớm vượt 200.000 tỷ đồng (vượt mốc 8 tỷ USD) trong nhiệm kỳ này.

Đồ họa: H.Q
Đồ họa: H.Q
Dây chuyền sản xuất Clinker tại Nhà máy xi măng Đô Lương; Sản xuất tại CCN ở Diễn Châu và Công ty điện tử BSE; Nông dân huyện Nam Đàn thu hoạch lúa bằng cơ giới.
Dây chuyền sản xuất Clinker tại Nhà máy xi măng Đô Lương; Sản xuất tại CCN ở Diễn Châu và Công ty điện tử BSE; Nông dân huyện Nam Đàn thu hoạch lúa bằng cơ giới. Ảnh: Tư liệu

Tuy nhiên, những thành quả tăng trưởng trên chỉ có ý nghĩa khi người dân được hưởng lợi, không ai bị bỏ lại phía sau. Đó cũng là quan điểm, tầm nhìn xuyên suốt trong phát triển của tỉnh Nghệ An như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ trong tác phẩm: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” là “phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Điều đó có nghĩa là: Không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Trái lại, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là một yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Cho nên, việc nâng cao thu nhập cho người dân, xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội luôn được đặt lên trong các chương trình, quyết sách của lãnh đạo tỉnh và đạt được nhiều kết quả rất trân trọng.

Gần 141 tỷ đồng ủng hộ Tết Vì người nghèo - Xuân Giáp Thìn năm 2024 của Nghệ An. Ảnh tư liệu: Thành Cường
Gần 141 tỷ đồng ủng hộ Tết Vì người nghèo - Xuân Giáp Thìn năm 2024 của Nghệ An. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Đến cuối năm 2023, GRDP bình quân đầu người của tỉnh đã 57,15 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,19%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 5,73%. Đặc biệt, theo Ban Dân tộc tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2023 giảm bình quân 4,76% mỗi năm (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2022-2025). Cuối năm 2021 là 51.532 hộ, tỷ lệ 17,24%, cuối năm 2023 là 37.725 hộ, tỷ lệ là 12,48%.

Giai đoạn 2021-2025 theo kế hoạch đầu tư công trung hạn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tỉnh Nghệ An được đầu tư 8.859 tỷ đồng (gồm các nguồn vốn: Ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư có mục tiêu hơn 1,8 nghìn tỷ đồng, ngân sách tỉnh. hơn 3 nghìn tỷ đồng; vốn đầu tư phát triển các chương trình mục tiêu quốc gia gần 4,2 ngàn tỷ đồng (Chương trình Nông thôn mới hơn 733 tỷ đồng; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gần 2,6 ngàn tỷ đồng; giảm nghèo bền vững gần 804 tỷ đồng).

Miền Tây Nghệ An đang đổi thay từng ngày. Ảnh: Thành Cường
Miền Tây Nghệ An đang đổi thay từng ngày. Ảnh: Thành Cường

Để có được thành quả đó, điểm sáng trong nhiệm kỳ này là tỉnh đã nhân lên được ý nghĩa cao đẹp của “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”, mà cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 – 2025 do Tỉnh ủy Nghệ An phát động đúng vào dịp Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930 -3/2/2023) là một dấu ấn.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 10/2/2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh và thành lập Ban Chỉ đạo vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đứng đầu. Mục tiêu đặt ra là trước Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030 sẽ cơ bản xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh cho 9.200 hộ nghèo chưa có nhà ở đang cần được hỗ trợ xây mới và trên 6.175 hộ có nhu cầu hỗ trợ sửa chữa nhà ở.

Cuộc vận động hỗ trợ đã lan tỏa sâu rộng, nhận được sự hưởng ứng hết sức tích cực trong và ngoài tỉnh. Tính đến ngày 30/7/2024, toàn tỉnh đã kêu gọi, vận động xây dựng, sửa chữa được 9.268 nhà, đạt 58,5% kế hoạch giai đoạn 2023-2025, với tổng nguồn lực đã huy động được trên 750 tỷ đồng; hơn kết quả 10 năm trước cộng lại. Trong đó 11 huyện vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã xây mới, sửa chữa được 7.995 nhà (lắp ghép 3.560 nhà, xây mới 3.398 nhà, sửa chữa 1.037 nhà) đảm bảo cho người dân ổn định cuộc sống.

Những ngôi nhà thực hiện từ nguồn vận động của lực lượng Công an đã hoàn thành bàn giao cho hộ nghèo bản Châu Sơn, xã Châu Khê, huyện Con Cuông. Ảnh: Thành Duy
Những ngôi nhà đã hoàn thành bàn giao cho hộ nghèo bản Châu Sơn, xã Châu Khê, huyện Con Cuông. Ảnh: Thành Duy

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, một nhiệm kỳ mà càng khó khăn, thì sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng củng cố, phát huy; nhiệm kỳ của “tình dân tộc, nghĩa đồng bào” được lan tỏa mạnh mẽ trong toàn tỉnh. Trong gần 5 năm qua, nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ người nghèo, cứu trợ, hỗ trợ các đối tượng yếu thế và an sinh xã hội khác là 2.815,5 tỷ đồng. Từ nguồn vận động này, đã trao quà Tết cho 608.400 suất quà Tết; hỗ trợ 12.944 hộ nghèo chữa bệnh, hỗ trợ 7.851 hộ nghèo phương tiện sản xuất; hỗ trợ 42.497 học sinh nghèo đi học, hỗ trợ hàng nghìn hộ dân để khắc phục hậu quả thiên tai, công trình dân sinh bị hư hỏng. Không chỉ là "nhận", mà điều trân quý là Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Nghệ An còn biết "cho đi", dù còn bao bộn bề lo toan. Chỉ tính riêng ủng hộ đồng bào phía Bắc khắc phục hậu quả cơn bão số 3, tính đến ngày 25/9, toàn tỉnh vận động, quyên góp được trên 114 tỷ đồng, trong đó bằng tiền mặt gần 90 tỷ đồng, đứng tốp đầu cả nước.

nqdaihoi-b5-titphu2.png

Hiện nay, Nghệ An vừa tăng tốc, quyết tâm thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đạt được kết quả cao nhất; vừa tiến hành công tác chuẩn bị cho Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XX, nhiệm kỳ 2025 -2030.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Thông tri số 09-TT/TU, ngày 10/9/2024 về Đại hội bộ Đảng các cấp. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thành lập 4 tiểu ban chuẩn bị cho Đại hội, trong đó Tiểu ban Văn kiện có nhiệm vụ chuẩn bị Báo cáo chính trị trình Đại hội đã họp phiên thứ nhất và theo kế hoạch trước tháng 8/2025 phải hoàn thiện để sẵn sàng trình Bộ Chính trị duyệt. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý - Trưởng Tiểu ban Văn kiện yêu cầu, trong quá trình xây dựng văn kiện cần đánh giá được những thay đổi tích cực trong quan điểm phát triển, lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020 - 2025; từ đó đúc kết, nhân rộng trong nhiệm kỳ mới.

Phiên làm việc thứ nhất Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Ảnh: Thành Duy
Phiên làm việc thứ nhất Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Ảnh: Thành Duy

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, bất chấp bối cảnh chung rất khó khăn, đặc biệt là những năm đầu nhiệm kỳ phải đối phó với đại dịch Covid -19, thực hiện mục tiêu kép: “Vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội”, nhưng cũng đã chứng kiến sức vươn lên mạnh mẽ của Nghệ An với nhiều dấu mốc phát triển mới được thiết lập bền vững.

Thực tiễn sinh động từ đầu nhiệm kỳ đến nay là “tài nguyên” quý giá để đúc kết những bài học kinh nghiệm về xây dựng Đảng bộ tỉnh “mạnh về tư tưởng, vững về tổ chức, sung sức trong chỉ đạo, sáng tạo chớp thời cơ” quyết đưa phong trào tỉnh tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc; về đổi mới nội dung, phương thức, phong cách lãnh đạo, lề lối làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực của cấp ủy, đảng viên; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và tinh thần đoàn kết của toàn xã hội.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý trò chuyện với đảng viên Chi bộ Tân Tiến, phường Hưng Dũng, thành phố Vinh. Ảnh: Thành Duy
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý trò chuyện với đảng viên Chi bộ Tân Tiến, phường Hưng Dũng, thành phố Vinh. Ảnh: Thành Duy

Đó chính là bài học nhận thức đúng vị trí, vai trò của Nghệ An trong khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước để “dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”; phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, nội lực của tỉnh; tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương; chủ động kết nối, hợp tác với các tỉnh bạn, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, thu hút hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, tỉnh luôn bám sát chủ trương của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ban, bộ, ngành; chủ động, kiên trì đề xuất, kiến nghị với Trung ương các cơ chế, chính sách để thực hiện định hướng, mục tiêu đã xác định; phát huy tốt tính linh hoạt, sáng tạo của các cấp, các ngành địa phương trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Trong tổ chức thực hiện, tỉnh triển khai nhiệm vụ toàn diện trên các lĩnh vực; đồng thời, lựa chọn trọng tâm, trọng điểm, khâu đột phá để ưu tiên bố trí nguồn lực và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện như về cải cách hành chính, đầu tư công, thu hút đầu tư... Đồng thời thực hiện tốt công tác cán bộ gắn với đề cao trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành; phát huy chức năng giám sát, phản biện của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và của nhân dân.

Nghệ An đã tạo nền móng vững chắc để bước vào giai đoạn phát triển mới, hoàn chung kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Ảnh: Một góc trung tâm thành phố Vinh. Ảnh Thành Duy
Nghệ An đã tạo nền móng vững chắc để bước vào giai đoạn phát triển mới, hoà chung kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong ảnh: Một góc trung tâm thành phố Vinh. Ảnh: Thành Duy

Đặc biệt, bài học kinh nghiệm rất quan trọng được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhiều lần nhấn mạnh trên các diễn đàn của tỉnh và luôn lưu ý đầu tiên khi làm việc với ban thường vụ các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc là phải đặc biệt chú trọng giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong cấp ủy, tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và sự ủng hộ của nhân dân; chấp hành nghiêm quy chế làm việc, thực hiện tốt cơ chế thông tin, trao đổi, phối hợp để xử lý hiệu quả các vấn đề đặt ra trong thực tiễn vì mục tiêu chung là sự phát triển của tỉnh.

Có thể nói, quá trình triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, đã khẳng định rõ ý chí và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà. Với tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, cùng sự đổi mới sáng tạo, Nghệ An đã đạt được những thành tựu to lớn, tạo nên nền tảng vững chắc để tỉnh bước vào giai đoạn phát triển mới, “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”!

Thành công rất lớn trong nhiệm kỳ này là Nghệ An đã chủ động, tích cực đề xuất, phối hợp các bộ, ngành tham mưu Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ ban hành các cơ sở chính trị, pháp lý tạo nền tảng cho sự phát triển trong giai đoạn mới gồm: Nghị quyết số 39/NQ-TW, ngày 18/7/2023 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 36/2021/QH15, ngày 13/11/2021 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết số 137/2024/QH15, ngày 13/11/2021 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Quyết định số 1059/QĐ-TTg, ngày 14/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quốc lộ 1A đoạn qua cầu Cấm (Nghi Lộc). Ảnh: Nhật Thanh
Quốc lộ 1A đoạn qua cầu Cấm (Nghi Lộc). Ảnh: Nhật Thanh

>> Kỳ 1: Nhìn thẳng vào sự thật
>> Kỳ 2: Chìa khóa ‘trọng tâm, trọng điểm’
>> Kỳ 3: Quyết ‘Nhổ đinh dưới thảm’
>> Kỳ 4: Chủ động đón sóng đầu tư, vươn tầm thu hút FDI

Kiến tạo nền móng vững chắc cho giai đoạn phát triển mới - Kỳ cuối: Sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO