Xây dựng Đảng

Kiến tạo nền móng vững chắc cho giai đoạn phát triển mới - Kỳ 2: Chìa khóa ‘trọng tâm, trọng điểm’

Thành Duy, Đức Dũng 03/10/2024 08:35

Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Nghệ An kiên định với quan điểm lãnh đạo: “Trọng tâm, trọng điểm” trong mọi quyết sách. Đây là cách tiếp cận mới, mang tính đột phá, nhằm tối ưu hóa việc huy động và phân bổ nguồn lực vào những khu vực, lĩnh vực có tiềm năng vượt trội, từ đó tạo động lực phát triển, lan tỏa mạnh mẽ trên toàn tỉnh.

nghiquyetdaihoi-b2-cover.png
nqdaihoi-b2-tit.png

Đức Chuyên - Thành Duy • 3/10/2024

Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Nghệ An kiên định với quan điểm lãnh đạo: “Trọng tâm, trọng điểm” trong mọi quyết sách. Đây là cách tiếp cận mới, mang tính đột phá, nhằm tối ưu hóa việc huy động và phân bổ nguồn lực vào những khu vực, lĩnh vực có tiềm năng vượt trội, từ đó tạo động lực phát triển, lan tỏa mạnh mẽ trên toàn tỉnh.

nqdaihoi-b2-titphu1.png

Quỳnh Lộc là một xã thuần nông ở phía Đông Bắc thị xã Hoàng Mai, sinh kế của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Tuy nhiên, trong khoảng 2 năm trở lại đây, khi mà các dự án FDI hàng trăm triệu USD đầu tư vào Khu công nghiệp Hoàng Mai I đóng trên địa bàn thì quỹ đạo phát triển của xã đang xoay trục. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Hữu Túy cho biết: Các dự án nhà máy sản xuất linh kiện sản phẩm điện tử và phụ tùng ô tô Ju Teng thuộc Tập đoàn Quốc tế Ju Teng; Nhà máy sản xuất thanh silic đơn tinh thể và đĩa bán dẫn của Công ty TNHH Công nghệ Runergy PV Technology… khởi động đã góp phần làm thay đổi cơ cấu kinh tế vùng đất nơi địa đầu xứ Nghệ. Đặc biệt, lĩnh vực dịch vụ, thương mại phát triển, giảm tỷ trọng sản xuất nông nghiệp.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Tập đoàn Ju Teng và các đại biểu thực hiện nghi lễ khởi công dự án. Ảnh: Thành Duy
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Tập đoàn Ju Teng và các đại biểu thực hiện nghi lễ khởi công dự án tại Khu công nghiệp Hoàng Mai I. Ảnh: Thành Duy

Hoạt động dịch vụ, thương mại trên địa bàn được mở rộng, có thêm nhà trọ tư nhân mới, cửa hàng ăn uống phục vụ người lao động tại khu công nghiệp. Dịch vụ cung ứng nhân lực tăng nhanh, chủ yếu là cung ứng lao động cho khu công nghiệp, nhiều lao động trước đây đi làm ăn xa, nay đã trở về quê làm việc. "Riêng 9 tháng đầu năm 2024, toàn địa bàn xã Quỳnh Lộc giải quyết việc làm mới cho 175 người", ông Nguyễn Hữu Túy phấn khởi cho biết.

Kinh tế phát triển, đời sống của người dân tăng nhanh, nếu như năm 2020 giá trị gia tăng bình quân đầu người mới chỉ đạt 46,88 triệu đồng thì đến hết năm 2023 đã đạt 63,65 triệu đồng và đang hướng đến mục tiêu 79 triệu đồng vào năm 2025. Thu ngân sách của xã Quỳnh Lộc đạt con số ấn tượng, trong năm nay đang phấn đấu đạt gần 20 tỷ đồng, nghĩa là gần tương đương với một số huyện miền Tây của tỉnh; con số này cũng đưa xã trở thành đơn vị tự cân đối được ngân sách. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Hữu Túy cho hay: Hiện xã Quỳnh Lộc đang tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, phấn đấu xây dựng trở thành phường.

Hoạt động sản xuất tại Khu công nghiệp Hoàng Mai I. Ảnh: T.L
Hoạt động sản xuất tại Khu công nghiệp Hoàng Mai I. Ảnh: Thanh Lê

Câu chuyện trở mình của xã Quỳnh Lộc cũng là bức tranh chung của 10 phường, xã của thị xã Hoàng Mai. Mới đây, trong chuyến làm việc của lãnh đạo tỉnh tại thị xã, đồng chí Lê Đức Cường - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy và cũng là nguyên lãnh đạo của huyện Quỳnh Lưu hồi tưởng: Trước đây, địa bàn TX. Hoàng Mai được xem là “vùng sâu, vùng xa” của huyện Quỳnh Lưu, kinh tế, xã hội khó khăn so với mặt bằng chung nhưng nay đã có bước phát triển mới, rõ dáng dấp đô thị.

Trong tầm nhìn chiến lược, tỉnh Nghệ An xác định thị xã Hoàng Mai nằm ở cửa ngõ phía Bắc của tỉnh, thuộc vùng kinh tế trọng điểm của vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ là “cực tăng trưởng phía Bắc” của tỉnh. Chính thức thành lập từ năm 2013, trong khoảng 7 năm đầu tiên, thị xã trẻ đối mặt với nhiều khó khăn, sức bật thực sự chưa rõ rệt. Bước vào nhiệm kỳ 2020-2025, Nghệ An đã dồn lực thu hút đầu tư vào địa bàn thị xã thông qua việc hồi sinh Khu công nghiệp Hoàng Mai I, khi chuyển chủ đầu tư sang nhà phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Hoàng Thịnh Đạt. Nhà đầu tư mới đã mang đến "luồng gió mới", Khu công nghiệp Hoàng Mai I gần 265ha nhanh chóng đón các “đại bàng” lớn về làm tổ.

Khu công nghiệp Hoàng Mai I có diện tích gần 265ha cơ bản đã được lấp đầy. Ảnh: Thành Cường
Khu công nghiệp Hoàng Mai I có diện tích gần 265ha cơ bản đã được lấp đầy. Ảnh: Thành Cường

Hiện nay, trên địa bàn thị xã đang tiếp tục triển khai Khu công nghiệp Hoàng Mai II gần 335ha, là một trong 2 dự án hạ tầng khu công nghiệp trọng điểm, tỉnh đang rốt ráo chỉ đạo sớm bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư để kịp đón 490 triệu USD vốn FDI trong năm nay. Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Hoàng Mai Lê Trường Giang cho biết: Thu hút đầu tư vào địa bàn có nhiều khởi sắc với nhiều dự án có tính chất động lực, phù hợp với định hướng. Tổng vốn FDI đăng ký vào thị xã đạt 715 triệu USD.

Thị xã trẻ Hoàng Mai đã vươn lên trở thành 1 trong 3 nền kinh tế lớn nhất của tỉnh Nghệ An, một trung tâm công nghiệp công nghệ cao, với quy mô giá trị sản xuất năm 2023 đạt 22.448 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2020 - 2023, đạt cao, 13,69%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng, công nghiệp, dịch vụ chuyển dịch khá nhanh, hiện đạt 83,04%. Thu nhập bình quân đầu người cũng đã lên đến 81,4 triệu đồng/năm, cao hơn bình quân của tỉnh. Thu ngân sách liên tục tăng, năm 2023 đạt 597,2 tỷ đồng. Dáng dấp một đô thị công nghiệp, dịch vụ “dọc sông, hướng biển” năng động, hiện đại ở cực Bắc Nghệ An đang dần hình thành.

Toàn cảnh thị xã Hoàng Mai. Ảnh minh họa: Hồ Long
Toàn cảnh thị xã Hoàng Mai. Ảnh: Hồ Long

Sự phát triển mạnh mẽ của vùng đất nơi “địa đầu xứ Nghệ” trong một thời gian ngắn, được xem là ví dụ sinh động chứng minh cho tính đúng đắn trong thay đổi tư duy phát triển từ “dàn hàng ngang cùng tiến” sang lựa chọn “tọa độ ưu tiên” để đầu tư phát triển theo phương châm “trọng tâm, trọng điểm” của tỉnh Nghệ An.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, để phác họa ra bức tranh phát triển của tỉnh trong 10 năm, 30 năm tới, làm căn cứ để tổ chức thực hiện ổn định, lâu dài; xóa bỏ “tư duy nhiệm kỳ”, Nghệ An rất coi trọng và xác định quy hoạch phải đi trước một bước nên đã bắt tay vào xây dựng ngay Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, và là một trong những địa phương sớm nhất cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nội dung của quy hoạch đã thể hiện được tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, mở ra các không gian phát triển, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh, của từng vùng, địa phương, với mũi đột phá theo mô hình “hai khu vực động lực tăng trưởng; ba đột phá chiến lược; bốn hành lang kinh tế; năm ngành, lĩnh vực trụ cột và sáu trung tâm đô thị”.

Tiến sĩ, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Ủy viên phản biện quy hoạch tỉnh của Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đánh giá: “Quy hoạch tỉnh Nghệ An có ý nghĩa rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Nội dung quy hoạch tập trung một cách rất toàn diện cho việc nghiên cứu về thực trạng nền kinh tế - xã hội, tài nguyên môi trường cũng như hiện trạng, thuận lợi, cơ hội, thách thức để từ đó khai thác một cách tốt nhất tiềm năng về kinh tế - xã hội của tỉnh”.

TranNgocChinh quotes

Lập quy hoạch chất lượng quan trọng một, thì khâu tổ chức thực hiện quy hoạch quan trọng mười. Quan điểm mới của tỉnh là ưu tiên phát triển phía Đông để dẫn dắt, kéo phía Tây phát triển; lấy phát triển phía Đông làm động lực, phía Tây theo hướng bền vững. Trên cơ sở đó, Nghệ An ưu tiên dồn lực cho hai khu vực động lực tăng trưởng (thành phố Vinh mở rộng và Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An mở rộng) và phát triển hành lang kinh tế ven biển nhằm phát huy thế mạnh về hạ tầng kết nối được hoàn thiện, đặc biệt là trục Quốc lộ 1A, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường ven biển, đường sắt quốc gia và đường biển. Đồng tình quan điểm này, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế - xã hội của tỉnh cho rằng, không thể phát triển tất cả cùng một lúc được, mà cần phải lựa việc để làm. “Những chỗ nào phát triển mà tạo động lực lan tỏa nhất thì cần nhắc ưu tiên trước và tập trung cao độ”, ông nhấn mạnh.

Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 xác định 4 hàng lang kinh tế, trong đó giai đoạn hiện nay, tỉnh tập trung ưu tiên phát triển Hành lang kinh tế ven biển phía Đông. Ảnh: Thành Duy
Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định 4 hành lang kinh tế, trong đó giai đoạn hiện nay, tỉnh tập trung ưu tiên phát triển Hành lang kinh tế ven biển phía Đông. Ảnh: Thành Duy

Cùng với hoàn thành quy hoạch chung của tỉnh, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Nghệ An đã thông qua và ban hành các nghị quyết, đề án quan trọng, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh nổi trội của các địa phương trong tỉnh như: Đề án mở rộng Khu Kinh tế Đông Nam; Nghị quyết xây dựng và phát triển thành phố Vinh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết xây dựng và phát triển huyện Đô Lương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án quy hoạch xây dựng đô thị Phủ Diễn mở rộng, phấn đấu xây dựng huyện đạt đô thị loại III và trở thành thị xã trước năm 2030... và sắp tới sẽ ban hành nghị quyết về “xây dựng, phát triển huyện Diễn Châu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Quang cảnh thị trấn Diễn Châu, huyện Diễn Châu. Ảnh tư liệu: Xuân Hoàng
Huyện Diễn Châu được quy hoạch là 1 trong 6 trung tâm đô thị của tỉnh và đang được dồn lực đầu tư để đủ điều kiện, tiêu chuẩn được công nhận thị xã trước năm 2030. Ảnh: Xuân Hoàng

Trong năm 2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 18/9/2014 về xây dựng và phát triển thị xã Hoàng Mai đến năm 2020 và những năm tiếp theo; đồng thời sẽ ban hành nghị quyết mới nhằm tạo động lực mới cho sự bức tốc sớm trở thành một đô thị “dọc sông, hướng biển” xứng tầm ở cực Bắc Nghệ An.

nqdaihoi-b2-titphu2.png

Tháng 8/2024, đại lộ Vinh - Cửa Lò, là đại lộ rộng nhất Nghệ An chính thức thông xe và đưa vào sử dụng trong niềm phấn khởi của người dân cũng như du khách khi về Cửa Lò. Công trình trọng điểm của tỉnh hoàn thành tạo ra một trục giao thông hiện đại, rộng thoáng, kết nối nâng tầm đô thị Vinh mở rộng bao gồm sáp nhập thị xã Cửa Lò và 4 xã của huyện Nghi Lộc.

Trước khi khánh thành và đưa vào sử dụng, đại lộ rộng nhất Nghệ An có “số phận” khá truân chuyên khi thời gian triển khai kéo dài đến gần 13 năm. Nguyên nhân chính vẫn là thiếu vốn! Nên dự án phê duyệt từ năm 2010, khởi công năm 2011, đến 2015 thì tạm dừng, cho đến tháng 11/2017 mới tái khởi động thi công. Năm 2021, tuyến đại lộ trọng điểm của tỉnh mới hoàn thành giai đoạn 1, với mỗi chiều 2 làn xe, rộng 9m. Bước vào nhiệm kỳ 2020-2025, Nghệ An quyết tâm huy động, bố trí nguồn vốn 1.415 tỷ đồng để hoàn thành giai đoạn 2. Chính vì vậy, thay vì triển khai ỳ ạch, kéo dài cả 10 năm như giai đoạn 1, thì giai đoạn 2 của dự án được thi công thần tốc. Khởi công từ tháng 7/2022, tiến độ hoàn thành theo hợp đồng đến tháng 7/2025, nhưng đến tháng 8/2024, toàn tuyến 12 làn đường, bao gồm 8 làn đường 2 chiều dành cho ô tô thi công giai đoạn 2 đã thông xe. Đây cũng là minh chứng cho thấy sự hiệu quả khi bố trí sử dụng vốn đầu tư công trọng tâm, trọng điểm của tỉnh trong nhiệm kỳ này.

Đại lộ Vinh - Cửa Lò trục kết nối nâng tầm đô thị Vinh mở rộng. Ảnh: Thành Cường
Đại lộ Vinh - Cửa Lò trục kết nối nâng tầm đô thị Vinh mở rộng. Ảnh: Thành Cường

Dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Nghệ An khoảng 560 nghìn tỷ đồng (vốn ngân sách nhà nước, vốn ODA, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn đầu tư của các doanh nghiệp, vốn đầu tư khu vực dân cư). Trong đó, tổng nguồn vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước tỉnh Nghệ An được giao 39.154,4 tỷ đồng (không bao gồm vốn bố trí cho các dự án trọng điểm, có tính chất liên tỉnh, liên vùng và các chương trình mục tiêu Quốc gia). Tuy nhiên, do nhu cầu lớn, phương án bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 mới chỉ đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu các dự án khởi công mới của các ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh.

"Con đông, của khó”, đòi hỏi tỉnh phải “liệu cơm gắp mắm” cho phù hợp, không thể cứ “dĩ hòa vi quý”, phân bổ mỗi địa phương một ít, hệ quả là số lượng công trình khởi công nhiều nhưng lại thi công ỳ ạch, chậm đưa vào sử dụng, gây lãng phí. Việc chuyển đổi tư duy bố trí vốn “trọng tâm, trọng điểm”, lấy nội lực làm căn bản, ngoại lực là quan trọng, kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, tỉnh đã tạo ra nguồn lực tổng hợp tối ưu cho phát triển, thực sự là một “cuộc cách mạng” từ nhận thức đến hành động, từ lý luận đến thực tiễn.

Thi công Dự án cầu Thanh Nam nối thị trấn Con Cuông và các xã tả ngạn sông Lam với nguồn vốn đầu tư công hơn 90 tỷ đồng. Ảnh: Hoài Thu
Thi công Dự án cầu Thanh Nam nối thị trấn Con Cuông và các xã tả ngạn sông Lam với nguồn vốn đầu tư công hơn 90 tỷ đồng. Ảnh tư liệu: Hoài Thu

Trên tinh thần đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ khóa XIX của Đảng bộ tỉnh, nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn của giai đoạn 2021-2025 của HĐND tỉnh đã cụ thể hóa quan điểm trên của văn kiện đại hội, thể hiện tư duy mới là vừa tập trung bố trí vốn để hoàn thành các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025 sớm đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả; còn đối với các dự án khởi công mới, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế; các dự án giao thông có tính liên kết vùng, có tác động lan tỏa.

Nói về trọng tâm, trọng điểm trong đầu tư công, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý cho biết: Nếu như giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có hơn 1.275 dự án đầu tư công, thì trong giai đoạn 2021- 2025 chỉ còn lại hơn 126 công trình đầu tư mới.

Quá trình thực hiện, tỉnh chỉ đạo rất sát sao, xem công tác giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, cần được tập trung quan tâm chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trước hết là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành; đặc biệt đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; phân công, phân nhiệm các đồng chí lãnh đạo phụ trách từng dự án, nhóm dự án; đặc biệt là ở các đơn vị có kế hoạch vốn lớn. Bên cạnh đó, tỉnh yêu cầu lập kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án theo từng tháng, từng quý; bám sát, nắm chắc tình hình triển khai từng dự án, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đối với các dự án chậm giải ngân tiến hành điều chuyển cho dự án có tiến độ giải ngân tốt hơn.

Có thể nói, phát huy phương châm “trọng tâm, trọng điểm” trong lựa chọn “tọa độ ưu tiên” phát triển khi cụ thể hóa quy hoạch tỉnh và trong bố trí nguồn lực đầu tư công từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã mang lại kết quả rất rõ nét, đặc biệt là hạ tầng giao thông trọng điểm, góp phần hoàn thiện hạ tầng chiến lược nhằm phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, thu hút các thành phần kinh tế khác, thu hút đầu tư. Vốn đầu tư công thực sự đã trở thành nguồn “vốn mồi” để khai thác tối đa các nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác.

Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh: Trân Châu
Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh: Trân Châu

Gắn với sự hoàn thiện của hạ tầng, hành lang kinh tế phía Đông Nghệ An đang trở thành một hàng lang công nghiệp rất sôi động, với các khu công nghiệp lớn như: VSIP 1 (367,6ha); VSIP 2 (500ha); WHA (498ha); Nam Cấm (371,15ha); Bắc Vinh (60,16ha); Hoàng Mai I (264,77ha); Hoàng Mai II (334,79ha); Đông Hồi (457,07ha)… trải dài từ Hưng Nguyên, TP. Vinh, Nghi Lộc, Diễn Châu và Hoàng Mai. Các địa phương trên đều tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa, đều nằm trong tốp đầu có quy mô nền kinh tế lớn của tỉnh, đóng góp lớn vào quy mô GRDP của Nghệ An.

(Còn nữa)


>> Trang chủ
>> Kỳ 1: Nhìn thẳng vào sự thật
>> Kỳ 3: Quyết “Nhổ đinh dưới thảm”
>>
Kỳ 4: Chủ động đón sóng đầu tư, vươn tầm thu hút FDI
>> Kỳ cuối: Sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới

Kiến tạo nền móng vững chắc cho giai đoạn phát triển mới - Kỳ 2: Chìa khóa ‘trọng tâm, trọng điểm’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO