Xã hội

Khó trong dạy học văn hóa hệ 9+ tại trường nghề ở Nghệ An

Thanh Nga 04/10/2024 16:22

Hiện nay, nhiều học sinh ở Nghệ An nói riêng sau phân luồng khi tham gia học các trường nghề đều muốn có bằng tốt nghiệp THPT. Nắm bắt được tâm lý này, các trường nghề tổ chức dạy văn hóa theo chương trình 9+. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng có thể tổ chức dạy học một cách tốt nhất, bởi có nhiều yêu cầu, điều kiện các trường khó đáp ứng.

Những bất cập

Lớp 12 của Trường Trung cấp DTNT Nghệ An (đóng tại huyện Con Cuông) năm học 2023 – 2024 vừa kết thúc trong niềm vui chưa trọn vẹn của thầy và trò nhà trường. Bởi kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT của học sinh lớp 12 ở đây không được như mong đợi. Đáng buồn hơn, năm nay lớp học này có 10 em phải nghỉ học vì không theo được các lớp đào tạo văn hóa hệ 9+. Khoảng 20 em còn lại về tại các huyện Tân Kỳ, Anh Sơn… để được học đầy đủ 7 môn văn hóa và tham gia kỳ thi THPT. Trong số các học sinh này việc ôn thi tốt nghiệp THPT quả là điều nan giải khi các em phải nhập học ở các nơi khác nhau, bởi nhà trường không có điều kiện dạy tập trung cho các em.

bna_1412.jpg
Một giờ học văn hóa của học sinh Trường Trung cấp DTNT Nghệ An. Ảnh: Thanh Nga

Thầy giáo Lê Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Trung cấp DTNT Nghệ An cho biết: Dù nhà trường rất muốn liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) – giáo dục nghề nghiệp (GDNN) các huyện để có thể tổ chức lớp học tập trung cho học sinh, nhưng điều kiện hiện nay là không thể, vì như Trung tâm GDTX – GDNN huyện Con Cuông chẳng hạn, chỉ có 3 giáo viên không thể đảm đương việc dạy học 7 môn học văn hóa của lớp 12. Vậy nên, các em phải đi nhiều huyện để được học chương trình lớp 12 và tham gia được kỳ thi THPT.

Điều bất cập này được thầy Tuấn nói đó là vấn đề nan giải của nhà trường trong việc thu hút học sinh sau phân luồng, bởi học sinh trên địa bàn và vùng phụ cận mà nhà trường thu hút được rất nhiều em mong muốn có 2 bằng sau khi tốt nghiệp tại trường nghề.

Trường Trung cấp DTNT Nghệ An hiện có gần 500 học sinh đang theo học thì có hơn 100 em mong muốn có song song 2 bằng sau khi tốt nghiệp. Hai năm học lớp 10 – 11 vì khối lượng kiến thức chưa nhiều, nên đội ngũ nhà trường và trung tâm GDTX – GDNN trên địa bàn vẫn có thể đảm đương, nhưng đến lớp 12 vì khối lượng kiến thức lớn, các em phải tập trung ôn thi nước rút để tham gia kỳ thi THPT. Do đó, để học sinh lớp 12 có bằng tốt nghiệp THPT thì nhà trường phải liên kết được với trung tâm GDTX các nơi khác thì mới đủ điều kiện dạy văn hóa cho học sinh.

“Sở dĩ công tác liên kết khó khăn vì các trung tâm đa số cũng thiếu giáo viên nên buộc chúng tôi phải chia nhỏ số lượng học sinh của mình đi các trung tâm. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý, bên cạnh đó, học sinh cũng gặp nhiều vất vả trong việc ổn định chỗ ăn ở, điều kiện tập trung để ôn thi".

Ông Lê Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Trung cấp DTNT Nghệ An

giờ học văn hoá của trường Trung cấp KT - KT Nghi Lộc
Giờ học văn hóa của Trường Trung cấp KT - KT Nghi Lộc. Ảnh: Thanh Nga

Trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật Nghi Lộc cũng gặp nhiều khó khăn trong việc dạy văn hóa khi học sinh phải học song song 2 bằng, vừa có bằng nghề vừa có bằng tốt nghiệp THPT. Từ nhiều năm nay, nhà trường liên kết với Trung tâm GDTX số 2 của tỉnh để dạy văn hóa cho học sinh. Tuy nhiên, từ đây xảy ra nhiều bất cập vì số lượng học sinh của trường đông, trong khi lực lượng giáo viên của trung tâm cũng hạn chế, trung tâm lại còn đảm nhiệm liên kết với nhiều đơn vị trường nghề khác trong việc dạy văn hóa. Thế nên, nhiều năm nay Trường Trung cấp KT – KT Nghi Lộc phải tìm và giới thiệu giáo viên dạy các môn văn hóa cho trung tâm thực hiện hợp đồng thỉnh giảng, nhằm đảm bảo số lượng.

Về điều này, Hiệu trưởng Trường Trung cấp KT – KT Nghi Lộc - thầy Lương Anh Tuấn cho biết: Đảm bảo có bằng tốt nghiệp THPT là điều kiện thu hút học sinh sau phân luồng, thế nhưng, việc một nơi giảng dạy, một nơi quản lý sẽ xảy ra nhiều bất cập. Hơn nữa, vì có nhiều trường nghề sẽ liên kết với trung tâm nên xảy ra việc thiếu giáo viên là điều tất yếu.

Vì sao phải liên kết với trung tâm GDTX?

bna _ Học nghề sửa chữa điện tử
Học nghề sửa chữa điện tử ở Trường Trung cấp DTNT Nghệ An. Ảnh: Thanh Nga

Theo quy định của Luật Giáo dục 2019, chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) và chương trình GDTX cấp THPT phải thực hiện với thời lượng đủ 3 năm. Nhưng Luật GDNN 2014 lại quy định thời gian đào tạo trình độ trung cấp theo niên chế đối với người có bằng tốt nghiệp THCS trở lên là 2 năm học. Với khoảng thời gian đó, học viên không thể vừa học chương trình trung cấp, vừa hoàn thành được chương trình văn hóa.

Đầu tháng 8/2022, Bộ GD&ĐT cũng ban hành Chương trình GDTX cấp THPT mới - nằm trong khung chương trình tổng thể giáo dục phổ thông 2018, được thực hiện từ năm học 2022-2023 đối với lớp 10. Chương trình gồm 7 môn học, thời gian mỗi năm học là 35 tuần/lớp và phải học đủ 3 năm mới đủ điều kiện thi cấp bằng tốt nghiệp THPT - điều kiện quan trọng để những học sinh học trung cấp nghề có thể thi liên thông lên đại học. Do đó, để học viên sau khi tốt nghiệp THCS có thể hoàn thành chương trình 7 môn học ở cấp THPT hệ GDTX, các trường nghề bắt buộc phải phối hợp, liên kết với các Trung tâm GDNN - GDTX để tổ chức dạy học.

học Kỹ thuật chế biến món ăn
Học Kỹ thuật chế biến món ăn tại Trường Trung cấp KT - KT Hồng Lam. Ảnh: NTCC

Luật GDNN 2014 và Luật Giáo dục 2019 cũng quy định các cơ sở GDNN được tổ chức giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho học sinh đã tốt nghiệp THCS theo quy định của Bộ GD&ĐT. Nhưng điều kiện của các trường xét về tổng quỹ thời gian đào tạo chỉ đủ để dạy chương trình 4 môn. Người đứng đầu các cơ sở này được quyền cấp Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT chương trình 4 môn.

Tuy nhiên, giấy này không đủ điều kiện để dự thi và cấp bằng tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, theo một số liệu thống kê của Bộ LĐ,TB&XH, có đến 80% trong số 350.000 học viên tốt nghiệp THCS vào học trình độ trung cấp hàng năm vừa có nhu cầu học nghề, vừa muốn tiếp tục học văn hóa.

học nghề may
Học sinh học nghề may tại Trường Trung cấp KT - KT Hồng Lam. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh hệ thống trung tâm GDTX với chỉ tiêu biên chế giáo viên ít, có trung tâm không tuyển được giáo viên, cơ sở vật chất chưa được đầu tư đồng bộ. Do vậy, các cơ sở GDNN rơi vào thế bị động và chất lượng đào tạo cũng bị ảnh hưởng.

Trong việc dạy văn hóa theo chương trình 9+ chúng tôi thực hiện liên kết với Trung tâm GDTX số 2 của tỉnh để đáp ứng yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thế nhưng, về lực lượng giáo viên dạy văn hóa chúng tôi đã có đủ. Nên việc thực hiện liên kết cũng chỉ là công tác nhằm hợp thức hóa và giáo viên bên trung tâm chỉ phụ trách ít môn học mà thôi”.

Ông Phan Xuân Dũng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Hồng Lam

Hiệu trưởng Lê Anh Tuấn (Trường Trung cấp DTNT Nghệ An) trao đổi thêm: Việc giáo viên trường mình đứng lớp dạy, nhưng chuyện quản lý phải phụ thuộc vào một bên khác có thể sẽ gặp phải những phát sinh khó khăn về tuyển sinh, hồ sơ đào tạo...

Ông Tuấn cũng đề nghị cần phải linh hoạt, cho phép các cơ sở dạy nghề có đủ điều kiện tổ chức và quản lý việc dạy văn hóa. Việc này cũng tăng trách nhiệm cho các trường trong việc đảm bảo chất lượng, đồng thời, tạo chủ động cho cơ sở đào tạo linh hoạt sắp xếp chương trình, nâng cao chất lượng đào tạo. Cách quản lý đó trước hết mang lại lợi ích cho người học, khuyến khích nhiều người học chọn con đường học nghề, thúc đẩy mục tiêu phân luồng sau THCS.

Thanh Nga